Tổng quan về ACCA

[Tips] - Mức độ hiệu quả của 04 phương pháp ôn thi phổ biến

Việc nghiên cứu và vận dụng hiệu quả các phương pháp ôn thi là điều cần thiết để chinh phục thành công các chứng chỉ nghề nghiệp: ACCA, CFA, CMA,... Hãy cùng SAPP khám phá “mức độ hiệu quả” của 04 phương pháp ôn thi phổ biến và cách ứng dụng chúng!

1. Re-reading: Phương pháp đọc lại bài

Đây là phương pháp phổ biến nhất mà học sinh, sinh viên hay sử dụng trong giai đoạn ôn thi. Theo đó, người học sẽ đọc lại kiến thức đã học một hay nhiều lần nữa nhằm củng cố kiến thức và hiểu sâu hơn về nội dung.

✅ Điểm mạnh:

  • Củng cố kiến thức: Đọc lại bài giúp củng cố thông tin đã học giúp tăng cường khả năng ghi nhớ của não bộ.
  • Khám phá nguồn thông tin mới: Phương pháp này có thể giúp nhận ra những chi tiết quan trọng mà bạn đã bỏ sót trong lần đọc ban đầu. Từ đó, bổ sung thông tin và giúp bạn hiểu rõ hơn về các kiến thức đã học.

 ❌ Điểm yếu:

  • Tốn nhiều thời gian: Việc đọc lại toàn bộ tài liệu học sẽ “ngốn” thời gian và công sức của bạn, đặc biệt đối với những nội dung dài và phức tạp.
  • Rủi ro khi đọc qua loa: Nếu chỉ đọc lướt mà không có chủ đích sẽ khiến bạn bỏ lỡ nhiều phần nội quan trọng.

🔎 Nghiên cứu về phương pháp đọc lại bài:

"The Limited Benefits of Rereading Educational Texts" của Callender & McDaniel (2009) là một nghiên cứu điển hình về hiệu quả của phương pháp đọc lại. Trong nghiên cứu này, 02 nhóm thí nghiệm (đọc lại bài viết và sử dụng các phương pháp học tập khác) đã được yêu cầu đọc một bài viết và sau đó làm bài kiểm tra đánh giá khả năng ghi nhớ thông tin. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng nhóm sử dụng các phương pháp học tập khác đã đạt được kết quả tốt hơn trong việc ghi nhớ thông tin. Qua đó chứng minh việc đọc lại không mang lại nhiều lợi ích so với việc sử dụng các phương pháp học tập khác như tổng hợp, ghi chú hoặc Active Recall,...

📌 Cách ứng dụng hiệu quả phương pháp đọc lại: Để ứng dụng tối ưu hiệu quả của re-reading, SAPP khuyến khích bạn tập trung vào việc đọc hiểu và ghi nhớ các kiến thức chủ chốt. Sau đó, hãy chủ động gợi nhớ, ghi chú và tóm tắt kiến thức để ghi nhớ lâu hơn. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp re-reading với các phương pháp khác để phát huy tối đa hiệu quả của cách học này.

2. Highlighting: Phương pháp tô đậm

Được ưa chuộng và sử dụng phổ biến, phương pháp này bao gồm việc tô đậm những điểm quan trọng, từ khóa hoặc câu chuyện trong văn bản. Cách ôn thi này giúp tạo ra sự tập trung và nhấn mạnh những phần quan trọng để dễ dàng tìm lại và ghi nhớ thông tin.

✅ Điểm mạnh: 

  • Nổi bật kiến thức quan trọng: Việc tô đậm làm nổi bật những thuật ngữ và thông tin, giúp bạn dễ nhìn thấy và ôn tập.
  • Dễ thực hiện: Tô đậm là một phương pháp đơn giản và dễ học. Bạn chỉ cần một cây bút highlight để tô đậm phần nội dung cần thiết. 

❌ Điểm yếu:

  • Không đảm bảo hiểu sâu: Phương pháp tô đậm thường chỉ tập trung vào hình thức mà không đảm bảo hiểu sâu sắc về các nội dung trọng yếu. Do khá dễ để thực hiện nên phương pháp này có thể khiến bạn lười vận động trí óc và suy giảm tư duy phản biện.
  • Dễ gây nhiễu loạn thông tin: Mỗi người có thể có những tiêu chuẩn khác nhau khi đánh dấu thông tin. Nếu nhấn mạnh không đúng, bạn sẽ rơi vào trạng thái bỏ lỡ kiến thức quan trọng và học lệch trọng tâm.

🔎 Nghiên cứu về hiệu quả phương pháp tô đậm

Nghiên cứu "The Impact of Highlighting on Memory for Text" của Rawson và Kintsch (2005) tập trung vào việc khảo sát tác động của phương pháp tô đậm (highlighting) đối với việc ghi nhớ văn bản. Theo đó, người tham gia được yêu cầu đọc một đoạn văn bản và sau đó thực hiện các bài kiểm tra để đánh giá khả năng ghi nhớ. Một nhóm được yêu cầu tô đậm các từ và câu trong văn bản, trong khi nhóm khác không được thực hiện bất kỳ thay đổi nào trên văn bản.

Kết quả của nghiên cứu là việc tô đậm không đem lại lợi ích đáng kể về khả năng ghi nhớ so với nhóm không tô đậm. Qua đó cho thấy rằng việc tô đậm có thể thực tế không cung cấp nhiều lợi ích như chúng ta thường nghĩ.


📌 Cách ứng dụng phương pháp tô đậm: Bạn cần nhận biết và đánh dấu chính xác những từ khóa quan trọng. Trong quá trình ôn thi, tập trung vào những điểm đã tô đậm để nắm vững thông tin quan trọng và kết hợp với phương pháp ôn tập khác như làm bài tập, giải đề, tạo mindmap tổng hợp kiến thức,...

3. Summarization & Taking notes - Phương pháp Tổng hợp và Ghi chép


Đây cũng là 02 phương pháp rất phổ biến. Nhiều người học cho rằng việc ghi chép, tổng hợp từ tài liệu gốc sang tài liệu mới theo cách hiểu của mình là điều tất yếu khi ôn thi.

Điểm mạnh: 

  • Tổng hợp thông tin: Phương pháp này giúp bạn tóm tắt và tổng hợp thông tin quan trọng từ các nguồn tài liệu khác nhau, giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh và nắm bắt thông tin chính.
  • Tạo ra tài liệu ôn tập: Ghi chép và tổng hợp giúp tạo ra các tài liệu ôn tập dễ dùng sau này. Người học có thể xem lại những ghi chú đã tạo ra để nhanh chóng hồi tưởng lại kiến thức đã học.

Điểm yếu: 

  • Đòi hỏi kỹ năng tổng hợp: Một số người có thể gặp khó khăn trong việc lựa chọn và ghi chú thông tin quan trọng một cách hợp lý.
  • Tốn thời gian và công sức: Việc tóm tắt và ghi chú đòi hỏi thời gian và công sức, đặc biệt khi ôn tập nhiều nội dung.

🔎 Nghiên cứu về hiệu quả phương pháp này

Dunlosky, Rawson, Marsh, Nathan và Willingham (2013) đã thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả của phương pháp tổng hợp và ghi chép. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy phương pháp tổng hợp và ghi chép có mức độ hiệu quả trung bình, giúp cải thiện hiểu biết và tăng khả năng ghi nhớ kiến thức. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này cần phải được điều chỉnh linh hoạt với từng người học và bài học cụ thể.

📌 Cách ứng dụng phương pháp tổng hợp & ghi chép: Với phương pháp này, bạn nên sắp xếp thông tin có tính logic và tổng hợp kiến thức thành bản tóm tắt. Ngoài ra, SAPP khuyến khích bạn sử dụng các biểu đồ, hình ảnh minh họa, màu sắc bắt mắt,...giúp tăng tính tượng hình và ghi nhớ lâu hơn. Trong quá trình ôn thi, bạn hãy thường xuyên ôn tập lại các bản tóm tắt này để tích lũy được nhiều kiến thức nhất có thể.

4. Phương pháp Active Recall

Active Recall (hay còn được gọi là Retrieval Practice), tạm dịch là phương pháp “gợi nhớ thông tin chủ động”. Đây là việc bạn kích thích bộ não ghi nhớ thông tin một cách chủ động.

✅ Điểm mạnh:

  • Ghi nhớ kiến thức sâu sắc: Active Recall tạo ra một sự tương tác tích cực với kiến thức qua việc chủ động gợi lại thông tin từ bộ nhớ. Việc tái hiện thông tin này giúp củng cố và tăng cường quá trình ghi nhớ sâu sắc.
  • Kích thích tư duy: Khi áp dụng Active Recall, bạn phải liên tục sử dụng não bộ để tìm hiểu và khôi phục thông tin. Điều này giúp bạn hiểu sâu về nội dung và phát triển kỹ năng suy luận, phân tích.
  • Tăng khả năng áp dụng kiến thức: Bằng cách liên tục thực hành truy xuất thông tin từ trí nhớ sẽ giúp bạn phát triển khả năng sử dụng kiến thức trong các tình huống thực tế và tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các khái niệm.

❌ Điểm yếu: 

  • Đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực học tập: So với việc chỉ đọc hoặc nghe thông tin, việc thực hiện Active Recall có thể mất thời gian hơn. Bạn cần dành thời gian và nỗ lực để tái hiện thông tin và kiểm tra kiến thức của mình.
  • Có thể gặp khó khăn ban đầu: Một số người có thể gặp khó khăn ban đầu khi thực hiện active recall vì chưa quen với việc tự khai triển thông tin. Do vậy phương pháp này đòi hỏi nhiều nỗ lực để làm quen và cải thiện kỹ năng này.

🔎 Nghiên cứu về phương pháp Active Recall:

Nghiên cứu của Dunlosky, Rawson, Marsh, Nathan và Willingham (2013) tập trung vào việc đo lường hiệu quả của các phương pháp học tập khác nhau bao gồm Active Recall (phương pháp tái tạo thông tin), đọc lại (re-reading), highlighting (tô đậm) và một số phương pháp khác. Kết quả cho thấy, Active Recall là một trong những phương pháp học tập có hiệu quả cao nhất trong việc ghi nhớ và học tập.

📌 Cách ứng dụng phương pháp Active Recall: 

  • Làm bài tập trắc nghiệm: Tìm và làm các bài tập trắc nghiệm liên quan đến nội dung ôn thi. Đồng thời, bạn nên hực hiện việc khôi phục thông tin từ bộ nhớ và trả lời câu hỏi để tăng cường ghi nhớ.
  • Học nhóm: Cùng nhau thảo luận, trao đổi kiến thức và trả lời câu hỏi giúp bạn khôi phục thông tin từ bộ nhớ và học hỏi kiến thức từ người khác.
  • Sử dụng Flashcards: Tạo flashcards với các thuật ngữ, định nghĩa, công thức hay các câu hỏi quan trọng sẽ giúp bạn ôn lại và tự kiểm tra kiến thức.
  • Giảng dạy lại cho cho người khác: Mỗi lần dạy người khác là một lần học. Quá trình giảng dạy lại sẽ tạo cơ hội tái tạo thông tin và củng cố kiến thức.
  • Sử dụng mindmap (sơ đồ tư duy): chủ động gợi nhớ bằng cách vẽ một mindmap với từ khóa chính và các ý phụ về chủ đề bạn muốn ôn tập. Qua đó giúp khôi phục thông tin từ bộ nhớ, tăng khả năng logic và trí nhớ dài hạn.

Lời kết:

Lưu ý rằng hiệu quả của những phương pháp này có thể khác nhau đối với từng người. SAPP mong rằng bạn có thể đón nhận bài viết này một cách cởi mở và ứng dụng hiệu quả từng phương pháp ôn thi này để đạt được các mục tiêu học tập.

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

  • Hotline: 19002225 (phân nhánh 2)