[PM/F5] Performance Management - Quản lý Hiệu quả hoạt động
  1. SAPP Knowledge Base
  2. Tự học ACCA (Association of Chartered Certified Accountant)
  3. [PM/F5] Performance Management - Quản lý Hiệu quả hoạt động

[PM/F5: Tóm tắt kiến thức] Lesson 2b: Mô hình chi phí mục tiêu (Target Costing)

Trong bài trước chúng ta đã tìm hiểu về mô hình Quản trị chi phí dựa trên hoạt động (ABC). Trong bài hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một phương pháp quản trị chi phí khác, đó là mô hình chi phí mục tiêu.

I. Mô hình chi phí mục tiêu là gì?

Mô hình chi phí mục tiêu là mô hình xác định một mức chi phí mục tiêu mà tại đó một sản phẩm được được bán ra sẽ đạt được mức lợi nhuận theo yêu cầu.

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu tại sao mô hình này được ra đời?

Trong phương pháp chi phí truyền thống, giá thành sẽ được xác định trước, sau đó xác định lợi nhuận và từ đó hình thành nên giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh, chúng ta không thể tự xác định giá bán dựa trên giá thành sản xuất của mình được. Chúng ta phải đưa ra mức giá bán hợp lý dựa theo giá cả thị trường chung trước, trừ đi lợi nhuận mong muốn và từ đó xác định được giá thành sản phẩm mục tiêu.

Do đó, mô hình chi phí mục tiêu được đưa ra, giúp cho doanh nghiệp tập trung có mức giá bán hợp lý so với thị trường chung, tập trung vào việc cắt giảm chi phí hiệu quả.

Mô hình chi phí mục tiêu được thể hiện như sau:

Chi phí mục tiêu = Giá bán thị trường - Lợi nhuận mong muốn

II. Các bước thực hiện mô hình chi phí mục tiêu

Target costing được thực hiện qua 7 bước sau:

Ví dụ: A đang thực hiện mô hình Target Costing.

A là một công ty sản xuất game cho máy tính. A đang nghiên cứu để tung ra thị trường một mẫu game mới. A đã thực hiện nghiên cứu thị trường, lấy ý kiến khách hàng về giá trị của game cũng như tiến hành so sánh với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. A xác định giá bán mục tiêu (Target selling price) là $60. Đây là mức giá mà A cho rằng sẽ bán được sản phẩm để đạt được mục tiêu số lượng đặt ra.

Công ty ước tính tỷ suất lợi nhuận yêu cầu (profit margin) là 30%, do đó A sẽ tính được lợi nhuận mong muốn là 30% x $60 = $18.

Chi phí ước tính (Target cost) = $60 - $18 = $42.

Chi phí ước tính liên quan đến các đặc điểm sản phẩm như sau:

Do đó, tổng chi phí ước tính là $33.19 +$12.7 = $45.89

Khoảng cách chi phí mục tiêu (Target cost gap) = $45.89 - $42 = $3.89

Như vậy, A phải tìm cách để giảm thiểu mức $3.89 nhiều nhất có thể.

III. Phương pháp giảm thiểu khoảng cách chi phí mục tiêu

Trong thực tế, để thu được lợi nhuận mong muốn, các doanh nghiệp thường có 2 lựa chọn hoặc là tăng giá để tăng doanh thu hoặc là cắt giảm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, việc tăng giá hoàn toàn là không khả thi vì rất dễ mất khách hàng và mất thị phần, đặc biệt là trong thị trường cầu co giãn với giá.

Do đó, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn tập trung vào cắt giảm chi phí để đạt được chi phí mục tiêu, từ đó đạt được lơi nhuận mong muốn. Cụ thể:

Khoảng cách chi phí mục tiêu = Chi phí ước tính – Chi phí mục tiêu

Để giảm thiểu khoảng cách trên, theo mô hình chi phí mục tiêu, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào tổng chi phí mục tiêu.

Chi phí mục tiêu sẽ được tách thành từng hạng mục như sản xuất, marketing, bán hàng…Sau đó, từng hạng mục chi phí này sẽ được phân bổ thành từng khu vực chức năng của sản phẩm.

Các doanh nghiệp sẽ phải quản lý chặt chẽ chi phí của từng hạng mục này sao cho không vượt quá chi phí mục tiêu thông qua việc cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất, cắt giảm các chi phí không cần thiết.

Một số kỹ thuật có thể áp dụng như:

  • Sử dụng nhân công giá rẻ
  • Đầu tư công nghệ mới, hiệu quả
  • Tăng đào tạo nhân viên để làm việc hiệu quả hơn
  • Sử dụng mô hình ABC để tính toán chi phí

IV. Sử dụng mô hình chi phí mục tiêu trong lĩnh vực dịch vụ

Dịch vụ là bất kỳ hoạt động hay lợi ích nào mà một bên có thể cung cấp cho bên kia , trong đó đối tượng cung cấp nhất thiết phải mang tính vô hình và không có sự chuyển giao quyền sở hữu, còn việc sản xuất dịch vụ có thể có hoặc không gắn liền với một sản phẩm vật chất nào.

Dịch vụ có các đặc điểm để phân biệt với các sản phẩm khác. Cụ thể:

  • Tính vô hình (Intangibility): khác với hàng hóa, dịch vụ không có tính vật lý như mùi vị, nhìn thấy được…
  • Tính không thể tách rời (Inseparability): các dịch vụ được tạo ra cùng thời điểm với chúng được sử dụng
  • Tính thay đổi (Variability): nhiều dịch vụ không thể duy trì được chất lượng đầu ra nhất quán
  • Không chuyển giao quyền sở hữu: do dịch vụ không có hình hai vật lý nên không thể chuyển giao quyền sở hữu như bất động sản hay hàng hóa.

Do đó, việc sử dụng mô hình chi phí mục tiêu trong lĩnh vực dịch vụ sẽ gặp nhiều khó khăn, không thể xác định được chi phí mục tiêu hay giá bán mong đợi. Cụ thể như sau:

  • Do dịch vụ là vô hình nên doanh nghiệp không biết được chính xác cái gì khách hàng nhận được, chất lượng như thế nào, rất khó để đánh giá. Ví dụ, dịch vụ không bao gồm nội dung nguyên vật liệu nên cũng rất khó để giảm chi phí tới mức mục tiêu bằng việc giảm chi phí nguyên vật liệu.
  • Do dịch vụ có tính thay đổi nên cùng là một loại dịch vụ nhưng nó có thể khác nhau giữa mỗi lần được cung cấp, dịch vụ tiêu chuẩn là rất khó tồn tại.Ví dụ, sửa chữa một chiếc ô tô, nó có thể ước tính chi phí bình quân nhưng rất khó cụ thể cho mục chi phí nào.

V. Bài tập áp dụng

Which of the following statements about target costing is not TRUE?

A. Target costing is better suited to assembly orientated industries than service industries that have a large fixed cost base.

B. Costs may be reduced in target costing by removing product features that does not add value

C. A target cost gap is the difference between the target cost for a product and its projected cost

D. Products should be discontinued if there is a target cost gap

Phân tích đề

Nội dung nào sau đây nói về mô hình chi phí mục tiêu là SAI?

A. Mô hình chi phí mục tiêu là thích hợp để sử dụng cho các ngành công nghiệp lắp ráp hơn là ngành dịch vụ có chi phí cố định lớn

B. Theo mô hình chi phí mục tiêu, chi phí có thể giảm bằng cách bỏ các đặc điểm sản phẩm không tạo ra giá trị

C. Khoảng cách chi phí mục tiêu là sự khác nhau giữa chi phí mục tiêu cho sản phẩm và chi phí dự kiến của nó

D. Một sản phẩm sẽ bị dừng sản xuất nếu nó có khoảng cách chi phí mục tiêu

Lời giải D

A đúng vì như đã phân tích ở mục IV ở trên, dịch vụ là ngành có những đặc điểm riêng như tính vô hình, sự thay đổi nên không thích hợp để dùng mô hình chi phí mục tiêu

B đúng vì theo mục III ở trên thì cắt giảm các mục không tạo ra giá trị chính là một cách để giảm thiểu khoảng cách chi phí mục tiêu, hay chính là giảm chi phí

C đúng vì khoảng cách chi phí mục tiêu = Chi phí ước tính – Chi phí mục tiêu

D sai vì các doanh nghiệp chỉ sử dụng khoảng cách chi phí mục tiêu để nhằm tối thiểu hóa chi phí sản xuất. Đây không phải là căn cứ để quyết định dừng sản xuất sản phẩm.

 

Author: Hadtt