Trước khi tham gia phỏng vấn ở bất kỳ vị trí nào, ứng viên chắc chắn phải dành thời gian tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp đó. Nên tìm hiểu thông tin gì, bằng cách nào và sử dụng chúng trong buổi phỏng vấn ra sao? Hãy cùng SAPP tìm câu trả lời nhé!
Mục lục
1. Tại sao cần tìm hiểu thông tin doanh nghiệp trước khi tham gia phỏng vấn?
2. Các thông tin doanh nghiệp mà ứng viên cần tìm hiểu
2.1 Tên doanh nghiệp và tính minh bạch của công ty
2.2 Quy mô, trụ sở của doanh nghiệp
2.3 Lĩnh vực, sản phẩm và mô hình kinh doanh (Business Model) của doanh nghiệp
2.4 Văn hóa của doanh nghiệp
2.5 Người đứng đầu doanh nghiệp/bộ phận mà bạn ứng tuyển
Lời kết
1. Tại sao cần tìm hiểu thông tin doanh nghiệp trước khi tham gia phỏng vấn?
Cùng SAPP khám phá 03 lý do được đưa ra khi đề cập đến tầm quan trọng của việc tìm hiểu doanh nghiệp trước khi phỏng vấn, bao gồm:
- Việc tìm hiểu này giúp bạn trang bị kiến thức cơ bản về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như cùng là Risk Management nhưng vị trí này tại line Consulting tại KPMG Việt Nam sẽ có sự khác biệt về mục tiêu phân tích, đánh giá rủi ro so với công ty chứng khoán VnDirect.
Nắm được những thông tin cơ bản về ngành nghề sẽ giúp ứng viên chuẩn bị nền tảng kiến thức về một số câu hỏi liên quan đến lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động như: các sự kiện nổi bật; xu hướng thay đổi của ngành trong giai đoạn gần đây;...
Ví dụ: nếu bạn nạp đơn ứng tuyển cho vị trí Equity Research Analyst, thì bạn chắc chắn phải biết thị trường Trái phiếu giai đoạn năm 2023 - 2024 đang có những thay đổi gì từ các chính sách mà chính phủ ban hành.
- Đảm bảo mình đang ứng tuyển vào môi trường uy tín: Gia nhập vào doanh nghiệp bền vững, đáng tin cậy sẽ giúp bạn có thể yên tâm thể hiện năng lực của bản thân. Ứng viên sẽ có thể đánh giá tính ổn định, uy tín qua quá trình tìm hiểu về công ty. Các khía cạnh được xét đến bao gồm: sự minh bạch, hợp lệ về mặt pháp lý và vị thế trong ngành, tính liên tục trong hoạt động của doanh nghiệp.
- Có thể đánh giá được sự phù hợp của vị trí ứng tuyển: Hiểu về văn hóa doanh nghiệp và lộ trình phát triển là cơ sở để ứng viên xác định được sự đồng điệu giữa định hướng phát triển của công ty và bản thân. Từ đó, bạn có thể đưa ra các quyết định thông minh hơn về việc tham gia phỏng vấn.
Có thể thấy rằng, tìm hiểu kỹ về thông tin của doanh nghiệp là điều kiện để đảm bảo bạn lựa chọn môi trường phù hợp với mục tiêu và lộ trình sự nghiệp của mình. Vậy những yếu tố nào cần được xét đến khi tìm hiểu thông tin của một công ty? Tất cả sẽ được bật mí ở phần tiếp theo.
2. Các thông tin doanh nghiệp mà ứng viên cần tìm hiểu
2.1 Tên doanh nghiệp và tính minh bạch của công ty
Lịch sử hoạt động của tổ chức có thể sẽ gắn liền với quá trình đổi tên. Theo chiều hướng tích cực, quá trình này gắn với xu hướng tái cấu trúc và mở rộng quy mô. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số trường hợp công ty gặp trục trặc và buộc phải đổi tên hoặc sáp nhập để tiếp tục giao dịch trên thị trường.
Có nhiều hình thức để tìm hiểu về tên doanh nghiệp, điển hình như:
- Quan sát bản tin tuyển dụng hoặc Job Description (Mô tả công việc);
- Theo dõi các kênh truyền thông của đơn vị tuyển dụng (Website, Facebook…);
Xác định tính minh bạch của doanh nghiệp sẽ góp phần đảm bảo rằng bạn sẽ làm việc trong môi trường công bằng, tin cậy và được pháp luật công nhận. Ứng viên có thể tham khảo các phân tích từ đơn vị uy tín, Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp để từ đó đưa ra quyết định.
Nếu tìm kiếm theo cú pháp “Tên công ty + Mã số thuế” và nhận được kết quả gồm: Tên đăng ký kinh doanh, Mã số thuế, Người đại diện, Địa chỉ… thì đây là đơn vị được công nhận bởi pháp luật. Nếu các thông tin này không xuất hiện thì đó là doanh nghiệp chưa chính thức được pháp luật thừa nhận. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc đảm bảo các chính sách Bảo hiểm xã hội và phúc lợi khác cho nhân viên.
2.2 Quy mô, trụ sở của doanh nghiệp
Quy mô của doanh nghiệp cho thấy sự phát triển và tính ổn định của công ty. Một doanh nghiệp lớn và có quy mô mở rộng thường tạo ra nhiều cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên.
Tìm hiểu về văn phòng của doanh nghiệp giúp bạn biết được các địa điểm làm việc của công ty là xa hay gần so với nơi ở của mình. Ngoài ra, phạm vi hoạt động và văn phòng làm việc sẽ là yếu tố quan trọng nếu ứng viên tìm kiếm cơ hội luân chuyển, trao đổi ở môi trường quốc tế.
Bạn có thể tìm kiếm thông tin này tại phần Giới thiệu (About) trên Website/LinkedIn của công ty.
2.3 Lĩnh vực, sản phẩm và mô hình kinh doanh (Business Model) của doanh nghiệp
Đam mê và có sự đồng điệu về sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp là động lực giúp nhân viên đạt được hiệu suất công việc và duy trì khả năng gắn bó lâu dài. Ứng viên có thể tìm thấy thông tin này tại phần About (Giới thiệu) trên cổng thông tin website của doanh nghiệp.
Chuyên gia Tài chính Michael Lewis đã định nghĩa về Mô hình kinh doanh (Business Model) là “cách bạn lên kế hoạch kiếm tiền”. Vì vậy, bản chất của thuật ngữ này là kế hoạch để công ty có thể thúc đẩy khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của mình. Từ đó tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Một mô hình kinh doanh đạt chuẩn cần giải quyết được 4 câu hỏi lớn:
- Khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp của bạn đang phục vụ là ai?
- Doanh nghiệp của bạn có thể tạo ra/tạo thêm giá trị nào cho khách hàng?
- Phương thức hoạt động của doanh nghiệp là gì?
- Làm thế nào để kinh doanh sinh lời và thu được lợi nhuận?
Có nhiều mô hình kinh doanh (Business Model) khác nhau. Trong đó, điển hình tại thị trường Việt Nam bao gồm: Nhà sản xuất (Manufacturer); Nhà phân phối (Distributor); Nhà bán lẻ (Retailer); Nhượng quyền thương mại (Franchise); Kinh doanh trả phí (Freemium); Kinh doanh đăng ký (Submission); Ecommerce; Dropshipping và Agency-Based…
Ứng viên có thể quan sát và đưa ra phán đoán sơ bộ về mô hình kinh doanh (Business Model) của doanh nghiệp bằng các phương thức sau:
- Phân tích tên công ty: Tên và khẩu hiệu của công ty thường thể hiện phần nào về mô hình kinh doanh của họ.
- Quan sát website của công ty: Trang web của công ty thường chứa thông tin về sản phẩm, dịch vụ và cách thức doanh nghiệp tạo giá trị cho khách hàng. Điều này có thể giúp bạn có cái nhìn tổng quan về mô hình kinh doanh (Business model) của đơn vị đó.
- Tìm hiểu ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động: Việc này giúp bạn hiểu rõ hơn về những mô hình kinh doanh phổ biến trong ngành và đưa ra phán đoán về mô hình kinh doanh (Business model) của doanh nghiệp.
- Tra cứu thông tin từ nguồn tin tức và các công cụ tìm kiếm: Tìm các bài viết, báo cáo hoặc tin tức liên quan đến mô hình kinh doanh của công ty.
2.4 Văn hóa của doanh nghiệp
Việc tìm hiểu thông tin này sẽ giúp ứng viên hình dung môi trường, văn hóa làm việc tại nơi bạn đang ứng tuyển trước khi tham gia phỏng vấn. Có nhiều cách để khám phá văn hóa doanh nghiệp, phổ biến nhất là qua các kênh truyền thông của doanh nghiệp: Website, LinkedIn, Fanpage;...
Văn hóa doanh nghiệp bao gồm 2 yếu tố hữu hình và vô hình. Trong đó, ứng viên cần chú ý đến một số điểm nổi bật như sau:
- Các nhân tố cơ bản cấu thành văn hóa doanh nghiệp bao gồm tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi;
- Chế độ đãi ngộ, phúc lợi;
- Sự kiện, các hoạt động gắn kết nội bộ;
- Trang phục đi làm của nhân viên;
- Thái độ, cách thức giao tiếp giữa các thành viên;
Tuy nhiên, các nền tảng này chỉ thể hiện một phần văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy, trao đổi trực tiếp với nhân viên/cựu nhân viên cũng là gợi ý để có cái nhìn toàn cảnh về các hoạt động nội bộ của đơn vị mà bạn đang ứng tuyển.
2.5 Người đứng đầu doanh nghiệp/bộ phận mà bạn ứng tuyển
Người đứng đầu doanh nghiệp/trưởng bộ phận mà bạn ứng tuyển cũng là một câu hỏi có thể xuất hiện trong vòng phỏng vấn. Việc tìm hiểu trước thông tin này thể hiện sự quan tâm của bạn với vị trí và công ty.
Tương tự với tìm kiếm các thông tin về tên, sản phẩm và lĩnh vực kinh doanh của công ty, bạn có thể tra cứu thông tin người đứng đầu qua phần Giới thiệu trên Website, LinkedIn, Fanpage;... Ứng viên cũng có thể sử dụng công cụ tìm kiếm như Google nhưng cần đảm bảo lựa chọn các nguồn thông tin chính xác, cập nhật.
Yếu tố cần quan tâm khi tìm hiểu về người đứng đầu/trưởng bộ phận của một doanh nghiệp:
- Lý lịch;
- Nền tảng học vấn;
- Các kinh nghiệm làm việc trước đây;
- Thành tựu và tầm ảnh hưởng.
Những yếu tố này sẽ góp phần hình thành đánh giá cơ bản về khả năng và phong cách lãnh đạo của người đứng đầu/trưởng bộ phận. Họ là những người tạo nên ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp và đội nhóm. Do đó, xác định sự phù hợp giữa bản thân và triết lý lãnh đạo của cấp quản lý là yếu tố mà ứng viên cần suy xét trong giai đoạn này.
Lời kết
Tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp trước phỏng vấn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự tự tin và ấn tượng tích cực trong mắt nhà tuyển dụng. Hy vọng bài viết này có thể trở thành kim chỉ nam giúp ứng viên gia tăng khả năng thành công. Và đừng quên theo dõi những chủ đề liên quan đến kinh nghiệm thi tuyển tiếp theo tại SAPP nhé!
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:
- Fanpage: SAPP - Customer Support
- Gửi phiếu yêu cầu hỗ trợ: tại đây
- Hotline: 19002225 (Phân nhánh 2)
- Email: support@sapp.edu.vn
- Group cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/everydaywithsapp
- Chương trình Tái đăng ký khóa học: https://sapp.edu.vn/chuong-trinh-tai-dang-ky-khoa-hoc/