Trong phần 1, SAPP đã liệt kê thông tin về doanh nghiệp mà ứng viên cần tìm hiểu trước khi tham gia vòng phỏng vấn. Cùng khám phá cách tìm kiếm key member và vị trí ứng tuyển một cách chi tiết hơn trong phạm vi bài viết ngày hôm nay nhé!
Mục lục:
1. Hiểu biết về key member
1.1. Key member trong doanh nghiệp là ai? Tại sao nên tìm hiểu thông tin của key member?
1.2 Nên tìm hiểu những thông tin gì của key member?
2. Tìm hiểu về vị trí ứng tuyển
2.1 Tìm hiểu về bản mô tả công việc (Job Description)
2.2 Tìm hiểu về cơ cấu bộ phận mà mình đang ứng tuyển
2.3 Tìm hiểu về vai trò của vị trí/phòng ban mà bạn đang ứng tuyển
2.4 Cơ hội thăng tiến trong tổ chức
Lời kết
1. Hiểu biết về key member
1.1. Key member trong doanh nghiệp là ai? Tại sao nên tìm hiểu thông tin của key member?
Key member là khái niệm chỉ những thành viên chủ chốt và giữ vai trò lãnh đạo trong tổ chức, nhóm hoặc một dự án nào đó. Họ sở hữu kiến thức, kinh nghiệm và nhiều kĩ năng quan trọng nhằm đảm bảo quá trình vận hành được diễn ra một cách thuận lợi.
Tại sao nên tìm hiểu thông tin của key member trước phỏng vấn?
- Giúp bạn hiểu rõ về văn hóa tổ chức:
Key member thường là những người có tầm ảnh hưởng trong doanh nghiệp. Qua quá trình tìm hiểu về họ, bạn có thể phần nào nắm được giá trị, mục tiêu và tầm nhìn của tổ chức. Điều này giúp bạn giao tiếp một cách hiệu quả và có sự thể hiện phù hợp trong phỏng vấn.
- Đánh giá phù hợp với vị trí:
Tìm hiểu về key members giúp bạn hiểu rõ hơn về những kỹ năng, kiến thức và tính cách mà tổ chức coi trọng. Điều này giúp bạn định hướng bản thân sao cho phù hợp với yêu cầu và kỳ vọng của vị trí ứng tuyển.
- Thể hiện sự quan tâm tới doanh nghiệp và sự chuẩn bị cho quá trình ứng tuyển:
Việc tìm hiểu về key members chứng tỏ bạn đã dành thời gian tìm hiểu về tổ chức và vị trí. Điều này thể hiện sự quan tâm và nghiêm túc của bạn đối với việc ứng tuyển.
Key member thường là Board of Director (Ban giám đốc) của doanh nghiệp. Ứng viên có thể tìm kiếm các thông tin này qua nhiều hình thức:
- Website của công ty: Trang web của doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin về ban lãnh đạo, quản lý cấp cao và những người có chức vụ quan trọng. Bạn có thể tìm hiểu các thông tin này tại phần "Đội ngũ lãnh đạo" trên trang web để biết thêm thông tin về các key members.
Điển hình như ứng viên có thể nhìn thấy thông tin key member tại website KPMG Việt Nam tại phần “Đội ngũ Lãnh đạo”.
- Bên cạnh tìm hiểu thông qua website truyền thống, tra cứu qua LinkedIn cũng là một hình thức được nhiều ứng viên lựa chọn. Khi tra cứu theo cú pháp: “Tên công ty + director/manager” và chọn trường “People”, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy trưởng bộ phận/key member của công ty đó.
1.2 Nên tìm hiểu những thông tin gì của key member?
Có thể thấy rằng, việc tìm hiểu về key member của doanh nghiệp trước khi tham gia phỏng vấn là điều thiết yếu. Vậy, cần quan tâm đến những yếu tố nào khi tìm hiểu về họ?
- Nền tảng học vấn;
- Các kinh nghiệm làm việc trước đây;
- Thành tựu và tầm ảnh hưởng.
Những yếu tố này sẽ góp phần giúp ứng viên đánh giá cơ bản về khả năng và phong cách lãnh đạo của key member. Họ là những người tạo nên ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp và đội nhóm. Do đó, xác định sự phù hợp giữa bản thân và triết lý lãnh đạo của cấp quản lý là yếu tố mà ứng viên cần xét đến trong giai đoạn này.
2. Tìm hiểu về vị trí ứng tuyển
Việc tìm hiểu kỹ về vị trí ứng tuyển là bước quan trọng giúp bạn thấu hiểu rõ hơn về các yêu cầu, trách nhiệm, cơ hội và sự phù hợp với công việc.
2.1 Tìm hiểu về bản mô tả công việc (Job Description)
Bản mô tả công việc (Job Description) là tài liệu cơ bản chứa các thông tin quan trọng về phạm vi công việc và các yêu cầu về kiến thức - kỹ năng - thái độ. Trong đó:
- Phạm vi công việc (Scope of work): Tìm hiểu nhiệm vụ mà bạn sẽ thực hiện nếu trúng tuyển là bước quan trọng. Điều này giúp ứng viên xác định mức độ phù hợp giữa khả năng của bản thân và các nhiệm vụ. Ngoài ra, việc tìm hiểu này còn giúp bạn xây dựng câu trả lời thể hiện sự kết nối giữa kinh nghiệm trong quá khứ và nhiệm vụ trong vị trí mới một cách mạch lạc và logic.
- Kỹ năng cần thiết (Skills must have): Hãy dành thời gian để xem lại những yêu cầu được liệt kê trong mô tả công việc và đối chiếu với những kỹ năng mình đang có. Hiểu và nắm được yêu cầu này sẽ hỗ trợ cho quá trình trả lời các câu hỏi liên quan đến khả năng thực hiện công việc. Điều này giúp bạn có thể tự tin hơn trong quá trình phỏng vấn và thể hiện sự phù hợp của mình với vị trí.
Ví dụ: Nhờ quá trình phân tích Job Description của vị trí Thực tập sinh kiểm toán tại EY Việt Nam, học viên A phát hiện ra nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu khả năng làm việc nhóm. Từ đó, bạn đã có thể chuẩn bị câu trả lời cho phần này theo mô hình STAR.
2.2 Tìm hiểu về cơ cấu bộ phận mà mình đang ứng tuyển
Hiểu rõ cơ cấu phòng ban trong doanh nghiệp giúp ứng viên hiểu rõ hơn về vị trí cũng như tổ chức và trả lời được các câu hỏi như:
- Ai sẽ là quản lý trực tiếp của mình?
- Bộ phận mình đang ứng tuyển hiện tại gồm bao nhiêu người?
- Mình có phải quản lý nhân sự cấp dưới nào không?
- Mình sẽ giao tiếp và làm việc với những ai/bộ phận nào?
Cơ cấu phòng ban thường sẽ không được đăng tải công khai trên website của công ty. Tuy nhiên, bạn có thể tìm hiểu thông tin này qua bộ phận nhân sự (những người đã và đang làm việc với bạn trong suốt quá trình ứng tuyển).
2.3 Tìm hiểu về vai trò của vị trí/phòng ban mà bạn đang ứng tuyển
Tìm hiểu về vai trò của vị trí và phòng ban bạn đang ứng tuyển là yêu cầu cần thiết. Nếu vị trí và phòng ban là mắt xích quan trọng trong hoạt động kinh doanh, ứng viên sẽ có thể yên tâm về cơ hội được học hỏi, phát triển tố chất và năng lực trong quá trình làm việc.
Việc tìm hiểu về vai trò của vị trí ứng tuyển và phòng ban có thể được thực hiện thông qua nhiều cách thức khác nhau. Bạn có thể lựa chọn tìm hiểu kết hợp qua các nguồn thông tin như: nhân viên/cựu nhân viên hoặc hỏi trực tiếp bộ phận nhân sự.
2.4 Tìm hiểu về cơ hội thăng tiến trong tổ chức
Cơ hội thăng tiến cũng là một yếu tố cần được xét đến khi tìm hiểu về doanh nghiệp trước phỏng vấn. Quá trình này sẽ mang lại một số ý nghĩa như sau:
- Giúp ứng viên sẽ có thể nắm được một cách tổng quan vị trí cần trải qua để đạt được mục tiêu sự nghiệp dài hạn;
- Là cơ hội giúp bạn xác định liệu vị trí ứng tuyển có phù hợp với mục tiêu sự nghiệp của bạn hay không. Ứng viên bất kì cấp độ nào cũng cần đánh giá về cơ hội và khả năng tiến xa hơn trong ngành.
- Hiểu rõ lộ trình sự nghiệp giúp ứng viên xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân và chuyên môn sao cho phù hợp. Từ đó, bạn có thể lập các mục tiêu ngắn - dài hạn và từng bước đạt được chúng một cách dễ dàng;
Như đã đề cập ở phần 1, mỗi doanh nghiệp sẽ có business model (mô hình kinh doanh) và cơ cấu tổ chức khác nhau. Điều này kéo theo sự điều chỉnh trong cơ hội thăng tiến, cụ thể là:
- Nếu doanh nghiệp tập trung phát triển sâu về chiều ngang (Horizontal Growth), bạn sẽ có cơ hội chuyển đổi sang các vị trí quản lý, phụ trách dự án mới hoặc chuyển đổi giữa các bộ phận khác nhau. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là sự cạnh tranh nhiều hơn giữa nhân sự trong cùng một bộ phận hoặc lĩnh vực. Trở thành “expert” là xu hướng phát triển chung của nhân sự trong loại hình này. Ngoài ra, nếu thật sự muốn thăng tiến, bạn cần đảm bảo về kiến thức, kỹ năng và hiệu suất công việc để trở nên nổi bật.
- Ngược lại, với phát triển theo chiều dọc (Vertical Growth), ứng viên sẽ có nhiều cơ hội tiến lên các vị trí quản lý cấp cao (quản lý phòng ban, giám đốc…). Thế nhưng, để thăng tiến lên các vị trí này thường sẽ cần sự đầu tư nhất định về công sức, thời gian tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết.
Cũng như các thông tin khác, bạn có thể tìm hiểu cơ hội phát triển sự nghiệp qua quá trình phân tích dữ liệu thu thập được từ website, linkedIn… hoặc trao đổi với bộ phận nhân sự.
Lời kết
Hy vọng chùm bài viết này đã cung cấp cho bạn các thông tin cần tìm hiểu về thông tin doanh nghiệp trước khi tham gia phỏng vấn. Đừng quên theo dõi những chủ đề liên quan đến kinh nghiệm thi tuyển tiếp theo tại SAPP nhé!
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:
- Fanpage: SAPP - Customer Support
- Gửi phiếu yêu cầu hỗ trợ: tại đây
- Hotline: 19002225 (nhánh 2)
- Email: support@sapp.edu.vn
- Group cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/everydaywithsapp
- Chương trình giới thiệu học viên mới: https://sapp.edu.vn/chuong-trinh-gioi-thieu-hoc-vien-referral-program/
- Chương trình Tái đăng ký khóa học: https://sapp.edu.vn/chuong-trinh-tai-dang-ky-khoa-hoc/