Nghề Kiểm Toán

Giới thiệu nghề nghiệp - Auditor (Kiểm toán viên)

Chắc hẳn cụm từ “kiểm toán” đã quá quen thuộc với các bạn có chung mục tiêu ôn luyện Big4. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu một cách rõ ràng và chính xác về khái niệm này. Vậy, kiểm toán thực sự là gì? Ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng khám phá nhé.

1. Vì sao có nghề Kiểm toán viên?

Lòng tham luôn là vấn đề xung đột lợi ích với bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào. Dù các quy định nghiêm ngặt đến mức nào, những khoản tiền khổng lồ trong lĩnh vực tài chính luôn thu hút lòng tham của những kẻ lừa đảo thông minh và khiến những người thất bại điêu đứng.

Quay lại thời gian một chút, trong quá khứ nghề kiểm toán chưa thực sự nổi trội, cho đến khi xảy ra hai vụ bê bối chấn động thế giới: tập đoàn Enron và tập đoàn WorldCom, liên quan đến những sự chỉnh sửa báo cáo tài chính, ghi nhận khống doanh thu, tài sản hay giấu nợ,… gây chấn động tình hình của nước Mỹ những năm 2000. Trước tình hình đó, người ta đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo của những người quản lý doanh nghiệp cấp cao, sự trung thực trong làm ăn kinh doanh của họ. Vì vậy, nghề kiểm toán được đẩy mạnh nhằm điều tra và giải quyết những vấn đề đó.

2. Kiểm toán là gì?


Để hiểu được kiểm toán, trước tiên chúng ta nên nói về kế toán, vì hai lĩnh vực này liên quan trực tiếp tới nhau. Về cơ bản, kế toán sẽ cũng cấp những thông tin về tài chính của một tổ chức thông qua những báo cáo tài chính.

Kiểm toán chính là kiểm tra, xác minh tính trung thực của những báo cáo tài chính đó, từ đó giúp cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của tổ chức đó. Hay nói cách khác, kiểm toán là quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng liên quan đến những thông tin tài chính được kiểm tra (cung cấp bởi kế toán) nhằm xác định và báo cáo về tính trung thực và hợp lý dựa trên những khía cạnh trọng yếu, và mức độ phù hợp giữa thông tin đó với các chuẩn mực đã được thiết lập.

Có thể nói, kiểm toán hướng đến rất nhiều đối tượng, những người quan tâm tới tình hình tài chính của một tổ chức nào đó nhưng không có nghiệp vụ về tài chính, kế toán; đó là lí do họ cần đến những kiểm toán viên để tìm hiểu và đưa ra những đánh giá phù hợp giúp họ có những quyết định đúng đắn nhất.

3. Phân loại


– Kiểm toán Nhà nước: Do cơ quan kiểm toán Nhà nước tiến hành theo luật định và không thu phí, thông thường đối tượng được kiểm toán là những doanh nghiệp nhà nước.

– Kiểm toán độc lập: Được tiến hành bởi các kiểm toán viên tại các công ty độc lập chuyên về dịch vụ này. Nhiệm vụ chính của họ thường là kiểm toán những báo cáo tài chính, ngoài ra cũng có các dịch vụ khác về tài chính và kinh tế tùy theo yêu cầu của khách hàng. Đây là loại kiểm toán nhận được sự tin cậy từ bên thứ ba hay những nhà đầu tư.

– Kiểm toán nội bộ: Là những kiểm toán viên trong nội bộ một công ty, tổ chức nào đó. Họ thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban giám đốc. Thường thì những báo cáo kiểm toán này chỉ được sử dụng trong nội bộ công ty mà ít nhận được sự tin cậy từ bên ngoài, vì các kiểm toán viên này cũng là nhân viên trong nội bộ công ty và làm việc dưới ảnh hưởng của ban giám đốc.

4. Những nấc thang thăng tiến của nghề Kiểm toán Độc Lập

4.1. Trợ Lý Kiểm Toán (Associate/Assistant)

Đây là nấc thang đầu tiên trên con đường trở thành kiểm toán viên chuyên nghiệp của bạn. Bạn sẽ được tham gia vào các nhóm kiểm toán và thực hiện các phần hành kiểm toán từ đơn giản nhất. Thời gian đầu, công việc chủ yếu là kiểm tra chứng từ, sổ sách, tham gia kiểm kê kho hay xác nhận công nợ. Khi đã có kinh nghiệm hơn, bạn có thể kiểm tra các khoản mục, thực hiện các phần hành phức tạp hơn dưới sự giám sát của trưởng nhóm.

4.2. Trưởng Nhóm Kiểm Toán (Senior)

Sau 2-3 năm, vị trí của bạn sẽ là Trưởng nhóm kiểm toán (Senior). Lúc này, bạn sẽ phụ trách một nhóm các trợ lý kiểm toán cấp dưới để thực hiện cuộc kiểm toán nhỏ, trung bình, sau đó tổng hợp, rà soát lại các phần hành kiểm toán để làm report.

Bên cạnh các kỹ thuật cơ bản, trưởng nhóm phải biết cách phân công, phối hợp và giám sát các trợ lý của mình. Bạn cũng thực hiện những công việc khó hơn như phân tích hay đánh giá rủi ro. Ở vị trí Senior, bạn bắt đầu phát triển khả năng làm việc với khách hàng, trao đổi hay giải quyết những sự việc phát sinh trong quá trình kiểm toán.

4.3. Chủ Nhiệm Kiểm Toán (Manager)

Sau 6 – 7 năm kinh nghiệm làm việc, bạn có thể trở thành Chủ nhiệm kiểm toán. 1 manager có thể điều hành một cuộc kiểm toán lớn. Đồng thời, bạn cũng chịu trách nhiệm giám sát nhiều cuộc kiểm toán nhỏ hoặc trung bình. Chủ nhiệm kiểm toán có hai nhiệm vụ chính. Một là, phối hợp công việc của các trưởng nhóm. Hai là, trao đổi với khách hàng về những vấn đề phát sinh trong cuộc kiểm toán. Ở cấp Manager, bạn đã là kiểm toán viên thực thụ. Bạn được phép ký vào báo cáo kiểm toán và phải chịu trách nhiệm pháp lý với nó.

4.4. Giám Đốc Kiểm Toán (Director)

Giám đốc kiểm toán điều hành và đảm bảo sự thành công của nhiều cuộc kiểm toán. Director giúp khách hàng và các nhân viên cấp dưới giải quyết các vấn đề gai góc và điều hòa xung đột nếu có. Họ cũng cần có khả năng quản lý ngân sách nhằm đảm bảo cuộc kiểm toán có lợi nhuận. Director cũng đóng góp vào sự phát triển kinh doanh của Công ty thông qua việc tìm kiếm doanh thu và thị trường.

4.5. Chủ Phần Hùn Kiểm Toán (Partner)

Là người thường điều hành một mảng khách hàng trong công ty kiểm toán. Công việc của Partner thiên về phát triển và duy trì khách hàng nhiều hơn là giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Về pháp lý, chủ phần hùn có vốn góp trong công ty kiểm toán và chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro của công ty.

Ở các công ty kiểm toán khác nhau, mỗi cấp lại bao gồm nhiều mức khác nhau. Trợ lý kiểm toán có thể chia thành Junior 1, Junior 2, Senior 1, Senior 2, tùy theo kinh nghiệm và năng lực.

5. Cần học gì để thi tuyển vị trí Kiểm toán viên tại Big 4?


Giống như các vị trí khác nói chung, sinh viên học các ngành khối kinh tế và luật đều có thể ứng tuyển vị trí kiểm toán viên. Đối với các bạn không thuộc khối ngành kinh tế và luật nhưng muốn ứng tuyển vào ngành kiểm toán thì các bạn sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều, đồng thời nên đi học thêm các khoá học về thuế và kế toán: ACCA F2, F3, F6, F8 (tuy nhiên trong đề thi kiến thức F8 rất cơ bản, nhưng mình vẫn khuyên mọi người trau dồi để quá trình thực tập được suôn sẻ hơn :D). Xu hướng tuyển dụng sẽ đánh giá cả kiến thức chuyên môn (về kế toán, kiểm toán, thuế và kinh tế nói chung) và các kỹ năng mềm (như kỹ năng làm việc theo nhóm, giải quyết vấn đề, ngôn ngữ...) cần thiết cho công việc trong ngành kiểm toán.

Vì vậy cho dù bạn đang học các trường Kinh tế, Ngoại thương, Ngân hàng hay Luật, Ngoại ngữ…, rất nhiều cánh cửa của nghề kiểm toán đang mở ra với bạn. Hãy hoàn thành một số môn ACCA ngay từ sớm và trang bị kĩ năng mềm để có cơ hội làm việc tại Big 4 nhé.

Lời kết

Hi vọng những thông tin được SAPP chia sẻ trong bài viết vừa rồi đã giúp các bạn hiểu hơn về nghề kiểm toán viên. Hãy đón chờ những chủ đề nghề nghiệp tiếp theo của SAPP nhé!

>> Xem thêm: Những lợi ích khi bạn là một kiểm toán viên

>> Xem thêm: Giải mã khung năng lực của nghề Kiểm toán Độc lập

>> Xem thêm: Khám phá khung năng lực của nghề Kiểm toán nội bộ

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

  • Hotline: (+84) 971 354 969