Big 4 - Kinh nghiệm cho vòng phỏng vấn cá nhân

[Interview] - KINH NGHIỆM PHỎNG VẤN

Trong bài viết được tổng hợp những nội dung từ các video về Tips phỏng vấn của Deniz Sasal – Senior Manager của PwC Consulting UAE, kết hợp cùng những chia sẻ thực tế của các anh chị Interviewer từ các BIG.

Deniz Sasal – Senior Manager của PwC Consulting UAE. Ông từng có kinh nghiệm tư vấn về tài chính, rủi ro, quản trị, và nhận xét của ông là ở các MNCs, bất kể ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền … việc lựa chọn ứng viên vào danh sách “tiềm năng” vẫn dựa trên một số nguyên tắc chung. Qua trao đổi với một số anh chị từng ngồi ở vị trí Interviewer ở các BIG, và từ thực tế tham gia các buổi phỏng vấn tại các BIG, những nguyên tắc này cũng đúng đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam.

1. Các tiêu chí mà Interviewer đánh giá khi xem xét một ứng viên

Tùy thuộc vào lĩnh vực, ngành nghề, công ty, thậm chí là “taste” của người phỏng vấn, nhưng nhìn chung một interviewer đưa ra quyết định tuyển dụng dựa trên 4 khía cạnh chính:

(1) Ấn tượng

Ấn tượng ban đầu và xuyên suốt cuộc phỏng vấn có thể đến từ vẻ ngoài, cách ăn mặc, phong thái, cách nói chuyện, diễn đạt, trình bày vấn đề. Đây không phải là một tiêu chí “cứng” khi đánh giá nhân sự, không đến mức là bạn mặc xấu thì bạn sẽ bị loại, bạn nói giọng địa phương thì bạn bị loại, nhưng chắc chắn sự đánh giá các khía cạnh khác sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ấn tượng ban đầu. Người tạo được ấn tượng ban đầu tốt sẽ luôn được "thiên vị" hơn. Ngoài ra, ấn tượng còn có thể đến từ nội dung, cách trả lời phỏng vấn, những đặc điểm nổi bật trong tính cách và hồ sơ của bạn.

(2) Nền tảng tư duy.

Nền tảng tư duy là yếu tố được kiểm tra xuyên suốt tất cả các vòng tuyển dụng, từ CV, bài test nghiệp vụ, cho đến các vòng phỏng vấn. Một số “dấu hiệu” mà HR có thể dựa vào để đánh giá tư duy của một ứng viên, chẳng hạn như trường mà ứng viên theo học, các loại bằng cấp liên quan, cách trình bày CV đẹp, khoa học, logic, điểm bài test … Đến vòng phỏng vấn, các câu hỏi chuyên môn, hay các tình huống khó, mục tiêu chính vẫn nhằm xem cách tư duy giải quyết vấn đề của ứng viên như thế nào. Hiring Manager có thể đưa ra những câu hỏi rất khó, rất chuyên sâu so với khả năng của một intern, hoặc fresh graduate, và cũng không kỳ vọng là ứng viên trả lời được hoàn hảo, mà chủ yếu để xem phương pháp tiếp cận vấn đề, cách nhìn nhận vấn đề, sự logic, mạch lạc trong tư duy, tư duy phản biện (critical thinking) …

(3) Tính cách và sự phù hợp của ứng viên đối với vị trí ứng tuyển.

Đánh giá tính cách và sự phù hợp của ứng viên thường là công việc của HR Manager, tuy nhiên kể cả ở vòng partner interview nhiều firm vẫn đưa ra những câu hỏi nhằm test tính cách. HR có thể sử dụng một số các phương pháp, mô hình như MBIT, SHL personality question (các bạn thi PwC chắc là rất quen với dạng câu hỏi này :3), … Sẽ có một số nhóm tính cách đặc biệt phù hợp với vị trí tuyển dụng, và một số thì không, những ứng viên không phù hợp hoặc sẽ bị loại hoặc sẽ được refer sang bộ phận khác phù hợp hơn. Chẳng hạn, theo MBIT nhóm tính cách phù hợp nhất với công việc kiểm toán là ESTJ, là nhóm người đề cao sự nguyên tắc, ổn định, rất tận tâm và trách nhiệm, trung thực và thẳng thắn. Ngoài ra có một số nhóm tính cách khác như ESFJ, ISTJ, … Mọi người có thể tham khảo trên https://www.16personalities.com/free-personality-test Việc lựa chọn theo tính cách ít nhất sẽ hạn chế tỉ lệ nhân viên làm được một thời gian rồi nghỉ, chuyển nghề khác.

(4) Sự trung thực.

Và cuối cùng là sự trung thực, đơn giản là không có bất kì một ông/bà sếp nào muốn tuyển một nhân viên thiếu trung thực làm việc cho mình. Đặc biệt trong môi trường kiểm toán, KTV được quyền tiếp cận các thông tin tài chính “nhạy cảm” có thể tận dụng nhằm tư lợi cho bản thân. Như trong video, Deniz có chia sẻ rằng mặc dù chuẩn bị rất kỹ cho buổi phỏng vấn, trả lời ứng xử một cách vô cùng khéo léo và sắc sảo, nhưng những câu trả lời “quá hoàn hảo” của ông đã không gây dựng được lòng tin từ Hiring Manager. Hiring Manager muốn tuỷen những người mà họ có thể tin tưởng, có thể kề vai sát cánh vì mục tiêu chung của cả tập thể và đó không có chỗ cho những nhân viên thiếu đi sự trung thực.

2. Các dạng câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn

(1) Các câu hỏi technical

Các chủ đề technical thường gặp trong vòng partner interview là kế toán, kiểm toán, thuế, tài chính (có thể). Mức độ nặng nhẹ còn tùy thuộc vào firm, vào người phỏng vấn, vào ứng viên (chuyên ngành hay không chuyên ngành).
Các câu hỏi technical có thể là các câu hỏi trình bày, chẳng hạn “Lựa chọn một chuẩn mực kế toán mà em quan tâm và trình bày những gì em hiểu về chuẩn mực đó?”; “Trình bày phương pháp kiểm toán phần hành tiền?” “Trình bày cách tính thuế thu nhập cá nhân?” “Trình bày các nguyên tắc kế toán cơ bản?” …

Ngoài ra, các câu hỏi technical có thể rơi vào dạng yêu cầu đưa ra nhận định, chẳng hạn “Theo em thì phương pháp tính giá hàng tồn kho nào sẽ hay được các doanh nghiệp sử dụng nhất? Tại sao?” “Theo em lí do tại sao BTC lại hạ thuế suất thuế TNDN và ảnh hưởng của điều này tới nền kinh tế?”.
Hay có thể là những câu hỏi hơi “đánh đố”, chẳng hạn “Trình bày quy trình kiểm toán phần doanh thu của một doanh nghiệp bất động sản?”. Đây là những câu hỏi nhằm test tư duy là chính, interviewer cũng không kỳ vọng một câu trả lời chuẩn chỉnh, mà xem cách tiếp cận, phân tích đề bài. Chẳng hạn như các assertion của transaction sẽ khác balance như thế nào, các thủ tục nào sẽ cover rủi ro cho các assertion đó, trình bày quy trình thực hiện một cuộc kiểm toán nói chung và đặc điểm của loại hình doanh nghiệp đó ảnh hưởng tới phần hành như thế nào …

Ở dạng câu hỏi này thì yếu tố xét đến chủ yếu là tư duy, yếu tố ấn tượng cũng không thể hiện được nhiều (trừ khi có thể đọc thuộc tên chuẩn mực, thông tư, điều khoản).

(2) Các câu hỏi non-technical

+ Dạng câu hỏi về bản thân, chẳng hạn

“Hãy giới thiệu một chút về bản thân?”
“Em đang học chuyên ngành gì, trường gì?”
“Thời gian rảnh em hay làm gì?”

Đây không hẳn chỉ là những câu hỏi mang tính chất warm up, mà còn là những câu để interviewer hiểu hơn, hình dung về tính cách của ứng viên. Những câu hỏi không quá nặng nề về chuyên môn là cơ hội tốt để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, bằng những đặc điểm nổi bật của bản thân dù cho có thể không quá liên quan đến ngành kế kiểm. Chẳng hạn, trong video của mình Deniz Sasal khi giới thiệu về bản thân, có đề cập đến việc ông là nhà vô địch bộ môn chèo thuyền và tự mô tả mình là “sailor guy” trong mắt các nhà tuyển dụng, tạo ra ấn tượng khác biệt với các ứng viên còn lại.

+ Dạng câu hỏi về trải nghiệm cuộc sống, về kinh nghiệm làm việc, chẳng hạn:
“Bạn hãy mô tả công việc của bạn ở công ty abc”
“Thông qua công việc ở abc, bạn rút ra được bài học gì”
“Quan điểm của bạn về hiện tượng xyz trong xã hội là gì”
“Đối với bạn điều gì là khó khăn nhất trong công việc”

Interviewer có thể đặt ra liên tục các câu hỏi về các sự kiện trong quá khứ, về các công việc, thành tích, trải nghiệm để xác thực thật sự những gì viết trong CV có trung thực hay không, nếu đó là các sự kiện thực tế đã xảy ra, thì bạn sẽ có khả năng trình bày tỉ mỉ, chi tiết về các sự kiện đó. Bạn cũng có thể thể hiện sự cống hiến, chăm chỉ và những lợi ích tích cực của bạn đã mang đến cho tổ chức trong suốt thời gian bạn tham gia hoạt động. Các câu hỏi về quan điểm sống, giá trị sống là cơ sở để interviewer hiểu sâu hơn về tính cách của ứng viên, từ đó đánh giá sự phù hợp.

+ Các câu hỏi xử lí tình huống, chẳng hạn
“Bạn có thể đưa ra một ví dụ về tình huống bạn phải làm việc dưới một deadline rất chặt?”
“Bạn đã bao giờ từng làm việc trong một nhóm mà ở đó mọi người đều không hài lòng về nhau? Bạn giải quyết tình huống đó như thế nào?”
“Bạn xây dựng mối quan hệ với một người quan trọng với bạn như thế nào?”
Các câu hỏi về xử lý tính huống thường là những câu hỏi khó nhất trong một cuộc phỏng vấn vì đó không phải là một câu hỏi được lấy ra từ CV của ứng viên và không thể chuẩn bị trước. Interviewer sẽ chọn ra những câu hỏi bất ngờ để kiểm tra khả năng phản ứng nhanh trong việc ứng đáp, và khi phải đưa ra đáp án trong thời gian ngắn thì tính cách và tư duy sẽ được bộc lộ ra rõ ràng nhất. 
Trong 1 buổi phỏng vấn thông thường, bạn sẽ được hỏi thẳng về ưu điểm và khuyết điểm của mình hay những thử thách và khó khăn mà bạn phải đối mặt. Tuy nhiên, trong 1 buổi phỏng vấn hành vi, nhà tuyển dụng sẽ có sẵn 1 vài tố chất và đặc điểm mà họ tìm kiếm từ người ứng tuyển và sử dụng các câu hỏi hành vi để lựa chọn người phù hợp. Thay vì hỏi “Bạn sẽ làm thế nào?” họ sẽ hỏi xem bạn đã ứng xử như thế nào trong quá khứ. Họ muốn biết quyết định bạn đã đưa ra trong một tình huống cụ thể thay vì sẽ làm thế nào trong tương lai 1 cách trung thực nhất. Đồng thời, họ cũng muốn nghe những nguyên nhân để dẫn bạn đến việc bạn đã ứng xử như vậy. 
Phương pháp tiếp cận hiệu quả nhất được đề xuất đó là tìm hiểu kỹ về yêu cầu của nhà tuyển dụng, chẳng hạn đối với nghề kế kiểm đó là sự cam kết đối với nghề, khả năng chịu áp lực, tinh thần làm việc trách nhiệm … sau đó chọn ra tố chất mà bạn muốn thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy và highlight tố chất đó lên trong câu chuyện. 
1 trong những cách trả lời súc tích và rõ ràng nhất mà bạn có thể tham khảo đó là: Mô hình trả lời STAR. Đây là tên viết tắt của bốn yếu tố cần có với một câu trả lời đó là Situation (Tình huống), Task (Nhiệm vụ), Action (Hành động), Result (Kết quả).

Mọi người có thể tham khảo thêm các video về phỏng vấn, tuyển dụng tại channel: https://www.youtube.com/watch?v=9mXG3AiXVMY&t=173s 

Chúc các bạn thành công!