Như đã giới thiệu ở bài viết trước, nền kinh tế chia sẻ là một xu thế chiến lược của nhiều doanh nghiệp hiện nay, nó không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà còn tạo ra giá trị xã hội, đem đến những ảnh hưởng tích cực hơn trong sự phát triển chung của toàn nhân loại.
Qua phần một, chúng ta đã có một cái nhìn cơ bản về những giá trị chia sẻ và văn hóa của Deloitte và PwC. Bài viết này là phần cuối trong serie “Giới thiệu về giá trị chia sẻ của Big 4”, qua đây, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về giá trị và văn hóa của 2 công ty còn lại là EY và KPMG.
Mục đích của EY là “Building a better world - Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Thông qua việc cung cấp những cái nhìn sâu sắc và dịch vụ chất lượng cao, EY đã xây dựng lòng tin và sự tự tin trên thị trường vốn và các nền kinh tế trên thế giới.
Phương châm hoạt động của KPMG là “Cutting through complexity - Đơn giản hóa mọi sự phức tạp”. Yếu tố cốt lõi trong văn hóa đa dạng của KPMG là tập hợp các giá trị tốt nhất trong mỗi con người. KPMG hoạt động trong điều kiện đòi hỏi sự khắt khe, với yêu cầu giám sát chặt chẽ, và quá trình tiến triển liên tục của pháp luật, quy định và nhu cầu thị trường.
Để có thể đạt được những mục đích và thực hiện phương châm hoạt động của mình, cả 2 ông lớn này đã đưa ra những “giá trị” dưới đây:
1. Energy, enthusiasm and the courage to lead (EY) - Lãnh đạo bằng cách nêu gương (KMPG)
EY hướng đến việc trang bị cho nhân viên của mình một tinh thần làm việc tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và sự can đảm để dẫn đầu. Điều này thể hiện ở việc tổ chức các trương trình đào tạo về kỹ năng, kiến thức kiểm toán thông qua đào tạo face to face (trực tiếp), training on job (đào tạo trong quá trình làm việc thực tế), EY còn tổ chức một buổi kick-off (bắt đầu) vào cuối tháng 12 để giúp nhân viên và các thực tập sinh mới vào làm có được tinh thần và sự chuẩn bị kỹ càng nhất trước khi bắt đầu mùa bận.
Cùng với năng lượng và sự nhiệt huyết, EY còn khuyến khích nhân viên của mình nâng tầm và phát triển bản thân khi có cơ hội được thử sức với những công việc và vai trò cao hơn cấp bậc hiện tại của mình. Có thể thấy rất rõ điều này ở trong việc những trợ lý kiểm toán level 2 (staff 2) đã được giao cho công việc như một trưởng nhóm kiểm toán và phụ trách báo cáo, cùng với đó, các Senior (Trưởng nhóm kiểm toán) và Manager (Trưởng phòng kiểm toán) sẽ được giao phụ trách thêm các mảng khác ngoài công việc như chuẩn bị các hoạt động ngoại khóa, tham gia vào các technique team về các mảng chuyên môn chuyên biệt (thường được gọi là các “Champion” của mảng đó) để có thể hướng dẫn và hỗ trợ các nhóm khác và đồng nghiệp khác khi cần thiết.
Đối với KPMG, tinh thần làm việc được thể hiện qua triết lý mỗi người đều là một “tấm gương”. Tại tất cả cấp bậc, mọi hành động và cách ứng xử của mỗi người cần phải được thể hiện như cách mà mình mong đợi ở người khác, cả trong nội bộ lẫn với khách hàng.
2. Demonstrate integrity, respect and teaming (EY) - Hành động liêm trực, tôn trọng từng cá nhân, làm việc trên tinh thần đồng đội (KPMG)
Tính chính trực và hành động có đạo đức, liêm chính là yếu tố quan trọng nhất và được đòi hỏi không chỉ ở trong Big Four nói riêng mà trong ngành kiểm toán nói chung. Tất cả các Big đều yêu cầu làm việc với tính chính trực ở một mức độ cao nhất để có thể xứng đáng với vị trí đứng đầu ngành, mọi hành động vi phạm đạo đức đều sẽ được giải quyết xác đáng, kể cả đối với những việc nhỏ nhất.
Tôn trọng là một trong những tiêu chí để có thể mọi người cùng làm việc với nhau. Tất cả mọi ý kiến của nhân viên từ thực tập sinh (Intern) cho tới Partner (Phó tổng Giám đốc) và khách hàng đều cần được mọi người tôn trọng. Sự tôn trọng không chỉ được thể hiện thông qua tiếp nhận ý kiến, mà nó còn thể hiện qua việc tôn trọng cá tính, sở thích và phong cách sống của mỗi người, miễn là nó không tạo ra ảnh hưởng xấu đến những người khác.
Với khối lượng công việc đồ sộ tại các Big, làm việc trên tinh thần đồng đội là điều vô cùng cần thiết để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Teamwork sẽ phát huy những điểm tốt nhất trong mỗi con người và tạo ra mối quan hệ chặt chẽ và hiệu quả trong công việc. Do mỗi người đều có một thế mạnh riêng nên khi gặp khó khăn, bạn có thể trao đổi với mọi người để có thể biết được hướng làm đúng, tuy nhiên khi hỏi bạn cần tìm người phù hợp nhất để hỏi (ví dụ như đối với các bạn thực tập sinh, nên hỏi các trợ lý kiểm toán trước khi hỏi trưởng nhóm, vì những công việc được giao của level thực tập thì các trợ lý kiểm toán đều đã làm rồi).
3. Build relationship based on doing the right thing (EY) - Cởi mở và thành thật trong giao tiếp (KPMG)
Cả 2 doanh nghiệp thường xuyên chia sẻ thông tin, hiểu biết và tư vấn trên cơ sở xây dựng và kiểm soát các tình huống khó khăn. Các buổi hội thảo chia sẻ kiến thức trong các lĩnh vực thuế, kế toán, kiểm toán, tài chính,… được tổ chức thường xuyên không chỉ cho những khách hàng sử dụng dịch vụ của mình, mà còn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) để hỗ trợ cho những doanh nghiệp này bắt kịp với những thay đổi lớn của thế giới.
Thông qua hoạt động này, EY và KPMG không chỉ củng cố được mối quan hệ vững chắc với các khách hàng hiện tại, mà còn xây dựng thêm các mối quan hệ với những khách hàng tiềm năng trong tương lai.
4. Tìm hiểu sự thật và thấu hiểu bản chất (KPMG)
Đây là một trong những giá trị thể hiện sự tận tình của KPMG. Tại đây, mọi vấn đề cần được tìm hiểu kĩ càng và hiểu kỹ bản chất. Để có thể làm được điều này, KPMG khuyến khích nhân viên của mình luôn trau dồi kiến thức, không ngừng tìm tòi học hỏi và đặt ra những giả định, đưa ra những phương án giải quyết và đánh giá kết quả để tìm ra phương án tốt nhất, qua đó nâng cao uy tín với tư cách nhà tư vấn đáng tin cậy cho khách hàng.
5. Cam kết với cộng đồng (KPMG)
KPMG thể hiện cam kết với cộng đồng bằng các hành động với tư cách những doanh nhân có trách nhiệm bằng việc nâng cao các kỹ năng, củng cố kinh nghiệm, và quan điểm thông qua công việc trong cộng đồng và bảo vệ môi trường. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua hoạt các hoạt động hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, kêu gọi hỗ trợ đồng bào miền Trung trong đợt lũ (năm 2020).
Bên cạnh những giá trị được nêu trong bài viết này, mặc dù không được ghi trên core value của mình nhưng EY vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và các hoạt động cho nhân viên như:
- Hiến máu nhân đạo
- Tổ chức giải chạy để quyên góp, ủng hộ các bệnh nhân bị bệnh tim
- Tổ chức các hoạt động tình nguyện
- Các hoạt động thể dục thể thao
- Du lịch/ đi chơi kết thúc mùa bận (End of busy season)
Lời kết
Qua 2 bài viết về các giá trị chia sẻ của các doanh nghiệp Big Four là Deloitte, PwC, EY và KPMG, SAPP Academy mong rằng đã đưa ra được một bức tranh tổng quan về những giá trị và văn hóa cơ bản nhất mà các doanh nghiệp này hướng tới, qua đó giúp bạn một phần trong việc đưa ra quyết định làm việc tại doanh nghiệp nào trong tương lai.