Big4 Ứng tuyển Big4 Ôn thi Big4 Kế - Kiểm - Tài chính KPMG EY PwC Deloitte
Big 4 - Các tiêu chí tuyển dụng

Tuyển tập kinh nghiệm thi tuyển Big4 chi tiết nhất (Phần 1)

Nếu đã là sinh viên Kinh tế và Kế - Kiểm, chắc hẳn ai cũng đã từng mong muốn làm việc tại Big4 công ty Dịch vụ tư vấn và Kiểm toán lớn nhất thế giới. Hôm nay, SAPP Academy sẽ cùng bạn tìm hiểu những điều cần lưu ý khi ứng tuyển nhé!

 

Tuyển tập Kinh nghiệm thi tuyển Big4 chi tiết nhất (Phần 1)

Big4 (hay Big Four) là thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ 4 “ông lớn” dịch vụ tư vấn và kiểm toán dựa trên các tiêu chí về quy mô, doanh thu, bề dày kinh nghiệm bao gồm: PwC, Deloitte, EY và KPMG. Vậy tại sao trở thành nhân viên của một trong bốn hãng này lại trở thành ước mơ của các bạn sinh viên? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. 3 giá trị giúp Big4 trở thành “miền đất hứa” của sinh viên chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán:

Tại sao sinh viên Kế toán Kiểm toán lại muốn vào Big4

 

1.1 Xây dựng, rèn luyện được thói quen và tác phong làm việc chuyên nghiệp

Khi có cơ hội được làm việc tại đây, bạn sẽ được làm việc trong một môi trường làm việc chỉn chu và bài bản bởi vì:

  • Thực tập sinh và nhân viên sẽ được tham gia rất nhiều khóa học đào tạo, cung cấp kỹ năng cần thiết phục vụ cho quá trình làm việc. Khi đạo đức nghề nghiệp được năng cao, các chứng chỉ chuyên ngành đã được tích lũy - nhân viên Big4 sẽ có cơ hội được ban lãnh đạo đánh giá cao và được trọng dụng.

Lợi ích khi làm việc tại Big4

  • Bốn tên tuổi “đình đám” này là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin. Đồng thời, quy trình làm việc tại đây được thiết kế chuẩn hóa, mang tính logic với mục tiêu tiết kiệm thời gian và tính hiệu quả trong quá trình làm việc.
  • Bên cạnh đó, nơi đây cũng “hội ngộ” rất nhiều anh tài trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Tài chính. Trong văn hóa doanh nghiệp tại các đơn vị này, nhân viên cũ sẽ giữ vai trò là cố vấn nghề nghiệp (mentor) của nhân viên mới và mỗi người sẽ đều có một mentor cho riêng mình. Văn hóa tiền bối - hậu bối tại công ty cũng góp phần thúc đẩy sự thành công của mỗi cá nhân nói riêng và sự phát triển của tổ chức nói chung.

1.2 Có cơ hội được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong ngành

Lợi ích khi làm việc tại Big4

  • Sự phát triển luôn được ưu tiên hàng đầu: Nhân viên và thực tập sinh luôn được khuyến khích dành thời gian để tìm tòi, nghiên cứu và không ngừng học hỏi.
  • Trong quá trình thực chiến tại 4 ông lớn này, thực tập sinh và nhân viên sẽ có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều đối tác, khách hàng lớn. Các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc sẽ giúp nhân viên trở nên nhạy bén và trưởng thành hơn sau nhiều lần cọ xát. 

1.3 Thu nhập cạnh tranh trong ngành

Big4 có mức lương như thế nào

  • Lương thực tập tại Big4:
 

Các bạn sinh viên thường sẽ lựa chọn vị trí thực tập sinh (Intern) để bắt đầu khi vừa mới ra trường và không có quá nhiều kinh nghiệm. Mỗi doanh nghiệp sẽ có quy định mức lương thực tập sinh khác nhau. Mức lương hiện tại mà 4 công ty này chi trả cho vị trí này sẽ dao động khoảng ~4 triệu/tháng. Làm việc tại đây là cơ hội giúp sinh viên có thể vận dụng tri thức được vận dụng từ sách vở vào môi trường chuyên nghiệp, thực chiến, nên khoản thu nhập này được đánh giá là khá phù hợp. 

  • Lương nhân viên chính thức tại Big4:

Khi chính thức làm việc tại 4 “ông lớn” cung cấp Dịch vụ tư vấn và Kiểm toán này, nhân viên sẽ có mức lương khác nhau và phụ thuộc vào số năm kinh nghiệm làm việc của bản thân tại công ty này. Thường thì khoảng lương khởi điểm sẽ dao động từ 8 - 10 triệu/tháng đối với nhân viên (Associate) bậc I và từ 11 - 13 triệu/tháng với nhân viên bậc II.

Ngay khi có 1 - 5 năm hiểu biết và kinh nghiệm trong ngành, nhân viên sẽ có mức thu nhập có phần “nhỉnh” hơn so với cấp bậc thực tập sinh, những nhân viên chưa có quá nhiều kinh nghiệm (cấp Fresher và Junior). Khoảng lương lúc đó sẽ biến động trong khoảng từ 15 đến 21 triệu/tháng. Tuy nhiên, dù có ở cấp bậc gì đi nữa thì lương của các nhân viên Big4 luôn được nhìn nhận và đánh giá dựa trên kết quả thực hiện công việc khác nhau và không nhất thiết trong cùng một cấp bậc thì thu nhập  của tất cả nhân viên sẽ được cào bằng. 

  • Mức lương cấp bậc quản lý tại Top 4 công ty Dịch vụ tư vấn và Kiểm toán:

Và đối với cấp bậc quản lý - những người có kinh nghiệm dày dặn cũng như năng lực tốt thì mức thu nhập “khủng” là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Mức lương cao lúc này sẽ tương ứng với những trách nhiệm phải đảm bảo và áp lực đi kèm. Theo dữ liệu thống kê từ ACCA Global, vị trí quản lý ở các công ty Big4 Kiểm toán có thể chạm đến con số 400 triệu - 600 triệu/năm. 

Ngoài ra, các công ty Dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn Thuế cũng là bước đệm ban đầu để nhân viên chính thức có thể lấn sân sang các lĩnh vực khác như đầu tư, kinh doanh và nhận được nhiều khoản thu nhập thụ động khác. Do đó, với những đãi ngộ và môi trường làm việc chuyên nghiệp, khuyến khích sự phát triển cá nhân như trên Big4 thực sự đã trở thành “miền đất hứa”, thu hút được rất nhiều sự quan tâm và trở thành những doanh nghiệp đáng để các bạn sinh viên chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính trải nghiệm một lần trong đời.

2. Chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển Big4

2.1 Chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển vòng Hồ sơ

Ứng tuyển Big4 vòng hồ sơ

 

2.1.1 Những điều cần lưu ý trong quá trình viết hồ sơ ứng tuyển vào Big4:
  • Chứng chỉ ACCA, ACA… sẽ là điểm cộng lớn cho ứng viên nếu điểm tiếng Anh và kết quả học tập không quá nổi bật. 
  • Các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi học thuật và kinh nghiệm làm việc chuyên ngành nổi bật nên được liệt kê.
  • Nên nhờ người có chuyên môn nhận xét về CV của mình: Ý kiến khách quan từ bên ngoài sẽ bổ trợ rất nhiều để bản sơ yếu lý lịch của bạn hoàn thiện hơn. Hiện nay, SAPP Academy có bộ phận phụ trách hoạt động này, bạn đừng ngần ngại gửi yêu cầu hỗ trợ đến với chúng mình nhé.

Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo hướng dẫn viết thư ứng tuyển (Cover Letter) Big4 tại đây.

 

2.1.2 Đặc thù vòng lọc hồ sơ của từng công ty:
  • EY: EY thường tập trung lọc hồ sơ (CV) khá kỹ và đề cao các thành tích, kỹ năng cũng như các trải nghiệm chuyên ngành của ứng viên. Bên cạnh đầu tư cho điểm trung bình tích lũy (GPA), bạn cần quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi học thuật liên quan. Nếu có cơ hội, hãy đầu tư cho chứng chỉ như ACCA,..
  • PwC: Khác với EY, PwC quan tâm khá nhiều đến khả năng tiếng Anh của từng ứng viên thay vì đòi hỏi quá sâu về kiến thức chuyên ngành kiểm toán trong vòng hồ sơ. Các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL và TOEIC… sẽ làm hồ sơ của bạn “hấp dẫn hơn” trong mắt nhà tuyển dụng. 
  • Deloitte: Deloitte yêu cầu khá cao về kết quả học tập. Vì vậy những thành tích liên quan đến các cuộc thi học thuật cũng như tích lũy “khủng” sẽ giúp bạn có cơ hội tiến sâu hơn vào các vòng trong.
  • KPMG: Vòng hồ sơ tại KPMG sẽ yêu cầu ứng viên điền một đơn ứng tuyển (Application form) khá dài bao gồm những thành tựu, định hướng tương lai, cảm nhận về trường đại học như thế nào... và sẽ không cần phải viết thêm thư ứng tuyển (Cover letter).

 

2.2 Chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển vòng Đánh giá năng lực tại Big4

Đánh giá năng lực của Big4 khó không

Cấu trúc bài thi của Top 4 công ty Dịch vụ tư vấn và Kiểm toán hàng đầu thế giới sẽ có sự điều chỉnh khác nhau để phù hợp với mục đích nhân sự của từng hãng. 

Tuy nhiên, 100% đề thi của các công ty này đều bằng tiếng Anh nên lời khuyên đầu tiên dành cho bạn chính là xây dựng nền tảng tiếng anh thật tốt để có khả năng xử lý tốt đề bài, đặc biệt là IELTS Writing Task 2 để thể hiện tốt trong phần thi viết luận. Trong khi đó, bài kiểm tra năng lực sẽ đi sâu vào kiểm tra kiến thức chuyên ngành, xã hội, tư duy logic, độ nhạy bén với các con số.. nên cần sự chuẩn bị kỹ càng.

 

2.2.1 Đề Đánh giá năng lực EY năm 2021:

Đánh giá năng lực của EY

Tổng thời gian làm bài là 120 phút, đề thi vòng 2 của EY bao gồm 60 câu trắc nghiệm (MCQs) và 1 phần viết luận về chủ đề xã hội. 

Trong đó:

  • Phần Chuyên ngành: Mỗi vị trí sẽ được phân bổ lượng kiến thức khác nhau. Chủ đề Kế toán (Accounting) thường sẽ sẽ xoay quanh các phần tính toán cơ bản về Tài sản cố định, Hàng tồn kho, tiêu chuẩn ghi nhận tài sản; Phần Tài chính (Finance) bao gồm các câu tính toán các chỉ số về tính thanh khoản cũng như dòng tiền thuần hay dòng tiền hoạt động…. Phạm vi kiến thức chủ yếu sẽ rơi vào các môn trong chứng chỉ ACCA như: F2, F3, F6, F7, F8, Finance, Social, Numerical, Verbal, Chart và cả IT Audit. Trong đó, phần IT Audit được đánh giá khó và lạ.  Do vậy, ứng viên phải nắm thật chắc kiến thức trong quá trình ôn tập. 
  • Phần Kiến thức khác: Phần này EY hỏi về kiến thức xã hội như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đại dịch Covid-19. Những câu hỏi IQ Verbal trong đề kiểm tra này yêu cầu phải xử lý các tình huống bằng tiếng Anh cùng với các câu tư duy số học (IQ) về quy luật số và hình.
  • Phần Viết luận: Nên liên kết các ý trong bài viết của mình với nghề nghiệp Kiểm toán hoặc vị trí mà mình đang ứng tuyển.

 

2.2.2 Đề đánh giá năng lực KPMG:

Đánh giá năng lực KPMG

Vòng kiểm tra của KPMG có tổng thời gian làm bài là 95 phút với hình thức full trắc nghiệm bao gồm:

  • Phần Tiếng Anh: kiểm tra kỹ năng đọc hiểu tiếng anh đang ở mức độ nào.
  • Phần Kiến thức chuyên ngành: KPMG chủ yếu đánh giá mức độ cơ bản và phức hợp thêm các bài test IQ, EQ và các kiến thức xã hội (đặc biệt là kiến thức về kinh tế - thị trường Việt Nam). Phạm vi kiến thức sẽ bao gồm các môn F3, F6, F8 trong chứng chỉ ACCA. 

2.2.3 Đề Kiểm tra năng lực của Deloitte kỳ Internship 2021:

Đánh giá năng lực Deloitte

  • Thời gian làm bài là 40 phút với 36 câu gồm 35 câu hỏi trắc nghiệm và 1 phần viết luận. 
  • Phạm vi kiến thức: Đề thi Deloitte năm 2021 được đánh giá là  khá bao quát, phủ rộng nội dung xoay canh các môn F2, F3, F6, F8 của ACCA. Và đặc biệt cần chú trọng các chuẩn mực như: VAS 01, 02, 03, 04, 14, 16, 18, 21, 23...

2.2.4 Đề đánh giá năng lực PwC kỳ Fresh Graduate 2022:

Đánh giá năng lực của PwC

Kỳ Fresh Graduate 2022 của PwC đã có sự đổi mới về hình thức, bao gồm: 

  • Phần 1: Phần hành vi trong công việc (Job behavior) với thời gian làm bài 20 phút: Ứng viên sẽ được làm các bài trắc nghiệm kiểm tra tính cách, trí tuệ cảm xúc (EQ). Phần này không có tổng bao nhiêu câu mà tính dựa trên tỷ trọng số câu hỏi đã hoàn thành.
  • Phần 2: Kiến thức năng lực tổng quát (General Ability Test) với 24 câu trong vòng 36 phút:

Đây là phần mới lạ và ít tài liệu ôn tập, ứng viên sẽ phải cần tỉnh táo và có phản xạ tốt. Thí sinh ứng tuyển vào bộ phận Kiểm toán (Audit) có các phần thi khá đa dạng, bạn sẽ được mô phỏng chơi game và thực hiện các nhiệm vụ như sắp xếp lịch họp, các câu hỏi liên quan đến tính toán và đánh giá chỉ số thông minh (IQ). Với bộ phận Thuế (Tax), mình sẽ được cấp phát một số tiền ngay lúc đầu và phải ra quyết định xem có chia số tiền đó cho người đồng hành hay không (nếu có thì số tiền đó sẽ là bao nhiêu). Ngoài ra, ứng viên sẽ được luyện phản xạ mắt và tay (ví dụ như bấm nút chuột tương ứng với các màu: màu đỏ - phải và màu xanh - trái, trong 1 phút có thể gõ được tối đa bao nhiêu phím). Bơm bong bóng (càng lớn thì càng nhiều tiền, tuy nhiên nếu nổ thì mất trắng), một số trò kiểm định chỉ số thông minh (IQ) như điền số và tìm hình. Sau mỗi phần thi, bạn sẽ được hệ thống đánh giá là người rủi ro hay thận trọng hoặc nhận xét về khả năng ra quyết định, học hỏi của ứng viên.

Lời kết

Vừa rồi, SAPP Academy đã cùng bạn đọc tìm hiểu những kinh nghiệm rút ra những điều cần lưu tâm trong quá trình ứng tuyển cũng như xem qua những phần kiến thức quan trọng có trong phần Đánh giá năng lực tại Big4. Các bạn đừng quên theo dõi phần tiếp theo của series này để chuẩn bị cho mình hành trang tốt nhất trong kỳ tuyển dụng 2023 của các công ty Dịch vụ tư vấn và Kiểm toán hàng đầu thế giới nhé!

 

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

Mọi yêu cầu về dịch vụ sẽ được phản hồi trong 04 giờ làm việc (Thời gian làm việc từ 10h00 đến 18h00 từ thứ 2 đến thứ 6). Chúng tôi luôn cố gắng phản hồi nhanh nhất ngay khi nhận được yêu cầu.