Giới thiệu chi tiết các sản phẩm phái sinh mà các nhà đầu tư có thể tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán phái sinh chỉ mới chính thức đến với công chúng đầu tư tại Việt Nam từ năm 2017. Do đây là một công cụ tài chính khá phức tạp, đòi hỏi nhiều kiến thức về tài chính, đầu tư nên nhiều nhà đầu tư còn băn khoăn trước khi bước vào thị trường phái sinh. Trong bài viết này SAPP sẽ giới thiệu chi tiết các sản phẩm phái sinh mà chúng ta có thể tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
I. Chứng khoán phái sinh là gì
Chứng khoán phái sinh (CKPS) có thể được định nghĩa là loại công cụ tài chính mà giá trị của chúng được xác định dựa trên giá của một tài sản cơ sở. Các loại tài sản cơ sở phổ biến bao gồm: các loại hàng hóa như nông sản, dầu mỏ, kim loại, hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, chỉ số chứng khoán.
CKPS bao gồm bốn loại chính như sau:
- Hợp đồng kỳ hạn (Forwards): là một thỏa thuận mua bán hàng hóa với khối lượng xác định, tại một thời điểm nhất định trong tương lai với một mức giá đã được ấn định ngay tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng.
- Hợp đồng tương lai (Futures): về bản chất tương tự như hợp đồng kỳ hạn. Tuy nhiên hợp đồng tương lai đã được chuẩn hóa các điều kiện của hợp đồng như loại hàng hóa cơ sở, khối lượng hàng hóa, thời gian đáo hạn hợp đồng hay phương thức thanh toán hợp đồng. Việc chuẩn hóa này giúp cho hợp đồng tương lai có thể được niêm yết và giao dịch trên các sở giao dịch chứng khoán.
- Hợp đồng hoán đổi (Swaps): là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các tài sản cơ sở trong tương lai. Thời điểm hoán đổi và phương thức tính toán các dòng tiền được quy định rõ trong hợp đồng.
- Hợp đồng quyền chọn (Opitons): là loại hợp đồng cho phép người mua hợp đồng được quyền mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại thời điểm xác định trong tương lai với mức giá đã được ấn định từ trước.
II. Các loại chứng khoán phái sinh đang được giao dịch tại Việt Nam
1. Hợp đồng tương lai chỉ số VN30
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được ra mắt vào ngày 10/08/2017, là loại chứng khoán phái sinh đầu tiên được chính thức niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh này là chỉ số VN30. Đây là chỉ số bao gồm 30 cổ phiếu được niên yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX), có vốn hóa thị trường và thanh khoản cao nhất cùng một số yếu tố kỹ thuật khác. Một số cổ phiếu trong rổ VN30 hiện tại bao gồm các mã: FPT, VIC, MWG, MSN, VCB, VNM…
Bảng dưới đây mô tả các nội dung chính của hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30
Điều khoản |
Chi tiết |
Tên hợp đồng |
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 |
Mã hợp đồng |
VN30FYYMM (với YY, MM là năm và tháng đáo hạn của hợp đồng) |
Tài sản cơ sở |
Chỉ số VN30 |
Quy mô hợp đồng |
100.000 đồng * (điểm chỉ số VN30 tương lai) |
Tháng đáo hạn |
Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 02 quý tiếp theo |
Ngày giao dịch cuối cùng |
Ngày thứ năm thứ ba trong tháng đáo hạn |
Giá thanh toán cuối cùng |
Là giá đóng cửa của chỉ số VN30 tại ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai |
Phương thức thanh toán |
Thanh toán bằng tiền |
Đối với HĐTL, nhà đầu tư (NĐT) có thể tham gia với hai vị thế mua hoặc bán:
- Vị thế mua (long position): NĐT có nhu cầu mua tài sản cơ sở hoặc kỳ vọng giá tài sản đó sẽ tăng.
- Vị thế bán (short postion): NĐT có nhu cầu bán tài sản cơ sở hoặc kỳ vọng giá tài sản đó sẽ giảm.
Ví dụ dưới đây sẽ minh họa cụ thể hơn về cách thức giao dịch hợp đồng tương lai:
Giả sử, ngày 22/5/2020, chỉ số VN30 là 850 điểm
Nhà đầu tư A dự báo chỉ số VN30 sẽ có xu hướng tăng lên mức 900 điểm tại thời điểm cuối tháng 6/2020. Do đó nhà đầu tư này mua 01 hợp đồng VN30F2006 (hợp đồng đáo hạn tháng 06/2020) với giá 860 điểm chỉ số. Như vậy quy mô của hợp đồng này sẽ là 100.000 đồng * (điểm chỉ số VN30 tương lai) = 86 triệu đồng. Tuy vậy, chỉ cần số tiền ký quỹ ban đầu bằng 13% quy mô hợp đồng, tức 11,2 triệu đồng, NĐT đã có thể tham gia giao dịch.
Trong khi đó, NĐT B lại dự báo ngược lại rằng chỉ số VN30 có xu hướng giảm xuống mức 800 điểm, lúc này NĐT B sẽ tiến hành bán 01 hợp đồng VN30F2006 với giá 860 điểm chỉ số. Khi đó giả sử các lệnh mua bán của NĐT A và B sẽ được khớp với nhau.
Nếu các NĐT giữ hợp đồng đến ngày đáo hạn, giả sử là ngày 18/06/2020, theo đúng dự đoán của NĐT A chỉ số VN30 tăng lên và đóng cửa tại 890 điểm và mức chỉ số đóng cửa này được dùng làm giá thanh toán cuối cùng cho hợp đồng tương lai VN30F2006. Như vậy, Nhà đầu tư A dự đoán đúng xu hướng của thị trường, mức lãi cuối cùng của NĐT A được xác định như sau: Nhà đầu tư A lãi = (890-860)*100.000 đồng = 3 triệu đồng. Và ngược lại NĐT B dự đoán sai và sẽ chịu mức lỗ là 3 triệu đồng.
Ngoài ra các NĐT có thể đóng các vị thế mua hoặc bán của mình để thu lãi trước khi hợp đồng đáo hạn bằng cách thực hiện các lệnh ngược với vị thế mà mình đang nắm giữ
2. Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ
HĐTL trái phiếu chính phủ là loại hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là một trái phiếu chính phủ. Tương tự như các loại hợp đồng tương lai khác, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ được giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán tập trung với những điều khoản chuẩn hóa. Các yếu tố chuẩn hóa chính của HĐTL trái phiếu chính phủ đang được giao dịch như sau:
Điều khoản |
Chi tiết |
Tên hợp đồng |
Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ 05 năm |
Mã hợp đồng |
VB05FYYMM (với YY, MM là năm và tháng đáo hạn của hợp đồng) |
Tài sản cơ sở |
Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn |
Quy mô hợp đồng |
1.000.000.000 đồng |
Tháng đáo hạn |
03 tháng cuối 03 quý gần nhất |
Ngày giao dịch cuối cùng |
Ngày 15 của tháng đáo hạn hoặc ngày giao dịch liền trước nếu ngày 15 là ngày nghỉ |
Giá thanh toán cuối cùng |
Giá thanh toán cuối ngày tại ngày giao dịch cuối cùng |
Phương thức thanh toán |
Chuyển giao vật chất |
Điểm khác biệt lớn nhất giữa HĐTL chỉ số VN30 và HĐTL trái phiếu chính phủ nằm ở phương thức thanh toán khi hợp đồng đáo hạn. HĐTL trái phiếu chính phủ sử dụng phương pháp chuyển giao vật chất. Người bán lựa chọn và chuyển giao trái phiếu trong rổ trái phiếu giao hàng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu cho người mua. Đổi lại, người mua thanh toán tiền khi nhận được trái phiếu tại ngày thanh toán cuối cùng.
3. Chứng quyền có đảm bảo (Covered warrant)
Chứng quyền có bảo đảm là một loại CKPS có tài sản đảm bảo, do công ty chứng khoán phát hành và được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán. Người mua chứng quyền có quyền (nhưng không bắt buộc) mua hoặc bán một chứng khoán cơ sở ở một thời điểm cụ thể trong tương lai với mức giá đã xác định trước. Về bản chất thì chứng quyền chính là một loại hợp đồng quyền chọn (option).
Chứng quyền có 2 loại là chứng quyền mua và chứng quyền bán. Tuy nhiên theo quy định hiện tại thì các CTCK chỉ phép được phép phát hành Chứng quyền mua.
Chúng ta có thể tham khảo một ví dụ về chứng quyền như sau:
Ngày 22/05/2020, nhà đầu tư A dự đoán giá cổ phiếu FPT sẽ có xu hướng tăng trong hai tháng tới. Lúc này NĐT mua 1,000 Chứng quyền (CW) trên cổ phiếu FPT với các thông số sau:
- Tỷ lệ chuyển đổi: 2:1
- Ngày đáo hạn: 22/07/2020
- Giá thực hiện 50,000 đồng
- Giá chứng quyền: 1,800 đồng/CW
Vậy số tiền nhà đầu tư A phải trả để mua 1,000 CW FPT là: 1000 * 1.800 = 1.800.000 đồng
Sau 01 tháng:
Giả sử giá một chứng quyền mua trên thị trường là 2.500 đồng. Nhà đầu tư có thể chốt lời bằng việc bán lại CW ngay thời điểm này trên sở Giao dịch chứng khoán.
Lợi nhuận = 1.000 x (2.500-1.800) = 700.000 đồng
Vào ngày đáo hạn:
- Nếu nhà đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và giá của cổ phiếu FPT tăng lên đúng như dự đoán. Giả sử giá thanh toán đối với cổ phiếu FPT là 60.000 đồng cao hơn mức giá thực hiện 50.000 đồng của CW. Lúc này NĐT sẽ thực hiện quyền mua và được thanh toán như sau:
Tổ chức phát hành sẽ thanh toán cho nhà đầu tư số tiền là: 1.000/2 x (60.000-50.000) =5.000.000 đồng.
NĐT sẽ có lợi nhuận là:
5.000.000 đồng- 1.800.000 đồng (tổng số tiền bỏ ra để sở hữu CW) = 3.200.000 đồng.
- Nếu giá thanh toán tại ngày đáo hạn thấp hơn giá thực hiện của CW, lúc này NĐT A sẽ không thực hiện quyền mua và chỉ bị lỗ số tiền ban đầu mua chứng quyền là 1.800.000 đồng.
Ta có thể thấy một ưu điểm của chứng quyền mua đó là NĐT có thể giới hạn số thua lỗ tối đa của mình (bằng với số tiền mua chứng quyền) còn chiều lợi nhuận thì không bị giới hạn.
Kết luận: chứng khoán phái sinh không chỉ là loại công cụ tài chính nhằm phòng ngừa rủi ro mà còn là công cụ đầu tư có thể mang lại lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên, do đây là một công cụ khá phức tạp, nên các NĐT cần tìm hiểu kỹ cơ chế hoạt động của các loại CKPS cũng như nâng cao khả năng phân tích, dự báo thị trường để có thể đầu tư hiệu quả.