[AA/F8] Audit and Assurance (Kiểm toán và Các dịch vụ đảm bảo)
  1. SAPP Knowledge Base
  2. Tự học ACCA (Association of Chartered Certified Accountant)
  3. [AA/F8] Audit and Assurance (Kiểm toán và Các dịch vụ đảm bảo)

[AA/F8: Technical Articles] Rủi ro kiểm toán (Audit Risk) - Part 1

Đối với những người quan tâm đến tình hình tài chính doanh nghiệp, báo cáo kiểm toán là ý kiến cuối cùng trong việc thẩm định, xác minh tính trung thực, hợp lý của các báo cáo tài chính. Vì vậy, nhu cầu đối với lĩnh vực này ngày càng cao, số lượng các công ty kiểm toán đã ngày càng gia tăng. Trước xu thế hội nhập như ngày nay các công ty kiểm toán độc lập ở Việt Nam luôn phải đặt ra yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ của mình để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và cạnh tranh với các công ty kiểm toán nước ngoài. Tuy nhiên, bất cứ ngành nào cũng chứa đựng những yếu tố rủi ro không mong muốn, và lĩnh vực kiểm toán cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chính vì vậy việc nghiên cứu các yếu tố rủi ro trong kiểm toán là việc không thể thiếu trong bất kỳ cuộc kiểm toán nào. Vậy nên, ta cùng tìm hiểu sâu hơn về rủi ro kiểm toán ở bài viết này nhé.

I. Rủi ro kiểm toán là gì?

Rủi ro kiểm toán (Audit Risk) là rủi ro do kiểm toán viên và công ty kiểm toán đưa ra ý kiến nhận xét không thích hợp khi báo cáo tài chính đã được kiểm toán còn có những sai sót trọng yếu.
Chẳng hạn, kiểm toán viên đưa ra ý kiến rằng báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán đã trình bày trung thực và hợp lý xét trên các khía cạnh trọng yếu, tuy nhiên trên thực tế các báo cáo đã được kiểm toán này vẫn tồn tại các sai phạm trọng yếu mà kiểm toán viên không phát hiện ra trong quá trình kiểm toán. Loại rủi ro này luôn có thể tồn tại, ngay cả khi cuộc kiểm toán được lập kế hoạch chu đáo và thực hiện một cách thận trọng.

II. Nguyên nhân tồn tại rủi ro kiểm toán

Sở dĩ rủi ro kiểm toán là vấn đề mà kiểm toán viên và công ty kiểm toán đều phải đối mặt là do một số nguyên nhân sau:

1. Phạm vi của đối tượng kiểm toán rất rộng

Đó là toàn bộ các yếu tố liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, phương pháp mà kiểm toán viên sử dụng chủ yếu để thu thập bằng chứng trong quá trình kiểm toán là phương pháp chọn mẫu (Sampling method). Quá trình này thông qua việc lựa chọn một số mẫu và dựa trên kết quả đánh giá những mẫu được chọn đó để đưa ra kết luận cho toàn bộ tổng thể. Do vậy mà luôn có khả năng đưa ra kết luận sai do mẫu được chọn không phải là mẫu đại diện.

2. Giới hạn bởi nhiều yếu tố

Các yếu tố như thời gian, chi phí, giới hạn vè nguồn lực, quản lý hay giới hạn từ phía khách thể kiểm toán làm tồn tại rủi ro kiểm toán. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán không thể kiểm tra toàn diện trên tất cả các khoản mục, nghiệp vụ và chu trình liên quan đến đối tượng kiểm toán.

3. Rủi ro kinh doanh

Các doanh nghiệp đều phải đối mặt với rủi ro kinh doanh. Rủi ro kiểm toán là một rủi ro kinh doanh mà các công ty kiểm toán phải xem xét đến trong khi thực hiện cung cấp dịch vụ kiểm toán
Như vậy, xuất phát từ những nguyên nhân trên, có thể thấy được tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro kiểm toán trong quá trình kiểm toán. Đánh giá rủi ro kiểm toán tốt sẽ giúp cho kiểm toán viên xây dựng được các thủ tục kiểm toán và lập kế hoạch kiểm toán phù hợp, đảm bảo thu thập được đầy đủ các bằng chứng đáng tin cậy để đưa ra ý kiến về các báo cáo tài chính.

III. Phân loại rủi ro kiểm toán

Do đối tượng kiểm toán là những thông tin được kiểm toán qua nhiều giai đoạn bằng các bộ máy kiểm toán khác nhau nên rủi ro kiểm toán cũng được xác định tương ứng với đối tượng kiểm toán từng loại:

1. Rủi ro có sai phạm trọng yếu (Risk of material misstatement)

Bao gồm rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát:

Rủi ro tiềm tàng (Inherent Risk)

Là sự tồn tại sai sót trọng yếu trong bản thân đối tượng kiểm toán (tức là tồn tại ngay trong chức năng hoạt động và môi trường quản lí của doanh nghiệp).
Rủi ro tiềm tàng tồn tại một cách độc lập, bất kể doanh nghiệp có tiến hành kiểm toán hay không. Nguồn gốc của loại rủi ro này thường do nguồn cung cấp, do thay đổi công nghệ hay hoạt động của đối tượng cạnh tranh, do điều kiện xã hội, tình hình kinh tế có phát triển ổn định hay không, do điều kiện chính trị và những thay đổi về pháp luật.
Do kiểm toán viên không tạo ra và cũng không kiểm soát rủi ro tiềm tàng, nên họ chỉ có thể đánh giá chúng dựa vào nhiều nguồn thông tin khác nhau. Chẳng hạn, KTV có thể dựa vào kết quả của cuộc kiểm toán năm trước, ví dụ nếu năm trước kết quả kiểm toán chỉ ra rằng không phát hiện sai phạm trọng yếu nào thì KTV nên đánh giá khả năng tiềm ẩn rủi ro tiềm tàng sẽ lớn và phải chú ý nhiều.

Rủi ro kiểm soát (Control Risk):

Là sự tồn tại sai sót trọng yếu mà hệ thống kiểm soát nội bộ không phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nguồn gốc của loại rủi ro này là do duy trì các nhân viên chủ chốt quá lâu, kém năng động, do hoạt động kinh doanh thay đổi về nhiệm vụ chức năng, sự lỏng lẻo trong quá trình quản lí và sử dụng các quỹ, mức độ phức tạp của các nghiệp vụ kinh tế.
Cũng như rủi ro tiềm tàng, KTV không tạo ra rủi ro kiểm soát và cũng không kiểm soát chúng. Họ chỉ có thể đánh giá hệ thống kiểm soát của đơn vị được kiểm toán và từ đó đưa ra mức rủi ro kiểm soát dự kiến.

2. Rủi ro phát hiện (Detection Risk)

Là khả năng mà các thủ tục kiểm toán không phát hiện được các sai phạm trọng yếu. Nguồn gốc của loại rủi ro này là do kiểm toán viên không hiểu rõ bản chất của vấn đề, không có phương pháp kiểm toán thích hợp.
Ngược lại với rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát, KTV phải có trách nhiệm thực hiện cá thủ tục thu thập các bằng chứng kiểm toán nhằm quản lý và kiểm soát đối với rủi ro phát hiện.
 

MỐI QUAN HỆ GIỮA BA LOẠI RỦI RO KIỂM TOÁN THỂ HIỆN Ở CÔNG THỨC SAU:

Audit Risk = Inherent Risk × Control Risk × Detection Risk (%)
 
Author: Duy Anh Nguyen