Trong bài viết, SAPP Academy sẽ giới thiệu tới các bạn cách phân chia phòng ban thuế tại các công ty kiểm toán cũng như công việc của tư vấn viên tại các phòng ban này.
Mục lục:
1. Phòng thuế thu nhập doanh nghiệp (Corporate tax / Business tax department)
2. Phòng thuế thu nhập cá nhân (Personal income tax department)
3. Phòng thuế quốc tế (International tax department)
3.1. Dịch vụ thương mại và hải quan (Trade and Customs Services)
3.2. Dịch vụ chuyển giá toàn cầu (Transfer Pricing Services)
3.3. Dịch vụ tư vấn Thuế quốc tế (International Tax Advisory Services)
Lời kết
Lĩnh vực tư vấn thuế tại Big4 cũng như Non-big dường như ít được quan tâm hơn so với lĩnh vực kiểm toán. Số lượng ứng viên cho mỗi đợt tuyển dụng thực tập sinh và nhân viên hàng năm trung bình chưa bằng một nửa số ứng viên bên kiểm toán. Tuy nhiên nghề thuế này, dù nhỏ mà có võ, không phải tư vấn thuế viên nào cũng làm công việc giống nhau.
Trước hết, tương ứng với các sắc thuế chúng ta đã biết đến trong Luật Thuế Việt Nam, phòng ban thuế tại các công ty cũng sẽ được phân chia tương ứng với các sắc thuế chính như vậy. Sẽ có sự khác biệt trong cách phân chia tại các công ty tùy theo tập khách hàng, tuy nhiên các bộ phận chính sẽ như sau:
1. Phòng thuế thu nhập doanh nghiệp (Corporate tax / Business tax department)
Bộ phận Thuế Doanh nghiệp tư vấn cho các tổ chức về luật thuế trong nước và quốc tế có ảnh hưởng đến các giao dịch nội địa, các giao dịch xuyên biên giới cùng các vấn đề pháp lý khác như: quy định về đầu tư nước ngoài, các quy định riêng cho từng ngành, các vấn đề thuế trong nước gồm ưu đãi thuế, khấu trừ thuế và quản lý thuế doanh nghiệp. Với phương pháp tiếp cận tập trung vào từng ngành, các nhóm tư vấn thuế có thể hỗ trợ khách hàng trong rất nhiều vấn đề về hoạch định thuế cũng như tuân thủ chính sách thuế.
Có thể nói làm việc tại bộ phận này, tư vấn viên mới vào nghề phải “căng não” nhất, nhưng đồng thời có thể học hỏi được nhiều nhất vì thường xuyên được cập nhật kiến thức về nhiều sắc thuế cũng như kiến thức về nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau. Tư vấn viên, thực tập sinh cũng thường xuyên đi công tác, làm việc tại công ty khách hàng để kiểm tra chứng từ với những thủ tục tương tự như kiểm toán. Để làm việc tại bộ phận này, các bạn thực tập sinh, nhân viên cần có khả năng giao tiếp tốt, tính cẩn thận và khả năng chịu áp lực công việc cao.
2. Phòng thuế thu nhập cá nhân (Personal income tax department)
Các cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp ngày nay phải đóng thuế và các khoản bảo hiểm xã hội không chỉ nhiều hơn mà còn phức tạp hơn. Mức độ gia tăng này sẽ còn tiếp tục, và theo đó, họ có nhu cầu thuê cho mình những chuyên gia tư vấn thuế riêng để đảm bảo sự ổn định tài chính. Nhiều doanh nghiệp FDI cũng có nhu cầu thuê dịch vụ tư vấn thuế để làm quyết toán thuế cho nhân viên là người nước ngoài.
Bộ phận thuế thu nhập cá nhân (PIT) có thể nằm trong phòng ban Business tax, hoặc đứng độc lập, điển hình như tại KPMG phòng ban này có tên là Global Mobility Services (GMS). Nếu được tuyển vào phòng ban này, bạn sẽ được làm việc về thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế xã hội và thất nghiệp, hỗ trợ khách hàng về nhập cư và biên chế. Trong quá trình từ tư vấn trước thuế, kê khai và đối chiếu hoàn thuế thu nhập, cho đến quy trình gửi công văn tới cơ quan thuế, tư vấn viên sẽ tích lũy được không chỉ kiến thức mà còn cả các kỹ năng mềm thiết yếu mà bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có. Tư vấn viên bộ phận PIT cũng cần sự tỉ mỉ, chăm chỉ không kém bộ phận thuế doanh nghiệp.
3. Phòng thuế quốc tế (International tax department)
Phòng ban này cung cấp các dịch vụ thuế quốc tế, bao gồm dịch vụ thương mại và hải quan, dịch vụ chuyển giá toàn cầu, dịch vụ tư vấn thuế quốc tế. Nhu cầu tư vấn thuế quốc tế ngày càng gia tăng, đây cũng là lĩnh vực đang được đầu tư phát triển tại các công ty Big4 và nhận nhiều sự quan tâm của người trong nghề.
3.1. Dịch vụ thương mại và hải quan (Trade and Customs Services)
Doanh nghiệp đa quốc gia phải đối mặt với một loạt các thách thức liên quan đến hải quan của nước sở tại đối với các hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia. Quy định về hải quan có thể gây trở ngại trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chuyên gia tư vấn thuế tại phòng thuế quốc tế hiểu rõ các quy tắc và tư vấn hỗ trợ giúp doanh nghiệp quản lý tốt, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, giảm thiểu chi phí quản lý, tiết kiệm năng suất và cải thiện lợi nhuận.
Khi khung pháp lý về hải quan của Việt Nam phát triển, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải phối hợp chiến lược về hải quan song hành với mục tiêu kinh doanh tổng thể của họ. Một kế hoạch chủ động và hiệu quả sẽ đem tới cơ hội về lập kế hoạch và quản lý rủi ro, nhưng vẫn đảm bảo sự tuân thủ.
3.2. Dịch vụ chuyển giá toàn cầu (Transfer Pricing Services)
Chuyển giá, đúng hơn theo từ chuyên ngành là giá giao dịch liên kết, rất quan trọng – rất cần thiết về tính rõ ràng, đầy đủ và minh bạch. Kiến thức về giá giao dịch liên kết chỉ có một phần nhỏ trong môn F5 ACCA - Performance Management và F6 ACCA – Taxation. Nhưng cũng đừng quá lo lắng vì khi mới đi làm, thực tập sinh sẽ được training on job một cách rất hiệu quả và sẽ sớm hỗ trợ được công việc cho nhóm.
Cùng với việc các công ty đa quốc gia tìm cách cạnh tranh hiệu quả trong thị trường toàn cầu, các giao dịch xuyên quốc gia giữa các công ty liên kết ngày càng gia tăng về cả số lượng và độ phức tạp. Phòng dịch vụ chuyển giá toàn cầu sẽ hỗ trợ doanh nghiệp lập hồ sơ thuế, bảo vệ hồ sơ trước thanh tra thuế, giải quyết tranh chấp và bất đồng nếu có.
Do mùa bận của bộ phận hải quan có thể khác với mùa bận của bộ phận chuyển giá, tư vấn viên của hai bộ phận này sẽ hỗ trợ lẫn nhau để đạt hiệu quả công việc cao nhất, từ đó cũng tích lũy thêm kiến thức thuế tổng hợp cho bản thân.
3.3. Dịch vụ tư vấn Thuế quốc tế (International Tax Advisory Services)
Chi phí thuế doanh nghiệp quốc tế phải chi trả có thể trở nên rất cao và đặt gánh nặng lên lợi nhuận và vốn của doanh nghiệp. Tư vấn, lập kế hoạch thuế hiệu quả và phù hợp có thể giúp các tổ chức đa quốc gia thích nghi với mọi loại môi trường đang hoạt động, phản ứng nhanh với các thay đổi, giảm thiểu rủi ro và có được lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, phòng thuế của một số công ty còn cung cấp dịch vụ kế toán (Outsourced accounting services), hay dịch vụ tính lương (Payroll services), cung cấp dịch vụ thâm nhập thị trường, tư vấn thuế sáp nhập, mua bán doanh nghiệp, v.v.
Lời kết
Tổng kết lại, SAPP Academy hiểu rằng, các bạn sinh viên mới ra trường, các anh chị đã đi làm trong lĩnh vực khác có quan tâm đến nghề tư vấn thuế, khi ứng tuyển vào vị trí tư vấn thuế tại một công ty kiểm toán sẽ có những hoang mang không biết mình phải làm những công việc gì. SAPP hy vọng bài viết này mang đến cho các bạn cái nhìn tổng quan về cách phân chia các phòng ban thuế và công việc chính tại đó. Nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn, đánh giá, sẽ sắp xếp nhân sự phù hợp vào các phòng ban, tuy nhiên họ cũng sẽ lắng nghe nguyện vọng từ bạn. Vì vậy đừng ngần ngại hỏi nhà tuyển dụng về việc mình sẽ được sắp xếp vào phòng ban nào, làm công việc gì, đồng thời nếu bạn đã có sự lựa chọn về lĩnh vực tư vấn mình muốn trải nghiệm, hãy trao đổi với nhà tuyển dụng.
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:
- Fanpage: SAPP - Customer Support
- Gửi phiếu yêu cầu hỗ trợ: tại đây
- Hotline: 19002225 (nhánh 2)
- Email: support@sapp.edu.vn
- Group cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/everydaywithsapp
- Chương trình giới thiệu học viên mới: https://sapp.edu.vn/chuong-trinh-gioi-thieu-hoc-vien-referral-program/