Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về giá trị chia sẻ của hai công ty trong Big 4 là Deloitte và PwC, để có thể có được cái nhìn rõ hơn về văn hóa làm việc của hai ông lớn trong ngành kiểm toán.
Mục lục:
I. Tổng quan về nền kinh tế chia sẻ và “giá trị chia sẻ”
II. Giá trị chia sẻ của Deloitte & PwC
1. Lead the way – Trở thành người dẫn đầu (Deloitte)
2. Serve with integrity (Deloitte) vs Act with integrity (PwC) – Phục vụ với sự chính trực
3. Make a difference (PwC) – Tạo nên sự khác biệt
4. Take care of each other (Deloitte) vs Care (PwC) – Luôn quan tâm và chăm sóc đến người khác
5. Foster inclusion (Deloitte) – Thúc đẩy sự hòa đồng và tôn trọng đa văn hóa
6. Collaborate for measurable impact (Deloitte) vs Work together (PwC) – Hợp tác để tạo ra ảnh hưởng
7. Reimagine the possible (PwC) – Đổi mới sáng tạo để bứt phá những giới hạn mới
Lời kết
I. Tổng quan về nền kinh tế chia sẻ và “giá trị chia sẻ”
Trong thời gian gần đây, các khái niệm về “nền kinh tế chia sẻ” hay “mô hình kinh tế chia sẻ” liên tục xuất hiện và được bàn luận một cách sôi nổi. Nền kinh tế chia sẻ cốt lõi là sự kết hợp giữa Social Value (tạm dịch: giá trị xã hội) và Business value (tạm dịch: giá trị doanh nghiệp) để đem lại những “giá trị chia sẻ” - xu thế chiến lược của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Big 4 kiểm toán thế giới đương nhiên cũng gia nhập xu hướng kinh doanh tất yếu này, các doanh nghiệp trong Big 4 đã tạo nên những “giá trị chia sẻ” phù hợp với mục tiêu của riêng mình. Việc hiểu được mục tiêu cũng như những “giá trị chia sẻ” của từng Big sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về văn hóa mỗi công ty cũng như xác định được môi trường thích hợp nhất với mình.
II. Giá trị chia sẻ của Deloitte & PwC
Mở đầu trong series “Giới thiệu về giá trị chia sẻ của Big 4” chính là 2 ông lớn Deloitte và PwC, 2 công ty mà shared value của họ có nhiều điểm tương đồng với nhau.
PwC’s shared values
Mục đích của PwC là tạo dựng niềm tin trong xã hội và giải quyết các vấn đề quan trọng. Trong thế giới ngày một phức tạp, PwC luôn đóng góp sự giúp đỡ trong việc vận hành các hệ thống, thích ứng và phát triển để có thể mang lại lợi ích trong cộng đồng và xã hội.
Deloitte’s shared values
Mục đích và khát vọng trở thành những người lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp của Deloitte được tạo nên từ gốc rễ là những Shared Values – “giá trị chia sẻ”, những giá trị này đã đi xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển và là sự thể hiện cho những điểm đặc biệt trong văn hóa của Deloitte.
1. Lead the way – Trở thành người dẫn đầu (Deloitte)
Deloitte không chỉ hướng đến việc dẫn đầu về chuyên môn, mà còn không ngừng nỗ lực duy trì vị thế cho thế hệ tương lai, tạo cơ hội và dẫn đường đến một thế giới tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn.
Để có thể duy trì vị thế này, Deloitte đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của những người làm việc tại đây, trải dài từ cấp độ Intern (thực tập sinh) cho tới Partner (Chủ phần hùn). Ngoài việc đào tạo face to face (trực tiếp), training on job (đào tạo trong quá trình làm việc thực tế), các nhân viên tại Deloitte còn được cung cấp các công cụ tự học được gọi là E-learning để có thể nâng cao tinh thần tự học và nghiên cứu của nhân viên.
Cùng với đó, Deloitte cũng sẵn sàng tài trợ cho nhân viên của mình học các chứng chỉ quốc tế như ACCA, CPA, ICAEW,… với điều kiện nhân viên từ level Associate 2 (trợ lý kiểm toán 2) trở lên và cam kết gắn bó với công ty ít nhất 2 năm kể từ khi hoàn thành chứng chỉ.
2. Serve with integrity (Deloitte) vs Act with integrity (PwC) – Phục vụ với sự chính trực
Quan điểm về tính chính trực của cả hai công ty đều có điểm chung đó là: “Doing the right thing, especially when no one is watching” (tạm dịch: luôn làm điều đúng đắn kể cả khi không ai giám sát).
Cả hai công ty luôn đề cao việc lên tiếng cho những gì đúng đắn, ngay cả trong những trường hợp đặc biệt khó khăn. Trong công việc với khách hàng, hay trong mối quan hệ làm việc với các thành viên trong nhóm, nhân viên khác trong công ty, mọi người luôn có thể chia sẻ, báo cáo những vấn đề liên quan tới đạo đức với những người có chuyên môn, thẩm quyền như Ethics teams (bộ phận giải quyết các vấn đề đạo đức) hay trực tiếp tới Ethics Partner.
Tính chính trực và hành động có đạo đức, liêm chính là những yếu tố để giành được sự tin tưởng của khách hàng, cơ quan quản lý và công chúng. Giữ vững niềm tin đó được xem là trách nhiệm quan trọng nhất trong toàn bộ Big 4.
3. Make a difference (PwC) – Tạo nên sự khác biệt
Bắt đầu với giá trị về tạo nên sự khác biệt của PwC là luôn đề cao tính “tò mò”. Đó là việc luôn cập nhật những thông tin mới nhất và đặt ra câu hỏi về tương lai của thế giới mà chúng ta đang sống. Điều này được thể hiện thông qua các báo cáo, khảo sát, nghiên cứu của PwC về rất nhiều lĩnh vực kinh tế & xã hội, công nghệ,… Các báo cáo, khảo sát và nghiên cứu này được PwC cập nhật kịp thời với xu hướng của thế giới, đồng thời đem lại nguồn tài liệu tham khảo vô cùng hữu ích cho xã hội.
Cùng với sự tò mò, PwC cũng khuyến khích nhân viên của mình trau dồi kiến thức chuyên môn thông qua việc tiếp cận với các chứng chỉ quốc tế như ACCA, CPA,… với yêu cầu là sự gắn bó với công ty kể từ ngày kí cam kết (2 năm đối với các môn F, 3 năm đối với các môn P của ACCA) và mỗi năm hoàn thành ít nhất 2 môn cho đến khi hoàn thành chứng chỉ.
4. Take care of each other (Deloitte) vs Care (PwC) – Luôn quan tâm và chăm sóc đến người khác
Cốt lõi của văn hóa Deloitte là sự thấu hiểu rằng “tất cả chúng ta luôn sát cánh cùng nhau.” Deloitte thể hiện sự quan tâm, ưu tiên sự tôn trọng, công bằng, phát triển và hạnh phúc không chỉ đối với nhân viên của mình, mà còn với khách hàng và xã hội.
Điều này được thể hiện rất rõ trong các hoạt động cộng đồng và bên trong nội bộ của Deloitte. Những hoạt động để “chăm sóc” cả đời sống vật chất và tinh thần cho nhân viên của mình như: Deloitte Cinema Day, Months of health awareness (tháng nhận thức về sức khỏe), ngày Phụ nữ Việt Nam, Auditor Proud Day, và các hoạt động thể thao, văn nghệ,… Bên cạnh đó, Deloitte cũng thực hiện tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện, hiến máu nhân đạo, quyên góp từ thiện cho đồng bào ở những khu vực khó khăn.
PwC cũng thể hiện sự quan tâm đến nhân viên của mình và xã hội thông qua nhiều hoạt động giúp công ty hiểu rõ hơn về những điều mà nhân viên của họ quan tâm, các hoạt động thể thao (cầu lông, bóng đá,..) giúp nâng cao sức khỏe nhân viên. Đặc biệt, ở Pwc rất quan tâm đến nhân cách riêng của mỗi người, thông qua việc tổ chức nhiều chương trình hướng tới cộng đồng LGBT và có nhiều chính sách phúc lợi ưu ái cho LGBT nhiều hơn luật lao động thông thường.
5. Foster inclusion (Deloitte) – Thúc đẩy sự hòa đồng và tôn trọng đa văn hóa
Một nền văn hóa hòa nhập và đón nhận sự đa dạng dưới mọi hình thức. Deloitte cho rằng điều này thu hút những tài năng hàng đầu, tạo nên sự đổi mới và giúp cung cấp các giải pháp toàn diện cho khách hàng. Tại đây, mọi người đều được trao cơ hội để phát triển, thúc đẩy sự đa dạng trong lãnh đạo và xây dựng sự cân bằng.
Ở văn phòng Deloitte, bạn có thể dễ dàng gặp được những nhân viên/lãnh đạo đến từ nước ngoài như Mỹ, Nhật,… Tại đây, tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe và nhìn nhận, qua những góc nhìn từ những nền văn hóa khác nhau, những vấn đề gặp phải sẽ được xử lý một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, Deloitte cũng đang hướng đến việc nâng cao tỷ lệ phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trong ban quản lý để đạt tỷ lệ cân bằng với nam giới tại đây.
6. Collaborate for measurable impact (Deloitte) vs Work together (PwC) – Hợp tác để tạo ra ảnh hưởng
Công việc tại Deloitte được tiếp cận với tư duy hợp tác, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, khu vực địa lý và kỹ năng để mang lại tác động hữu hình và có thể đo lường được. Deloitte đo lường thành công của mình không chỉ bằng các số liệu, mà còn bằng sức mạnh của các mối quan hệ đã được xây dựng nên.
Đối với PwC, việc hợp tác sẽ giúp mở rộng tầm nhìn, có những ý tưởng mới để giải quyết các vấn đề gặp phải. Đồng thời, sự hợp tác sẽ là một mối quan hệ cho – nhận, giúp bản thân công ty có thể phát triển đi xa hơn.
Cả hai Big nói trên không chỉ hợp tác với các Deloitte hay PwC tại khu vực khác, họ còn hợp tác với các doanh nghiệp phát triển công nghệ để xây dựng cho mình các công cụ kiểm toán, các công cụ học tập để có thể nâng cao hiệu quả công việc, bắt kịp với làn sóng thay đổi mạnh mẽ của thời đại công nghệ.
7. Reimagine the possible (PwC) – Đổi mới sáng tạo để bứt phá những giới hạn mới
Trong một thế giới liên tục biến đổi, PwC luôn khuyến khích nhân viên của mình đương đầu với thách thức và tìm kiếm sự mới mẻ. Điều này được xuất phát từ cảm hứng, thử và học hỏi từ sự thất bại. Trong quá trình đó, mỗi người cần luôn giữ được tâm trí mình cởi mở, để có thể học và tìm được những khả năng mới trong các tình huống gặp phải.
Lời kết
Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có góc nhìn rõ hơn về các giá trị chia sẻ tại 2 "ông lớn" PwC và Delloitte. Hãy theo dõi và ủng hộ những chủ đề tiếp theo của SAPP nhé!
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:
- Fanpage: SAPP - Customer Support
- Gửi phiếu yêu cầu hỗ trợ: tại đây
- Hotline: 19002225 (nhánh 2)
- Email: support@sapp.edu.vn
- Group cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/everydaywithsapp
- Chương trình giới thiệu học viên mới: https://sapp.edu.vn/chuong-trinh-gioi-thieu-hoc-vien-referral-program/