[Level 1] Financial Statement Analysis

Tổng quan và hướng dẫn tự học của môn Financial Statement Anslysis trong chương trình CFA level 1

1. Tổng quan chung về môn FSA

Financial Statement Anslysis là môn học về phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Tại đây, bạn sẽ tìm hiểu chi tiết về hệ thống báo cáo tài chính trên thế giới, đặc biệt là các tiêu chuẩn báo cáo quốc tế như IFRS, US GAAP, phân tích thuế , nợ và hoạt động của doanh nghiệp.

FSA là một trong hai môn học chiếm tỉ lệ cao nhất trong chương trình CFA level năm 2024, với tỷ trọng 11-14% số câu hỏi trong bài thi. Ngoài ra, việc kiến thức của FSA được trải rộng trên 12 bài đọc khiến cho lượng thông tin học viên cần phải ghi nhớ là rất lớn. Vì vậy, các bạn cần lên kế hoạch học tập hợp lý, dành nhiều thời gian cho mỗi bài đọc và ôn tập lại nhiều lượt bài tập mới có thể ghi nhớ các phần kiến thức quan trọng và đạt điểm tốt trong kỳ thi.

2. Các nội dung chính của môn FSA

Nhìn chung, FSA có thể chia ra làm 4 Study Session chính như sau:

Study session 1:

Nội dung:

  • Module 1: Introduction to financial statement analysis
  • Prerequisite reading: Financial reporting standards

Module 1 hỗ trợ cung cấp những thông tin tổng quát về phân tích Báo cáo tài chính và giới thiệu các nguồn thông tin phục vụ cho việc phân tích Báo cáo tài chính. Prerequisite reading cung cấp nội dung đọc thêm liên quan tới chuẩn mực báo cáo tài chính, đưa ra vai trò của các chuẩn mực báo cáo tài chính và các cơ quan phụ trách thực thi và quản lý các chuẩn mực.

Study session 2:

Nội dung:

  • Module 2: Analyzing income statements
  • Module 3: Analyzing balance sheets
  • Module 4-5: Analyzing statements of cash flows I-II

Các module này xoay quanh việc đọc hiểu, phân tích và đánh giá báo cáo kết quả kinh doanh (income statement), bảng cân đối kế toán (balance sheet) và báo cáo lưu chuyển tiền tệ (cash flow statement) của công ty.

Study session 3:

Nội dung:

  • Module 6: Analysis of inventories
  • Module 7: Analysis of long-term assets
  • Module 8: Topics in long-term liabilities and equity
  • Module 9: Analysis of income taxes

Module 6-7 nghiên cứu về phương pháp ghi nhận kế toán của 2 nhóm tài sản quan trọng là hàng tồn kho và tài sản dài hạn. Module 8 nghiên cứu về phương pháp ghi nhận kế toán của 3 khoản nợ dài hạn quan trọng là trái phiếu, hợp đồng thuê và quỹ hưu trí. Module 9 giới thiệu qua về một số định nghĩa cũng như các tính toán cơ bản liên quan đến thuế thu nhập của một công ty. 

Study session 4:

Nội dung:

  • Module 10: Financial reporting quality
  • Module 11: Financial analysis techniques
  • Module 12: Introduction to financial statement modeling

Module 10 giới thiệu về khái niệm chất lượng báo cáo tài chính và cách nhận biết những dấu hiệu cũng như cách thức một công ty có thể thao túng thông tin và đưa ra các báo cáo tài chính có chất lượng thấp. Module 11 sẽ giới thiệu qua một số công cụ dùng để phân tích báo cáo tài chính, đồng thời đi sâu vào việc tính toán và đánh giá các chỉ số tài chính của một công ty. Module 12 giới thiệu kiến thức cơ bản về lập dự phóng báo cáo tài chính.

3. Chiến thuật tự học và ôn tập tham khảo cho các thí sinh

3.1. Giai đoạn tiếp thu kiến thức môn học

Trong giai đoạn đầu, mục tiêu quan trọng là hiểu được nội dung bài học và kiến thức truyền tải. Tài liệu các bạn nên ưu tiên sử dụng là bộ sách Schweser note hoặc Wiley, cụ thể như sau:

  • Trước tiên bạn cần đọc chi tiết các Los (Learning outcome statement) trong Schweser note.
  • Trong khi học, bạn hãy chú ý các từ khóa và các ví dụ trong sách, qua đó có thể hiểu rõ hơn các công thức và ứng dụng của nó. Ghi chú lại các đầu mục quan trọng trong bài học.
  • Sau giờ học: Học viên nên ưu tiên làm bài tập của Schweser note ngay sau khi học để nắm rõ hơn về kiến thức của bài. Ngoài ra các bạn cũng có thể tham khảo thêm các bài tập trong curriculum của CFA hoặc các question bank từ bên thứ ba.

Đối với các bạn thí sinh có nhiều thời gian cũng như muốn tìm hiểu kỹ hơn về bài học, việc lựa chọn giáo trình CFA Program Curriculum của hiệp hội CFA cũng là một sự lựa chọn tốt. Sách được cập nhật hằng năm bám sát với chương trình học, cung cấp đầy đủ các ví dụ cũng như bài tập thực tiễn nhằm hỗ trợ cho các học viên trái ngành cũng có thể đọc hiểu được vấn đề.

3.2. Giai đoạn ôn tập chuẩn bị thi

Sau khi đã trải qua giai đoạn tiếp thu kiến thức, đã tới lúc các bạn cần cô đọng lại và ôn tập vào các dạng bài tập. Đối với các bạn học viên có nhiều thời gian ôn tập thì có thể tham khảo Chiến thuật ôn thi tóm tắt như sau:

  • Rà lại kiến thức và tóm tắt các mục quan trọng trong các module của mỗi bài. Trong đó cần lưu ý các kiến thức quan trọng như sau:
    • Đọc và giải thích 3 thành phần của báo cáo tài chính: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền mặt. Đây là phần trọng tâm các bạn cần lưu ý trong môn học
    • Những khái niệm phức tạp hơn như: Ghi nhận doanh thu (revenue recognition); số lượng cổ phiếu pha loãng (diluted shares outstanding); phương pháp tính toán dòng tiền (cash flow calculation methods); phân tích hàng tồn kho (inventory analysis); phân tích tài sản dài hạn và khấu hao (analysis of long term assets and depreciation) và thuế (tax).
    • Ghi nhớ những điểm giống nhau và khác nhau giữa chuẩn US GAAP và IFRS.
    • Ghi nhớ đến phần nợ tài chính (financing liabilities); tài sản thuê (lease) và những tài khoản ngoại bảng (off-balance sheet items). Đây được xem là phần kiến thức khó nhất trong môn FSA level 1 nên các học viên nên dành nhiều thời gian cho phần này.
  • Làm bài tập trong giáo trình Schweser note và Curriculum, đặc biệt ôn tập kỹ với bài tập trong Curriculum vì đây là các bài tập chính thống, có đáp án giải thích rõ ràng do hiệp hội CFA viết.
  • Ôn tập các bài tập trên website ôn thi của CFA, với các gói câu hỏi được chia theo module hoặc chia theo môn học.

Sau khi ôn tập các tài liệu trên, nếu còn thời gian, học viên có thể ôn luyện thêm các bài tập trong Question Bank và các bài tập năm trước. Việc làm lại các bài tập trong Curriculum cũng là một phương pháp tốt để ghi nhớ kiến thức.

Đối với những bạn học viên không có nhiều thời gian ôn thi có thể tham khảo lộ trình thứ tự sau để nắm được kiến thức nhanh nhất:

  • Đọc lại kiến thức theo bộ giáo trình Schweser note, sau đó kết hợp làm bài tập cuối mỗi module nhằm củng cố kiến thức.
  • Làm bài tập trong giáo trình Curriculum theo các module đã học.
  • Sau khi hoàn thành hai bước trên mà học viên cảm thấy vẫn chưa vững. Có thể ôn lại các ý chính và bài tập trong Curriculum.
4. Tổng kết.

    Ngoài các lưu ý trong giai đoạn học và ôn tập như trên, các bạn học viên cũng cần để ý tới việc ôn tập các môn học khác song song cùng FSA. Do tất cả các môn học đều được đưa vào trong mỗi đề thi sáng và chiều nên việc tập trung quá vào một môn sẽ khiến cho các môn khác dễ bị xao nhãng.

    Việc lựa chọn tài liệu ôn tập cũng rất quan trọng, học viên nên tập chung luyện các bài tập trong tài liệu chính thống của CFA như Bài tập các module của Curriculum, các bài tập trên Website ôn tập của CFA và mock test các năm.