Các nghề nghiệp phổ biến trong ngành Tài Chính

Investment Banking: Xu Hướng Nghề Nghiệp Mới Cho Nhân Sự Trong Ngành Tài Chính

Với cơ hội nghề nghiệp rộng mở, Investment Banking dần trở thành xu hướng đồng thời cũng là một lựa chọn thích hợp cho các sinh viên khối ngành Tài chính Ngân hàng. Hãy cùng SAPP Academy tìm hiểu rõ hơn về công việc này qua bài viết dưới đây nhé!

boc-tach-ngheIB-01

1. Investment Banking là gì?

khai-niem-IB

Investment Banking (Ngân hàng đầu tư) là một định chế đóng vai trò trung gian tài chính giữa Buy-side và Sell-side để thực hiện các dịch vụ liên quan đến tài chính. Nhân viên của một ngân hàng đầu tư - Investment Banker có nhiệm vụ chính là huy động vốn cho những tổ chức, chính phủ, hay đơn vị khác. 

Nói một cách dễ hiểu hơn thì Investment Banking (IB) sẽ làm trung gian giữa các công ty, doanh nghiệp, chính phủ hay tổ chức phát hành chứng khoán và nhà đầu tư; để tư vấn hỗ trợ cho các thương vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), trung gian thu xếp vốn giữa nhà đầu tư chuyên nghiệp với các doanh nghiệp, tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp... Ngành này hoạt động không chỉ để hỗ trợ một pháp nhân cụ thể nào mà còn là hỗ trợ ở quy mô lớn hơn, cả trong lẫn ngoài nước.

Về lí thuyết, nhân viên ngân hàng đầu tư - Investment Banker là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Bởi họ luôn là người luôn nắm rõ tình hình thị trường tài chính hiện tại, thấu hiểu được tính chất, cấu phần của từng ngành nghề khác nhau. Thậm chí, các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận thường liên lạc với một nhân viên ngân hàng đầu tư để xin tư vấn về cách lên kế hoạch tốt nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp.

2. Thực trạng ngành Investment Banking tại Việt Nam

1200x800-03

Tại Việt Nam, Investment Banking (IB) khá phân mảnh và được chia thành 3 nhóm chính:

  • Nhóm liên quan đến thị trường vốn: cụ thể là thị trường cổ phiếu. Nhóm này chuyên thực hiện các thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (hay còn gọi là IPO). Nói cách khác là biến một công ty từ trạng thái “private” chuyển sang “public”, đồng thời thực hiện một số nghĩa vụ khác liên quan đến phát hành trái phiếu. 
  • Nhóm liên quan đến các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A): cụ thể họ sẽ là trung gian giữa bên mua (Buy-side) là các nhà đầu tư và bên bán (Sell-side) là các doanh nghiệp. Các hoạt động này được thực hiện nhằm mục đích tăng trưởng, mở rộng quy mô, tận dụng nguồn lực và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.
  • Nhóm liên quan đến hoạt động tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp: hoạt động này chủ yếu xuất hiện ở những doanh nghiệp mang tính tư vấn, điển hình nhất là các BIG4.

Hiện tại ở Việt Nam, chưa có những công ty chuyên về mảng Investment Banking như nước ngoài. Tuy nhiên, bản chất nghiệp vụ của một Investment Banker là thực hiện những hoạt động hướng tới câu chuyện tương lai của mỗi doanh nghiệp. Trong dài hạn, tài chính ngân hàng có xu hướng phát triển đi lên, song hành với xu hướng phát triển của nền kinh tế hội nhập quốc tế. Kéo theo đó, sự chuyên môn hóa trong các tổ chức tài chính cũng ngày một nâng cao. Chưa kể với một đất nước có tốc độ phát triển nhanh như Việt Nam, nhu cầu về vốn đầu tư cũng ngày một nhiều. Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, Investment Banking sẽ sớm trở thành xu hướng tại Việt Nam khi tình hình kinh tế ổn định trở lại sau đại dịch. Chính vì vậy, nắm bắt thời cơ và chuẩn bị nền tảng sẵn từ hôm nay chính là bàn đạp để ứng viên có cơ hội tiến xa trong ngành này.

3. Phạm vi công việc của một Investment Banker

pham-vi-cong-viecIB

Investment Banking phần lớn có ở các bên Sell-side (thuộc các công ty, doanh nghiệp) tuy nhiên vẫn có số ít ở Buy-side. Như một bộ phận độc lập của doanh nghiệp, Investment Banker sẽ làm việc trực tiếp với tầng quản trị (tổng giám đốc, chủ doanh nghiệp,...) để phân tích báo cáo, phân tích hồ sơ, tổng hợp thành chiến lược tài chính thuyết phục từ đó tìm kiếm những nhà đầu tư có nhu cầu về cho doanh nghiệp. Đóng vai trò như một deal-makers, trách nhiệm chính của họ là dung hòa được mong muốn của bên mua so với thực trạng cũng như yêu cầu của bên bán.


Công việc chính của một Investment Banker tại Việt Nam có thể chia thành 2 mảng chính: M&A (các hoạt động mua bán, sáp nhập)mảng trái phiếu (hỗ trợ cổ phần hóa cho một công ty); bao gồm các hoạt động như:

  • Nghiên cứu thị trường
  • Tư vấn chiến lược, cấu trúc doanh nghiệp
  • Tư vấn pháp luật
  • Chuẩn bị tài liệu, hồ sơ, thông tin cho khách hàng

Dưới đây là phạm vi công việc của 2 hoạt động phổ biến trong nhóm ngành Investment Banking:

3.1.  Công việc của hoạt động M&A (Mergers and Acquisitions)

Công việc của một Investment Banker khi thực hiện các thương vụ M&A chính là “tìm deal”. Nói một cách dễ hiểu hơn chính là tìm bên cần mua và bên cần bán. Vì vậy, việc xây dựng một network chất lượng là yếu tố quan trọng với những ai đang theo đuổi ngành nghề này. Ngoài ra, họ còn là người vô cùng am hiểu thị trường, hiểu rõ về doanh nghiệp đang có nhu cầu cũng như định hướng phát triển trong tương lai của họ để từ đó tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. 

Có nhiều hình thức mua bán và sáp nhập nhưng phổ biến nhất là 3 hình thức: mua lại hoặc sáp nhập với một doanh nghiệp khác cùng chuỗi cung ứng; mua lại hoặc sáp nhập với một doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực hoạt động và mua lại hoặc sáp nhập với một doanh nghiệp khác có liên quan đến lĩnh vực hoạt động, nhưng không cùng sản phẩm hoặc dịch vụ.

Thông thường, một quy trình M&A sẽ trải qua các giai đoạn như sau:

Xây dựng chiến lược M&A > Xác định tiêu chí tìm kiếm M&A > Đánh giá các mục tiêu tiềm năng > Bắt đầu lập kế hoạch mua lại > Thực hiện phân tích định giá > Đàm phán > Thẩm định > Thực hiện hợp đồng mua bán > Thực hiện thanh toán > Kết thúc giao dịch.

illustration-of-ma-process

Để có thể thực hiện các quy trình trên, một Investment Banker không chỉ nghiên cứu mà còn phân tích báo cáo tài chính, dự báo dòng tiền, dự báo kế hoạch kinh doanh từ đó tổng hợp thành các cơ sở dữ liệu cho quy trình thẩm định (bao gồm thẩm định tài chính, thẩm định về thuế và thẩm định về pháp lý) để định giá doanh nghiệp. Sau đó, Investment Banker vẽ ra các mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh trong 5 năm tới để nhà đầu tư thấy được tiềm năng khi rót tiền đầu tư vào doanh nghiệp ấy. Do trải qua nhiều quy trình phức tạp, nên một giao dịch M&A sẽ không hề nhanh mà giao động khoảng từ 1-3 năm mới có thể hoàn thành.

>> Tìm hiểu thêm về nghề Tư vấn M&A tại đây

3.2. Công việc của hoạt động Hỗ trợ cổ phần hóa doanh nghiệp

Ngoài những thương vụ M&A, một Investment Banker còn tham gia vào hoạt động trái phiếu, nói cách khác là hỗ trợ cổ phần hóa doanh nghiệp. Trong đó hoạt động chính và cũng phổ phiến nhất ở Việt Nam chính là IPO - Initial Public Offering, có nghĩa là phát hành lần đầu ra công chúng.

Các doanh nghiệp thực hiện hoạt động này nhằm mục đích huy động vốn. Bằng cách niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, công ty có thể tiếp cận các nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư trên thị trường mở, chẳng hạn như nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính. Từ đó, doanh nghiệp có cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển với quy mô lớn hơn.

Để có thể thực hiện IPO, doanh nghiệp cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu của sàn giao dịch mà họ muốn niêm yết cổ phiếu; tuân thủ các quy định và điều kiện pháp lý của sàn giao dịch và cơ quan quản lý chứng khoán và chuẩn bị một bản dự thảo báo cáo IPO (Prospectus) chứa thông tin chi tiết về doanh nghiệp, cơ cấu tài chính, kế hoạch tương lai và rủi ro. Lúc này, các doanh nghiệp sẽ tìm đến Investment Banker - đóng vai trò như một tư vấn chuyên nghiệp hỗ trợ công ty trong việc lựa chọn sàn giao dịch, định giá cổ phiếu và quản lý quy trình IPO.

Thông thường một quy trình IPO sẽ trải qua các bước sau:

  • Bước 1: Lấy ý kiến cổ đông chấp thuận dự thảo kế hoạch IPO bao gồm: thống nhất về mục đích huy động vốn; số vốn cần huy động và số lượng cổ phiếu phát hành tương ứng; kế hoạch sử dụng vốn.
  • Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký IPO theo quy định của sàn chứng khoán mà doanh nghiệp muốn niêm yết. Tham vấn thêm từ các chuyên gia tư vấn và thẩm định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng để kế hoạch IPO được thành công.
  • Bước 3: Định giá cổ phiếu cho lần IPO, việc định giá cần hợp lý, đáp ứng được cả nhu cầu của người bán và người mua.
  • Bước 4: Nộp hồ sơ lên Ủy ban chứng khoán
  • Bước 5: Thông báo rộng rãi ra công chúng về thông tin đợt IPO sắp tới của doanh nghiệp sau khi được Ủy ban chứng khoán cấp phép
  • Bước 6: Sau khi IPO thành công, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các báo cáo và công bố thông tin định kỳ để bảo đảm tính minh bạch và tuân thủ các quy định pháp luật. 

4. Khung năng lực cần có ở một Investment Banker

Khung-nang-luc-IB

4.1. Có khả năng đọc và hiểu được các báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính được coi là xương sống của ngành tài chính doanh nghiệp. Vậy nên, một Investment Banker cần phải biết cách đọc, hiểu và phân tích được những thông tin quan trọng được đề cập trong đó, nhìn thấu được ý nghĩa của những con số từ đó đưa ra được những nhận xét đúng đắn, mang tính thực tế cao. Sau khi có được góc nhìn khách quan về hiệu quả của hoạt động tài chính của công ty, Investment Banker sẽ biết doanh nghiệp cần gì từ đó đưa ra phương án cơ cấu vốn phù hợp cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, một Investment cũng nên trau dồi kiến thức nền tảng về thuế và luật để không gặp rào cản trong quá trình tư vấn cũng như thực hiện những giao dịch về vốn.

4.2. Kỹ năng lập báo cáo, thuyết trình

Như đã nói ở trên, một Investment Banker đóng vai trò là bên trung gian giữa bên mua và bên bán. Vậy nên để có thể phô diễn hết những mặt tiềm năng của bên cần bán sao cho khớp với nhu cầu bên cần mua, các Deal - Makers cần sở hữu kỹ năng lập báo cáo và thuyết trình hiệu quả. Không chỉ vậy, do phải thường xuyên làm việc với những người ở tầng quản lý như giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị,... chính vì vậy, chắt lọc và tóm gọn những thông tin cốt lõi mang tính chất quyết định trong các báo cáo theo cấu trúc WWS (What - Why - Solution) là điều cần đặc biệt lưu ý.

Investment Banker cũng phải biết cách biến bản kế hoạch của mình thành một hệ thống thông tin logic từ đó thuyết phục được sếp của mình, sau đó là khách hàng bằng những lập luận có căn cứ và đủ số liệu chứng thực.

4.3. Kỹ năng thu thập và tổng hợp thông tin

Nghiệp vụ của Investment Banking đòi hỏi khả năng nghiên cứu rất chuyên sâu. Bởi họ phải tiếp cận với rất nhiều hồ sơ có nhu cầu thu xếp vốn, tài trợ vốn, phát hành trái phiếu,.... Mỗi hồ sơ sẽ là một ngành nghề riêng, mỗi ngành nghề lại có một đặc thù riêng. Thậm chí trong cùng một ngành nghề, đặc thù của từng khách hàng, từng bộ hồ sơ cũng khác nhau. Chính vì vậy, nghiên cứu thông tin nông, hời hợt là không đủ để Investment Banker đưa ra những đánh giá và định hướng chính xác. 

Thông thường, Investment Banker phải tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc nhiều thông tin không có sẵn, thậm chí còn phân mảnh, mỗi nơi một báo cáo số liệu khác nhau. Khi này họ phải sử dụng những kỹ năng khác nhằm tìm kiếm nguồn tin, thậm chí gặp mặt trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoặc những người có chuyên môn cao về ngành nghề ấy để có được những thông tin cần thiết. Đó là cách để họ không “ngợp” trong những thông tin cần nghiên cứu.

4.4. Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm tốt

Kỹ năng mềm mà một người làm ngành Investment Banking cần nhất đó chính là giao tiếp và làm việc theo nhóm. Kỹ năng giao tiếp không chỉ giúp họ xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp mà còn xây dựng được mối quan hệ với khách hàng và những người có chuyên môn trong ngành. 

Mở rộng network để kết nối với những chuyên gia sẽ giúp bạn có insight của từng ngành nghề. Từ đó có cơ hội đào sâu cũng như được tham vấn về những lĩnh vực mà Investment Banker không quá am hiểu.

4.5. Kỹ năng quản lý thời gian

Với cường độ công việc lớn, một Investment Banker hàng ngày phải thực hiện nhiều công việc cùng lúc nên việc quản lý và phân bổ thời gian sao cho hợp lý để không ảnh hưởng đến cuộc sống là điều vô cùng quan trọng. Hãy lập cho mình một bản kế hoạch chi tiết và khoa học để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhé!

5. Cơ hội nghề nghiệp và lộ trình thăng tiến của ngành Investment Banking

5.1. Cơ hội nghề nghiệp

co-hoi-nghe-nghiep-IB

Một Investment Banker có thể đảm nhận những vị trí công việc sau:

  • Nhân viên nghiên cứu thị trường: Một khi đầu tư bạn phải hiểu rõ đặc thù của thị trường mà doanh nghiệp hướng đến. Chính vì vậy việc nghiên cứu được cho là bước đầu tiên cũng là bước vô cùng quan trọng. Chỉ khi hiểu rõ biết được những ưu điểm, nhược điểm, cơ hội và thách thức của công ty đầu tư và các công ty đang cần đầu tư thì bạn mới có thể kết nối họ lại với nhau một cách ăn ý và hiệu quả nhất.
  • Nhân viên tư vấn chiến lược: đây là vị trí thể hiện sự chuyên nghiệp, đẳng cấp và sự khác biệt của ngân hàng đầu tư này so với ngân hàng đầu tư khác. Các mảng tư vấn chiến lược ở đây có thể là tư vấn cổ phần hóa, tư vấn niêm yết và phát hành, tư vấn M&A.
  • Nhân viên tư vấn pháp luật: vị trí này đặc biệt quan trọng với những công ty, tổ chức, tập đoàn nước ngoài khi thâm nhập hay muốn tham gia vào một thị trường mới ngoài nước hoặc ngược lại. 
  • Nhân viên quản lý rủi ro: trong quá trình mua lại, sáp nhập hay đầu tư, ngoài việc nắm được các điều khoản pháp luật thì các rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu đảm nhận vị trí này, một Investment Banker phải dự đoán trước được những rủi ro ấy từ đó đề ra những biện pháp khắc phục trong tương lai.

5.2. Lộ trình thăng tiến

Theo thống kê của Adecco Vietnam Salary Guide 2023 & 2022, mức thu nhập của một Investment Banker cụ thể như sau: 

lo-trinh-thang-tien-IB

Thu nhập của một Investment Banker sẽ tính bằng tổng lương cứng và thưởng dự án. Tùy theo quy mô phức tạp của dự án cũng như cấu trúc lương thưởng của mỗi công ty, doanh nghiệp mà tỉ lệ phần trăm hoa hồng cũng khác nhau. Thông thường sẽ giao động từ 0,5 - 1%/deal, một số dự án lớn mức hoa hồng có thể lên tới 2%. Còn riêng với các nghiệp vụ như IPO, mức thưởng dự án này có thể rơi vào khoảng 5-7% ở các doanh nghiệp nước ngoài.

Những số liệu trên chỉ là mức lương chung của ngành. Tuy nhiên với các doanh nghiệp nước ngoài, một Senior có thể có mức lương cứng 4000$ (~80 triệu VNĐ/tháng) chưa tính thưởng dự án. Điều này cho thấy, mức thu nhập của một Investment Banker có thể nói là cao nhất trong ngành tài chính tuy nhiên đi cùng với đó là khối lượng công việc cũng khá lớn. 

Không chỉ là ngành có mức thu nhập hấp dẫn, Investment Banking còn là nhóm ngành có lộ trình thăng tiến cực rõ ràng. Thông thường, một nhân sự Senior có kinh nghiệm 3-5 năm hoàn toàn có thể thăng tiến lên vị trí quản lý nếu hoàn thành được 1 deal. Có thể thấy mức thu nhập khi mới vào nghề của một IB không quá cao, tuy nhiên chỉ sau 1-2 năm, họ hoàn toàn có thể tăng gấp đôi thu nhập dù số năm kinh nghiệm không chênh quá nhiều.

Thu nhập sẽ tăng trưởng theo kỹ năng và nền tảng mà bạn xây dựng. Bởi vậy, thời gian đầu chúng ta không nên quá quan trọng về mức thu nhập mà nên tập trung vào những vị trí có thể giúp bạn tạo ra nền tảng kinh nghiệm chuyên môn. Khi đã có nền tảng vững chắc, việc thăng tiến trở nên không quá khó và không mất quá nhiều thời gian để đạt được vị trí như mong muốn. 

Ngoài ra, Investment Banking cũng cho phép ứng viên va vấp với những người “tinh hoa” trong ngành. Bởi để có thể đảm nhận vị trí này trong doanh nghiệp, đòi hỏi nhân sự phải có kỹ năng nền tảng cao, tính chất công việc phức tạp nên những người theo đuổi nhóm ngành này đều là những cá nhân xuất sắc. Trong một môi trường làm việc, cạnh tranh với những người giỏi cũng là cách giúp bạn nhanh chóng nâng cao năng lực chuyên môn của mình. 

Lời kết

Trên đây là những điều cần biết về Investment Banking. Hy vọng bài viết đem lại những thông tin hữu ích với các bạn Học viên của SAPP đang mong muốn theo đuổi ngành nghề này.

>> Xem thêm:

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

  • Hotline: (+84) 971 354 969