[AA/F8] Audit and Assurance (Kiểm toán và Các dịch vụ đảm bảo)
  1. SAPP Knowledge Base
  2. Tự học ACCA (Association of Chartered Certified Accountant)
  3. [AA/F8] Audit and Assurance (Kiểm toán và Các dịch vụ đảm bảo)

[AA/F8: Tóm tắt kiến thức] Lesson 16: Kiểm toán nợ phải trả và nguồn vốn và thu nhập của giám đốc (Liabilities and Capital, Directors’ emoluments)

Trong bài hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về thủ tục kiểm toán các khoản phải trả, vốn cổ phần, các khoản vốn dự trữ và khoản lương thưởng của Ban giám đốc.

I. Kiểm toán các khoản phải trả và trích trước

1. Định nghĩa

Nợ phải trả là các nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp, phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua mà doanh nghiệp sẽ phải thanh toán từ các nguồn lực của mình. Nợ phải trả thường được phân chia thành nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

Khoản trích trước là các khoản phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đã nhận được từ người bán hoặc đã cung cấp cho người mua trong kỳ báo cáo nhưng thực tế chưa chi trả do chưa có hóa đơn hoặc chưa đủ hồ sơ, tài liệu kế toán, được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh của kỳ báo cáo.

2. Thủ tục kiểm toán

KTV cần thu thập các bằng chứng để chứng minh những cơ sở dẫn liệu liên quan đến khoản phải trả là đúng. Cụ thể như sau: :

Cơ sở dẫn liệu

Mục tiêu kiểm toán

Thủ tục kiểm toán

Đầy đủ

(Completeness)

Những giao dịch nợ phải trả được ghi nhận đầy đủ

  • Tiến hành đối chiếu sổ chi tiết theo đối tượng và Sổ cái xem có khớp không. Sau đó, tiếp tục đối chiếu xem số dư trên Sổ cái và trên Bảng cân đối số phát sinh (Trial balance) có lệch gì hay không
  • Thu thập các chứng từ liên quan:
    • Nợ ngắn hạn: thu thập hợp đồng, hóa đơn mua hàng, hợp đồng lao động (đối với tiền lương)
    • Nợ dài hạn: thu thập điều khoản các khoản vay: Tên người/đơn vị cho vay, ngày vay, ngày đáo hạn, tỷ lệ lãi suất, số dư...
  • Từ sổ sách và những chứng từ thực tế, KTV tiến hành chọn mẫu để kiểm tra tính đầy đủ của khoản mục nợ phải trả

Hiện hữu

(Existence)

Các khoản phải trả được ghi nhận phải thực sự tồn tại

  • Thực hiện gửi thư xác nhận dựa trên mẫu chọn vào cuối năm, chú ý:
    • Các giao dịch có số dư cuối kỳ bằng 0 nhưng có phát sinh trong kỳ lớn
    • Các khoản mục có số dư cuối kỳ lớn
  • Theo dõi tất cả số dư mà nhà cung cấp không đồng ý hoặc những thư xác nhận không được phản hồi

Quyền và nghĩa vụ

(Rights and obligations)

Doanh nghiệp có nghĩa vụ đối với các khoản phải trả

  • Thực hiện thủ tục phân tích để so sánh số dư của năm hiện tại với năm trước
  • Kiểm tra lại hợp đồng xem những khoản nợ phải trả đó thực sự là của doanh nghiệp
  • Rà soát thư xác nhận

Đúng kỳ

(Cut-off)

Giao dịch được ghi nhận đúng kỳ

Lấy Sổ cái (General Ledger), chọn các nghiệp vụ trước và sau ngày khóa sổ rồi kiểm tra chi tiết ngày tháng ghi nhận đến chứng từ kèm theo như Biên bản nhận hàng hóa, hóa đơn... 

Sự chính xác, định giá và phân bổ

(Accuracy, valuation and allocation)

Những khoản nợ, lãi vay, trả gốc đã được ghi nhận với số tiền chính xác

Đánh giá các khoản mục có số dư ngoại tệ:

  • Lọc ra các khoản phải trả có số dư cuối kỳ là ngoại tệ, lấy số nguyên tệ và tiến hành đánh giá lại theo tỷ giá quy định, so sánh với số của doanh nghiệp, tìm hiểu nguyên nhân sai lệch (nếu có)

Kiểm tra chi phí trích trước:

  • Kiểm tra các chi phí thường xuyên phát sinh như chi phí điện, nước, điện thoại, thuê văn phòng... đã được trích trước hay chưa

Phân loại

(Classification)

Giao dịch được ghi nhận vào đúng tài khoản

Rà soát danh sách khoản phải trả để tìm ra danh mục mà bên nợ có số dư lớn (đáng ra được phân loại vào khoản phải thu hoặc đặt cọc) hoặc những khoản nợ dài hạn phải được trình bày tách biệt

Trình bày và công bố

(Presentation and disclosure)

Các thông tin được thuyết minh một cách trung thực và chính xác

Đọc kỹ những thông tin trên thuyết minh để đảm bảo rằng chúng được trình bày một cách chính xác và rõ ràng với giá trị hợp lý

II. Kiểm toán dự phòng phải trả và nợ tiềm tàng  

1. Kiểm toán khoản dự phòng phải trả (Provisions)

a. Định nghĩa

Dự phòng phải trả là một khoản nợ phải trả không chắc chắn về thời gian hoặc giá trị.

Một khoản dự phòng được ghi nhận khi thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện sau:

  • Là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp và đó là kết quả từ một sự kiện đã xảy ra trước đó 
    Ví dụ: kiện tụng
  • Có sự suy giảm về lợi ích kinh tế dẫn đến việc phải thanh toán nghĩa vụ nợ
  • Ước tính được một cách đáng tin cậy về giá trị của nghĩa vụ nợ

Nghĩa vụ sự kiện bao gồm 2 loại sau:

b. Thủ tục kiểm toán

Khi kiểm toán các khoản dự phòng phải trả, KTV cần thực hiện các thủ tục sau:

    • Thu thập những chứng từ chi tiết về khoản dự phòng đã được trình bày
    • Thu thập những phân tích chi tiết về khoản dự phòng (số dư đầu kỳ, biến động trong kỳ và số dư cuối kỳ)
    • Xác định mức độ trọng yếu của từng khoản dự phòng có phải là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ một sự kiện trong quá khứ
    • Tính toán lại khoản dự phòng đã được lập, so sánh và tìm hiểu nguyên nhân chênh lệch
    • Trong trường hợp không thể ước tính số liệu của khoản dự phòng thì kiểm tra khoản nợ tiềm tàng được trình bày trên BCTC
    • Xem xét bản chất kinh doanh của doanh nghiệp để xem có bất kỳ điều khoản nào khác
      Ví dụ: bảo hành
    • Cân nhắc tính đầy đủ của việc trình bày khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng có phù hợp với IAS 37 không?

    2. Kiểm toán nợ tiềm tàng (Contingencies)

    a. Định nghĩa

    Nợ tiềm tàng là nghĩa vụ nợ hiện tại phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra tuy nhiên không chắc chắn doanh nghiệp phải dùng các nguồn lực kinh tế của mình để thanh toán nghĩa vụ nợ và giá trị của nghĩa vụ nợ đó không được xác định một cách đáng tin cậy.

    Nợ tiền tàng không được ghi nhận vì 2 lý do sau:

    • Không chắc chắn về việc phải thanh toán nghĩa vụ nợ
    • Giá trị của nghĩa vụ nợ đó không được xác định một cách đáng tin cậy.

    b. Thủ tục kiểm toán về nợ tiềm tàng

      • Phỏng vấn Ban Giám đốc
      • Rà soát biên bản họp Hội đồng Quản trị giữa doanh và văn bản giữa doanh nghiệp và cố vấn pháp luật
      • Rà soát tài khoản chi phí hợp pháp
      • Sử dụng những thông tin thu thập được từ hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm những thông tin từ phòng Pháp lý

      III. Kiểm toán vốn và những vấn đề khác

        Khoản mục vốn ở đây được xem xét là vốn cổ phần (share equity capital) và vốn dự trữ (reserves). Thủ tục kiểm toán như sau:

        Khoản mục

        Thủ tục kiểm toán

        Vốn chủ      sở hữu

        • Kiểm tra vốn điều lệ với sổ sách liên quan
        • Kiểm tra sự thay đổi vốn điều lệ với các nghị quyết tương ứng

        Phát hành   cổ phiếu

        • Kiểm tra bất kỳ vấn đề nào liên quan đến vốn chủ hoặc những sự thay đổi trong năm với biên bản họp
        • Đảm bảo những vấn đề hoặc sự thay đổi trong chính sách và Ban Giám đốc có quyền để phát hành cổ phần
        •  Xác nhận rằng tiền hoặc những hình thức khác đã được nhận hoặc treo phải thu bao gồm những vốn kêu gọi nhưng chưa được góp

        Chuyển quyền sở hữu

        • Kiểm tra việc chuyển quyền sở hữu bằng cách rà soát:
          • Chứng từ liên quan
          • Giấy chuyển tiền
          • Chứng chỉ vốn bị hủy
          • Biên bản họp của Ban Giám đốc
        • Rà soát số dư của tài khoản cổ đông trong danh sách đăng ký thành viên với sổ cái

        Cổ tức

        • Kiểm tra phần cổ tức đã được chi trả với đề xuất cuối năm cho cơ quan có thẩm quyền và thực hiện tính toán lại, so sánh và tìm nguyên nhân chênh lệch (nếu có)
        • Kiểm tra khoản chi trả cổ tức với chứng từ liên quan
        • Kiểm tra khoản cổ tức liệu rằng có thực hiện đúng pháp luật hay không bằng cách rà soát luật
        • Kiểm tra chứng từ thuế để đảm bảo rằng các khoản thuế đã được ghi nhận đúng tài khoản và đã hoàn thành nghĩa vụ với cơ quan thuế

        Vốn dự trữ

        • Kiểm tra sự thay đổi về vốn dự trữ
        • Đảm bảo những sự thay đổi về vốn dự trữ không trái pháp luật và chính sách của Công ty
        • Đảm bảo rằng Công ty phân biệt giữa các khoản vốn dự trữ phân phối và không phân phối
        • Đọc kỹ thuyết minh đảm bảo trình bày hợp lý về sự thay đổi vốn dự trữ 

        IV. Các khoản thu nhập của Giám đốc

        Theo quy định, BCTC của doanh nghiệp phải công bố chi tiết về các khoản thu nhập của Ban Giám đốc. Các khoản này bao gồm:

        • Phúc lợi ngắn hạn: tiền lương, tiền công và đóng góp cho an sinh xã hội, nghỉ phép hàng năm, nghỉ ốm có lương, chia lợi nhuận, tiền thưởng và các lợi ích khác không bằng tiền mặt
        • Các phúc lợi sau khi nghỉ việc: lương hưu, trợ cấp hưu trí, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế
        • Các phúc lợi dài hạn khác: thời gian cống hiến, bồi thường nếu trả chậm
        • Các quyền lợi khi chấm hợp đồng lao động
        • Lợi ích được hưởng dựa trên cổ phiếu.

        Do vậy, KTV cần đảm bảo chắc chắn rằng thu nhập của Giám đốc đã thuyết minh đầy đủ, chính xác và tuân thủ với chuẩn mực kế toán và pháp luật địa phương.

        V. Bài tập áp dụng

        Which one of the following are reasons why the auditors might seek direct confirmation of balance due from supplier?

        A: To obtain third party evidence

        B: The internal controls relating to purchases are strong

        C: Supplier statements are available

        Phân tích đề:

        Lý do nào sau đây mà KTV phải thu thập được xác nhận trực tiếp từ nhà cung cấp?

        Lời giải: A

        Để đảm bảo được tính chính xác về số liệu mà doanh nghiệp trình bày trên BCTC thì KTV thực hiện thủ tục gửi thư xác nhận đến nhà cung cấp và họ là bên thứ 3, độc lập hoàn toàn trong cuộc kiểm toán.

        Author: Minh Anh Nguyen