[AA/F8] Audit and Assurance (Kiểm toán và Các dịch vụ đảm bảo)
  1. SAPP Knowledge Base
  2. Tự học ACCA (Association of Chartered Certified Accountant)
  3. [AA/F8] Audit and Assurance (Kiểm toán và Các dịch vụ đảm bảo)

[AA/F8: Tóm tắt kiến thức] Lesson 5: Kiểm toán nội bộ (Internal audit)

Kiểm toán nội bộ (KTNB) có vai trò rất quan trọng trong bộ máy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bài hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu KTNB là gì và vai trò, chức năng của KTNB trong doanh nghiệp.

I. Kiểm toán nội bộ (Internal audit)

1. Kiểm toán nội bộ là gì?

KTNB là hoạt động đánh giá hoặc giám sát được lập ra trong nội bộ doanh nghiệp như là một dịch vụ, có chức năng kiểm tra, đánh giá và báo cáo cho Ban quản lý về sự thích hợp và tính hiệu lực của hệ thống kế toán và kiểm soát nội bộ (KSNB).

Nhiều người hay lầm tưởng KTNB là KSNB bởi bản chất của chúng đều hướng tới quản trị rủi ro trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là 2 hoạt động hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:

  • KSNB là công cụ để vận hành doanh nghiệp đảm bảo tính hiệu quả, tính tuân thủ pháp lý và việc này do ban giám đốc thực hiện
  • KTNB là công cụ để kiểm tra xem doanh nghiệp có thực hiện kiểm soát nội bộ như đã đặt ra hay không, việc này do hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát trực thuộc hội đồng quản trị thực hiện.
  • KTNB là một phần của hệ thống KSNB

Chức năng của KTNB:

  • Đánh giá, giám sát các chính sách và thủ tục kiểm soát nội bộ
  • Hoạt động như kiểm toán viên cho HĐQT, soát xét các báo cáo không được soát xét bởi các kiểm toán viên độc lập
  • Là chuyên gia về các chuẩn mực kiểm toán và kế toán của doanh nghiệp, hỗ trợ thực thi các chuẩn mực mới
  • Các kiểm toán viên độc lập có thể sử dụng tài liệu của kiểm toán nội bộ, giảm thời gian và tiết kiệm chi phí kiểm toán.

Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng KTNB không phải là bộ phận bắt buộc phải có của mỗi doanh nghiệp. Để đánh giá sự cần thiết của KTNB, các doanh nghiệp có thể xem xét một số yếu tố sau:

  • So sánh chi phí thành lập bộ phận KTNB với lợi ích kỳ vọng nhận được nếu thành lập
  • Sự phức tạp và quy mô của các hoạt động trong doanh nghiệp và hệ thống hỗ trợ các hoạt động đó
  • Liệu có áp lực nào từ các cổ đông bên ngoài yêu cầu doanh nghiệp phải thành lập KTNB

2. Phân biệt giữa KTNB và kiểm toán độc lập

Mặc dù nhiều kỹ thuật KTNB và kiểm toán độc lập sử dụng là tương tự nhau. Tuy nhiên, giữa chúng có sự khác nhau đáng kể. Cụ thể như sau:

Tiêu chí

Kiểm toán nội bộ 

Kiểm toán độc lập

Mục tiêu

Gia tăng giá trị và cải thiện hoạt động của doanh nghiệp

Đưa ra ý kiến về độ trung thực, hợp lí của BCTC trên các khía cạnh trọng yếu

Đối tượng báo cáo 

Các báo cáo này là nội bộ cung cấp cho Hội đồng quản trị, ủy ban kiểm toán

Các báo cáo này được công khai cho các cổ đông và các bên liên quan 

Đối tượng kiểm tra

Toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp

BCTC của doanh nghiệp

Mối quan hệ với tổ chức

Kiểm toán viên nội bộ thường là nhân viên của doanh nghiệp, hoặc có thể thuê ngoài (outsourcing)

Kiểm toán viên độc lập là những người độc lập với cả công ty. Họ được bổ nhiệm bởi các cổ đông

Lập kế hoạch và thu thập bằng chứng

  • Lập kế hoạch chiến lược dài hạn, không thiết lập mức trọng yếu
  • Phương pháp tiếp cận kiểm toán: dựa trên các thủ tục cơ bản
  • Bằng chứng thu được chủ yếu từ việc phỏng vấn nhân viên và kiểm tra tài liệu
  • Thiết lập mức trọng yếu trong quá trình lập kế hoạch
  • Phương pháp tiếp cận kiểm toán: dựa trên rủi ro
  • Bằng chứng được thu thập bằng nhiều thủ tục để đạt được tính đầy đủ và thích hợp

    II. Phạm vi của bộ phận KTNB

    1. Rủi ro kinh doanh (Business risk)

    Rủi ro kinh doanh là rủi ro đến từ những điều kiện, sự kiện, hoàn cảnh hoặc hành động quan trọng có thể ảnh hưởng xấu tới khả năng đạt được các mục tiêu và thực hiện các chiến lược của doanh nghiệp, hoặc từ đó dẫn tới việc xây dựng các mục tiêu, chiến lược không phù hợp.

    Rủi ro kinh doanh là không thể bị loại bỏ nhưng có thể được quản lý bởi doanh nghiệp thông qua quy trình sau:

    2. Vai trò của KTNB

    KTNB có 2 vai trò chủ yếu sau:

    • Giám sát các chính sách quản trị rủi ro của doanh nghiệp để đảm bảo chúng vận hành hiệu quả
    • Giám sát các chiến lược đã được thực hiện để đảm bảo chúng tiếp tục được vận hành hiệu quả

    Do đó, để đảm bảo tính khách quan, KTNB không tham gia vào quá trình đánh giá rủi ro và thiết kế hệ thống KSNB.

    3. Trách nhiệm của KTNB đối với gian lận và sai sót

    Gian lận là một dạng của rủi ro kinh doanh nên Ban giám đốc có trách nhiệm để nghăn chặn và phát hiện gian lận. Tuy nhiên, KTNB có vai trò giám sát trong hoạt động quản trị rủi ro nên KTNB có thể tham gia vào quá trình ngăn chặn gian lận thông qua việc đánh giá tính đầy đủ và hữu hiệu của hệ thống kiểm soát và luôn luôn thận trọng khi thực hiện công việc và báo cáo bất kỳ nghi ngờ nào.

    4. Hạn chế của chức năng KTNB

    Trong quá trình thực hiện vai tò và chức năng của mình, KTNB có thể đối mặt với một số hạn chế sau:

    • KTNB là nhân viên của doanh nghiệp nên tính độc lập và khách quan của các kiểm toán viên nội bộ có thể bị ảnh hưởng tới do sợ đối với các mối đe dọa mất việc tại doanh nghiệp
    • KTNB báo cáo cho Hội đông quản trị và ủy ban kiểm toán nên họ có thể tác động không đúng đắn tới kế hoạch, phạm vi và vấn đề được báo cáo
    • Không yêu cầu bằng cấp chuyên nghiệp với các kiểm toán viên nội bộ nên có thể họ không đủ kiến thức và trình độ chuyên môn để đáp ứng công việc

    III. Phân công công việc KTNB (Internal audit assignments)

    KTNB có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau theo sự phân công của doanh nghiệp. Cụ thể:

    1. Kiểm toán hoạt động (Value for money audits)

    Kiểm toán hoạt động thực hiện kiểm tra, đánh giá các hoạt động, quy trình theo tiêu chí 3Es: Economy (tính kinh tế), Efficiency (tính hiệu quả), và Effectiveness (tính hiệu năng)

    Tiêu chí

    Định nghĩa

    Nội dung

    Tính kinh tế

    Đạt được chất lượng và số lượng nguồn lực đầu vào ở mức hợp lý với giá thấp nhất

    Ví dụ: Chi phí giảng dạy có thể giảm xuống nếu nhà trường thực hiện tăng số lượng học sinh trong một lớp lên và vẫn do một giáo viên chủ nhiệm

    Tính hiệu quả

    Mối quan hệ giữa hàng hóa, dịch vụ đầu ra với nguồn lực đầu vào (Max output với input không đổi, hoặc Min input với cùng chất lượng và số lượng output)

    • Đối với tổ chức hoạt động vì lợi nhuận, hiệu quả được đo bằng chỉ số ROCE
    • Đối với tổ chức phi lợi nhuận: đầu ra thường không có giá thị trường nên rất khó để đo lường

    Tính hiệu năng

    Việc các hoạt động đạt được mục tiêu, chiến lược đề ra

    Ví dụ: Hiệu năng của dịch vụ y tế có thể được xem là cải thiện nếu các bệnh viện thành công hơn trong việc điều trị các bệnh khác nhau hoặc nếu tuổi thọ của dân số tăng lên 

    2. Kiểm toán công nghệ thông tin (Information technology audits)

    Trong thực tế kinh doanh hiện nay, hệ thống máy tính là không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng lớn, kinh doanh càng nhiều lĩnh vực đòi hỏi hệ thống máy tính càng phức tạp nên cần phải có bộ phận kiểm soát chuyên với các hệ thống này.

    Do đó, kiểm toán công nghệ thông tin là một thử nghiệm kiểm soát đối với hệ thống máy tính.

    3. Best value audits

    Best value audits là khung hiệu quả được áp dụng đối với chính quyền địa phương do chính phủ đặt ra, yêu cầu công khai những kế hoạch thực hiện tốt nhất hàng năm và soát xét tất cả những chức năng trong thời gian 5 năm.

    Ở đây, KTNB có vai trò sau:

    • Đảm bảo chính quyền có sự chuẩn bị để đạt được giá trị tốt nhất (best value)
    • Đảm bảo rủi ro và những ảnh hưởng của giá trị tốt nhất được xét tới trong các thử nghiệm kiểm toán bình thường
    • Đảm bảo chính quyền duy trì được sự phát triển của giá trị tốt nhất

    4. Kiểm toán tài chính (Best value audits)

    Vai trò của kiểm toán nội bộ tương tự như vai trò của kiểm toán độc lập. Kiểm toán nội bộ sẽ soát xét những bằng chứng có thể thu thập được về các thông tin trong BCTC và báo cáo quản trị.

    5. Kiểm toán mua sắm (Procurement audits)

    Bộ phận kiểm toán này sẽ tập trung vào các hệ thống của các phòng ban mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong doanh nghiệp để kiểm tra xem họ có đạt được các mục tiêu đã đặt ra và hoạt động theo quy trình đã ban hành của doanh nghiệp hay không.

    IV. Thuê ngoài bộ phận KTNB (Outsourcing the internal audit department)

    1. Thuê ngoài là gì?

    Thuê ngoài là việc sử dụng các nhà cung cấp bên ngoài như một nguồn lực để thực hiện công việc của doanh nghiệp, cụ thể ở đây là thực hiện chức năng KTNB. Nó cũng được coi như bỏ nhà thầu phụ (sub-contracting).

    Thuê ngoài đem đến cả lợi ích và bất lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể:

    Lợi ích

    Bất lợi

    • Không cần tuyển nhân viên vì bên cung cấp dịch vụ đã có nhân viên có chất lượng tốt
    • Bộ phận KTNB có thể được cung cấp ngay lập tức
    • Các chi phí đi kèm như chi phí tuyển dụng, duy trì, đào tạo có thể được loại bỏ giúp tiết kiệm chi phí
    • Hợp đồng dịch vụ có thể theo quy mô, thời gian hợp lí, linh hoạt
    • Có thể sử dụng trong ngắn hạn, khi doanh nghiệp có nhu cầu
    • Tính độc lập và khách quan có thể không được đảm bảo nếu công ty cung cấp cả dịch vụ KTNB và kiểm toán độc lập
    • Chi phí thuê ngoài KTNB có thể cao, tốn kém khiến Ban giám đốc lựa chọn không sử dụng bộ phận này
    • Nhân viên hiện tại của công ty có thể bị cắt giảm nếu KTNB được thuê ngoài
    • KTNB thuê ngoài có thể thiếu hiểu biết sâu sắc về công ty nên đưa ra các đánh giá không chính xác

    2. Quản lý bộ phận KTNB thuê ngoài

    Do những nhược điểm trên nên khi quyết định thuê ngoài, doanh nghiệp cần xem xét các biện pháp để quản trị bộ phận thuê ngoài này. Cụ thể:

    • Thiết lập các tiêu chuẩn đo lường hiệu quả hoạt động về mặt chi phí và những lĩnh vực, mảng trong doanh nghiệp đã được soát xét và điều tra những chênh lệch
    • Đảm bảo duy trì phương pháp kiểm toán thích hợp
    • Soát xét các tài liệu, hồ sơ làm việc trên cơ sở chọn mẫu để đảm bảo chúng phù hợp với các tiêu chuẩn, hướng dẫn nội bộ
    • So sánh kế hoạch KTNB được lập trước với phần công việc được thực hiện
    • Nếu có cả kiểm toán độc lập, đảm bảo công ty có sự kiểm soát phù hợp để giữ 2 chức năng này tách biệt, để tính độc lập và khách quan không bị ảnh hưởng.

    V. Báo cáo của KTNB (Internal audit reports)

    Do bản chất báo cáo của KTNB là các báo cáo nội bộ của doanh nghiệp nên chúng sẽ không có mẫu nhất định mà tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Nó có thể dưới dạng văn bản viết, hoặc trình bày dưới dạng thuyết trình (powerpoint). Tuy nhiên, các báo cáo này vẫn phải có ít nhất 3 phần sau:

    Phần

    Nội dung

    Mục tiêu (Purpose)

    Nêu lên mục tiêu của cuộc kiểm toán

    Phạm vi công việc (Scope)

    Xác định KTNB đã thực hiện công việc của mình ở những hoạt động nào và những hoạt động nào không thuộc nội dung cuộc kiểm toán

    Kết quả công việc (Result)

    Bao gồm:

    ·       Thủ tục kiểm toán đã thực hiện như quan sát (observation), kết luận (conclusion)…

    ·       Đưa ra ý kiến kiểm toán (opinion)

    ·       Đưa ra các khuyến nghị cho Ban giám đốc (Recommendation)

    ·       Kèm theo các biện pháp xử lý (Action plan)

    VI. Bài tập minh họa

    Which of the following statements relating to internal and external audit is correct?

    A. Internal auditors are requires to be members of a professional body
    B. Internal auditors’ scope of work should be determines by those charged with governance
    C. External auditors report to those charged with governance
    D. Internal auditors can never be independent of the company

    Phân tích đề

    Đề bài đang hỏi ý nào nói về KTNB và kiểm toán đọc lập là đúng.

    Lời giải: B

    A sai vì kiểm toán viên nội bộ không cần yêu cầu bằng cấp chuyên nghiệp

    C sai vì kiểm toán viên độc lập báo cáo cho các cổ đông.

    D sai vì kiểm toán viên nội bộ có thể độc lập đối với doanh nghiệp, ví dụ kiểm toán nội bộ thuê ngoài. 

    Author: Mai Vu