Trước đó, anh đã gia nhập KPMG trong kỳ Internship với vị trí thực tập sinh Kiểm toán, sau đó chuyển sang làm Senior tại bộ phận Financial Due Diligence. Hôm nay anh sẽ chia sẻ một vài điều về KPMG nhé!
1. Audit và Financial Due Diligence thì làm gì?
Audit tại KPMG sẽ dựa vào thông tin của quá khứ, các chuẩn mực, quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động kiểm toán Báo cáo Tài Chính và từ đó đưa ra các ý kiến về tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu. Với vị trí Audit Intern các bạn thường sẽ được giao phần hành đơn giản như phần hành tiền, kiểm tra chứng từ, sổ sách và tham gia kiểm kê hàng tồn kho …
Financial Due Diligence (gọi tắt là FDD) là một giai đoạn trong quá trình M&A (Thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp). Nhiệm vụ chính cho vị trí này là thẩm định lại tình hình tài chính, dự báo và cảnh báo về sức khỏe tài chính của công ty Target (tạm gọi là “mục tiêu” - công ty sẽ được bán) từ dữ liệu quá khứ (IM) (thường là 3 - 5 năm). Từ đó, bộ phận Valuation (Thẩm định giá) sẽ có căn cứ để đề xuất mức giá trong thương vụ M&A. Bên bán và bên mua khi này không chỉ nhìn nhận lại toàn bộ tình hình và các điểm rủi ro tài chính (nếu có) mà còn có thể sẽ dựa vào kết quả của Valuation để thương thảo một mức giá bán/giá mua hợp lý nhất, đảm bảo vị thế của mình khi thực hiện thương vụ.
2. Ở KPMG có gì?
Văn hóa tại KPMG từ góc nhìn của anh sẽ được gói gọn trong 4 từ: vui vẻ, “tây”, “chia sẻ” và “hỗ trợ” lẫn nhau. Đội ngũ nhân sự rất trẻ, độ tuổi dường như không chênh lệch quá nhiều. Mọi người thường cùng hỗ trợ nhau nhằm đảm bảo dự án được thực thi thành công nhất.
Ở đây, các em sẽ được dạy mọi thứ, bên cạnh việc đào tạo chuyên môn định kỳ bởi bộ phận DPP và “training on job”. Văn hóa học tập tại KPMG đồng thời cũng rất mạnh và sẽ có chương trình đào tạo liên tục để đáp ứng theo yêu cầu của công ty. Bởi lẽ các vị trí tại đây cũng đều cung cấp dịch vụ chất lượng cao, do đó đòi hỏi sự update thông tin về các nghị định, học hỏi kiến thức không ngừng nghỉ là điều kiện cần thiết để kết quả công việc được thực hiện tốt.
#3: Những skillset có được sau khi làm việc tại KPMG
3.1 Về chuyên môn
Với vai trò là kiểm toán viên, anh đã từng làm việc với đối tượng khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI, các Tập đoàn lớn tại Việt Nam và các Doanh nghiệp đa quốc gia.. Trong quá trình làm việc với khách hàng, anh đã được tiếp xúc với một số tình huống phát sinh mà đã được giới thiệu khi học ACCA. Vì đã được gặp trước đó rồi nên cũng sẽ không bỡ ngỡ mà có cách tiếp cận vấn đề được tốt hơn.
Qua quá trình làm việc KPMG ở vị trí Audit, anh đã được trau dồi hơn về cách phát hiện các rủi ro trong các báo cáo tài chính nhờ những lần tiếp xúc với doanh nghiệp khách hàng, được hiểu về quy trình kiểm toán. Quá trình thực chiến cũng là cơ hội giúp anh ứng dụng được các kiến thức ở môn F3, F6, F8 và F7 đã học trong chương trình ACCA trước đó.
3.2 Về kỹ năng:
Ngoài kiến thức chuyên môn, anh cũng đã có cơ hội trau dồi các kỹ năng của bản thân. Làm việc tại KPMG là khoảng thời gian anh có thể vận dụng được kiến thức Excel đã được học trước đó vào công việc. Dữ liệu của công ty khách hàng cung cấp là rất lớn và có thể dài đến hàng triệu dòng, gồm nhiều file khác nhau. Toàn bộ quá trình lọc, lấy dữ liệu, trình bày và xây dựng biểu đồ sẽ đòi hỏi về việc sử dụng Excel sao cho thuần thục. “Múa phím” là tên gọi dành cho kỹ năng tin học của người trong nghề. Mọi người sẽ kết hợp sử dụng các phím tắt, tổ hợp phím để làm việc và hầu như không dùng chuột.
KPMG đồng thời cũng đã giúp anh rèn luyện được khả năng đọc vấn đề nhanh và tiếp cận chúng một cách tổng quát. Khách hàng của các dự án thường sẽ đa dạng về bản chất kinh doanh và cách thức tổ chức khác nhau. Điều này đòi hỏi khả năng đọc vấn đề nhanh và hiểu được những vấn đề cốt lõi một cách chính xác nhất. Thời gian làm việc tại đây đã giúp anh luôn có cái nhìn tổng quát về tổ chức và bộ máy vận hành trước khi quan sát từng bộ phận, chi tiết nhỏ.
Đồng thời, làm việc tại KPMG cũng rèn luyện cho anh khả năng quản trị thời gian và chịu áp lực công việc tốt. Với khối lượng công việc lớn, bước ra từ BIG khiến anh trưởng thành hơn rất nhiều. Và nếu như đã gắn bó với BIG4 trong khoảng thời gian từ 3 - 4 năm gì đó trở lên thì gần như mọi người sẽ không sợ bất cứ các công việc nào khác mà sẵn sàng tiếp nhận mọi thử thách.
Xét về đào tạo, anh cũng biết thêm nhiều thứ trong quá trình làm việc tại KPMG. Nhân sự sẽ được đào tạo liên tục kiến thức lý thuyết, thực chiến (training on job). Vào mùa ít “bận”, anh và các bạn nhân sự khác sẽ được tham gia các session đào tạo thực chiến và chuyên môn từ phòng Department of Professional Practices. Ví dụ như thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và sức khỏe tài chính của các công ty. Những thay đổi đến từ các điều luật, các vấn đề kinh tế tác động đến thủ tục kiểm toán sẽ được cập nhật và đào tạo lại cho đội ngũ, giúp kiểm toán viên tiếp cận vấn đề hiệu quả hơn.
Không dừng lại ở kiến thức chuyên môn, KPMG sẽ đào tạo thêm các kiến thức khác như tính bảo mật, trang phục, tác phong giao tiếp với khách hàng;... Trong đó, anh ấn tượng nhất với kiến thức Business Writing được học ở đây. Nếu như khi mình học IELTS, bài writing sẽ sử dụng vốn từ vựng khó, cấp độ C1 và khá mĩ miều thì Business Writing chỉ yêu cầu làm sao để truyền đạt một cách rõ ràng, dễ hiểu nhất với khách hàng của mình. Bởi lẽ đặc thù của các khách hàng cũng sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc thì việc “khoe mẽ” trình độ tiếng Anh của mình qua các từ vựng khó hiểu là điều không cần thiết.
Nếu mà hỏi về chương trình đào tạo riêng biệt thì anh khá ấn tượng với cách thức KPMG hướng dẫn nhân viên về tính bảo mật. Dữ liệu của khách hàng được thu về tại đây thường sẽ đến từ các công ty khác nhau trên thế giới. Các thông tin nhạy cảm như tình hình tài chính, chế độ lương thưởng, giao dịch và các hoạt động của tổ chức cần được bảo vệ để tránh bị sử dụng sai mục đích. Bộ phận Department of Professional Practice sẽ đào tạo chi tiết về các yếu tố này thông qua các mô hình và tình huống giả tưởng. Ngoài ra, các em cũng sẽ được đào tạo về gửi email sao cho đúng, các thông tin được phép đề cập đến, khóa cửa khi ra vào văn phòng như thế nào, cách trao đổi thông tin qua điện thoại như thế nào;... Một điểm thú vị là KPMG còn có quy định về việc đổi mật khẩu máy tính theo định kỳ 3 tháng/lần và không được phép trùng nhau. Sự chú trọng trong quá trình đào tạo, các quy định về về tính bảo mật cũng là điều khiến anh ấn tượng tại đây.
Sau hơn 4 năm làm việc tại KPMG, anh lựa chọn cho mình một hướng đi khác. Tuy nhiên, những kiến thức và trải nghiệm được rèn giũa tại BIG4, tại KPMG vẫn luôn là hành trang quý giá với anh. Và nếu quay về thời điểm đó và cho anh lựa chọn thêm một lần nữa, anh vẫn tiếp tục lựa chọn BIG4, chọn KPMG.
Lời kết
Và gửi tới các bạn sinh viên, hãy chuẩn bị tốt về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng trước khi chính thức bước vào BIG4. Xuất phát điểm từ sớm sẽ giúp các em nhanh chóng lĩnh hội kiến thức và hoàn thành công việc một cách trôi chảy hơn. BIG4 có khối lượng công việc khá lớn và câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc em vào được đây. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm động lực để ứng tuyển kỳ Internship sắp tới nhé!
>> Xem thêm:
- [Series Hành Trình Làm Việc Tại BIG4] - Ms. Nguyễn Tú Oanh: Review quá trình làm việc tại EY Việt Nam
- [Series Hành Trình Làm Việc Tại BIG4] - Ms. Vũ Minh Châu: Trở Thành Nhân Sự BIG4, Liệu Có Khó?
- [Series Hành Trình Làm Việc Tại BIG4] - Làm thế nào để có một mùa Internship thành công tại EY?
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:
- Fanpage: SAPP - Customer Support
- Gửi phiếu yêu cầu hỗ trợ: tại đây
- Hotline: 19002225 (nhánh 2)
- Email: support@sapp.edu.vn
- Group cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/everydaywithsapp
- Chương trình giới thiệu học viên mới: https://sapp.edu.vn/chuong-trinh-gioi-thieu-hoc-vien-referral-program/