Tổng quan các nghề nghiệp phổ biến

So Sánh Kế Toán Tài Chính Và Kế Toán Quản Trị (P2: Những Điểm Khác Biệt)

Trong bài viết trước, SAPP đã cùng bạn khám phá những điểm giao thoa giữa Kế toán Tài chính và Kế toán Quản trị. Liệu có sự khác biệt gì về nhiệm vụ, mục đích và các kỹ năng cần đạt giữa 2 vị trí này hay không? Cùng SAPP khám phá nhé!

khác biệt giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị-1

>> Xem thêm: So Sánh Kế Toán Tài Chính Và Kế Toán Quản Trị (P1: Những Điểm Tương Đồng)

1. Khác biệt về mục đích, đối tượng sử dụng và kỳ báo cáo

khác biệt giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị-2

1.1 Về mục đích

  • Kế toán tài chính tập trung đến cung cấp thông tin để thực hiện việc lập các báo cáo tài chính nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về tình hình tài chính của doanh nghiệp đối với các bên liên quan như: cổ đông, ngân hàng và cơ quan quản lý. 
  • Trong khi đó, kế toán quản trị hướng đến cung cấp thông tin cho những nhà quản lý để hỗ trợ quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

1.2 Về đối tượng sử dụng

  • Kế toán Tài chính cung cấp thông tin cho nội bộ doanh nghiệp và các đối tác liên quan bên ngoài như ban các cổ đông, cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng, nhà đầu tư, khách hàng, ngân hàng, cơ quan thuế và quản lý tài chính,....  
  • Các thành viên nội bộ của doanh nghiệp như Ban giám đốc, chủ sở hữu và những nhà quản lý sẽ là nhóm đối tượng chính sử dụng kết quả, báo cáo của chuyên viên Kế toán quản trị.

1.3 Về kỳ báo cáo

  • Kế toán tài chính thường chỉ lập báo cáo tài chính vào cuối mỗi kỳ kế toán, có thể là hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm, tuân thủ theo chu kỳ quy định. 
  • Về bản chất, báo cáo của Kế toán quản trị tập trung vào việc cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh của công ty. Vì vậy, báo cáo của Kế toán quản trị thường được cập nhật và trình bày khi có nhu cầu từ các bên liên quan và không bị ràng buộc bởi một lịch trình cố định.

2. Khác biệt về đặc điểm, phạm vi và nguyên tắc cung cấp thông tin

khác biệt giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị-3

2.1 Về đặc điểm của thông tin

  • Thông tin từ Kế toán tài chính thường mang tính lịch sử và được ghi chép trong các báo cáo tài chính theo khoảng thời gian xác định. Tuy nhiên, không được phép đưa ra dự báo cụ thể về tương lai trong các báo cáo từ kế toán tài chính.
  • Thông tin Kế toán quản trị thường được tổng hợp và phân tích từ nhiều góc độ khác nhau, đặt nặng vào việc phản ánh xu hướng biến động và có tính dự báo. 

2.2 Về phạm vi cung cấp thông tin

  • Với Kế toán tài chính, thông tin được cung cấp ở quy mô toàn doanh nghiệp. Thông tin này thường được tổng hợp từ các bộ phận và hoạt động của doanh nghiệp để tạo ra các báo cáo tài chính phản ánh tình hình tài chính tổng quan và hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp.
  • Trong khi đó, thông tin của Kế toán Quản trị tập trung vào việc quản lý trên từng bộ phận, phòng ban của doanh nghiệp, và có thể liên quan đến từng cá nhân có trách nhiệm và quan hệ với các hoạt động kinh doanh cụ thể.

2.3 Về nguyên tắc cung cấp thông tin

Quá trình cung cấp thông tin của Kế toán tài chính cần tôn trọng các nguyên tắc kế toán được thừa nhận và được sử dụng phổ biến. Đảm bảo tính thống nhất thông tin theo các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán nhất định về thông tin kế toán. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện cần tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là các yêu cầu quản lý tài chính và các yêu cầu của xã hội về việc công bố các số liệu có tính bắt buộc. 

Ngược lại, kế toán quản trị không có yêu cầu bắt buộc về nguyên tắc cung cấp thông tin. Tuy nhiên, mỗi công ty có quyền tự do thiết lập hệ thống và các quy định riêng về báo cáo quản lý, phụ thuộc vào nhu cầu và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

Lời kết

Xét trên nhiều phương diện, tuy có những điểm tương đồng nhưng Kế toán Tài chính và Kế toán Quản trị cũng có những điểm khác biệt cơ bản. Hy vọng bài viết đã đem lại những hiểu biết cho bạn về sự khác nhau của từng vị trí. Đón đọc những số tiếp theo để tìm hiểu kỹ hơn về hai ngành nghề này cùng SAPP nhé! 

>> Xem thêm:

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

  • Hotline: 19002225 (Phân nhánh 2)