Cổ tức là gì? Có bao nhiêu hình thức chia cổ tức, ưu nhược điểm của từng hình thức như thế nào?
Khi định giá một doanh nghiệp, nhà đầu tư thường nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cổ tức mà doanh nghiệp trả cho cổ đông để đưa ra đánh giá của mình. Nhằm giúp các bạn nắm rõ khái niệm cổ tức, trong bài viết này, SAPP sẽ giải thích cụ thể cổ tức là gì? Có bao nhiêu hình thức chia cổ tức, ưu nhược điểm của từng hình thức như thế nào?
1. Cổ tức là gì?
Nhìn chung, khi nhà đầu tư giao dịch mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, có hai nguồn tạo ra lợi nhuận chính của nhà đầu tư bao gồm: Cổ tức (Dividend) và Chênh lệch giá mua-bán (Capital Gain)
Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của một công ty cổ phần. Bản chất cổ tức là cách doanh nghiệp phân phối lại lợi nhuận sau khi huy động được vốn ban đầu từ cổ đông.
Mục đích cơ bản của bất kỳ công việc kinh doanh nào là tạo ra lợi nhuận cho những chủ sở hữu của nó, và cổ tức là một trong những vấn đề được quan tâm nhất của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Khi công việc kinh doanh của công ty tạo ra lợi nhuận, một phần lợi nhuận được tái đầu tư vào việc kinh doanh và lập các quỹ dự phòng, gọi là lợi nhuận giữ lại. Phần lợi nhuận còn lại được chi trả cho các cổ đông, gọi là cổ tức. Việc thanh toán cổ tức bằng tiền mặt có thể sẽ làm giảm lượng tiền lưu thông đối với công việc kinh doanh và tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông.
2. Các hình thức chi trả cổ tức:
Các doanh nghiệp thường chi trả cổ tức cho nhà đầu tư thông qua ba hình thức:
- Cổ tức bằng tiền mặt (Cash Dividends)
- Mua lại cổ phiếu (Stock buyback – Share repurchase)
- Cổ tức bằng cổ phiếu (Stock Dividends)
2.1. Cổ tức bằng tiền mặt (Cash Dividend)
Cổ tức tiền mặt là việc doanh nghiệp trả cổ tức trực tiếp bằng tiền mặt. Hội đồng quản trị của doanh nghiệp, căn cứ trên kết quả hoạt động kinh doanh và các kế hoạch kinh doanh quyết định tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Tại thị trường Việt Nam, khi một doanh nghiệp công bố tỷ lệ trả cổ tức, thì tỷ lệ trả cổ tức này dựa trên mệnh giá cổ phiếu (với mệnh giá niêm yết của cổ phiếu theo luật quy định là 10.000 đồng). Như vậy, với tỷ lệ trả cổ tức là 50%, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu sẽ được chia thêm 5.000 đồng trên một cổ phiếu nắm giữ.
Một lưu ý khi xem xét yếu tổ trả cổ tức tiền mặt là tỷ lệ chi trả cổ tức (payout ratio).
Ví dụ: Tỷ lệ chi Payout ratio là 16%, có nghĩa khi công ty làm ra lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS – Earning per share) là 100 đồng thì công ty sẽ chi trả 16 đồng cổ tức, 84 đồng còn lại công ty sẽ giữ lại và phân bổ vào phần lợi nhuận còn lại chưa phân phối (Retained earnings).
Ưu điểm:
- Nhà đầu tư chắc chắn nhận được lợi thu nhập bằng tiền mặt từ cổ phiếu. Đây cũng là điều rất nhiều nhà đầu tư mong muốn và kỳ vọng khi đầu tư vào một cổ phiếu của doanh nghiệp bất kỳ.
- Nhà đầu tư thường xem xét đến chính sách chi trả cổ tức tiền mặt của công ty theo thời gian, chi trả cổ tức có ổn định và tăng trưởng qua các năm hay không để đánh giá độ hấp dẫn của cổ phiếu khi đầu tư. Những doanh nghiệp chi trả cổ tức đều đặn hàng năm luôn thu hút được nhà đầu tư.
Nhược điểm:
- Nhà đầu tư sẽ chịu thuế 2 lần. Lần thứ nhất là khi công ty có lợi nhuận sau thuế (thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp - ở Việt Nam hiện nay là 25%), và thuế suất đánh vào cổ tức cho thu nhập cá nhân nhà đầu tư (5% cho Việt Nam).
- Chi trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ làm giảm phần lợi nhuận được giữ lại sử dụng trong đầu tư kinh doanh và thành lập quỹ dự phòng cho các dự án mới. Ở góc độ tâm lý nhà đầu tư, nếu chính sách cổ tức quá ổn định và công ty không đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị phục vụ việc mở rộng sản xuất qua các năm sẽ làm giảm triển vọng mở rộng kinh doanh của mình, từ đó làm giảm sức thu hút của các nhà đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp.
2.2 Mua lại cổ phiếu quỹ (Stock buyback – Share repurchase)
Mua lại cổ phiếu là hình thức trả cổ tức của doanh nghiệp, thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt thì doanh nghiệp sẽ sử dụng tiền đó để mua lại cổ phiếu trên thị trường. Hình thức chi trả cổ tức này ít được công ty sử dụng, thường diễn ra lúc thị trường có dấu hiệu suy yếu, giá cổ phiếu sụt giảm.
Ưu điểm:
- Việc mua lại cổ phiếu thường được tiến hành thông qua nhiều cách bao gồm: mua trực tiếp trên thị trường, mua bán qua thỏa thuận hoặc mua với mốt số lượng và giá cố định. Đa phần các phương án trên đều giúp các nhà đầu tư có lợi khi bán lại cổ phiếu với mức giá giá tốt hơn thị trường.
- Hỗ trợ tăng giá cho cổ phiếu của công ty trong ngắn hạn. Việc mua lại cổ phiếu quỹ ở giá cao hơn thị giá như một tín hiệu phát ra từ công ty rằng giá cổ phiếu đang bị giao dịch thấp hơn giá trị thực mà công ty mong đợi. Số lượng cổ phiếu mua lại làm giảm số cổ phiếu lưu hành trên thị trường (Outstanding Shares), từ đó làm tăng EPS. Điều này kết hợp với chỉ số P/E không đổi sau khi mua lại, sẽ giúp cho giá cổ phiếu tăng theo.
Nhược điểm:
- Nhược điểm đầu tiên là nhà đầu tư có thể chịu thuế đầu tư vốn (Capital gain) khi bán lại cổ phiếu cho doanh nghiệp. Thuế suất đánh vào các khoản lợi nhuận chênh lệch đầu tư vốn hiện nay ở Việt Nam là 20%/
- Giá cổ phiếu chỉ tăng trong ngắn hạn, nếu công ty không chứng minh năng lực tài chính vững vàng, dòng tiền kinh doanh không tiếp tục sinh ra thì thị trường sẽ ngay lập tức hành động để phản ánh đúng giá trị cổ phiếu được giao dịch. Ngoài ra, một số vấn đề lưu ý khác là cổ đông có thể đang bị ban lãnh đạo, điều hành của công ty “qua mặt” nếu việc mua lại cổ phiếu có thể phục vụ cho lợi ích của họ, ví dụ như công bố mua giá cao, sau đó bán cổ phiếu mình đang sử hữu cho doanh nghiệp rồi tuyên bố từ nhiệm.
2.3 Cổ tức bằng cổ phiếu (Stock Dividend)
Cổ tức bằng cổ phiếu là việc công ty thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt hay mua lại cổ phiếu thì sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông. Việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu không làm thay đổi vốn chủ sở hữu (Shareholder’s equity), và tỷ lệ nắm giữ của mỗi cổ đông trong doanh nghiệp không đổi (do cùng được nhận một tỷ lệ tương ứng cổ phiếu cho phần tăng thêm)
Ưu điểm:
- Nhà đầu tư tránh được thuế đánh vào cổ tức tiền mặt, khi nhận thêm cổ tức bằng cổ phiếu. Đối với công ty có hoạt động kinh doanh tốt, tâm lý nhà đầu tư luôn muốn nhận cổ tức bằng cổ phiếu hơn bằng tiền mặt.
- Công ty có thể tránh việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt khi đang cần tập trung vốn để đầu tư vốn lưu động hoặc tài sản cố định (Nhà xưởng, thiết bị, …) Bên cạnh đó, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu còn giúp tăng thanh khoản giao dịch cổ phiếu, do khi số lượng cổ phiếu phát hành thêm tăng lên, và giá được điều chỉnh giảm tương ứng, từ đó tiếp cận với nhiều nhà đầu tư hơn.
Nhược điểm:
- Do số cổ phiếu lưu hành tăng lên, vốn hóa không đổi nên thị giá một cổ phiếu sau khi trả cổ tức sẽ giảm.
- Bên cạnh đó, nếu công ty sử dụng tiền đầu tư vào các dự án không tạo thêm lợi nhuận cho nhà đầu tư, giá cổ phiếu có thể giảm, khiến nhà đầu tư mất đi cơ hội nếu nhận tiền mặt thay vì cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý phân biệt cổ tức bằng cổ phiếu với Chia tách cổ phiếu (Stock splits) và Cổ phiếu thưởng (Stock compensation)
Về nguyên tắc, dù công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu (Stock Dividend) hay chi tách cổ phiếu (Stock Split) thì giá trị vốn chủ sở hữu của công ty không đổi. Sự khác nhau chủ yếu tới từ:
- Trả cổ tức bằng cổ phiếu có sự dịch chuyển từ các tài khoản con trong vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán. Ví dụ: Sử dụng lợi nhuận chưa phân phối tài trợ cho nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu thì tài khoản này sẽ giảm 1 phần bằng với phần tăng thêm ở vốn điều lệ công ty.
- Về phần chia tách cổ phiếu: không làm ảnh hưởng bất kỳ khoản nào trên vốn chủ sở hữu. Khi một công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 hay tách cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 thì số cổ phiếu mới đưa vào lưu hành đều bằng nhau (trước kia nhà đầu tư có 2 cổ phiếu thì nay sẽ có 3 cổ phiếu).
Cổ phiếu thưởng (Stock compensation) bao gồm 2 hình thức như sau:
- Cổ phiếu thưởng dành cho các nhân viên công ty: như các chương trình ESOP mua cổ phiếu ưu đãi dành cho nhân viên. Ví dụ: mua ở mệnh giá so với mức cao của thị giá. Do đó, công ty không tài trợ cho cổ phiếu thưởng dạng này (ngoại trừ việc bán ưu đãi thêm cổ phần mới).
- Cổ phiếu thưởng dành cho cổ đông hiện hữu: đây chính là cổ tức bằng cổ phiếu mà công ty dành cho cổ đông. Công ty tài trợ bằng nguồn lực công ty, cổ đông không phải bỏ thêm tiền để sở hữu mà vẫn tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ trong công ty (tuy nhiên tỷ lệ sở hữu không đổi).