Big 4 - Các tiêu chí tuyển dụng

Cơ hội nghề nghiệp tại Big 4 và sau Big 4

Big 4 vốn không còn xa lạ gì với những bạn theo đuổi lĩnh vực Tài chính, Kế toán - Kiểm toán. Trong những năm đầu sự nghiệp, các bạn trẻ chọn Big 4 vì có môi trường làm việc chuyên nghiệp để học hỏi, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực sự gắn bó lâu dài. Trong phạm vi bài viết hôm nay, SAPP xin chia sẻ với bạn cơ hội nghề nghiệp khi gắn bó cũng như rời Big 4.

I. Nghề nghiệp tại Big 4

Doanh thu của các công ty Big4 tới từ 3 hoạt động bao gồm Kiểm toán, Thuế và các dịch vụ tư vấn.


Ở mỗi công ty sẽ có cách gọi tên các chức danh khác nhau. Nhưng nhìn chung, sự thăng tiến trong nghề nghiệp có sự tương đồng cao giữa các ông lớn Big 4.

1. Thực tập sinh (Internee/Analyst)

Thông thường vào tháng 8 hoặc tháng 9 hàng năm, các công ty Big 4 sẽ mở đơn thực tập. Sau khi trải qua quy trình tuyển dụng khắt khe, các ứng viên tốt nhất sẽ được chọn vào làm thực tập sinh.

Thực tập sinh sẽ được giao kiểm tra và so sánh những tài khoản đơn giản trên báo cáo tài chính và thường sẽ không đưa ra bất kì nhận xét hoặc ý kiến nào (analytical procedures). Những tài khoản này thường phi rủi ro hoặc có rủi ro rất thấp và có thể kiểm toán bằng những thủ tục đơn giản. Chúng bao gồm, tài khoản tiền, thủ tục kiểm kê tài sản.

Thực tập sinh chịu trách nhiệm trước Associate về kết quả của những phần hành được phân công.

2. Associate/Staff/Audit Assistant

Sau khi vượt qua được đợt tuyển dụng Fresh hoặc hoàn thành tốt kỳ thực tập của mình, các bạn chính thức nhận được offer cho các chức danh tương đương tại Big4 như Staff 1 (EY), Associate (Deloitte/PwC) hay Audit Assistant (KPMG). Thông thường, Associate sẽ có 2 cấp bậc.

Ở cấp độ Associate 1, các bạn sẽ được giao những tài khoản ít rủi ro hoặc ít nguy cơ gian lận (immaterial) nhưng đòi hỏi những thủ tục khó hơn ở cấp độ thực tập sinh. Trong khi đó, Associate 2 đảm nhiệm việc đánh giá những tài khoản trọng yếu có khả năng bị gian lận cao như Hàng tồn kho, Doanh thu.

Associate phụ trách hướng dẫn thực tập sinh hoàn thành công việc và chịu trách nhiệm trước Senior về kết quả của những phần hành được phân công trực tiếp hoặc hướng dẫn cho thực tập sinh.

3. Senior Associate (Trung bình 2 năm kinh nghiệm)

Sau khi kết thúc mùa kiểm toán hàng năm, Associate sẽ được đánh giá performance để cân nhắc thăng chức. Thông thường, bạn sẽ được thăng chức từ Associate 2 lên Senior. Tuy nhiên, trong trường hợp hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu từ phía công ty yêu cầu, bạn hoàn toàn có thể được phòng nhân sự offer trở thành Senior khi đang ở Associate 1.

Tại các công ty Big4, Senior được chia thành 3 cấp bậc. Quy trình thăng chức và nhảy bậc tương tự như vị trí Associate. Tuy nhiên, những yêu cầu đặt ra để nhảy bậc ở mức Senior khắt khe hơn nhiều so với Associate.

Senior cần phải phân tích và đánh giá rủi ro và đưa ra chiến lược cho các dự án kiểm toán. Các thủ tục phân tích phải được đảm bảo trong suốt quá trình để thay đổi chiến lược kiểm toán kịp thời trong trường hợp phát hiện những thông tin quan trọng. Quy mô của các dự án phụ thuộc phần lớn vào cấp bậc.

Ở cấp độ Senior, bạn thường xuyên phải làm việc với khách hàng để trao đổi hoặc giải quyết những phát sinh trong quá trình kiểm toán. Senior phụ trách hướng dẫn, quản lý, hậu kiểm công việc của nhóm kiểm toán, và chịu trách nhiệm trước Manager về kết quả của cuộc kiểm toán.

4. Manager (bắt buộc phải có VACPA để ký báo cáo kiểm toán)

Nếu đạt chỉ tiêu và được thăng chức đều hàng năm, bạn cần 5 năm đối với một quy trình thông thường (bao gồm 2 năm Associate và 3 năm Senior). Tương tự như Senior, vị trí Manager được chia thành 3 cấp bậc.

Công việc của Manager bao gồm đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và rủi ro liên quan đến quy trình hoạt động của công ty khách hàng; từ đó, đưa ra góp ý về việc thay đổi hoặc cải tiến những chính sách quản trị hiện tại để phù hợp với thực tế và các tiêu chuẩn của công ty. Ngoài ra, Manager cần lưu trữ những thông tin liên quan đến quá trình kiểm toán phục vụ cho mục đích kiểm soát chất lượng.

Manager phụ trách việc phát triển và quản lý danh mục khách hàng. Thông thường, 1 manager sẽ trực tiếp điều hành vài dự án kiểm toán lớn (chịu trách nhiệm trực tiếp dưới Partner) và thực hiện giám sát chất lượng kiểm toán của nhiều dự án kiểm toán nhỏ. Khi đạt đến cấp bậc này, kiểm toán viên đã có thể đại diện công ty ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm pháp lý.

5. Partner

Partner được xem như nấc thang cao nhất trong sự nghiệp cho bất kỳ ai muốn gắn bó lâu dài với các công ty Big4. Partner cũng được chia ra thành 3 cấp bậc tương tự như ở cấp bậc Senior và Manager. Ở PwC và KPMG, cấp bậc đầu tiên được gọi là Director. Quá trình thăng chức lên Partner cần đến 10 năm (bao gồm 2 năm Associate, 3 năm Senior và 5 năm tại vị trí Manager).

Nhiệm vụ chính của Partner thường không liên quan đến những vấn đề kỹ thuật và những công việc hàng ngày mà chú trọng vào việc phát triển và quản lý danh mục khách hàng. Ngoài ra, Partner là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp lý. Chính vì lý do đó, họ thường có vốn góp và chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro với công ty.

Partner phụ trách việc định hướng và đưa ra chiến lược cho mảng hoạt động của riêng mình. Những hồ sơ về dự án kiểm toán sẽ được Partner soát xét thận trọng trước khi chấp thuận và công bố báo cáo tài chính ra công chúng. Nếu sau soát xét phát hiện những vấn đề ảnh hướng đến chất lượng dự án kiểm toán, hồ sơ sẽ được trả lại và đề nghị bổ sung những bằng chứng kiểm toán.

II. Nghề nghiệp sau Big4

1. Các vị trí

Thông thường sau khi rời Big4, thị trường lao động thường offer những vị trí liên quan đến 5 lĩnh vực bao gồm Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Tài chính, Kiểm toán nội bộ và Tư vấn thuế.

2. Các vị trí tương ứng với từng thời điểm rời Big4

Kinh nghiệm làm việc tại Big4 luôn được đánh giá cao bởi thị trường lao động khắp thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, những vị trí được offer tới những cựu nhân viên của các ông lớn này luôn luôn đa dạng và trải dài khắp các ngành nghề. SAPP xin gửi đến bạn bảng tóm tắt cơ hội nghề nghiệp sau Big4.

3. Các lĩnh vực trong Tài chính

Trong Tài chính, có 6 lĩnh vực mà các nhà tuyển dụng thường offer cho nhân viên có kinh nghiệm từ Big4. Công việc ở các lĩnh vực này được mô tả ngắn gọn như hình trên. Thông thường, những công việc liên quan đến đầu tư sẽ yêu cầu thêm chứng chỉ CFA – Chartered Financial Analyst như một yêu cầu tối thiểu.

III. Các kỹ năng cần có để phát triển sự nghiệp

1. Kỹ năng quản lý

Theo Robert L. Katz – chuyên gia tâm lý xã hội học và tổ chức người Mỹ, có 3 loại kỹ năng quản trị bao gồm kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng khái quát.

Kỹ năng chuyên môn chính là kỹ năng có thể đạt được thông qua quá trình làm việc. Senior thường là người rất cứng về kỹ năng chuyên môn vì họ là người trực tiếp thực hiện các vấn đề cần đến chuyên môn.

Kỹ năng mềm chính là cách chúng ta đối nhân xử thế. Giao tiếp xã hội là một hoạt động mà mỗi ngày chúng ta đều cần phải thực hiện. Có người khiến người khác cảm thấy thán phục chỉ bằng một câu nói trong khi có người chẳng làm gì cũng khiến người ta ghét. Khiến người khác nể bằng quyền lực thì rất dễ nhưng khiến người khác nể bằng cách sống thì khó hơn rất nhiều. Chính vì vậy, hầu hết ở mọi cấp bậc đều cần đến kỹ năng mềm.

Kỹ năng khái quát là cách chúng ta tạo ra lý thuyết riêng của mình. Các nhà quản trị có rất nhiều thứ phải giải quyết hàng ngày. Nếu chỉ giải quyết đơn thuần bằng những kỹ năng chuyên môn đơn giản, họ sẽ không bao giờ có thể hoàn thành được các công việc của mình. Nghe có vẻ ngược đời nhưng học nhiều hơn không phải là để nhớ mà là để quên. Họ học nhiều hơn để biết cái gì là phù hợp với mình nhất và phát triển cho riêng mình một lý thuyết về công việc, cuộc đời. Những lý thuyết này như bộ lọc dùng để khái quát hàng tấn thông tin thành một vài điểm cần lưu ý, từ ấy giúp các nhà quản trị ra quyết định.

2. Kỹ năng học tập khi làm việc tại Big4

Khi làm việc tại Big4, đối với những bạn kiểm toán viên, bên cạnh những chứng chỉ chuyên nghiệp như ACCA, VACPA hay CPA, phòng nhân sự sẽ thường xuyên tổ chức các khóa học để nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng mềm. Chương trình học tập sẽ được cập nhật tại các khóa đào tạo của mỗi công ty. Một vài chủ đề bạn có thể được hướng dẫn bao gồm:

  • Văn hóa công ty
  • Kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công việc hàng ngày
  • Kiến thức chuyên sâu về đặc thù ngành nghề
  • Kiến thức về thị trường

Các khóa đào tạo được thiết kế phù hợp với những yêu cầu cho từng vị trí. Những khóa này được chia ra thành nhiều bài giảng nhỏ, đi kèm với các câu hỏi thực tế, video và những tình huống cụ thể. Ngoài ra, cổng thông tin, mạng lưới nội bộ và những nền tảng ứng dụng trực tuyến khác cũng là một nguồn học tập rất hữu ích.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cản trở việc học của nhân viên Big4 chủ yếu tới từ sự quá tải công việc. Cuộc sống thường gắn liền với những giờ làm tăng ca hay giải đáp thắc mắc của khách hàng. Khi bạn được thăng chức thành Manager hoặc Partner, khối lượng công việc chuyên môn giảm đi nhưng lại không đủ bù cho thời gian tăng thêm do phải lo tìm kiếm và quản lý danh mục khách hàng.

Chính vì vậy, thời gian tốt nhất để các bạn tích lũy kiến thức và theo đuổi các chứng chỉ nghề nghiệp chuyên nghiệp thường là những năm đầu ở vị trí Associate.

IV. Lên kế hoạch cho sự thăng tiến trong công việc

Kế hoạch là thứ bạn nên chuẩn bị trong bất cứ trường hợp nào và sự thăng tiến cũng cần có kế hoạch. Bạn không nên xem sự thăng tiến của mình là ngẫu nhiên mà hãy phấn đấu để đạt được nó.

Đầu tiên, bạn cần hiểu rõ chính bản thân mình, bạn cần biết mình muốn làm việc cho vị trí, phòng ban nào trong công ty nhất. Hãy đặt câu hỏi cho chính mình xem khả năng của mình có đủ đáp ứng yêu cầu và nếu không thì liệu cố gắng cải thiện có chắc chắn sẽ cải thiện được khả năng hay không.

Sau khi đã nắm được khả năng của bản thân, bạn cần cụ thể hóa những cơ hội nghề nghiệp phù hợp với khả năng và mong muốn của mình. Chỉ khi cân bằng được mong muốn và phù hợp với khả năng thì bạn mới có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.

Cuối cùng chính là hành động cho mục tiêu của mình. Khi hiểu rõ được những thiếu sót của bản thân và những yêu cầu từ thị trường, bạn hoàn toàn có thể chấp nhận thử thách bản thân qua việc đặt kỳ vọng cao về sự thăng tiến hoặc đơn giản là chấp nhận sự an toàn. Bạn cần cân bằng giữa yếu tố phát triển bản thân với sức khỏe và khả năng chịu áp lực.

Lời kết

Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về những cơ hội nghề nghiệp trong thời điểm đang gắn bó và sau BIG4. Hãy theo dõi và ủng hộ những bài viết tiếp theo của SAPP nhé!

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

  • Hotline: (+84) 971 354 969