Các nghề nghiệp phổ biến trong ngành Tài Chính

Những điều bạn cần biết về vị trí Brocker

Trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, song song với đó là sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, nhu cầu về đầu tư cũng ngày một tăng.

Với vai trò trung gian kết nối nhà đầu tư tới thị trường tài chính rộng lớn, cơ hội nghề nghiệp tại vị trí Broker - Chuyên viên tư vấn đầu tư ngày càng được mở rộng. 

Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc giúp phát triển tư duy phân tích, từ đó bén duyên và có cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực tư vấn đầu tư thì Brocker chính là xuất phát điểm vô cùng lý tưởng. Trải nghiệm những thử thách hấp dẫn, trau dồi kiến thức chuyên môn là những điều lĩnh vực đầy tiềm năng này mang lại.

Hãy cùng SAPP Academy đi sâu hơn để khám phá về vị trí nghề nghiệp này qua bài viết dưới đây nhé! 

Khái niệm về nghề Broker


Broker - Nhân viên môi giới hay còn gọi bằng một cái tên khác là Chuyên viên Tư vấn Đầu tư, là một nhân tố trung gian thiết yếu trong thế giới giao dịch, từ tài chính đến bất động sản và các lĩnh vực khác. Họ đóng vai trò là cầu nối giữa người mua và người bán, giữa nhà đầu tư và thị trường, đảm bảo rằng mỗi bên đều đạt được lợi ích tối ưu trong từng giao dịch. Với vai trò như một cố vấn chuyên nghiệp, họ giúp khách hàng nắm bắt và đưa ra lời khuyên dựa trên hiểu biết sâu sắc về xu hướng thị trường và biến động giá cả.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, các vị trí Broker chủ yếu thường hoạt động tại các công ty chứng khoán. Như một người "cố vấn", Broker đưa ra khuyến nghị, hỗ trợ, và tư vấn trước khi khách hàng đặt lệnh mua và bán. Mục tiêu là tối ưu hóa các khoản đầu tư, biến chúng thành những cơ hội sinh lời và kiếm hoa hồng từ các giao dịch đó.

Phạm vi, tính chất công việc


Tại Việt Nam, Broker hoạt động chính trong các lĩnh vực tài chính và giao dịch, bao gồm chứng khoán, ngoại hối, hàng hóa và bất động sản. Dưới đây là các phần mô tả chi tiết hơn về phạm vi và tính chất công việc của họ:

✍️ Tư vấn và hỗ trợ khách hàng:

Broker đóng vai trò như một cố vấn cho khách hàng, giúp họ hiểu rõ các cơ hội và rủi ro liên quan đến các giao dịch tài chính. Công việc của một Brocker bao gồm:

  • Tư vấn về các sản phẩm và dịch vụ tài chính phù hợp với mục tiêu và nhu cầu của khách hàng.
  • Hỗ trợ khách hàng trong quá trình đưa ra quyết định giao dịch thông qua việc cung cấp thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về thị trường.
  • Thiết lập mục tiêu đầu tư từ đó tạo ra các chiến lược đầu tư thông minh.
  • Đưa ra những phân tích, đánh giá về rủi ro tiềm ẩn từ những khoản giao dịch, nhằm tìm ra hướng đầu tư phù hợp giảm thiểu rủi ro cho khách hàng

>> Xem thêm: [Top cuộc thi dành cho dân tài chính] Phân tích đầu tư tài chính - Chi tiết các vòng thi

  • Theo dõi và phân tích thị trường:

Broker phải theo dõi và phân tích thị trường một cách chặt chẽ để đưa ra các dự đoán chính xác và đề xuất các giao dịch có lợi cho khách hàng. Công việc này bao gồm:

  • Theo dõi các chỉ số kinh tế, xu hướng thị trường và các sự kiện toàn cầu có thể ảnh hưởng đến giá cả và tình hình thị trường.
  • Phân tích dữ liệu và thông tin để đưa ra nhận định và dự đoán về hướng đi của thị trường cũng như các cơ hội đầu tư tiềm năng.
  • Sử dụng các công cụ và phần mềm phân tích để hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định đầu tư.
  • Thực hiện các giao dịch:

Broker phải thực hiện các giao dịch mua bán tài sản dựa trên yêu cầu cụ thể của khách hàng. Công việc này đòi hỏi:

  • Xác định và đánh giá các cơ hội giao dịch phù hợp với chiến lược đầu tư của khách hàng.
  • Trực tiếp thực hiện các giao dịch mua bán tài sản trên các sàn giao dịch hoặc thông qua các phương tiện khác nhau.
  • Theo dõi và quản lý các danh mục đầu tư của khách hàng để đảm bảo đạt được mục tiêu đồng thời quản lý rủi ro một cách hiệu quả.
  • Tính chất công việc:

Công việc của một Broker yêu cầu sự linh hoạt, logic và khả năng phân tích dữ liệu một cách chính xác để phản ứng nhanh chóng trước biến động của thị trường và đáp ứng các yêu cầu đầu tư của khách hàng. Sự nhanh nhạy này không chỉ giúp họ tối ưu hóa cơ hội trong thời gian thực mà còn đảm bảo sự hài lòng và tỉ lệ thành công mỗi giao dịch.

Do tính chất trực tiếp của các giao dịch mà họ thực hiện thay cho khách hàng, các Broker cần có tư duy nhạy bén và khả năng đánh giá nhanh các tình huống phát sinh. Điều này không chỉ đòi hỏi họ phải am hiểu sâu sắc về thị trường tài chính mà còn liên tục cập nhật tin tức cùng những thay đổi và xu hướng mới nhất trong ngành. 

Bên cạnh đó, với một lượng lớn giao dịch đồng thời tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, các Broker cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt để xây dựng và duy trì mạng lưới mối quan hệ rộng lớn. Kỹ năng này giúp họ trao đổi thông tin một cách hiệu quả, đồng thời thuyết phục khách hàng nhằm đưa ra các quyết định đầu tư khôn ngoan.

Thông qua những yêu cầu đặc thù này, có thể thấy công việc của Broker không chỉ đơn thuần như một giao dịch viên mà còn hội tụ nhiều yếu tố giữa chuyên môn và “nghệ thuật” giao tiếp.

Khung năng lực của một Broker


  • Kiến thức tài chính

Có kiến thức sâu rộng về thị trường tài chính, các quy định ngành cụ thể và các xu hướng kinh tế là kỹ năng cần thiết của một Broker. Sự am hiểu sâu sắc về các khía cạnh phức tạp trong lĩnh vực họ hoạt động giúp Broker đưa ra những lời khuyên đúng đắn và các quyết định hợp lý thay mặt cho khách hàng.

  • Kỹ năng phân tích

Broker cần có khả năng phân tích mạnh mẽ để đánh giá dữ liệu, xu hướng thị trường và các thông tin tài chính khác. Sự nhạy bén trong việc phân tích giúp họ xác định được các rủi ro và cơ hội phát triển, tìm kiếm các kênh đầu tư có lợi và đưa ra lời khuyên thông minh cho khách hàng. 

  •  Kỹ năng đàm phán và giao tiếp

Đàm phán là một phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày của một Broker. Họ có trách nhiệm thực hiện các thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán, hay giữa nhà đầu tư và thị trường. Khả năng điều phối các cuộc đàm phán phức tạp và tìm ra giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của một giao dịch. 

Ngoài ra, một Broker cần có khả năng biến các thông tin phức tạp trở nên dễ hiểu để truyền đạt và đến khách hàng cũng như các đối tác kinh doanh. Ngoài ra, việc trở thành một người lắng nghe tích cực và cẩn thận trong từng quyết định cũng là chìa khóa giúp Broker có thể nắm bắt chính xác những mong muốn và mục tiêu của khách hàng.

  • Kỹ năng dịch vụ

Cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho khách hàng là nền tảng để xây dựng và duy trì mối quan hệ lâu dài với các đối tác tiềm năng. Một chuyên viên tư vấn đầu tư giỏi luôn biết rằng việc thể hiện sự quan tâm, chủ động và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng là chìa khóa để phát triển niềm tin và lòng trung thành. Từ đó giúp họ thu hút và mở rộng tệp khách hàng mới trong tương lai.

>> Xem thêm: Những Con Đường Nghề Nghiệp Tài Chính Điển Hình Dành Cho Ứng Viên CFA

Cơ hội nghề nghiệp cho một Broker


Những năm trở lại đây, ngành chứng khoán tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm bùng nổ từ các nhà đầu tư đặc biệt là giới trẻ. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo, điều này tạo ra nhu cầu lớn về mặt nhân sự cho vị trí Broker. 

Ngoài ra, thị trường cũng đang chứng kiến sự phát triển của nhiều sản phẩm tài chính mới như chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp,... Thêm vào đó, sự hội nhập quốc tế của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng mở ra rất nhiều cơ hội phát triển cho nhân sự Broker có mong muốn hướng tới thị trường nước ngoài, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa cho các dự án quốc tế tiềm năng.

Tuy nhiên, nguồn cung về nhân lực hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu từ phía thị trường lao động. Dù số lượng sinh viên theo học các ngành như tài chính, ngân hàng và chứng khoán có tăng, song kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm thực chiến của họ vẫn chưa thật sự đồng đều. Vì vậy, Brocker vẫn là ngành nghề triển vọng, có cơ hội phát triển lớn đối với các nhân sự trẻ. Chỉ cần trau dồi đủ kiến thức nền tảng, việc trở thành một chuyên viên tư vấn đầu tư không phải là điều quá xa vời.

 Nếu bạn mong muốn phát triển bản thân trong lĩnh vực này, các công ty chứng khoán hay quỹ đầu tư chính là nơi tìm kiếm cơ hội làm việc lý tưởng. Ngoài ra, các công ty tư vấn tài chính và các sàn giao dịch chứng khoán cũng là những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao cho các vị trí Brocker trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện các giao dịch.

Lộ trình thăng tiến


Như đã phân tích ở trên, nghề Broker có rất nhiều cơ hội thăng tiến hấp dẫn cho những ai đam mê và theo đuổi con đường sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Bạn có thể tham khảo lộ trình phát triển điển hình của một nhân sự Broker dưới đây:

  •  Học viên/Giao dịch viên Chứng khoán: Đây là bước khởi đầu dành cho các bạn sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Ở vị trí này, bạn sẽ hỗ trợ khách hàng giao dịch chứng khoán (hỗ trợ mở tài khoản, thực hiện các lệnh mua và bán theo yêu cầu,...) tìm hiểu nhu cầu và thị trường đầu tư.
  •  Nhân viên tư vấn (Junior Broker): Sau thời gian học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, bạn có thể thăng tiến lên vị trí Nhân viên tư vấn. Vị trí này yêu cầu bạn phải có kiến thức chuyên môn về thị trường, kỹ năng giao tiếp và khả năng tư vấn khách hàng về những danh mục đầu tư hiệu quả.
  •  Chuyên viên tư vấn chứng khoán (Senior Broker): Với kinh nghiệm dày dặn và chuyên môn cao, bạn có thể trở thành chuyên viên tư vấn chứng khoán. Đối với vị trí này, bạn phải có khả năng nhạy bén về phân tích thị trường, từ đó đưa ra phương án đầu tư chính xác và quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng.
  •  Trưởng phòng/Quản lý bộ phận (Manager): Ở cấp độ này, bạn sẽ chịu trách nhiệm quản lý một bộ phận tư vấn hoặc phòng ban liên quan đến hoạt động môi giới chứng khoán. Ngoài kiến thức chuyên môn, đây là vị trí yêu cầu kỹ năng quản lý, lãnh đạo, truyền động lực và khả năng xây dựng chiến lược phát triển cho bộ phận.
  • Giám đốc/Phó giám đốc điều hành (Director): Đây là vị trí cao nhất trong công ty chứng khoán, đòi hỏi bạn phải có tầm nhìn chiến lược, khả năng lãnh đạo xuất sắc và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực tài chính.

>> Xem thêm: Cơ Hội Nào Cho Sinh Viên Tài Chính Tại BIG4 Ở Vị Trí Advisory?

Lộ trình thăng tiến trong nghề Broker không chỉ phụ thuộc vào năng lực và kinh nghiệm mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cơ hội tại công ty, xu hướng thị trường và vận may. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, học hỏi và rèn luyện không ngừng, bạn hoàn toàn có thể đạt được thành công trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. 

Mức thu nhập của một Brocker ngoài lương cứng sẽ bao gồm cả phần trăm hoa hồng được nhận từ các giao dịch. Thông thường, với một Broker mới vào nghề, mức thu nhập có thể giao động trong khoảng 7 - 9 triệu/tháng. Khi làm lâu dài, tích lũy đủ kinh nghiệm, con số 50 hay thậm chí 100 triệu/tháng không phải là con số trong mơ. 

KẾT LUẬN

Broker đang đóng vai trò quan trọng và ngày càng trở nên cần thiết trong thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang mở rộng và hội nhập quốc tế. Với sự phát triển của các sản phẩm tài chính mới cùng sự bùng nổ về số lượng nhà đầu tư cá nhân, nhu cầu nhân sự trên thị trường lao động cho vị trí này cũng ngày một tăng theo.

Tuy nhiên, thách thức hiện tại là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh nghiệm thực tế, yêu cầu một nỗ lực lớn trong đào tạo và phát triển kỹ năng cho các Broker mới. Do đó, trau dồi nền tảng chuyên môn ngay từ khi còn là sinh viên chính là chìa khóa giúp nhân sự trẻ tìm thấy nhiều cơ hội trong một thị trường đang trên đà tăng trưởng này.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp Học viên tại SAPP hiểu được thêm phần nào về những công việc trong lĩnh vực tài chính đầu tư đặc biệt là vị trí Chuyên viên tư vấn đầu tư này. Nếu thấy hữu ích, hãy tương tác với SAPP để chúng mình có thêm động lực đem tới nhiều nội dung bổ ích nhé!

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

  • Hotline: 19002225 (nhánh 2)