[FR/F7] Financial Reporting (Lập báo cáo Tài chính)

[FR/F7: Technical Articles] Bán và tái thuê (Sale and Lease back) - Part 1

I. Bán và tái thuê là gì?

Đây là một thoả thuận trong đó công ty sau khi bán một tài sản thì có thể thuê lại chính tài sản đó từ người mua trong một thời gian dài hạn. Với hợp đồng bán và tái thuê, các chi tiết của thỏa thuận, chẳng hạn như các khoản thanh toán thuê và thời hạn thuê, được thực hiện ngay sau khi bán tài sản. Trong giao dịch bán và cho thuê lại, người bán tài sản trở thành người đi thuê (lessee) và người mua trở thành người cho thuê (lessor).
Ví dụ đơn giản như sauÔng X sở hữu một mảnh đất, sau đó bán cho ông Y theo hợp đồng bán và tái thuê. Theo đó, Y sẽ cho X thuê lại chính mảnh đất đó trong một khoảng thời gian dài.

II. Mục đích của việc bán và tái thuê

Một công ty thường thực hiện một giao dịch thuê lại tài sản nhằm mục đích kế toán và thuế.
Ví dụ:
  • Một công ty có thể chuyển tài sản của mình cho công ty khác nắm giữ nhưng vẫn có thể sử dụng nó. Ngoài ra, việc chuyển sang công ty khác sẽ cho phép công ty đó theo dõi giá trị tài sản và khả năng sinh lời.
  • Trong trường hợp túng quẫn hoặc khi một công ty cần tiền cho một mục đích nào đó, thay vì vay hoặc huy động tiền từ bên ngoài, một công ty có thể bán tài sản đó. Người mua tài sản là người chỉ quan tâm đến khoản đầu tư dài hạn và sẽ cho công ty thuê lại tài sản. Bằng cách này, công ty có thể nhận được dòng tiền đi vào mà vẫn có thể sử dụng tài sản.

III. Những người sử dụng phương thức bán và thuê lại

Người dùng phổ biến nhất của hình thức bán và thuê lại là các nhà xây dựng hoặc các công ty có tài sản cố định giá cao — như tài sản, đất đai hoặc thiết bị lớn đắt đỏ. Do đó, hình thức tái thuê lại rất phổ biến trong các ngành xây dựng và vận tải, cũng như các lĩnh vực bất động sản và hàng không.

IV. Lợi ích của hình thức bán và tái thuê đối với bên đi thuê lại (lessee)

1. Tăng khả năng mở rộng của doanh nghiệp

Các công ty sử dụng hình thức tái thuê lại khi họ cần sử dụng khoản tiền mà họ đã đầu tư vào một tài sản để tối ưu cho các mục đích khác nhưng họ vẫn cần chính tài sản đó để vận hành doanh nghiệp. Hoặc là nếu họ không đủ tiền để sở hữu tài sản đó thì họ cũng có thể sử dụng phương pháp này để sử dụng được tài sản, mở rộng quy mô doanh nghiệp.
Bình thường thì khi một công ty cần huy động tiền mặt, họ thường đi vay (nợ phát sinh) hoặc phát hành cổ phiếu. Điều này sinh ra rất nhiều rủi ro về khả năng trả nợ và tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc cần dùng tiền cho những mục đích khác. Chính vì thế, hình thức bán và tái thuê rất hấp dẫn, nó như một phương pháp để huy động thêm vốn mà không quá ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

2. Cải thiện bảng cân đối kế toán

Khi sử dụng hình thức này, bản chất là doanh nghiệp đi vay tiền ở ngoài nên sẽ phát sinh một khoản nợ phải trả và hiển thị trên bảng cân đối kế toán của công ty. Khoản nợ này là khoản nợ dài hạn và sẽ được trả theo từng năm. Vì vậy giao dịch thuê lại thực sự có thể giúp cải thiện bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp:
  • Nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán sẽ giảm xuống (bằng cách tránh nợ nhiều hơn do chi phí thuê chỉ cần trả theo từng năm, so với việc đi vay một khoản tiền bằng giá trị của tài sản)
  • Tài sản lưu động (current assets) sẽ tăng lên (dưới dạng tiền mặt và hợp đồng cho thuê, nói cách khác là quyền sử dụng tài sản – right of use asset).
  • Vòng quay tài sản (asset turnover) của doanh nghiệp sẽ được cải thiện do tài sản cố định giảm nhưng khả năng tạo doanh thu của tài sản vẫn nằm trong tay doanh nghiệp.

3. Giảm thuế phải chịu

  • Doanh nghiệp không phải trả thuế đối với bất kỳ sự biến động nào của tài sản đó nữa, và
  • Việc đi thuê sẽ phát sinh chi phí thuê, dẫn đến giảm lợi nhuận và sẽ giảm thuế.
  • Người ta có thể tránh phải trả thuế khi bán tài sản, bằng cách tái đầu tư tiền bán được vào doanh nghiệp hoặc bằng cách mua một tài sản khác.

4. Giảm thiểu rủi ro phát sinh của tài sản

Sau khi bán, công ty không còn phải chịu những rủi ro phát sinh của tài sản mà người sở hữu tài sản phải gánh chịu trong trường hợp thị trường biến động nữa.

V. Ví dụ về bán và tái thuê – VietJet

Về cơ bản, một giao dịch sale and leaseback được tiến hành theo thứ tự như sau:
B1: Hãng hàng không VietJet ký hợp đồng mua máy bay với các nhà sản xuất (Airbus hoặc Boeing) đồng thời phải trả trước một khoản tiền dao động từ 1-5% giá trị hợp đồng.
B2: Vietjet thỏa thuận việc bán và thuê lại những máy bay này với các công ty cho thuê (leasing companies, chẳng hạn là GECAS) trước thời điểm nhận bàn giao máy bay. Sau đó, tại thời điểm giao máy bay, Vietjet sẽ (1) tiếp nhận máy bay, (2) dùng tiền từ GECAS để thanh toán cho Airbus và (3) chuyển giao các giấy tờ sở hữu máy bay cho GECAS. Hợp đồng thuê thường kéo dài từ 6-12 năm, với phí thuê cố định hàng tháng (khoảng 500 ngàn đến 750 ngàn USD/tháng). Hãng hàng không này phải trả gần 160 triệu USD cho 40 máy bay thuê khai thác năm 2016
B3: Sau khi hết thời hạn của hợp đồng thuê, máy bay sẽ được trả lại cho công ty cho thuê. Trường hợp hãng hàng không kết thúc hợp đồng trước thời hạn thường sẽ phải chịu một khoản phạt.
Như vậy hãng Vietjet đã không phải bỏ toàn bộ tiền ra để mua máy bay, chỉ cần đặt cọc, rồi dùng tiền của công ty cho thuê máy bay để trả cho hãng sản xuất máy bay.
Do Vietjet đặt mua máy bay từ nhà sản xuất với số lượng lớn thì sẽ được hưởng chiết khấu có thể lên đến 40-50%. Nhờ đó, họ thường sẽ có một khoản lợi nhuận từ việc bán lại cho các công ty cho thuê. Như vậy, hãng hàng không vừa có thể phát triển đội bay, vừa có dòng tiền để tài trợ cho các hoạt động khác, thay vì phải bỏ ra một số tiền lớn để mua máy bay theo cách thông thường.

Lưu ý: Phần kiến thức ở trên áp dụng theo chuẩn mực cũ IAS 17, khi người đi thuê lại theo hình thức thuê hoạt động (operating lease) thì sẽ chỉ ghi nhận chi phí thuê liên quan. Còn theo IFRS 16 mới, khi không còn phân biệt thuê tài chính và thuê hoạt động thì sẽ bên đi thuê sẽ phát sinh một khoản nợ (Lease liability) và có khấu hao (Amortized) qua từng năm. Vấn đề này sẽ được làm rõ ở phần 2 nhé.

 

Author: Duy Anh Nguyen