Ở phần trước, SAPP Academy đã cùng bạn tìm hiểu vòng tuyển dụng của 5 trong số Top 10 công ty Kiểm toán tiêu biểu. Trong bài viết này, chúng mình sẽ đi sâu hơn vào các công ty Dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn Thuế còn lại nhé!
Mục lục
1. Kỳ tuyển dụng của Công ty TNHH Kiểm toán BDO Việt Nam2. Kỳ tuyển dụng của Công ty TNHH Mazars Việt Nam
3. Kỳ tuyển dụng của Công ty TNHH Crowe Việt Nam
4. Kỳ tuyển dụng của Công ty TNHH Kiểm toán VACO
5. Kỳ tuyển dụng của Công ty cổ phần I-GLOCAL
Theo dõi bài viết "Tổng Quan và Chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển các công ty Non-Big mà sinh viên Kế - Kiểm - Tài chính không thể bỏ qua (Phần 2)" tại đây
1. Kỳ tuyển dụng của Công ty TNHH Kiểm toán BDO Việt Nam
Thí sinh khi ứng tuyển vào đơn vị này phải trải qua lần lượt 3 vòng: Hồ sơ - Kiểm tra năng lực - Phỏng vấn.
1.1. Vòng Hồ sơ (CV):
Ứng viên sẽ phải hoàn thành hồ sơ trực tiếp qua liên kết được đính kèm tại cổng website https://bdovietnam.vn. Một số yêu cầu khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào công ty TNHH Kiểm toán BDO Việt Nam bao gồm:
- Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính, kinh tế hoặc tương đương;
- Ưu tiên đã có kinh nghiệm thực tập, làm việc tại các công ty kiểm toán, có các chứng chỉ chuyên ngành (CPA, ACCA...)
- Có khả năng làm việc dưới áp lực cao;
- Kỹ năng giao tiếp và truyền đạt tốt, có khả năng tạo dựng và duy trì mối quan hệ khách hàng.
- Sử dụng thành thạo Tiếng Anh; Microsoft Office, đặc biệt là Excel.
1.2. Vòng Kiểm tra năng lực:
Bố cục của bài Kiểm tra năng lực sẽ theo thứ tự:
- Phần 1: Viết luận (Writing);
- Phần 2: 20 câu đánh giá năng lực tư duy (IQ);
- Phần 3: Đánh giá kiến thức chuyên ngành.
Số lượng câu hỏi chuyên sâu về Kế toán trong phần Kiến thức chuyên ngành chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu nội dung đánh giá thiên về kiến thức Kiểm toán. Để chuẩn bị cho vòng thi này, bạn nên ôn luyện thật kỹ các môn học F3, F7 và đặc biệt là F8 ACCA.
1.3. Về Vòng Phỏng vấn:
Vòng thi này được tổ chức để đánh giá khả năng giao tiếp ngoại ngữ của ứng viên có đảm bảo phục vụ tốt cho công việc sau này hay không. Do đó, bạn nên dành thời gian tìm hiểu và luyện tập các câu hỏi thường gặp để tránh bị bối rối trong phòng thi.
Gợi ý tài liệu ôn tập kỹ năng phỏng vấn ngay tại đây.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng trong vòng thi này sẽ nhìn nhận và đánh giá định hướng nghề nghiệp, tính cách và tư duy xử lý vấn đề của ban.
Phỏng vấn tiếng Anh: Hội đồng phỏng vấn sẽ gồm 2 người. Ứng viên sẽ được phân bổ thời gian cho phần kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành cơ bản và các câu hỏi liên quan đến thông tin cá nhân tiêu biểu như:
- Kinh nghiệm làm việc ở các bộ phận trước đó là gì?
- Công việc đó đã giúp bạn có được những năng lực gì?
- Nêu một vấn đề bạn gặp phải trong quá trình làm việc và cách xử lý của bạn?
Phỏng vấn tiếng Việt: Hội đồng phỏng vấn sẽ gồm khoảng 3 người. Các câu hỏi trong phần này sẽ khai thác sâu hơn về định hướng nghề nghiệp của ứng viên, ví dụ như:
- Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?
- Nếu nhận thấy định hướng nghề nghiệp của mình chưa thật sự phù hợp, bạn có sẵn sàng để thay đổi hay không?
2. Kỳ tuyển dụng của Công ty TNHH Mazars Việt Nam
Quá trình tuyển dụng của Công ty TNHH Mazars Việt Nam bao gồm 4 vòng thi: Vòng Hồ sơ - Đánh giá năng lực - Phỏng vấn cá nhân với Quản lý và Phỏng vấn cá nhân với Chủ phần hùn kiểm toán (Audit Partner).
2.1. Vòng Hồ sơ:
Ứng viên sẽ được yêu cầu gửi hồ sơ tới email của bộ phận nhân sự hr-contact@mazars.vn.
Hồ sơ của ứng viên sẽ bao gồm:
- Thư xin việc và CV bằng tiếng Anh (bao gồm điểm trung bình văn bằng, kết quả kiểm tra trình độ tiếng Anh)
- Chứng chỉ (Bằng cấp, kết quả Trình độ chuyên môn, chứng chỉ tiếng Anh – IELTS, TOEIC, TOEFL)
Sau đó, hồ sơ sẽ được bộ phận nhân sự sẽ chịu trách nhiệm sàng lọc hồ sơ
2.2. Vòng Đánh giá năng lực:
Phần đánh giá năng lực của Mazars sẽ bao gồm 3 phần chính là IQ, Kiến thức Kế toán và Tiếng Anh.
- Phần câu hỏi: Đánh giá chỉ số về IQ, Verbal.
- Phần Kế toán Tài chính: Phần này sẽ chiếm trọng số khoảng 4 điểm. Phạm vi kiến thức cần ôn tập sẽ là các môn học F2 và F3 ACCA về Kế toán Tài chính.
- Phần tiếng Anh: Phần thi này tại Mazars không đòi hỏi quá cao về vốn từ vựng tiếng Anh chuyên ngành. Các câu hỏi sẽ liên quan nhiều hơn đến các vấn đề xã hội đang nóng. Bạn có thể cập nhật thông tin về các hiện tượng xã hội thông qua các nguồn tin như Cafebiz, Tin thời sự;...
2.3. Vòng 3 - Phỏng vấn cá nhân với Quản lý (Hiring Manager):
Trong vòng này, bạn sẽ được trực tiếp trao đổi với các nhân sự cấp cao tại công ty.
Câu hỏi về cá nhân:
- Giới thiệu về bản thân;
- Các kinh nghiệm làm việc quá khứ;
- Các ví dụ chứng minh các kỹ năng mà bạn trình bày trong Sơ yếu lý lịch;
- Định hướng nghề nghiệp trong 3 - 5 năm tới của bạn là gì;
Do đó, “mẹo” nhỏ để bước qua vòng này là ứng viên hãy chuẩn bị sẵn kịch bản (script) và luyện nói nhiều lần để có thể trình bày một cách tự nhiên và mạch lạc.
Các câu hỏi liên quan đến kiến thức chuyên môn - nghiệp vụ: Hội đồng phỏng vấn sẽ là quản lý trực tiếp với bạn trong tương lai nên hãy cố gắng tạo ấn tượng tốt với những người sẽ phỏng vấn mình nhé. Một số câu hỏi liên quan đến kiến thức chuyên ngành sẽ được khai thác trong vòng phỏng vấn này:
- Lựa chọn một chuẩn mực kế toán mà em quan tâm và trình bày những gì em hiểu về chuẩn mực đó;
- Trình bày phương pháp kiểm toán phần hành tiền;
- Trình bày cách tính thuế thu nhập cá nhân;
- Trình bày các nguyên tắc kế toán cơ bản;
- Theo bạn thì phương pháp tính giá hàng tồn kho nào sẽ hay được các doanh nghiệp sử dụng nhất? Tại sao?
- Theo quan điểm của bạn thì lý do tại sao Bộ Tài Chính lại hạ thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp và phân tích ảnh hưởng của điều này tới nền kinh tế;
2.4. Vòng 4 - Phỏng vấn với Audit Partner:
Đây là vòng duyệt cuối cùng để đánh giá liệu rằng bạn có phải nhân tố phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không.
Ứng viên hoàn toàn có thể mường tượng và chuẩn bị chắc cả về kỹ năng phỏng vấn cả về kiến thức là điều cần thiết vì nội dung của các câu hỏi sẽ được khai thác từ trong chính hồ sơ ứng tuyển của bạn.
Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo một số câu hỏi thường xuyên được xuất hiện trong vòng phỏng vấn cá nhân: tại đây
3. Kỳ tuyển dụng của Công ty TNHH Crowe Việt Nam
Tương tự các đơn vị khác, quy trình tuyển dụng của công ty TNHH Crowe Việt Nam thường sẽ bao gồm 4 vòng: Hồ sơ - Kiểm tra năng lực - Phỏng vấn cá nhân và Phỏng vấn nhóm.
3.1. Vòng Hồ sơ:
Với mỗi đợt tuyển dụng thường niên tại Crowe, đơn vị này thường sẽ đăng yêu cầu rất chi tiết tương ứng với mỗi vị trí trên cổng thông tin website.
Ngoài ra, hồ sơ của ứng viên sẽ trở nên nổi bật hơn nếu như đáp ứng các điều kiện sau:
- Sở hữu các chứng chỉ quốc tế như ACCA, ACA.
- Do đó, trình độ tiếng Nhật ổn: Vì khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp này hướng đến là những công ty Nhật Bản đầu tư trực tiếp nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
3.2 Vòng Đánh giá năng lực:
Hình thức của vòng thi này tại Crowe nhìn chung khá giống với AASC, ứng viên sẽ được ngồi tại phòng lớn như đang tham dự các kỳ thi đại học. Đề thi có bố cục 2 phần, bao gồm trắc nghiệm và tự luận. Trong đó:
Phần kiến thức chuyên ngành: Phần này sẽ đi sâu vào khai thác một số hiểu biết về các nghiệp vụ Kế - Kiểm, Thuế, IQ. Ngoài ra, cần ôn tập kỹ phần kiến thức đã học trên trường hoặc môn F3, F6, F7 và F8 ACCA. Một số các câu hỏi liên quan đến chuẩn mực Kế toán và Kiểm toán tiêu biểu như:
- “Chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí”, cần tuân theo nguyên tắc nào?
- Hao hụt trong quá trình bảo quản vật liệu tại kho và trong quá trình sử dụng có thể được tính vào;
Phần kiến thức xã hội chung: Những thông tin này có thể theo dõi trên các trang như Cafebiz, Bản tin thời sự,...
3.3 Vòng Phỏng vấn nhóm:
Ứng viên sẽ được chia vào các nhóm và bàn về một vấn đề xã hội. Quá trình thảo luận sẽ không gò bó về ngôn ngữ, tuy nhiên khi trình bày kết quả thì bắt buộc phải là tiếng Anh. Nếu không thể hiện được bản thân vào làm việc nhóm, bạn hoàn toàn có cơ hội “gỡ gạc” khi hội đồng phỏng vấn đặt một số câu hỏi có liên quan đến chủ đề thảo luận của mình.
3.4 Vòng Phỏng vấn cá nhân: Trong vòng này, hội đồng phỏng vấn thường sẽ đưa ra 4 dạng câu hỏi cơ bản, bao gồm:
- Các câu hỏi chung (background question);
- Câu hỏi về trải nghiệm ứng viên (in-depth experience question);
- Câu hỏi tình huống;
- Các câu hỏi chuyên ngành (technical question).
Tham khảo một số mẫu câu hỏi vòng phỏng vấn cá nhân ngay tại đây.
4. Kỳ tuyển dụng của Công ty TNHH Kiểm toán VACO
4.1. Vòng Hồ sơ:
Thông tin yêu cầu sẽ được đơn vị này cập nhật trên cổng website. Thông thường, công ty TNHH Kiểm toán VACO thường sẽ bao gồm:
- Bảng điểm 6 học kì;
- Giấy khám sức khỏe;
- Sơ yếu lý lịch;
- Đơn ứng tuyển theo mẫu công ty.
4.2 Vòng Đánh giá năng lực chuyên môn:
Ứng viên sẽ trải qua bài thi bao gồm kiến thức chuyên môn, tiếng Anh và test IQ.
- Phạm vi kiến thức chuyên môn: Phần này chủ yếu sẽ xoay quanh các nghiệp vụ Kế - Kiểm - Tài chính, cập nhật các thông tư về Kế toán và Thuế.
- Phần tiếng Anh và Trí tuệ thông minh IQ: Kiến thức trong 2 phần này không quá khó nhưng sẽ khá dài và đòi hỏi sự tập trung cao độ của ứng viên.
4.3. Vòng Phỏng vấn nhóm:
Bạn sẽ được chia vào một nhóm ngẫu nhiên với 5 ứng viên khác để thảo luận và được giao tình huống Kế - Kiểm liên quan đến một doanh nghiệp và phải tìm ra phương án xử lý. Hội đồng phỏng vấn sẽ bao gồm 3 người và có thể sẽ đưa ra các câu hỏi liên quan như:
- Nhận định tình hình tài chính của doanh nghiệp đó;
- Xác định các khoản nợ của doanh nghiệp được đề cập ở đề bài.
Phụ thuộc vào nguyện vọng cũng như khả năng của các thành viên trong nhóm, các thành viên trong nhóm sẽ có 2 hình thức đưa ra kết quả thảo luận như:
- Cử ra một hoặc 1 vài đại diện để thuyết trình;
- Tất cả các thành viên trong nhóm thay phiên nhau thuyết trình.
4.4 Vòng Phỏng vấn cá nhân:
VACO sẽ phỏng vấn với cả tiếng Anh và tiếng Việt đối với ứng viên. Bên cạnh các câu hỏi liên quan đến Kiến thức chuyên ngành, bạn nên chuẩn bị những hướng đi có thể khai thác trong Hồ sơ (CV) đã ứng tuyển trước đó. Những câu hỏi có thể xuất hiện trong vòng phỏng vấn sẽ là:
- Why do you want this job? (Tại sao bạn lại muốn làm công việc này);
- Why do you want to work for us? (Vì sao bạn lựa chọn làm việc cho chúng tôi);
- Where do you see yourself in the next 5 years? (Bạn thấy mình ở đâu trong vài năm tới);..
Nhà tuyển dụng muốn khai thác sâu về sự quan tâm, định hướng gắn bó của bạn với công ty và mức độ cam kết với nghề nghiệp. Với những câu hỏi này, ứng viên nên cho hội đồng phỏng vấn thấy được bạn cảm thấy tự hào với những giá trị mà đơn vị này mang lại và khả năng nhân rộng thêm giá trị đó từ bạn.
5. Kỳ tuyển dụng của Công ty cổ phần I-GLOCAL
Ứng viên cần vượt qua 3 vòng tuyển dụng trước khi chính thức trở thành thực tập sinh/nhân viên chính thức tại doanh nghiệp này.
5.1. Vòng Hồ sơ:
Theo thông tin được đề cập trong mục mô tả công việc, các vị trí tuyển dụng tại I-GLOCAL sẽ đòi hỏi ứng viên đáp ứng các tiêu chí:
- Theo học đúng chuyên ngành;
- Có trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Nhật) tốt;
- Kiến thức tin học văn phòng tốt, đặc biệt là Microsoft Office, Excel;
- Sở hữu các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như ACCA, ACA… là một lợi thế.
Thí sinh sẽ ứng tuyển thông qua việc gửi hồ sơ của mình (CV) về địa chỉ email tuyển dụng của công ty. Ứng viên thường sẽ được thông báo thông qua điện thoại và ngược lại, những bạn không qua sẽ không nhận được bất kỳ thông báo nào.
5.2. Vòng Kiểm tra năng lực:
Bố cục bài kiểm tra năng lực của I-GLOCAL gồm có 3 phần, đó là: trắc nghiệm, tự luận và bài tập. Phạm vi kiến thức của vòng thi này thường sẽ bao gồm:
- Kiến thức nền tảng về Kế toán tài chính: Kế toán cơ bản, dự phòng hàng tồn kho, các nghiệp vụ định khoản.
- Kiến thức liên quan đến Thuế: Thuế thu nhập cá nhân có cư trú/không cư trú (PIT); Thuế giá trị gia tăng (VAT) và Thuế thu nhập Doanh nghiệp (CIT). Các môn như F3, F6 ACCA là những chủ đề cần nắm thật chắc nếu muốn “vượt bão” thành công. Bên cạnh đó, phần này cũng đòi hỏi ứng viên cập nhật các thông tin, thông tư mới nhất về Thuế.
5.3. Vòng Phỏng vấn cá nhân với Quản lý (Manager):
Tương tự với vòng tuyển dụng của các doanh nghiệp khác, bên cạnh những câu hỏi đánh giá kiến thức chuyên ngành, người phỏng vấn sẽ khai thác khá nhiều về định hướng của ứng viên với nghề nghiệp.
Học viên quan tâm có thể ôn tập mẹo trả lời các câu hỏi phỏng vấn ngay tại đây.
Lời kết
Vừa rồi SAPP Academy đã cùng bạn điểm lại những kinh nghiệm thi tuyển vào các công ty Non-Big tiêu biểu. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn xây dựng chiến lược ôn tập phù hợp với mình nhất. Bạn đọc cũng đừng quên theo dõi chuỗi bài viết chia sẻ cách thi vào các doanh nghiệp Kế toán - Kiểm toán do đội ngũ SAPP tổng hợp nhé. Hẹn gặp lại ở các chủ đề tiếp theo!
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:
- Fanpage: SAPP - Customer Support
- Gửi phiếu yêu cầu hỗ trợ: tại đây
- Hotline: 19002225 (nhánh 2)
- Email: support@sapp.edu.vn
- Chương trình giới thiệu học viên: https://sapp.edu.vn/chuong-trinh-gioi-thieu-hoc-vien-referral-program/
Mọi yêu cầu về dịch vụ sẽ được phản hồi trong 04 giờ làm việc (Thời gian làm việc từ 10h00 đến 18h00 từ thứ 2 đến thứ 6). Chúng tôi luôn cố gắng phản hồi nhanh nhất ngay khi nhận được yêu cầu.