[Level 1] Alternative Investments

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 1: Alternative Investment Features, Methods And Structures

Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về Module 1 môn AI của chương trình CFA level I

1. Phân loại và phương pháp đầu tư của các công cụ đầu tư thay thế

1.1. Mô tả và phân loại các công cụ đầu tư thay thế

Các công cụ đầu tư thay thế (Alternative investments) là nhóm đầu tư không nằm trong các nhóm công cụ đầu tư truyền thống (tiền mặt, cổ phiếu, trái phiếu). Các công cụ đầu tư thay thế bao gồm các sản phẩm như:

  • Quỹ phòng vệ (Hedge funds)

  • Vốn đầu tư tư nhân (Private capital)

  • Bất động sản (Real estate)

  • Tài nguyên thiên nhiên (Natural resources)

  • Cơ sở hạ tầng (Infrastructure)

1.1.1. Đặc điểm của các công cụ đầu tư thay thế:

  • Tính thanh khoản kém.

  • Không có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực.

  • Lợi nhuận giữa các công cụ đầu tư thay thế có mối tương quan thấp so với lợi nhuận giữa các công cụ đầu tư truyền thống.

  • Không được quản lý chặt chẽ bởi luật pháp → Thị trường kém minh bạch.

  • Dữ liệu lịch sử liên quan đến lợi nhuận và rủi ro còn hạn chế.

  • Mức phí cao.

  • Có những hạn chế nhất định trong việc thu hồi khoản đầu tư.

 

1.1.2. Lợi ích của đầu tư thay thế:

  • Phạm vi đa dáng hóa tài sản rộng hơn (bởi vì các công cụ đầu tư thay thế có mối tương quan thấp với công cụ đầu tư truyền thống, tuy nhiên trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, lợi nhuận của các công cụ đầu tư thay thế có mối tương quan cao với các loại tài sản truyền thống).

  • Lợi nhuận cao hơn (đến từ việc rủi ro gia tăng).

  • Lãi suất đầu tư cao hơn so sánh với sản phẩm đầu tư truyền thống, cụ thể trong giai đoạn thị trường lãi suất thấp.

 

1.1.3. Phân loại các công cụ đầu tư thay thế

Quỹ phòng vệ

Đầu tư chủ yếu vào chứng khoán hoặc phái sinh với đa dạng chiến lược đầu tư

Vốn đầu tư tư nhân

Quỹ đầu tư tư nhân: đầu tư vào các công ty chưa được niêm yết trên sàn hoặc công ty đã niêm yết nhưng bị hủy niêm yết

Nợ tư nhân: cho các công ty tư nhân vay nợ

Tài nguyên cơ bản

Hàng hóa: đầu tư trực tiếp vào các sản phẩm hàng hóa như: vàng, dầu mỏ,...

Nông nghiệp: đầu tư vào chăn nuôi gia súc hoặc cây cối và đất nông nghiệp dưới hình thứ đang canh tác hoặc đang cho thuê

Lâm nghiệp: đầu tư vào rừng tự nhiên dưới hình thức đất đang canh tác hoặc đang cho thuê

Bất động sản

Đầu tư trực tiếp/gián tiếp vào bất động sản như đất đai, tòa nhà dưới hình thức là chủ sở hữu (equity investing) hoặc cho vay (debt investing)

Cơ sở hạ tầng

Đầu tư trực tiếp vào tài sản dài hạn với mục đích phục vụ cộng đồng hay phát triển quốc gia, hoặc đầu tư gián tiếp vào cổ phần của các doanh nghiệp hoặc quỹ đầu tư thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng

Khác

Đầu tư vào các công cụ đầu tưu thay thế khác có thể bao gồm các tài sản hữu hình và tài sản vô hình

 

1.2. Mô tả đặc điểm của phương pháp đầu tư trực tiếp, đầu tư hỗn hợp, đầu tư ủy thác cho các công cụ đầu tư thay thế

1.2.1. Các phương pháp đầu tư

Có ba phương pháp đầu tư chính:

  • Đầu tư ủy thác (Fund Investing): NĐT góp vốn vào quỹ đầu tư, quỹ chịu sự ủy thác từ NĐT và đầu tư vào các tài sản cụ thể.

  • Đầu tư trực tiếp (Direct Investing): NĐT đầu tư trực tiếp vào tài sản mà không sử dụng dịch vụ của các bên trung gian

  • Đầu tư hỗn hợp (Co-investing): NĐT vừa góp vốn vào quỹ vừa tự đầu tư trực tiếp vào tài sản dựa trên chiến lược của quỹ

 

1.2.2. Ưu và nhược điểm của từng phương pháp

 

Ưu điểm

Nhược điểm

Đầu tư ủy thác

  • Nhà đầu tư ít can thiệp vào quá trình đầu tư

  • Dễ dàng đầu tư vào các tài sản mặc dù không có chuyên môn cao

  • Yêu cầu vốn thấp

  • Tốn chi phí quản lý và phí hiệu quả đầu tư

  • NĐT phải thẩm định kĩ lưỡng khi lựa chọn quỹ phù hợp

  • NĐT gặp khó khăn trong việc thu hồi khoản đầu tư đến từ những quy định hạn chế bán trong khoảng thời gian nhất định hoặc những quy định khác

Đầu tư trực tiếp

  • Không cần thanh toán phí quản lý định kỳ

  • Mức độ linh hoạt cao với các khoản đầu tư của mình

  • Mức độ kiểm soát cao đối với các tài sản đang quản lý

  • Yêu cầu khả năng chuyên môn của bản thân

  • Không có nhiều sự lựa chọn để đa dạng hóa danh mục

  • Yêu cầu cao về thẩm định để chọn khoản đầu tư tối ưu

  • Yêu cầu vốn đầu tư ban đầu cao

Đầu tư hỗn hợp

  • Học hỏi quy trình đầu tư của quỹ để đầu tư trực tiếp tốt hơn

  • Giảm chi phí quản lý

  • Cho phép chủ động quản lý danh mục đầu tư hơn

  • Có những mối quan hệ với nhà quản lý quỹ

  • Không kiểm soát quá nhiều trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư

  • Yêu cầu phải hoạt động nhiều hơn so với ủy thác đầu tư

  • Có thể bị ảnh hưởng không tốt trong quá trình lựa chọn đầu tư

 

1.2.3. Thẩm định (Due diligence)

  • Đầu tư trực tiếp: Yêu cầu mức độ sự hiểu biết cao về tài sản đang đầu tư, các thông tin cần tìm hiểu bao gồm: đội ngũ quản lý, tệp khách hàng, khả năng cạnh tranh, khả năng tạo doanh thu, rủi ro,…

  • Đầu tư ủy thác: Không yêu cầu mức độ hiểu biết về tài sản đang đầu tư, chỉ cần thẩm định nhà quản lý quỹ, công ty quản lý quỹ.

  • Đầu tư hỗn hợp: Bao gồm đặc điểm của cả 2 phương thức trên.

 

2. Cấu trúc đầu tư và phí đầu tư

2.1. Mô tả cơ chế hợp tác và cấu trúc phí được sử dụng trong các công cụ đầu tư thay thế

2.1.1. Hình thức hợp tác

  • Thành viên hợp danh (General Partner - GP) (ít nhất một người) có trách nhiệm vô hạn và chịu trách nhiệm điều hành doanh nghiệp.

  • Thành viên góp vốn (Limited Partner - LPs) có trách nhiệm hữu hạn, ít có trách nhiệm kiểm soát trong quản lý doanh nghiệp, chỉ nhận phần lợi nhuận được phân chia theo thỏa thuận hợp tác kinh doanh và chỉ mất tối đa số tiền đầu tư của họ.

Quan hệ hợp tác giữa GP và LP được thỏa thuận bằng văn bản pháp lý, xác định rõ bằng các điều khoản.

 

2.1.2. Cấu trúc phí

Cấu trúc phí = Phí quản lý + Phí hiệu quả đầu tư

 

Phí quản lý

Phí hiệu quả đầu tư

Khái niệm

Phí quản lý: phí cho nhà quản lý quỹ dựa trên giá trị tổng tài sản đang quản lý hoặc vốn cam kết (khoảng 1%-2%)

 

Phí hiệu quả đầu tư: phí cho nhà quản lý quỹ dựa trên lợi nhuận tăng thêm (khoảng 10%-20%).

Tỷ lệ ngưỡng (hurdle rate) là giá trị tối thiểu của lợi suất mà GP phải vượt qua để nhận được phí hiệu quả đầu tư.

Phân loại

Phí quản lý có thể được tính dựa trên 2 phương pháp:

  • Dựa vào tài sản đang quản lý: giá trị tài sản ròng – NAV của quỹ đầu tư

  • Dựa vào vốn cam kết: số tiền NĐT chấp nhận với quỹ đầu tư

Phí hiệu quả đầu tư có 2 loại:

  • Hard hurdle rate: Phí hiệu quả đầu tư được tính trên phần chênh lệch giữa lợi suất kiếm được và tỷ lệ ngưỡng.

  • Soft hurdle rate: Phí hiệu quả đầu tư được tính trên toàn bộ phần lợi nhuận nếu lợi suất đem lại lớn hơn tỷ lệ ngưỡng.

 

2.1.3. Các điều khoản quy định

Catch-up clause: GP sẽ được nhận phí trên 2 khoản: phần chênh lệch giữa lợi suất kiếm được và tỷ lệ ngưỡng; và phần tỷ lệ ngưỡng (LPs và GP đều chia tỷ lệ cho dù có lợi nhuận có vượt qua tỷ lệ ngưỡng hay không – giống với Soft hurdle rate).

Waterfall thể hiện phương pháp phân phối lợi nhuận giữa GP và LP:

  • Deal by deal: GP được nhận phí hiệu quả đầu tư theo từng giao dịch, mang lại lợi ích cho GP nhiều hơn

  • Whole of fund: GP không được nhận phí hiệu quả đầu tư cho tới khi LP thu hồi được vốn ban đầu, mang lại lợi ích cho LP nhiều hơn

Clawback provision: LP có quyền được đòi lại một phần phí hiệu quả đầu tư trước đó đã chia cho GP trong trường hợp LP bị thiệt hại về lợi nhuận.

High-water mark: Giá trị cao nhất mà quỹ đầu tư đạt được trong suốt quá trình đầu tư từ vốn ban đầu, sau khi trừ đi các loại phí. GP sẽ chỉ được nhận phí hiệu quả đầu tư khi lợi nhuận kiếm được lớn hơn giá trị high-water mark → Bảo vệ NĐT tránh khỏi việc mất phí 2 lần cho cùng 1 hiệu suất đầu tư.