Big 4 - Kinh nghiệm cho vòng test năng lực phần kiến thức chuyên môn
  1. SAPP Knowledge Base
  2. Kinh nghiệm thi tuyển Big4 và Non Big
  3. Big 4 - Kinh nghiệm cho vòng test năng lực phần kiến thức chuyên môn

[Test - Accounting - Kiến thức] VAS 04 - TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VÔ HÌNH

Tiêu chuẩn TSCĐ vô hình, thời điểm ghi nhận, xác định giá trị ban đầu, chi phí phát sinh sau ghi nhận, xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu, khấu hao, thanh lý TSCĐVH

1. Định nghĩa

TSCĐ vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình.

2. Ghi nhận và xác định giá trị ban đầu

- Một tài sản vô hình được ghi nhận là TSCĐ vô hình phải thỏa mãn đồng thời: Định nghĩa về TSCĐ vô hình và 4 tiêu chuẩn ghi nhận sau:

  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do tài sản đó mang lại;
  • Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy;
  • Thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm;
  • Có đủ tiêu chuẩn giá trị theo quy định hiện hành.

- Doanh nghiệp phải xác định được mức độ chắc chắn khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lai bằng việc sử dụng các giả định hợp lý và có cơ sở về các điều kiện kinh tế tồn tại trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó.

- TSCĐ vô hình phải được xác định giá trị ban đầu theo nguyên giá.

3. Ghi nhận chi phí

- Chi phí liên quan đến tài sản vô hình được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ hoặc chi phí trả trước, trừ trường hợp:

  • Chi phí hình thành một phần nguyên giá TSCĐ vô hình và thỏa mãn định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình
  • Tài sản vô hình hình thành trong quá trình sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại nhưng không đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình thì những chi phí đó (nằm trong chi phí mua tài sản) hình thành một bộ phận của lợi thế thương mại (kể cả trường hợp lợi thế thương mại có giá trị âm) vào ngày quyết định sát nhập doanh nghiệp.

- Chi phí phát sinh đem lại lợi ích kinh tế tương lai cho doanh nghiệp

- Chi phí liên quan đến tài sản vô hình đã được doanh nghiệp ghi nhận là chi phí xác định kết quả kinh doanh trong kỳ trước đó thì không được tái ghi nhận vào nguyên giá TSCĐ vô hình.

4. Chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu.

Chi phí liên quan đến TSCĐ vô hình phát sinh sau khi ghi nhận ban đầu phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ khi thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện sau thì được tính vào nguyên giá TSCĐ vô hình:

  • Chi phí này có khả năng làm cho TSCĐ vô hình tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhiều hơn mức hoạt động được đánh giá ban đầu;
  • Chi phí được đánh giá một cách chắc chắn và gắn liền với một TSCĐ vô hình cụ thể.

5. Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu

Sau khi ghi nhận ban đầu, trong quá trình sử dụng, TSCĐ vô hình được xác định theo nguyên giá, khấu hao lũy kế và giá trị còn lại.

6. Khấu hao

6.1 Thời gian tính khấu hao

  • Giá trị phải khấu hao của TSCĐ vô hình được phân bổ một cách có hệ thống trong suốt thời gian sử dụng hữu ích ước tính hợp lý của nó. Thời gian tính khấu hao của TSCĐ vô hình tối đa là 20 năm. Việc trích khấu hao được bắt đầu khi đưa TSCĐ vô hình vào sử dụng.
  • Nếu việc kiểm soát đối với các lợi ích kinh tế trong tương lai từ TSCĐ vô hình đạt được bằng quyền pháp lỳ được cấp trong một khoảng thời gian xác định thì thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình không vượt quá thời gian có hiệu lực của quyền pháp lý, trừ khi quyền pháp lý được gia hạn.

6.2 Phương pháp khấu hao

  • Phương pháp khấu hao đường thẳng
  • Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần
  • Phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm

7. Giá trị thanh lý

    TSCĐ vô hình có giá trị thanh lý khi:

    • Có bên thứ ba thỏa thuận mua lại tài sản đó vào cuối thời gian sử dụng hữu ích của tài sản; hoặc
    • Có thị trường hoạt động vào cuối thời gian sử dụng hữu ích của tài sản và giá trị thanh lý có thể xác định được thông qua thị trường.

    Khi không có một trong hai điều kiện nói trên thì giá trị thanh lý của TSCĐ vô hình được xác định bằng không (0).

    Giá trị phải khấu hao được xác định bằng nguyên giá trừ (-) giá trị thanh lý ước tính của tài sản.

    8. Nhượng bán và thanh lý TSCĐ vô hình
    • TSCĐ vô hình được ghi giảm khi thanh lý, nhượng bán hoặc khi xét thấy không thu được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tiếp sau.
    • Lãi hay lỗ phát sinh do thanh lý, nhượng bán TSCĐ vô hình được xác định bằng số chênh lệch giữa thu nhập với chi phí thanh lý, nhượng bán cộng (+) giá trị còn lại của TSCĐ vô hình. Số lãi, lỗ này được ghi nhận là một khoản thu nhập hoặc chi phí trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ

    9. Trình bày báo cáo tài chính

      Trong báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải trình bày theo từng loại TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp và TSCĐ vô hình được hình thành từ các nguồn khác, về những thông tin sau:

      • Phương pháp xác định nguyên giá TSCĐ vô hình;
      • Phương pháp khấu hao; Thời gian sử dụng hữu ích hoặc tỷ lệ khấu hao;
      • Nguyên giá, khấu hao lũy kế và giá trị còn lại vào đầu năm và cuối kỳ

      Author: Minh Thuy Tran