Nghề Kiểm Toán

Kiểm toán viên hay tư vấn Thuế, lối đi nào cho bạn?

Nếu đỗ 2 mảng là Tư vấn thuế và Kiểm toán ở các công ty Big4 (Deloitte, PwC, KPMG và EY) thì sự lựa chọn đưa ra nên là mảng nào? Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin và góc nhìn để mọi người có thể chọn được hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất nhé.

1. Kiểm toán viên (Auditor)

1.1. Công việc của Kiểm toán

Kiểm toán là kiểm tra và xác minh tính đúng đắn, trung thực của những báo cáo tài chính gồm những thông tin về tài chính của một tổ chức, từ đó giúp xác định chính xác tình hình tài chính của tổ chức đó. Nói cách khác, kiểm toán là quá trình thu thập và xác thực bằng chứng liên quan đến những thông tin tài chính được kiểm tra (được cung cấp bởi kế toán) nhằm xác định tính trung thực và hợp lý dựa trên những khía cạnh trọng yếu và các chuẩn mực đã được thiết lập.

1.2. Phân loại Kiểm toán

Trong phân loại Kiểm toán, có 3 loại chính là Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ. 

  • Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, giúp tài chính nhà nước minh bạch, hạn chế tham nhũng.
  • Kiểm toán nội bộ đóng vai trò là một bộ phận giám sát độc lập, khách quan các quy trình hoạt động và đưa ra ý kiến đánh giá về môi trường quản trị công ty. Việc giám sát và đánh giá này chính là hỗ trợ cho lãnh đạo đơn vị trong việc xây dựng và duy trì một môi trường quản trị công ty hiệu quả, giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu thông qua tiếp cận một cách có hệ thống và có nguyên tắc để đánh giá và nâng cao hiệu quả của hoạt động quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát cũng như quy trình quản trị.
  • Kiểm toán độc lập được thực hiện bởi các kiểm toán viên tại các công ty bên thứ 3 độc lập chuyên về dịch vụ này. 

1.3. Con đường thăng tiến của Kiểm toán độc lập

Kiểm toán độc lập có con đường thăng tiến khá rõ ràng dựa trên kinh nghiệm tích luỹ qua nhiều năm, trình tự như sau:

  • Trợ Lý Kiểm Toán (Associate/Assistant)
  • Trưởng Nhóm Kiểm Toán (Senior)

  • Chủ Nhiệm Kiểm Toán (Manager)

  • Giám Đốc Kiểm Toán (Director)

  • Chủ Phần Hùn Kiểm Toán (Partner)

Ở các công ty kiểm toán khác nhau, mỗi cấp lại bao gồm nhiều mức khác nhau. Trợ lý kiểm toán có thể chia thành Junior 1, Junior 2, Senior 1, Senior 2, tùy theo kinh nghiệm và năng lực.

1.3. Ưu và nhược điểm

  • Ưu điểm:
    • Trau dồi kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân với các Báo cáo tài chính (Financial Reporting) Nắm bắt được hoạt động của doanh nghiệp, rèn luyện kĩ năng teamwork cũng như kĩ năng làm việc với khách hàng. 
    • Với việc tiếp xúc nhiều với các báo cáo tài chính, nếu sở hữu kiến thức vững chắc có thể chuyển sang ngành khác hoặc làm Kế toán trưởng, Kế toán tổng hợp hay thậm chí là CFO,…  cho nên cơ hội làm việc sau khi nghỉ rất cao (và thường được đánh giá là cao hơn Tư vấn thuế.)
    • Đối với làm việc tại Big4 thì con đường thăng tiến nói trên vẫn là cơ hội dành cho bạn nào muốn gắn bó lâu dài và có năng lực thực thụ.
    • Nhược điểm:
      • Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là lương, thì ở vị trí và kinh nghiệm tương đương nếu so với Tư vấn thuế thì lương của Kiểm toán viên sẽ thấp hơn.
      • Lối sống và thời gian cá nhân sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là busy season – khi đó Kiểm toán viên sẽ rất bận.
      • Có thể sẽ phải di chuyển nhiều nếu khách hàng ở tỉnh.
      • Vì 2 lí do trên (bận và di chuyển) nên sức khoẻ và các mối quan hệ cá nhân cũng sẽ chịu ảnh hưởng xấu nhất định.

    2. Tư vấn thuế (Tax Consultant)

    2.1. Công việc của Tư vấn thuế

    • Nhân viên Tư vấn Thuế sẽ giúp các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế hiện hành, kiểm soát chi phí thuế, lên kế hoạch thuế để phòng ngừa các rủi ro tiềm tàng về thuế, từ đó đảm bảo được mục tiêu tài chính ngắn hạn – dài hạn của doanh nghiệp.
    • Thuế là mảng công việc khá đặc thù vì quy định thuế ở mỗi nước hoàn toàn khác nhau. Dịch vụ thế cũng khá đa dạng, từ đó cung cấp cho Nhân viên tư vấn thuế nhiều kiến thức và kinh nghiệm phong phú:
      • Nhóm dịch vụ tư vấn tuân thủ thuế (Advisory services: Tax Review, Tax Ruling, Transfer Pricing)
      • Nhóm dịch vụ kế toán (Outsourced accounting services)
      • Nhóm dịch vụ tính lương, thuế TNCN (Payroll services)
      • Nhóm dịch vụ làm giấy phép (Licensing services)

      2.2. Con đường thăng tiến của Tư vấn thuế

      Về cơ bản, có thể tóm gọn quá trình thăng tiến của nghề Tư vấn thuế như sau:

      • Trợ lý tư vấn (Assistant)
      • Tư vấn (Consultant)
      • Trưởng nhóm (Senior)
      • Phó phòng (Assistant Manager)
      • Trưởng phòng (Manager)
      • Trưởng phòng cao cấp/Phó Giám đốc (Senior Manager/Associate Director)
      • Phó Giám đốc (Director)
      • Phó Tổng Giám Đốc (Partner)

      Tất nhiên với mỗi công ty hay doanh nghiệp khác nhau thì con đường thăng tiến của bạn cũng khác, và quá trình đó diễn ra nhanh hay chậm cũng phụ thuộc vào năng lực cá nhân, kết quả công việc, thành tích cũng như các tố chất mà bạn thể hiện trong quá trình làm việc.

      2.3. Ưu và nhược điểm

      • Ưu điểm:
        • Công việc chuyên sâu và đặc thù hơn so với kiểm toán.
        • Như đã nói trong phần ưu nhược điểm của Kiểm toán viên, thường thì lương của Tư vấn thuế sẽ cao hơn nếu như vị trí và kinh nghiệm tương đương
        • Thuế sẽ là ngành để gắn bó lâu dài ở một công ty hoặc doanh nghiệp vì kinh nghiệm và trình độ tích luỹ qua các năm tại đó sẽ được trọng dụng nhiều hơn do tính chất công việc.
        • Cuộc sống cá nhân có thể cân bằng tốt do thời gian bận rộn được chia đều hơn so với Kiểm toán viên cũng như không phải đi lại nhiều.
        • Cơ hội xin việc dễ dàng hơn vì doanh nghiệp nào cũng cần đến thuế.
      • Nhược điểm:
        • Việc thuế là ngành để gắn bó lâu dài vừa là ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm nhất định khi những người có kinh nghiệm thường sẽ được giữ lại lâu dài, khiến con đường thăng tiến của các bạn có cơ hội thấp hơn. 
        • Mới đầu làm việc sẽ phải học tập rất nhiều trong thời gian dài mới có thể đủ kiến thức làm việc; lên cao hơn mới có cơ hội hiểu biết hơn về hệ thống doanh nghiệp cũng như làm việc trực tiếp với khách hàng.
        • Phải hiểu rõ các nguyên tắc của quy định hiện hành về thuế và làm việc dựa trên các nguyên tắc đó nên cần tư duy phù hợp để làm thuế.
        • Khó chuyển sang các ngành khác không liên quan đến thuế nên đầu ra được đánh giá hẹp hơn Kiểm toán viên.

      Lời kết

      Tổng kết lại, với việc vào được Big4 thì ai cũng đều có những cơ hội tốt để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm của bản thân; việc chọn giữa 2 mảng trên thì sẽ dựa vào định hướng tương lai, năng lực cá nhân cũng như mong muốn và tính cách của các bạn sẽ phù hợp hơn với mảng nào. Nghề nào cũng có ưu nhược điểm của nó, quan trọng là phải biết tận dụng những điều đó cũng như hiểu rõ bản thân mình.

      Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

      • Hotline: 19002225 (Phân nhánh 2)