Big 4 - Kinh nghiệm cho vòng phỏng vấn cá nhân

[Interview - Final - Tips] Các câu hỏi PHẢI CHUẨN BỊ khi đi phỏng vấn cá nhân

Để những câu trả lời trong cuộc phỏng vấn đáp ứng được đúng kỳ vọng của nhà tuyển dụng thì việc chuẩn bị trước là tất yếu.

Thực sự khi nói đến vòng phỏng vấn, mình cảm thấy “đáng sợ” hơn vòng test rất nhiều. Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất có đến MỘT NỬA quy trình tuyển dụng một ứng viên là phỏng vấn, gồm vòng phỏng vấn nhóm và phỏng vấn cá nhân.

Thứ hai, đó là tính “thất thường” của các vòng phỏng vấn. Vòng phỏng vấn là một chuỗi các biến cố mà chúng ta hoàn toàn không xác định được. Nói không phải mê tín chứ đi phỏng vấn cần rất nhiều may mắn. Có khi 2 bạn cùng khả năng như nhau, nhưng bạn số 1 đi vào phòng gặp partner technique bị hỏi full technique không trả lời nổi, bạn số 2 vào phòng partner vui tính lại chia sẻ nhiều hơn. Vòng phỏng vấn lại còn là vòng mang tính chất hơi cảm tính. Có bạn đi thi chuẩn bị sẵn câu hỏi, khi đi thi trả lời y nguyên như học thuộc lòng, ví dụ HR có thể thích vì thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc, nhưng partner lại không thích vì hơi thiếu sự chân thành. Cùng một câu trả lời đối với người này là sự cá tính, nhưng đối với người khác lại là thiếu nghiêm túc ☹

Cuối cùng, và QUAN TRỌNG nhất, đó là sự giới hạn về luyện tập. Đối với vòng test thì mọi người có nhiều cách để luyện tập, từ học thuộc chuẩn mực, thông tư, làm ACCA kit, cho đến làm pasts exam. Nhưng phỏng vấn thì luyện thế nào được? Bạn rất khó lập được 1 group 5 đến 7 người để mô phỏng group interview, và còn khó hơn nữa ở chỗ bạn không thể tìm được người để đánh giá, phân tích điểm mạnh điểm yếu để đưa ra đề xuất. Cơ hội để bạn “thực sự” phỏng vấn với HR chỉ có khi bạn đi thi, hoặc tìm được anh chị nào đang làm manager ở BIG để được chia sẻ trong các khóa chuẩn bị tuyển dụng.
Sự giới hạn luyện tập còn góp phần tạo nên sự chủ quan khi đi thi. Thú thật ngày xưa mình không suy nghĩ nhiều về vòng phỏng vấn lắm vì có tâm lý là “À chắc rồi sẽ ứng biến được thôi”. Nhưng rồi khi đi phỏng vấn thật mới biết được lắm vấn đề xảy ra như thế, từ không có chiến lược brainstorm, cho tới gặp teammate không chịu phối hợp, dính bẫy phỏng vấn của HR, … Và kể từ sau trải nghiệm khủng khiếp đó mình sợ vòng phỏng vấn hơn rất nhiều.

Thôi nói dông dài như thế là đủ rồi, mình sẽ đi vào chủ đề chính ngày hôm nay, đó là những câu hỏi CHẮC CHẮN các bạn PHẢI CHUẨN BỊ khi đi phỏng vấn.

1. Một bài giới thiệu cá nhân thật ấn tượng


Các cụ đã dạy là “Đầu xuôi thì đuôi lọt”, một bài giới thiệu cá nhân trôi trảy sẽ không chỉ gây ấn tượng mà còn làm tăng tinh thần các bạn lên rất nhiều, và phần nào đó giúp cho người phỏng vấn có được cái nhìn tổng quan về bạn. 
Tuy nhiên các bạn cần lưu ý, đó là: ‘Đừng chỉ giới thiệu lại cái CV”. CV của bạn lúc bạn bước vào phòng đã có trên tay người phỏng vấn rồi, thông tin cá nhân về bạn họ đã nắm rõ, chỉ giới thiệu lại những thông tin mà họ biết rồi sẽ giúp bạn bị Trừ 1 điểm Ấn tượng.
Do vậy, mình gợi ý là ngoài các thông tin cơ bản như tên tuổi, trường lớp, … các bạn nên thêm vào những thông tin không có trong CV, mục tiêu để tạo sự ấn tượng đối với nhà tuyển dụng, chẳng hạn bạn không chỉ là một học viên ACCA, mà bạn còn biết chơi thể thao, chơi nhạc cụ, tham gia các hoạt động khác để nâng cao các kỹ năng cá nhân … Sự khác biệt mà bạn tạo ra trong màn giới thiệu cũng sẽ góp phần giúp bạn né một câu hỏi rất khó “Em nghĩ em khác biệt gì so với ứng viên khác?”. Ngoài ra đây cũng là nơi để bạn khéo léo khoe được mong muốn cá nhân được gắn bó với công ty, sự phù hợp của bản thân với văn hóa công ty …
Do vậy, hãy chuẩn bị một bài phỏng vấn cá nhân thật tốt, luyện thật trôi trảy để đi thi bị hỏi có thể bật ra ngay lập tức.

2. “Em có điều gì muốn hỏi sau vòng phỏng vấn này không?”


Ở phần trên chúng ta đã có một cái “đầu xuôi”, giờ là câu chuyện xử lí cái “đuôi lọt”. 100% các bạn đi phỏng vấn đều bị hỏi câu này. Và thường là sau 15ph đến nửa tiếng “đấu trí”, mọi người thường tắc ở câu này không biết hỏi gì. Hỏi những điều quá hiển nhiên có thể tìm trên mạng thì sợ bị coi là thiếu tìm hiểu, mà hỏi những câu không khéo thì lại bị đánh giá. 
Một câu chuyện có thật, đó là từ một người anh của mình. Anh ấy có tham gia một buổi phỏng vấn, từ đầu đến gần cuối buổi cuộc phỏng vấn diễn ra rất trơn tru, 2 bên rất hiểu ý nhau, cho đến câu cuối cùng “Em có câu gì cần hỏi anh không?”. Trong giây phút không có sự chuẩn bị, ông anh mình hỏi bừa một câu “Em thấy công ty mình hơi xa trung tâm, thế buổi trưa nhân viên thường đi ăn ở đâu ạ?”. Và buổi phỏng vấn kêt thúc trong êm đềm đi kèm với một thank you note được gửi về tận mail của ông anh kia 2 tuần sau 😊
Lời khuyên của mình thì đây là một câu các bạn phải chuẩn bị trước chứ đến lúc đấy mới nghĩ thì khó lắm. Gợi ý của mình đó là hỏi những câu liên quan đến business của họ một chút, nhưng đừng hỏi những thông tin quá hiển nhiên có thể tìm trên mạng được. Chẳng hạn “Công ty mình có hay đi job ở tỉnh không hay khách chủ yếu ở HN ạ?”, “Khách nước ngoài của mình có nhiều khách Nhật không ạ, tại em đang phân vân không biết học tiếng Nhật hay tiếng Trung?”

3. Điểm mạnh/điểm yếu của bạn là gì?


Cá nhân mình thấy đây là một câu hỏi khá khó để trả lời một cách trọn vẹn nếu không có sự chuẩn bị. Một phần vì không phải ai cũng có khả năng Self Review 😊 Một phần khác là mọi người không biết nên đưa điểm mạnh, điểm yếu nào vào cho khéo, bởi phần này mà nói bừa thì rất có khả năng câu trả lời sẽ “phản chủ”. Chẳng hạn, bạn kể điểm yếu của bạn là bị say xe thì khả năng cao là bạn sắp cầm một vé trượt sớm, vì nó cho thấy bạn không phù hợp với đặc thù của ngành này đó là phải đi xa nhiều.
Chính vì vậy, các bạn khi đề cập đến phần này phải cân nhắc thật kỹ.
Gợi ý của mình đó là đối với điểm mạnh, các bạn nên chọn các điểm mạnh liên quan tới nghề, chẳng hạn như sự ham học hỏi, cẩn thận, tỉ mỉ, khả năng chịu áp lực cao, khả năng teamwork, … 
Còn đối với điểm yếu, thì các bạn nên trình bày những điểm yếu ít ảnh hưởng đến công việc, hoặc nếu là điểm yếu ảnhh hưởng đến công việc chẳng hạn như say xe, thì các bạn có thể đề xuất phương án giải quyết.