[FM/F9] Financial Management (Quản trị Tài chính)

[FM/F9: Tóm tắt kiến thức] Lesson 2: Môi trường kinh tế đối với doanh nghiệp (The economic environment for bussiness)

Tìm hiểu về mục tiêu, chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của môi trường kinh tế đến doanh nghiệp

I. Khái quát chung về chính sách kinh tế vĩ mô (Outline of macroeconomic policy)

1. Định nghĩa


Kinh tế vĩ mô (Macroeconomics) quan tâm đến vấn đề kinh tế tổng thể của toàn bộ nền kinh tế như thu nhập quốc dân, cung tiền và mức độ việc làm.
Kinh tế vi mô (Microeconomics) quan tâm đến hành vi kinh tế của từng doanh nghiệp và người tiêu dùng hoặc hộ gia đình.

2. Mục tiêu chính sách (Policy objectives)

  • Tăng trưởng kinh tế (Economic growth): cải thiện mức sống của người dân, thể hiện qua sự gia tăng thu nhập quốc dân thực tế (tăng do lạm phát giá cả không phải là sự gia tăng thực sự).

  • Kiểm soát lạm phát (Control inflation): Kiềm chế lạm phát giá ở mức thấp, ổn định.

  • Toàn dụng lao động (Full employment): mức thất nghiệp thấp và thất nghiệp không tự nguyện trong ngắn hạn.

  • Ổn định cán cân thanh toán (Balance of payments stability): Cán cân thanh toán (BOP) là tổng các giao dịch của một nước với các nước khác trên thế giới.

3. Các công cụ chính sách (Policy instruments)

  • Chính sách tài khóa (Fiscal policy): việc chi tiêu và các chính sách thuế của chính phủ để tác động đến tổng cầu trong nền kinh tế.

  • Chính sách tiền tệ (Monetary): tác động đến các biến số tiền tệ như lãi suất và cung tiền để đạt được các mục tiêu đặt ra cho việc làm, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và cán cân thanh toán.

  • Chính sách tỷ giá hối đoái (Exchange rate): thông qua việc quản lý tỷ giá hối đoái của Chính phủ để đạt được các mục tiêu kinh tế.

  • Chính sách thương mại đối ngoại (External trade): thông qua các chính sách về xuất nhập khẩu để đạt được các mục tiêu kinh tế. Ví dụ, chính phủ có thể kích thích xuất khẩu bằng cách quản lý tỷ giá hối đoái để làm cho hàng xuất khẩu rẻ hơn cho người mua nước ngoài; hoặc làm cho chi phí nhập khẩu cao hơn và khối lượng nhập khẩu thấp hơn để khuyến khích sản lượng trong nước tăng lên, kích thích nền kinh tế trong nước.

II. Chính sách tài khóa (Fiscal policy)

1. Định nghĩa

Chính phủ thông qua chế độ thuế và đầu tư công để tác động tới nền kinh tế.

2. Chính sách tài khóa và quản lý tổng cầu (Fiscal policy and demand management)

Một chính phủ có thể can thiệp vào nền kinh tế bằng cách:

  • Chi tiêu nhiều hơn và tài trợ cho chi tiêu này bằng cách vay, không tăng thuế -> nó sẽ làm tăng chi tiêu trong nền kinh tế, và do đó làm tăng tổng cầu.
  • Chính sách thu hẹp (contractionary policy): Thu thêm thuế mà không tăng chi tiêu công hoặc giảm chi tiêu công => Giảm tổng cầu.
  • Chính sách mở rộng (expansionary policy): Giảm thuế và không tăng chi tiêu công -> kích thích tổng cầu trong nền kinh tế vì các công ty và hộ gia đình sẽ có nhiều tiền hơn sau thuế để tiêu dùng hoặc tiết kiệm/đầu tư.
  • Thu thêm thuế để tăng chi tiêu công, do đó chuyển hướng thu nhập từ một phần của nền kinh tế khác

Chi tiêu của chính phủ “bơm vào” (injection) vào nền kinh tế, làm tăng tổng cầu (aggregate demand) về hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế và do đó tăng thu nhập quốc dân, trong khi thuế là sự 'rút ra' (withdrawal) khỏi nền kinh tế. Do đó, chính sách tài khóa có thể được sử dụng như một công cụ quản lý tổng cầu.

3. Chính sách tài khóa và doanh nghiệp (Fiscal policy and business)

  • Thông qua sự ảnh hưởng đến mức tổng cầu (AD) đối với hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế, chính sách tài khóa ảnh hưởng đến môi trường cho doanh nghiệp.

    Ví dụ: Khi tổng cầu (AD) giảm có thể là do nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp thấp hơn. Khi lập kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp nên tính đến tác động của những thay đổi trong AD đến tăng trưởng doanh số. Kế hoạch kinh doanh sẽ dễ dàng hơn nếu chính sách của chính phủ tương đối ổn định.

  • Những thay đổi về thuế do chính sách tài khóa cũng gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.

    Ví dụ: Chi phí nhân công sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thuế thu nhập; các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giá thành sản phẩm tăng cao hơn.

III. Chính sách tiền tệ (Monetary policy)

1. Định nghĩa

Chính sách tiền tệ là sự điều tiết của nền kinh tế thông qua việc kiểm soát hệ thống tiền tệ bằng cách vận hành các biến số như cung tiền (money supply) và mức lãi suất (rate of interest).

  • Cung tiền (Money supply): Sự gia tăng cung tiền sẽ làm tăng giá cả và tiền thu nhập, điều này sẽ làm tăng nhu cầu về tiền để chi tiêu và từ đó thúc đẩy nền kinh tế.

  • Lãi suất (rate of interest): Lãi suất có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế như đầu tư và chi phí tiêu dùng. Tuy nhiên, còn nhiều tranh cãi cho rằng việc đầu tư bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi niềm tin kinh doanh (business confidence) và thay đổi lãi suất chỉ có khả năng ảnh hưởng đến mức chi tiêu sau một khoảng thời gian trễ đáng kể.

2. Chính sách lãi suất và doanh nghiệp (Interest rate policy and business)

  • Thay đổi lãi suất ảnh hưởng đến chi phí vay của doanh nghiệp, ngăn cản các công ty vay để mở rộng tài chính.

  • Tăng lãi suất gây áp lực giảm giá cổ phiếu, khiến các công ty gặp khó khăn hơn trong việc tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu.

  • Các doanh nghiệp sẽ bị gây áp lực phải giảm bớt nhu cầu tiêu dùng do lãi suất tăng.

IV. Tỷ giá hối đoái (Exchange rates)

1. Định nghĩa:

Tỷ giá hối đoái là tỷ giá mà tại đó một đồng tiền này sẽ được trao đổi cho một đồng tiền khác.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái (Factors influencing exchange rate for a currency)

Tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền được quyết định bởi cung và cầu trên thị trường ngoại hối.

Cung (đến từ nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn mua một loại đồng tiền), cầu (đến từ những người muốn bán đồng tiền đó) sẽ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố sau:

  • Tỷ lệ lạm phát (inflation), được so sánh với tỷ lệ lạm phát của các quốc gia khác

  • Lãi suất (interest rate), được so sánh với lãi suất của các quốc gia khác

  • Cán cân thanh toán (The balance of payments)

  • Đầu cơ (Speculation)

  • Các chính sách can thiệp của chính phủ (Government policy) ảnh hưởng đến tỷ giá

  • Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa

  • Tăng trưởng cung tiền ảnh hưởng đến lãi suất và tỷ lệ lạm phát

3. Các chế độ tỷ giá hối đoái

  • Tỷ giá hối đoái cố định (Fixed exchange rates): Chính phủ có thể cố giữ tỷ giá ở mức cố định hoặc trong một khoảng cố định nhằm giữ ổn định tình hình kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nếu chính phủ không thể kiểm soát lãi suất, đồng tiền sẽ không còn thể hiện giá trị thị trường thực của chúng. Nếu tỷ lệ lạm phát của một đất nước cao hơn các nước khác, giá hàng hóa xuất khẩu sẽ mất tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

  • Tỷ giá thả nổi (Floating exchange rates): là chế độ trong đó giá trị của một đồng tiền được phép biến động không giới hạn theo cung và cầu trên thị trường ngoại hối.

  • Tỷ giá thả nổi có điều tiết (Managed/Dirty floating): Một hệ thống mà theo đó tỷ giá hối đoái được phép thả nổi, nhưng đôi khi chính phủ sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách sử dụng dự trữ ngoại tệ để mua hoặc bán đồng nội tệ của họ để mua thêm ngoại tệ dự trữ.

4. Tỷ giá hối đoái và doanh nghiệp (Exchange rates and business)

Thay đổi tỷ giá hối đoái sẽ ảnh hưởng đến giá tương đối (Relative price) của hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong và ngoài nước.

Tỷ giá hối đoái thấp hơn

(đồng tiền trong nước mất giá so với đồng tiền nước ngoài) 

Tỷ giá hối đoái cao hơn

(đồng tiền trong nước tăng giá so với đồng tiền nước ngoài)

Hàng hóa trong nước rẻ hơn ở thị trường nước ngoài nên nhu cầu xuất khẩu tăng

Hàng hóa trong nước đắt hơn ở thị trường nước ngoài nên nhu cầu xuất khẩu giảm

Hàng hóa nước ngoài đắt hơn nên nhu cầu nhập khẩu giảm

Hàng hóa nước ngoài rẻ hơn nên nhu cầu nhập khẩu tăng

Nguyên liệu thô nhập khẩu đắt hơn nên chi phí sản xuất tăng

Nguyên liệu thô nhập khẩu rẻ hơn nên chi phí sản xuất giảm

V. Chính sách cạnh tranh (Competition policy)

Chính sách cạnh tranh (Competion policy) bao gồm tất cả các biện pháp của Nhà nước nhằm duy trì cạnh tranh, một mặt chủ động tạo ra các tiền đề cho cạnh tranh, mở cửa thị trường, loại bỏ các rào cản xâm nhập thị trường, mặt khác thực thi các biện pháp chống lại các chiến lược hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp.

1. Thất bại thị trường (market failure)

Thất bại thị trường (market failure) xảy ra khi cơ chế thị trường không mang lại hiệu quả kinh tế, và do đó kết quả là không tối ưu. Nguyên nhân của thất bại thị trường bao gồm:

  • Cạnh tranh không hoàn hảo (Imperfect competion): Khi một công ty có thị phần lớn hoặc chi phối toàn bộ thị trường dẫn đến sự thiếu hiệu quả kinh tế do thiếu tính cạnh tranh hoặc lợi nhuận quá mức

  • Chi phí xã hội (Social costs) và các ảnh hưởng ngoại lai (Externalities)

  • Thông tin không hoàn hảo (Imperfect information

  • Sự công bằng xã hội (Equity/social justice)

2. Các chính sách điều tiết của chính phủ (Regulation)

  • Đối với các dạng thị trường cạnh tranh không hoàn hảo bao gồm độc quyền (monopoly) hay độc quyền nhóm bán (oligopoly), chính phủ có thể sử dụng các biện pháp như giảm giá (price cuts), kiểm soát giá hoặc lợi nhuận (Price and profit controls), xóa bỏ hàng rào gia nhập (Removal of entry barriers).

  • Chính sách hạn chế (Restrictive practices): Chính phủ có thể ban hành các luật nhằm đối phó với các hành vi bóp méo hay ngăn chặn tính cạnh tranh trên thị trường.

  • Phi điều tiết (Deregulation): là việc loại bỏ hoặc đơn giản hóa các quy tắc và các quy định hạn chế hoạt động nhằm xóa bỏ rào cản cho các doanh nghiệp và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

  • Tư nhân hóa (Privatization): là chính sách giới thiệu doanh nghiệp tư nhân vào các ngành công nghiệp trước đây thuộc sở hữu nhà nước hoặc do nhà nước điều hành, nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường và nâng cao ý thức về chi phí của các ngành công nghiệp. Có ba hình thức tư nhân hóa:

    - Cho phép các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước nơi họ không được phép cạnh tranh trước đây

    - Để doanh nghiệp tư nhân thực hiện một số dịch vụ quốc gia mà trước đây được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhà nước.

    - Chuyển quyền sở hữu tài sản từ nhà nước sang cổ đông tư nhân

VI. Chính sách môi trường (Green policy)

1. Chính sách ô nhiễm (Polution policy)

Chính phủ có thể thực hiện một số chính sách để cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường gây ra bởi hoạt động sản xuất và tiêu dùng:

  • Đánh thuế đối với người gây ô nhiễm bằng với mức chi phí cần thiết để loại bỏ tác động ô nhiễm mà họ tạo ra

  • Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các quy trình làm sạch không khí mới, xử lý rác thải giúp giảm mức độ ô nhiễm

  • Đặt ra các quy định và chế tài xử phạt về việc xử lý chất thải và khí thải

2. Lợi ích của chính sách thân thiện với môi trường đối với doanh nghiệp

  • Thu hút khách hàng khi mà hiện nay cộng đồng đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề môi trường

  • Cải thiện hình ảnh của công ty, tăng cường mối quan hệ với công chúng nói chung và cộng động địa phương nói riêng

  • Dễ dàng tìm kiếm các quỹ đầu tư trong tương lai

VI. Bài tập minh họa

Trả lời:
Câu 4: Đáp A - Cả hai tuyên bố đều đúng. Nếu một chính phủ chi nhiều hơn, ví dụ, vào các dịch vụ công như bệnh viện mà không tăng thêm tiền thuế, nó sẽ làm tăng chi tiêu trong nền kinh tế và tăng tổng cầu. Một chính phủ có thể giảm tổng cầu trong nền kinh tế bằng cách tăng thuế hoặc giảm chi tiêu.
Câu 5: C - Câu 1 là đúng và Câu 2 là sai.Tổng cầu là tổng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế ở một mức giá chung nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định. Khi nó tăng lên, nhiều việc làm được tạo ra và kinh tế tăng trưởng. Câu 2 là sai. Lãi suất cao xuất hiện để ngăn cản các công ty đầu tư.


Author: Trần Thị Huyền Trang