[AA/F8] Audit and Assurance (Kiểm toán và Các dịch vụ đảm bảo)
  1. SAPP Knowledge Base
  2. Tự học ACCA (Association of Chartered Certified Accountant)
  3. [AA/F8] Audit and Assurance (Kiểm toán và Các dịch vụ đảm bảo)

[AA/F8: Technical Articles] Gian lận trong báo cáo tài chính - Part 1

Để hiểu được tình hình tài chính của doanh nghiệp, con đường dễ nhất và phổ biến nhất là thông qua phân tích báo cáo tài chính. Một báo cáo tài chính tốt phải thể hiện được thực lực và thế mạnh của doanh nghiệp. Nó không chỉ khiến chính chủ doanh nghiệp cảm thấy hài lòng về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, mà còn là cơ sở để các nhà đầu tư và ngân hàng cân nhắc, xem xét rót vốn vào đầu tư cho doanh nghiệp.
Chính vì liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã sử nhiều chiêu trò gian lận báo cáo tài chính, để có thể làm thay đổi diện mạo tình hình tài chính của doanh nghiệp tích cực hoặc tiêu cực hơn tùy vào mục đích từng thời điểm. Việc này không quá khó để thực hiện vì các chuẩn mực kế toán khá linh hoạt, cho phép áp dụng nhiều phương pháp kế toán, nhiều nghiệp vụ mang tính đánh giá chủ quan của nhà quản lý. Các mánh khoé gian lận cũng không dễ bị phát hiện, vì đó là gian lận các con số và không có sự mất mát tài sản hữu hình. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khó có thể đánh giá cách hạch toán đó là đúng hay sai.
Vậy cụ thể, họ đã làm gì?

1. Ghi nhận doanh thu không có thật

Vào những ngày cuối năm, công ty có thể ghi nhận doanh thu trước khi thực sự xuất hàng để đạt chỉ tiêu về doanh thu. Việc hạch toán doanh thu được thực hiện ngay khi xuất hóa đơn vào ngày cuối năm trong khi sang năm mới, sau nhiều ngày, hàng mới được xuất đi.
Tinh vi hơn, thậm chí có thể hàng còn không được bán. Doanh nghiệp sẽ tạo ra các khách hàng giả mạo thông qua lập chứng từ giả mạo và đầu năm tài chính sau sẽ lập bút toán hàng bán bị trả lại.

2. Tạo nghiệp vụ ảo

Các công ty có thể ký các hợp đồng mua bán với số lượng cao và giá bán tốt với một số công ty mà thực chất là công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty “chị em” trong tập đoàn, nhằm tăng doanh số tạm thời, tạo nhu cầu và giá bán ảo cho hàng hóa của công ty. Khi cần đạt chỉ tiêu lợi nhuận, các công ty cũng có thể “thanh lý” hàng tồn kho hoặc tài sản cố định cho người quản lý hoặc cổ đông công ty. Nhân viên bán hàng cũng có thể thoả thuận với khách hàng lấy nhiều hàng vào cuối năm, sau đó trả lại vào đầu năm sau để được thưởng doanh số.
Một trường hợp khác là công ty vội vàng ghi nhận doanh thu khi khách hàng mới chỉ dùng thử sản phẩm và có quyền trả lại hàng hóa nếu không hài lòng, hoặc hàng xuất đi chỉ là hàng gửi bán mà chưa được bán ra. Đối với một số hàng hóa đặc thù như hoá chất, nhiều công ty còn cho phép khách hàng là những nhà phân phối hoàn trả lại hàng khi sắp hết hạn sử dụng. Mặc dù thường xuyên có một tỉ lệ hàng trả lại nhất định nhưng vào cuối năm, công ty vẫn “quên” lập dự phòng cho số hàng này. Mua hóa đơn cho những chi phí không có thật cũng là một gian lận khá phổ biến.

3. Che giấu công nợ và chi phí

Che giấu công nợ đưa đến giảm chi phí là một trong những kỹ thuật gian lận phổ biến trên Báo cáo tài chính nhằm mục đích khai khống lợi nhuận. Khi đó, lợi nhuận trước thuế sẽ tăng tương ứng với số chi phí hay công nợ bị che giấu. Đây là phương pháp dễ thực hiện và khó bị phát hiện vì thường không để lại dấu vết. Có ba phương pháp chính thực hiện giấu gian lận và chi phí:
– Không ghi nhận công nợ và chi phí, đặc biệt không lập đầy đủ các khoản dự phòng;
– Vốn hoá chi phí;
– Không ghi nhận hàng bán trả lại – các khoản giảm trừ và không trích trước chi phí bảo hành.

4. Định giá sai tài sản

Việc định giá sai tài sản được thực hiện thông qua việc không ghi giảm giá trị hàng tồn kho khi hàng đã hư hỏng, không còn sử dụng được hay không lập đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nợ phải thu khó đòi, các khoản đầu tư ngắn, dài hạn. Các tài sản thường bị định giá sai như là: các tài sản mua qua hợp nhất kinh doanh, tài sản cố định, không vốn hoá đầy đủ các chi phí vô hình, phân loại không đúng tài sản.

5. Ghi nhận sai niên độ

Doanh thu hay chi phí được ghi nhận không đúng với thời kỳ mà nó phát sinh. Doanh thu hoặc chi phí của kỳ này có thể chuyển sang kỳ kế tiếp hay ngược lại để làm tăng hoặc giảm thu nhập theo mong muốn. Đặc biệt là các tháng cuối niên độ và đầu niên độ tiếp theo. Do đó, kiểm toán thường có các thủ tục kiểm tra đặc biệt vào khoảng thời gian chuyển giao giữa các năm tài chính.
 
Các thủ thuật gian lận có rất nhiều, trong khi trình độ của các nhà đầu tư cá nhân, thậm chí một bộ phận kiểm toán viên là có giới hạn, còn động cơ, lợi ích của ban lãnh đạo lại rất đa dạng khi lợi ích ngắn hạn từ thị trường tăng nhanh hơn lợi nhuận tạo ra từ hoạt động kinh doanh, khiến ban lãnh đạo khó tránh khỏi sự cám dỗ này. Vậy cần làm gì để phòng tránh những hành vi trên? Thực tế trên thế giới có những doanh nghiệp nào đã “Cây kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra”? Mời các bạn đón xem ở bài viết tiếp theo.
 
Author: Duy Anh Nguyen