[FM/F9] Financial Management (Quản trị Tài chính)

[FM/F9: Tóm tắt kiến thức] Lesson 4: Vốn lưu động (Working capital)

Tổng quan về vốn lưu động, chu kỳ hoạt động tiền mặt và các tỷ số vốn lưu động.

I. Vốn lưu động (Working capital)

1. Định nghĩa

Vốn lưu động (Working capital) bao gồm các nguồn vốn trong ngắn hạn để vận hành doanh nghiệp, thể hiện thanh khoản hoạt hoạt động của doanh nghiệp đó.

Vốn lưu động bằng với giá trị nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang, thành phẩm tồn kho và khoản phải thu trừ đi khoản phải trả. Quy mô của con số ròng này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tính thanh khoản của doanh nghiệp.

Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ phải trả ngắn hạn

Các doanh nghiệp bán lẻ (mua từ nhà cung cấp và bán lại ngay cho khách hàng) sẽ không cần nhiều vốn lưu động. Ngược lại, các công ty xây dựng mà công trình được thanh toán trên cơ sở dài hạn, sẽ cần có nguồn vốn lưu động lớn hơn.

2. Mục tiêu của việc quản trị vốn lưu động

Quản trị vốn lưu động có 2 mục tiêu chính sau đây:

  • Đảm bảo tính thanh khoản (sufficient liquid resources): đảm bảo khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn, duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

  • Tăng lợi nhuận (increase its profitability): đầu tư quá mức vào tài sản lưu động hầu như mang lại lợi nhuận bổ sung. Áp dụng chính sách đầu tư tài sản lưu động “thắt chặt”, doanh nghiệp sẽ có thêm tiền mặt để đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn.

Hai mục tiêu này thường mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, khi doanh nghiệp giữ lượng lớn tiền mặt, hàng tồn kho, tức là doanh nghiệp đó đang đánh mất cơ hội đầu tư kiếm lợi nhuận từ khoản tiền đó.

Vì vậy, mục tiêu cuối cùng của quản trị vốn lưu động chính là cân bằng giữa hai mục tiêu tính thanh khoản và lợi nhuận, tùy theo định hướng của doanh nghiệp.

II. Chu kỳ hoạt động của tiền(The cash operating cycle)

Chu kỳ hoạt động của tiền (The cash operating cycle) đo lường thời gian một đồng tiền đầu vào sau quá trình mua nguyên vật liệu, sản xuất và bán hàng cuối cùng chuyển hóa thành tiền.

image-png-Aug-30-2020-07-01-16-85-AM

Chu kỳ hoạt động của tiền =   Thời gian tồn kho trung bình của vật liệu thô

+ Thời gian sản xuất ra thành phẩm 

+ Thời gian để khách hàng trả tiền cho thành phẩm

– Thời gian phải thanh toán khoản nợ cho nhà cung cấp

Ví dụ: Công ty A mua nguyên vật liệu từ công ty B thanh toán 2.5 tháng sau khi nhận hàng. Nguyên vật liệu được giữ ở trong kho 1 tháng, sau đó trải qua quá trình sản xuất trong 2 tháng để tạo ra thành phẩm. Hàng được chuyển cho khách hàng sau vài ngày và nhận tiền mặt sau 1.5 tháng.

Thời gian trung bình nguyên vật liệu thô ở trong kho                     1 month

+ Thời gian sản xuất ra thành phẩm                                               2 months

+ Thời gian để khách hàng trả tiền cho thành phẩm                      1.5 months

– Thời gian phải thanh toán khoản nợ cho nhà cung cấp             (2.5) months

= Chu kỳ hoạt động tiền mặt                                                           2 months

III. Các tỷ số thanh khoản (Liquidity ratios)

Các tỷ số thanh khoản bao gồm: Tỷ số về khả năng thanh toán và các tỷ số vòng quay

1. Tỷ số về khả năng thanh toán (Solvency ratio)

a. Tỷ số khả năng thanh toán hiện hành (Current ratio):

Current ratio đo lường khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.

Current ratio cho biết cứ mỗi đồng nợ ngắn hạn mà doanh nghiệp đang giữ thì doanh nghiệp có bao nhiêu đồng nợ ngắn hạn để thanh toán.

b. Tỷ số khả năng thanh toán nhanh (Quick ratio - acid test ratio):

Quick ratio cho biết liệu công ty có đủ các tài sản ngắn hạn để trả cho các khoản nợ ngắn hạn mà không cần phải bán hàng tồn kho hay không.

2. Các tỷ số vòng quay (Turnover ratios)

a. Số ngày bình quân vòng quay khoản phải thu (The accounts receivable payment period):

Số ngày bình quân vòng quay khoản phải thu cho biết số ngày trung bình mà công ty có thể thu được tiền từ khách hàng.

Tỷ số số ngày bình quân vòng quay khoản phải thu quá cao sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của doanh nghiệp, nhưng nếu quá thấp sẽ khó giữ được mối quan hệ với khách hàng.

b. Số ngày bình quân vòng quay khoản phải trả (The accounts payable payment period):

Số ngày bình quân vòng quay khoản phải trả cho biết số ngày trung bình mà công ty có thể chiếm dụng vốn của nhà cung cấp.

Số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả quá cao có thể ảnh hưởng không tốt đến xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.

c. Số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho (The inventory turnover period)

Số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho cho biết số ngày trung bình mà từ lúc hàng lưu kho đến lúc bán cho khách hàng.

 

Doanh nghiệp phải quản lý hàng tồn kho sao cho không nên ứ đọng quá nhiều, nhưng vẫn phải đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

 

d. Vòng quay vốn lưu động (The sales revenue/net working capital ratio):

Vòng quay vốn lưu động  phản ánh mức vốn lưu động cần thiết để tạo ra doanh thu.

Vòng quay vốn lưu động  phản ánh mức vốn lưu động cần thiết để tạo ra doanh thu.

Tỷ số này cũng có thể được sử dụng để dự tính mức độ vốn lưu động cần thiết để tạo ra được lượng doanh thu yêu cầu.

Các tỷ số trên cao hay thấp chỉ cho thấy mức độ và xu hướng sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp chứ không nói lên tình trạng tốt hay xấu. Bản chất của hoạt động kinh doanh, quy mô và chính sách rủi ro của công ty sẽ quyết định đặc tính của vốn lưu động.

IV. Đầu tư vốn quá nhiều (Over-capitalisation) & Mua bán quá mức (Overtrading)

1. Đầu tư vốn quá nhiều (Over-capitalisation)

Over-capitalisation là khi doanh nghiệp đầu tư quá nhiều vào tài sản ngắn hạn, có quá nhiều hàng tồn kho, các khoản phải thu và tiền mặt, và rất ít tài khoản phải trả.

Dấu hiệu của việc đầu tư vốn quá nhiều

Tỷ lệ Sales revenue/net working capital

Giảm (so sánh với các năm trước) hoặc thấp (khi so sánh với các công ty cùng ngành)

Tỷ số thanh toán hiện hành - Liquid ratios

Cao (so sánh với các năm trước hoặc các công ty cùng ngành)

Chỉ số vòng quay – Turnover periods

Vòng quay hàng tồn kho (the inventory turnover period) và vòng quay khoản phải trả (the account receivable turnover period) quá dài hoặc vòng quay khoản phải trả (the account payable payment period) quá ngắn

2. Mua bán quá mức (Overtrading)

Overtrading (hay còn gọi là Under-capitalisation) là khi doanh nghiệp tăng trưởng rất lớn trong thời gian rất ngắn trong khi có quá ít vốn lưu động và không có thêm nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Công ty có rủi ro rất lớn về tính thanh khoản.

Dấu hiệu Overtrading:

  • Doanh thu tăng đột biến
  • Phần lớn tài sản có được nhờ nguồn vốn vay
  • Chỉ số thanh khoản sụt giảm

V. Bài tập áp dụng

Gustaffson is a toy manufacturing company. It manufactures Polly Playtime, the latest doll craze amongst young girls. The company is now at full production of the doll. The final accounts for 20X9 have just been published and are as follows. 20X8's accounts are also shown for comparison purposes.

Dividends paid were $2.5m in both years.

By studying the above accounts and using ratio analysis, identify the main problems facing Gustaffson.

Phân tích đề:

Gustaffson là một công ty sản xuất đồ chơi, sản phẩm là loại búp bê mới nhất đang được các bé gái rất yêu thích. Số liệu báo cáo thu nhập và bảng cân đối kế toán hai năm 20X8 và 20X9 được cung cấp cho mục đích so sánh.
Từ số liệu trên đề bài, phân tích các chỉ số tài chính, từ đó nhận diện những vấn đề chính mà công ty đang phải đối mặt.

Đáp án:

Vấn đề chính mà Gustaffson phải đối mặt là sự phụ thuộc quá mức vào tài chính ngắn hạn: Đầu tư quá nhiều vào hàng tồn kho để đáp ứng sự gia tăng nhanh chóng về doanh số bán hàng, tỷ suất lợi nhuận giảm sút, kiểm soát tín dụng kém đối với các khoản phải thu, giảm trái phiếu và thay thế bằng khoản thấu chi ngân hàng.

Mua bán quá mức (Overtrading)

Doanh số (Sales) tăng (30,000-20,000)/20,000 = 50% trong một năm, nhưng biên lợi nhuận hoạt động (Operating profit margin) giảm từ 9.000/20.000 = 45% trong 20X8 xuống 10.000/30.000 = 33% trong 20X9.

Tái cấp tài chính (Refinancing)

Năm 20X9, Gustaffson hoàn trả 2,3 triệu đô la (66%) trái phiếu 8% và thay thế bằng khoản thấu chi ngân hàng 2 triệu đô la và tăng khoản phải trả thương mại 1,7 triệu đô la. Mặc dù điều này có thể là do lãi suất của thấu chi rẻ hơn so với trái phiếu, nhưng nhìn chung không được khuyến khích trong bối cảnh rủi ro nợ ngắn hạn.

Chỉ số thanh khoản (Liquid ratios)

  • Tỷ số khả năng thanh toán hiện hành (Current ratio) giảm từ 13,500/5000 = 2.7 năm 20X8 xuống 19,850/8700 = 2.28 năm 20X9.

  • Tỷ số khả năng thanh toán nhanh (Quick ratio - acid test ratio) giảm từ 10,500/5,000 = 2.1 năm 20X8 xuống 12,500/8,700 = 1.44 năm 20X9.

Tuy nhiên, những con số này được chấp nhận và chỉ khi chúng tiếp tục xấu đi thì mới có khả năng xảy ra vấn đề thanh khoản.

Đầu tư vào tài sản dài hạn (investment in non-current assets)

Gustaffson không đầu tư nhiều vào tài sản dài hạn.
Tỷ số Doanh số/tài sản dài hạn tăng từ 20.000/1.400 = 14,3 lần lên 30.000/1.500 = 20 lần.
Điều này có thể khiến chất lượng sản xuất gặp rủi ro, nhưng có thể là hợp lý nếu doanh số dự kiến sẽ giảm khi sản phẩm búp bê không còn được yêu thích trên thị trường.

Tỷ số vốn lưu động (Working capital ratios)

  • Vòng quay hàng tồn kho (Inventory turnover) giảm từ 11.000/3.000 = 3,67 lần xuống còn 20.000/7.350 = 2,72 lần. Việc đầu tư vào hàng tồn kho có hợp lý hay không phụ thuộc vào doanh số dự kiến trong tương lai, nhưng điều này dường như ngược lại với chiến lược được áp dụng cho các tài sản dài hạn.

  • Thời hạn thanh toán các khoản phải thu (accounts receivable payment period) đã tăng từ 6.000/20.000*365 = 110 ngày lên 10.000/30.000*365 = 122 ngày, cho thấy sự thiếu kiểm soát tín dụng.

  • Thời hạn thanh toán cho các tài khoản phải trả (accounts payable payment period) đã giảm từ 2.500/11.000*365 = 83 ngày xuống còn 4.200/20.000*365 = 77 ngày, cho thấy các nhà cung cấp đang được thanh toán trong một thời gian ngắn hơn đáng kể so với thời gian tín dụng của khách hàng.

  • Tỷ lệ doanh thu/vốn lưu động ròng (The sales/net working capital ratio) đã tăng từ 20.000/8.500 = 2,35 lần lên 30.000/11.150 = 2,69 lần, cho thấy vốn lưu động không tăng theo doanh số và điều này có thể cho thấy vấn đề thanh khoản trong tương lai.

Author: Trần Thị Huyền Trang