Làm gì để phát triển kĩ năng và chuyên môn trong ngành Kế Kiểm Thuế
  1. SAPP Knowledge Base
  2. Nghề nghiệp và kinh nghiệm thi tuyển trong lĩnh vực Kế Kiểm Thuế
  3. Làm gì để phát triển kĩ năng và chuyên môn trong ngành Kế Kiểm Thuế

Networking - Xây dựng mạng lưới mối quan hệ

Tất tần tật thông tin về mạng lưới mối quan hệ (networking) khi đi làm.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chứng kiến những người có khả năng kết nối được với tất cả mọi người. Họ dường như chỉ cần một khoảng thời gian ngắn khi đi thang máy để thuyết phục ai đó, biết cách khuấy động cả hội trường hoặc kết nối với những người chưa từng gặp mặt bao giờ. Bạn đôi lúc cảm thấy ganh tị vì với họ mọi thứ dường như quá dễ dàng. Trong khi mỗi lần thử kết nối, những việc bạn làm chỉ là gửi danh thiếp tới mọi người thật nhanh hoặc tới một sự kiện, diễn đàn để rồi nhận ra mình chỉ đứng ở một góc và nghĩ cách về thế nào để không ảnh hưởng mọi người.

Những khả năng đó là tài sản và được gọi trong tiếng Anh là Social Capital. Social capital chính là giá trị của những mối quan hệ hiện tại và giá trị tiềm năng của những mối quan hệ trong tương lai. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những công ty có càng nhiều nhân viên giàu social capital thì càng vượt trội hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Đương nhiên, những nhân viên như vậy thường có khả năng thăng tiến và tăng lương cao hơn. May mắn thay, bản thân việc networking (kết nối) không khó và hoàn toàn có thể luyện tập được.

I. Định nghĩa

Có rất nhiều định nghĩa xung quanh vấn đề này và hầu hết đều cho rằng networking chính là quá trình tạo lập và phát triển mối quan hệ với người khác. Tuy nhiên, mọi  việc sẽ dễ dàng hơn nếu ta nghĩ rằng networking chính là hiểu các mối quan hệ xung quanh chúng ta và hành động phù hợp

II. Lý thuyết về 6 chặng phân cách

Năm 1967, nhà tâm lý học Stanley Milgram đã thực hiện một cuộc thí nghiệm để chứng minh lý thuyết 6 chặng phân cách (six degrees of separation) được nêu bởi Frigyes Karinthy – một nhà văn Hungary. Lý thuyết 6 chặng phân cách cho rằng hai người bất kỳ có thể kết nối với nhau chỉ cần thông qua tối đa 6 người. Tuy nhiên, kết quả của cuộc thí nghiệm chỉ ra kết quả còn ấn tượng hơn: chúng ta chỉ cần 5,2 người trung gian. Nguồn tham khảo: https://www.jstor.org/stable/2786545?seq=1

Mọi người thường tạo lập mối quan hệ bằng việc nhảy ra khỏi network của mình để bước vào network của người khác. Các mối quan hệ xung quanh tồn tại trước khi chúng ta cố gắng tạo lập. Chỉ là họ khác biệt chúng ta ở một điểm nào đó và vì lẽ đó chúng ta chưa kết nối được với họ. Một cách tiếp cận thông minh hơn chính là thông qua network của mình để kết nối với network khác, hay nói cách khác, tiếp cận thông qua một người bạn của bạn.

III. Mối quan hệ cá nhân và mối quan hệ công việc

Trong mối quan hệ cá nhân, chúng ta đề cao sự kết nối bằng cảm xúc với người khác. Chúng ta dành thời gian để quan tâm, chăm sóc cho các mối quan hệ cá nhân chỉ đơn giản vì chúng ta cảm thấy thoải mái khi làm như thế. Chúng ta dành hết những gì tốt nhất cho đối phương mà không yêu cầu bất cứ điều kiện gì. 

Trong mối quan hệ công việc, chúng ta đề cao yếu tố công việc. Chúng ta có cảm tình hoặc giúp đỡ một ai đó vì chúng ta mong chờ sự giúp đỡ từ họ vào một dịp khác. Nói cách khác, những mối quan hệ này thường có điều kiện và mục đích là để giúp đỡ lẫn nhau thăng tiến trong công việc.

Các mối quan hệ cá nhân thường thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng cái tôi của nhau. Trong khi những mối quan hệ công việc đòi hỏi sự tính toán và có chiến lược hơn. Chúng ta trong công việc cần được nhiều người yêu thích chứ không cần nhiều người thấu hiểu. 

Một vài người thì cho rằng chúng ta nên tách biệt mối quan hệ đồng nghiệp và mối quan hệ cá nhân, một vài người thì cho rằng chúng ta không nên chỉ dừng lại ở mối quan hệ đồng nghiệp. Tùy thuộc vào quan điểm mà mỗi người sẽ chọn và lý giải theo cách của riêng mình. Tuy nhiên trong công việc, bạn đảm bảo một vài yếu tố để không làm ảnh hưởng đến công việc cũng như các mối quan hệ.


1. Sự công bằng

Sự công bằng nghĩa đơn giản là nếu bạn trao quyền lợi cho một ai thì tất cả những người có cùng hiệu quả công việc phải được quyền lợi tương tự. Mọi việc được đánh giá mà không cho phép có sự thiên vị ảnh hưởng đến quyết định.

2. Tránh mâu thuẫn về lợi ích

Mâu thuẫn về lợi ích là việc tạo ra lợi ích cho người này nhưng đồng thời gây tổn hại đến lợi ích của người khác.

3. Tính chính trực

Chính trực nghĩa là thẳng thắn, trung thực trong tất cả các mối quan hệ. Nói cách khác, chúng ta làm đúng với lương tâm và lời nói.

4. Bảo mật thông tin

Những thông tin có được trong quá trình làm việc phải được bảo mật tuyệt đối và không được tiết lộ đến những người không có quyền được tiếp cận thông tin ấy trừ khi được pháp luật và các bên liên quan cho phép

IV. Những yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ

Một mối quan hệ tốt cần có nhiều yếu tố hơn chỉ là việc trao đổi lợi ích với nhau sòng phẳng với nhau. Có trường hợp một người đã rơi vào một mối quan hệ mà đôi bên cảm thấy rất hợp nhau nhưng bẵng đi một thời gian lại đi vào dĩ vãng. Sau đây là những yếu tố tác động đến việc networking.

1. Sự đồng điệu

Hai cá nhân trong một mối quan hệ cần một sự đồng điệu với đối phương. Đó có thể là bất cứ thứ gì trên đời từ tính cách cho đến quan điểm sống. Họ ít nhất phải chấp nhận được góc nhìn của đối phương và không có bất kì mâu thuẫn hoặc hiểu lầm trong cách suy nghĩ. Các cá nhân có sự tương đồng về background, mục tiêu nghề nghiệp hoặc quan điểm thường sẽ gắn kết với nhau rất bền. Chính vì vậy, thay vì tiếp cận bằng cách giới thiệu bản thân thông thường, tiếp cận bằng cách tìm ra sự đồng điệu sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

2. Giao tiếp

Giao tiếp đóng một vai trò quan trọng trong cả 2 loại mối quan hệ cho dù đó là cá nhân hay công việc. Mối quan hệ bắt đầu từ cảm xúc, duy trì mối quan hệ cũng từ cảm xúc. Chúng ta cần giao tiếp hiệu quả để biết được cảm xúc và hiểu rõ nhau tránh việc để mối quan hệ nhạt dần hoặc xảy ra mâu thuẫn. Hãy giữ liên lạc với các mối quan hệ. Dù chỉ là một câu chúc giáng sinh hoặc lời mừng cũng sẽ khiến mọi thứ tốt đẹp hơn.

3. Thành thật

Thành thật không chỉ dừng lại ở việc nói lên sự thật. Thành thật là sống thật với chính con người và những giá trị đại diện cho bạn. Mọi kỹ thuật mà bạn sở hữu trong giao tiếp chỉ là công cụ, thành thật mới chính là điều đáng trân trọng.

4. Giữ bình tĩnh

Một mối quan hệ dù tốt đến mấy cũng sẽ không thể tránh khỏi những cuộc cãi vã. Việc tranh luận trong mối quan hệ đôi khi là cần thiết để các bên có cơ hội hiểu nhau. Những việc bình thường như thế không đáng để chúng ta bận tâm và hành động thái quá. Bình tĩnh và chủ động xin lỗi sẽ giải quyết được hơn một nửa vấn đề.

5. Tha thứ

Không có ai là hoàn hảo để không phạm bất cứ một lỗi lầm nào trong cuộc đời. Những điều tiêu cực sẽ bám víu lấy bạn và làm mọi chuyện thêm trầm trọng. Cảm thông và chấp nhận góc nhìn của đối phương chính là cách giải thoát cảm xúc tốt nhất.

6. Luôn luôn tích cực

Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Người luôn luôn nở nụ cười thân thiện và kể những câu chuyện vui tươi luôn tạo nên một nguồn năng lượng tích cực. Đa số mọi người đều muốn kết bạn với kiểu người này vì cảm giác tuyệt vời mà họ mang lại.

7. Thời gian

Thời gian có sức mạnh kinh người. Thời gian có thể sửa chữa mọi lỗi lầm hoặc đưa một cái tên vào dĩ vãng. Chúng ta thường kết thúc một mối quan hệ khi chúng ta phải bước vào những mối quan hệ mới. Không phải vì chúng ta quên họ, chỉ vì thời gian là nguồn lực khan hiếm. Hãy trân trọng và dành đủ thời gian cho các mối quan hệ của mình.

V. Các giai đoạn trong mối quan hệ

Các giai đoạn trong mối quan hệ được viết tắt bằng 5 chữ cái tiếng Anh bao gồm ABCDE, trong đó:

  • A - Làm quen (Acquaint): Giai đoạn này ảnh hưởng rất nhiều bởi ấn tượng đầu tiên và cả hai xác định lý do để thiết lập một mối quan hệ mới.
  • B - Phát triển (Buildup): Giai đoạn này cả hai bắt đầu chia sẻ về những điểm chung và xây dựng lòng tin.
  • C - Duy trì (Continue): Giai đoạn này là giai đoạn đẹp nhất, các bên dành thời gian cho nhau, tin tưởng và hỗ trợ hết mình.
  • D - Suy giảm (Deteriorate): Giai đoạn này hầu hết tất cả các mối quan hệ đều phải trải qua những không phải ai cũng có thể giải quyết được những mâu thuẫn với nhau. Khi những vấn đề như lòng tin, cảm xúc được khắc phục thì mối quan hệ này sẽ trở lại giai đoạn C và bền vững hơn.
  • E - Kết thúc (End): Giai đoạn này xảy ra khi những mâu thuẫn không được giải quyết thỏa đáng. Điều này cũng nghĩa là cả hai đã đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ.

VI. Xây dựng thương hiệu cá nhân

1. Xác định hình ảnh

Xây dựng thương hiệu cá nhân bắt đầu từ việc xác định các giá trị mà thông qua đó chúng ta có thể thể hiện hình ảnh mong muốn của mình. Một vài câu hỏi bạn nên tự trả lời để xác định hình ảnh mong muốn của mình bao gồm:

  • Bạn xuất sắc trong lĩnh vực nào?
  • Điều gì tạo động lực cho bạn?
  • Người khác khen bạn ở điểm gì?
  • Những dự án nào bạn có thể làm việc mà không cảm thấy quá tải hay mệt mỏi?
  • Những dự án nào bạn đã từng gặp khó khăn? Lí do bạn gặp khó khăn là gì?
  • Bạn làm gì trong những ngày mệt mỏi?

Nếu bạn gặp khó khăn khi trả lời những câu hỏi này, hãy hỏi bạn bè, gia đình và đồng nghiệp xem họ mô tả về bạn như thế nào. Sau khi hiểu rõ các khía cạnh khác nhau trong tính cách, bạn có thể quyết định điều gì là tốt nhất để xây dựng hình ảnh cá nhân. Bạn không nhất thiết chọn hình ảnh tuyệt vời hoặc vượt quá khả năng của mình. Nên nhớ rằng, hình ảnh sẽ phát triển cùng với sự nghiệp của bạn.

2. Hiểu về bản thân

Trước đây, bạn phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu về những tính cách của bản thân. Mọi việc đã trở dễ dàng hơn rất nhiều, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và đưa ra bộ câu hỏi trắc nghiệm giúp bạn xác định được tính cách, ưu và nhược điểm của bản thân mình. Hai trong số các bài kiểm tra tính cách bản thân được đánh giá cao từ các nhà tâm lý học bao gồm Five big personality traitsMBIT.

3. Phát triển bản thân

Người ta vẫn thường hay nói rằng “mây tầng sẽ gặp mây tầng đó”. Bạn xứng đáng được gặp những người tài giỏi khi bạn là một người ưu tú. Hình ảnh cá nhân của bạn suy cho cùng cũng sẽ phát triển theo tại từng cột mốc trong sự nghiệp của bạn. 

Trước khi mở rộng networking, hãy chắc chắn khả năng của bạn đủ để tạo nên ấn tượng đầu tiên thật tốt trước những đối tượng bạn đang hướng đến. Cơ hội để gây ấn tượng chỉ đến một lần duy nhất. Chính vì vậy, hoặc là bạn dành thời gian nâng cao khả năng và gây ấn tượng tốt ngay lần đầu gặp mặt, hoặc là người ta sẽ có định kiến không hay mãi về sau.

4. Xác định đối tượng

Đối với một người xây dựng thương hiệu cá nhân tốt thì việc quan trọng họ cần làm chính là tiếp cận đối tượng của mình một cách phù hợp. Hãy tự đặt câu hỏi và trả lời “Ai chính là người mình muốn tập trung vào?”. Phạm vi đối tượng có thể là bất cứ ai như là sếp, khách hàng hoặc nhà tuyển dụng tương lai. Nói cách khác, đối tượng giao tiếp chính là bất cứ ai mà bạn muốn truyền đạt thông điệp tới họ.

Cách để xây dựng hình ảnh hiệu quả chính là biết người biết ta. Việc định vị đối tượng giao tiếp khiến cho những thông điệp được truyền đạt có chiều sâu hơn. So với bài văn mẫu thì những thông điệp mang tính cá nhân hóa cho riêng họ sẽ chắc chắn tạo được một thông điệp có giá trị và hiệu quả hơn rất nhiều.

5. Tạo sự hiện diện

Tần suất hiện diện cũng ảnh hưởng đến thương hiệu của bạn rất nhiều. Nếu bạn thường xuyên xuất hiện trên bảng tin của một ai đó, chỉ có hai trường hợp có thể xảy ra: (1) là sự ưu tú khiến nhiều người tương tác và mong muốn được tiếp cận với bạn; (2) là người đó có rất nhiều sự đồng điệu với bạn. Cả hai trường hợp đều nói lên rằng bạn là người rất đáng để mọi người kết nối.

Ngày nay cùng với sự phát triển của mạng xã hội, chúng ta đã có thể nâng cao tần suất hiện diện của mình. LinkedIn là nơi tốt nhất dành cho những ai muốn bắt đầu tạo lập mối quan hệ công việc với mọi người, tìm kiếm cơ hội việc làm hoặc khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, Twitter, Facebook và Instagram cũng là những mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn khác mà bạn có thể cân nhắc.

 

Author: Tuyen Le

Reviewed by: Duy Anh Nguyen