Kinh nghiệm tự học và ôn thi CFA Level I

[Câu chuyện thành công] - Kinh nghiệm thi CFA Level I từ học viên đạt điểm Top 10% thế giới (Phần 1)

Chinh phục một kỳ thi của CFA luôn là thử thách khó nhằn với người theo học CFA. Anh Lê Hiếu - Học viên CFA SAPP, Top 10% thế giới CFA Level 1 kỳ 2/2023 đã có những chia sẻ rất hữu ích về kinh nghiệm học và thi CFA. Hãy cùng SAPP lắng nghe nhé!

Câu chuyện thành công của học viên CFA (1)

“Mình vẫn còn nhớ vào thời điểm này năm ngoái, bản thân vẫn đang loay hoay đi tìm khắp các diễn đàn, blog, youtube về việc có nên hay không thi CFA khi chuyển sang ngành tài chính, có đáng không, thi CFA như thế nào, độ khó đến đâu... hiện tại mình đã đỗ CFA level 1 với 1 kết quả mỹ mãn nhất mà mình có thể tưởng tượng được. Vậy nên mình sẽ chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình, viết cho các bạn tại thời điểm này đã và đang tìm hiểu về CFA cũng như mình giờ này năm ngoái nhé!

“BIẾT ĐỊCH BIẾT TA TRĂM TRẬN TRĂM THẮNG”

1. Biết Địch (Hiểu về chứng chỉ CFA)

Câu chuyện thành công của học viên CFA (2)

- CFA có 03 level, sau khi vượt qua 03 vòng thử thách và 1 số thủ tục khác, bạn sẽ được “gia nhập”  hội CFA Charterholder và có ngay "CFA" đằng sau tên. 

Tìm hiểu thêm về tấm vé “thông hành” CFA Charterholder trong lĩnh vực đầu tư tài chính tại đây:

- Theo viện CFA, học CFA level mất tối thiểu 300 giờ và thi 100% bằng tiếng Anh. Một bài thi CFA sẽ có 180 câu  trắc nghiệm làm trong 4 tiếng 30 phút, tổng thể đi thi mất 5 tiếng.

- Có 10 môn, phân bổ tỷ trọng mỗi môn trong đề là khác nhau

- Level 2-3 vẫn 10 môn nhưng phân bổ tỷ trọng khác:

- Lệ phí thi: $900 early bird, $1200 đăng ký muộn. Năm sau level 1 bắt học thêm Python hoặc financial modeling, phí thi +$40 vào số kia. Khi đăng ký tài khoản lần đầu còn mất thêm $350 nữa. Vậy để đăng ký thi CFA tốn tối thiểu $1250 nếu đăng ký luôn. Tuy nhiên hồi mình đăng ký thi còn mất thêm phí chuyển khoản của Visa nữa thì phải, tóm gọn là tài khoản bị trừ 30 triệu.

- Level 1 thì 1 năm có 4 kỳ thi, mỗi năm hơi khác nhau xíu. Năm 2023 thì có kỳ tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 11. Lưu ý cổng đăng ký sẽ mở sớm trước vài tháng, đăng ký sớm thì đỡ tốn tiền. 1 năm được đăng ký thi tối đa 2 lần.

- Tài liệu thì không lo, đăng ký xong sẽ có cả tài liệu curriculum và LMS để tự học online.

- Máy tính tài chính: Texas Ba II plus, cần mua sớm và để làm quen dần vì nút bấm khá cứng không như máy Casio ngày xưa đâu, nhiều khi bấm không để ý bị sót số. Mua chính hãng cũng tốt (tầm hơn 1tr), hoặc mua của người quen, hoặc trong các group đã thi CFA pass lại máy nhưng phải rất uy tín.

- Thi xong thì 5-8 tuần sau mới có kết quả. Mình cũng may đợt này thi xong cỡ 6 tuần là đã có kết quả rồi.

- Khi đi thi cần mang theo hộ chiếu còn hạn, vậy nên bạn cần check lại hộ chiếu của mình. Làm hộ chiếu tại Hà Nội khai online hoàn toàn, trả kết quả sau 8 ngày làm việc (trên lý thuyết), nhưng cứ cho là làm mất 1 tháng đi cho yên tâm.

- Tỷ lệ đỗ đối với kỳ của mình là 38%. Còn những kỳ khác bạn có thể tham khảo trong hình dưới:

PX - Website (3)-Nov-13-2023-05-21-29-7207-AM

(Nguồn: 300 Hours)

- Điểm đỗ (Minimum passing score - MPS) không được công bố. Bản thân bạn thi xong cũng không biết điểm của mình đâu. Nhưng ước chừng cứ làm đúng cỡ 75% thì yên tâm. 70% vẫn hơi đáng lo.

2. Biết Ta (Hiểu bản thân cần chuẩn bị những gì)

PX - Website (2)-Nov-13-2023-05-15-40-2025-AM
Đầu tiên thì mình có 1 cái checklist điều kiện cần và đủ sau:

- Điều kiện cần:

+ Mục tiêu ý chí vững vàng

+ Sức khỏe tốt

+ Nguồn lực ổn định gồm có: Thời gian và tiền

+ Năng lực có: Tiếng Anh ổn và tính toán tốt

+ Thiết bị hỗ trợ: Tối thiểu là một cái laptop

- Điều kiện đủ:

+ Những người đồng hành tốt gồm: Người thân, đồng nghiệp, sếp, bạn học cùng, trung tâm hỗ trợ (ở đây mình chọn SAPP)

+ Sức khoẻ của gia đình tốt

+ Có kế hoạch học tập tốt và bám sát được kế hoạch

+ Có phương pháp học tập tốt để hoàn thiện 3 giai đoạn học: Hiểu - Nhớ - Làm bài. Kỹ năng và cách tiếp cận để tối ưu mỗi phần có hơi khác nhau

+ Một chút may mắn

Trong tình huống best case scenario (kịch bản hay nhất) thì mình sẽ có đủ hết mọi điều kiện cần và đủ. Tuy nhiên thì cuộc sống mà, sẽ luôn có nhiều thứ trong quá trình học mà mình phải có những điều chỉnh hợp lý cho từng thời điểm. Cụ thể thì với mình:

- Điều kiện cần:

+ Ý chí: Mình quyết tâm bỏ hết toàn bộ mọi việc khác, quyết tâm không làm gì cả và chỉ tập trung học. Cùng với đó mình đăng ký luôn 3 level CFA tại SAPP Academy để chặt luôn phương án đứt gánh giữa đường. Không còn đường lui thì chỉ còn đường tiến thôi. Tuy nhiên thì trong quá trình học không ít lần bị dao động bởi những công việc rất thơm với năng lực trong nghề cũ của mình. Cũng phải thật sự quyết tâm và có ý chí thì mới "gồng" mình và vượt qua được giai đoạn đấy để tập trung học.

+ Sức khoẻ tốt: Điều này bỗng trở nên vô cùng quan trọng khi tháng 10/22 của mình vào giai đoạn ốm liểng xiểng, lúc đấy mình mới nhận ra nền tảng sức khỏe quan trọng đến mức nào. Khi nằm trên giường hơn nửa tháng với một đợt cúm A và một đợt sốt xuất huyết, mình nghĩ, thôi, giờ chỉ cần sức khoẻ thôi là tốt rồi còn lại chẳng quan trọng. Không chỉ sức khỏe thể chất mà còn có cả tinh thần nữa, cực kỳ quan trọng khi phải lao động trí óc nhiều. Vì vậy giai đoạn cấp tốc ôn thi, việc hàng ngày bạn hoạt động thể chất bao lâu, ngắm cây bao lâu, nói chuyện với những ai, nói những câu chuyện gì là cực kỳ quan trọng. Hãy luôn ở cạnh những người tích cực, làm những thứ mình thấy thoải mái và làm mình cảm giác muốn phấn đấu tiếp. Best case là tìm được (hoặc tự tạo) một nhóm những người thi chung với mình có những phẩm chất như vậy.

+ Nguồn lực: Nói đi nói lại, không có tiền thì có khối mà gồng được. Không có thời gian thì còn lâu mới tiếp thu được đủ kiến thức. Mình recommend các bạn để dành được tối thiểu 30tr để đóng tiền thi, sau đó là một cashflow ổn định 10tr/tháng (chỉ cho bản thân) cho 6 -7 tháng ôn thi. Vậy khoảng tầm 100tr. Tiền tiêu 1 tháng ở HN (nếu không mất tiền nhà) và tiêu không phá thì chỉ khoảng 6 -7tr/tháng, nhưng sẽ có những “rainy days” mà bạn cần chi nhiều hơn để ổn định sức khoẻ. Và đối với những người trái ngành như mình, nên dành tối thiểu 6 tháng để học thật tập trung (dù CFA khuyến nghị là 300 tiếng, nếu mỗi tuần học 10 tiếng thì mất khoảng 30 tuần ~ gần 5 tháng). Từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023, mình dành mỗi tuần 03 buổi, mỗi buổi 03 tiếng trên SAPP để học kiến thức (tổng khoảng 250 tiếng) và cỡ 6 -10 tiếng/tuần để tự học, làm bài tập và ôn (vậy tổng cỡ 500 tiếng). Giai đoạn 2 tháng cuối trước khi thi là lúc cực kỳ quan trọng để tập trung. Nếu không có đủ nguồn lực đã chuẩn bị từ trước 6 tháng, các bạn sẽ rất panic hàng ngày và không thể có tinh thần tốt. Nếu đang đi làm, cần phải cân đối số ngày có thể nghỉ, tính chất công việc của mình và độ thông cảm của sếp/đồng nghiệp trong giai đoạn này.

+ Năng lực: Bản thân mình có tiếng Anh ổn (không đến mức xuất sắc nhưng cũng ok), và không phải quá thông minh, cũng như không có tí background về tài chính nào (học Ngoại giao, khoa Truyền thông), nên mình tự biết phải lấy chăm chỉ mà bù vào. Cách học của mình thì rất classic như cách chúng ta đã học hồi cấp 3: Chép hết là hiểu, chép hết là nhớ, chỗ nào khó nhớ quá thì chép nó lại. Thật sự mình đã chép hết 1.5 quyển vở 200 trang tóm tắt toàn bộ 10 môn của CFA level 1 may mắn trung tâm SAPP Academy có trang tóm tắt kiến thức bằng tiếng Việt (mọi người có thể đọc ở link này: https://knowledge.sapp.edu.vn/knowledge/t%E1%BB%B1-h%E1%BB%8Dc-cfa-level-i-chartered-financial-analyst) và sau quá trình này upgrade bản thân cực nhanh. Kế hoạch của mình là chép hết toàn bộ trước khi diễn ra kỳ thi 1.5 tháng để sau đó còn có thời gian luyện đề. May mắn là mình đã làm đúng được kế hoạch.

Nói thêm về SAPP Academy một chút. Bạn hoàn toàn có thể tự học CFA và đỗ, nhưng hãy liệu sức mà thực hiện nhé vì mỗi lần thi chi phí không hề nhỏ. Đối với mình, mình cần thứ nhất là những người thầy có chuyên môn tốt, thứ 2 là một cộng đồng để cùng học. Mình đã từng review rất chi tiết về SAPP academy rồi, xin tóm gọn là vô cùng đáng tiền. Các bạn có thể đọc tại đây: https://www.facebook.com/.../posts/1880157575667871/...

+ Thiết bị: Laptop là rất cần thiết vì CFA có hệ thống LMS mà bạn có thể lôi ra học ở bất cứ đâu. Cá nhân mình recommend bạn nào có điều kiện thì nên sắm một cái ipad nữa, rất tiện lợi và hữu ích khi note lại kiến thức trên lớp, đọc tài liệu, làm bài thi thử.

- Điều kiện đủ:

+ Những người hỗ trợ tốt: Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn tiếp xúc gần nhất. Vậy muốn học giỏi, tích cực, có kết quả tốt, hãy dành thời gian nhiều hơn bên cạnh những người cũng học giỏi, cũng muốn cố gắng, chăm chỉ và trên hết là luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn, và hãy giúp họ cũng đạt được mục tiêu của họ. Giai đoạn này gia đình và bạn bè thân thiết là rất quan trọng, họ có thể không cần thiết phải hiểu bạn đang làm gì hay là giang tay ra giúp đỡ, chỉ cần họ luôn cổ vũ bạn và tạo điều kiện cho bạn tốt lên khi bạn đang mệt mỏi là được rồi. Đối với mình, mình vô cùng may mắn khi bên cạnh mình là gia đình luôn cổ vũ, bạn bè luôn yêu thương, người iu luôn cổ vũ. Dù có bỏ đi bao nhiêu cuộc vui chơi và những dịp quan trọng, nhưng mọi người vẫn yêu quý và ủng hộ mình, đó là phước báu thật sự, cảm ơn mọi người 

+ Sức khoẻ của gia đình: Mọi việc không còn quan trọng khi bạn không khỏe, nhưng khi bố mẹ bạn ốm thì sức khoẻ của bạn cũng chẳng quan trọng mấy nữa đâu. Trong thời gian học thi hãy luôn cố gắng giữ hoà khí và sức khỏe gia đình, vì đó là một phần nền tảng để bạn yên tâm làm việc.

+ Có kế hoạch học tập và bám sát kế hoạch: Cách tiếp cận để học với mỗi giai đoạn là khác nhau và việc tối ưu hoá mỗi giai đoạn là cần thiết. Đối với việc học CFA mình có 3 giai đoạn để học:

Mình phải track thời gian mình dành cho từng môn để tránh trường hợp môn mình giỏi rồi mình cứ dành nhiều thời gian cho nó quá thì không hợp lý.”

* Hiểu: Nghe thầy giảng thì nếu được nên hiểu luôn. Nếu không hiểu thì về đọc kỹ rồi hỏi thầy. Nếu kiến thức nghe có vẻ có lý rồi mà làm bài vẫn sai thì nên chép hết lại kiến thức, chép xong sẽ hiểu. Nếu chép xong vẫn không hiểu thì lên youtube xem mấy anh Ấn Độ giải thích về từng Module. Nếu không hiểu nữa thì nhờ mấy bạn Tutor giảng lại (nếu đi học trung tâm). Nếu vẫn không hiểu nữa thì xin đi học lại lớp khác (khai giảng sau - nếu trung tâm có và tạo điều kiện)

* Nhớ: Nên tham khảo cách học tập chủ động (active learning). Trong đó mình áp dụng phương pháp Làm lại Mindmap, Active Recall và Space repetition. Mình tham khảo những phương pháp này qua series trên kênh của bạn Duy Thanh Nguyen: https://www.youtube.com/watch?v=h2AF8Y5AKbo . Chi tiết về quá trình học trong ảnh.

* Thi: Được thầy hướng dẫn nên giai đoạn 1 tháng cuối trước khi thi mình tập trung luyện đề. Trong 1 tháng mình làm 11 mock test, tương đương với 3 ngày làm 1 test. Quan trọng nhất là làm xong là phải chữa lại bài ngay để khi làm lại chính bài đấy, mình sẽ không mắc lại lỗi sai nữa, đồng thời làm quen với nhiều dạng bài của các môn, xác định các môn còn yếu; và làm quen với 5 tiếng làm bài thi. Khi làm đủ lượng test, mình có forecast ra phổ điểm của mình là khoảng 7.5, 1 ngưỡng khá là yên tâm. Đề thi thử thì nên dùng đề trên LMS của CFA và các Schweser các năm trước.

* Còn việc có kỷ luật với bản thân để bám sát được kế hoạch như vậy không, tuỳ thuộc vào ý chí của bạn thôi.

+ Một chút may mắn: Thực ra nãy giờ ở trên mình đã liên tục nói là mình gặp may. Kể cả việc mình chọn kỳ thi tháng 2 thì ngay liền trước đó là Tết; mọi người nói mình mất Tết, nhưng mình thấy đó là 1 điều may mắn vì trong Tết thì mình có điều kiện để tập trung toàn tâm toàn ý vào việc học, không bị xao lãng bởi những công việc khác. Mình may mắn có được những người thầy, cô tại đúng thời điểm, may mắn có bố mẹ, người yêu, bạn bè thông cảm và hỗ trợ hết mực, may mắn đăng ký học tại 1 trung tâm đào tạo rất có tâm, may mắn có những người bạn cùng ôn, cùng định hướng rất tốt và rất hỗ trợ, may mắn kế thừa tư duy và ý chí của bố mẹ, may mắn có được sức khoẻ và nguồn lực tại đúng thời điểm. Càng đi đường mình càng gặp nhiều may mắn và chưa bao giờ thấy hết biết ơn vì những phước lộc đến với mình. Vì vậy, mình cảm thấy như có một trách nhiệm cần phải chia sẻ cho các bạn những bài học của mình, biết đâu đấy sẽ giúp được 1 bạn nào đấy như mình giờ này năm ngoái.

Những điều kiện này, như các bạn thấy là hầu hết không phải tự nhiên xuất hiện mà mình đều phải cố gắng tạo ra. Không phải lúc nào cũng là thiên thời-địa lợi-nhân hoà, vì nghịch cảnh xuất hiện là để thử thách ý chí và tạo điều kiện cho bạn vượt qua. Sau khi vượt qua 8 tháng vừa rồi, mình thấy rất biết ơn với tất cả mọi thứ, trên hết là với bản thân mình vì đã không bỏ cuộc. Chặng đường vẫn còn rất dài và mình chỉ mới qua một cửa thôi, hi vọng mình vẫn tiếp tục chân cứng đá mềm, vững vàng chiến đấu với những gì mình tin tưởng và nỗ lực. Cũng rất mong các bạn vững tin, nỗ lực và cố gắng với những mục tiêu của mình.

Chúc các bạn cũng có cái badge này nhé”

Đọc được đến dòng này thì ý chí của bạn cũng đủ rồi đấy, đăng ký thi luôn đi. Nếu vẫn còn băn khoăn “bây giờ bắt đầu có muộn quá không”, thì xin trích dẫn câu nói của ông anh mình:”Có 2 thời điểm hợp lý nhất để bắt đầu, một là 10 năm trước, hai là ngay bây giờ”.

Mình xin phép dừng ở đây nha. Cảm ơn các bạn vì đã đọc.”

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

Mọi yêu cầu về dịch vụ sẽ được phản hồi trong 04 giờ làm việc (Thời gian làm việc từ 10h00 đến 18h00 từ thứ 2 đến thứ 6). Chúng tôi luôn cố gắng phản hồi nhanh nhất ngay khi nhận được yêu cầu.