[SBR/P2] Strategic Business Reporting (Báo cáo chiến lược kinh doanh)
  1. SAPP Knowledge Base
  2. Tự học ACCA (Association of Chartered Certified Accountant)
  3. [SBR/P2] Strategic Business Reporting (Báo cáo chiến lược kinh doanh)

[SBR/P2: Tóm tắt kiến thức] Lesson 7: Công cụ tài chính (Financial Instruments) - Phần 2

Trong phần 2 này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về công phái sinh chìm. Ngoài ra, các kỹ thuật kiểm tra sự suy giảm giá trị của tài sản tài chính và các phương pháp phòng ngừa rủi ro sẽ được giới thiệu ở cấp độ SBR.

V. Công cụ phái sinh chìm (Embedded derivatives)

Một số hợp đồng dù về mặt tổng thể có thể là CCTC hoặc không phải CCTC nhưng có thể chứa các yếu tố phái sinh chìm bên trong. Các công cụ phái sinh không được sử dụng để phòng ngừa rủi ro sẽ được coi là nắm giữ để kinh doanh và được đo lường theo FVTPL.

Trong một số ngoại lệ, IFRS 9 yêu cầu các công cụ phái sinh chìm có đủ tiêu chí của một công cụ phái sinh riêng biệt, được tách ra khỏi hợp đồng và được đo lường theo FVTPL như các công cụ phái sinh thông thường khác.

Ví dụ: Doanh nghiệp A phát hành trái phiếu với kì hạn 5 năm, giá đáo hạn của trái phiếu sẽ dựa trên mức chênh lệch của chỉ số VN Index.

  • Giá trị của hợp đồng gốc sẽ được coi là trái phiếu và đo lường theo amortised cost
  • Phần phái sinh chìm sẽ được coi là quyền chọn trên cổ phiếu và đo lường như công cụ phái sinh thông thường theo FVTPL.

VI. Suy giảm giá trị TSTC

1. Phạm vi áp dụng

Các nguyên tắc về suy giảm giá trị của TSTC áp dụng cho:

  • Các khoản đầu tư vào công cụ nợ được đo lường theo giá trị phân bổ
  • Các khoản đầu tư vào công cụ nợ được đo lường theo FVTOCI
  • Các khoản phải thu từ việc cho thuê theo phạm vi của IFRS 16
  • Tài sản hợp đồng theo phạm vi của IFRS 15
  • Hợp đồng bảo lãnh tài chính
  • Cam kết cho vay mới mức lãi suất thấp hơn so với thị trường.

2. Định nghĩa

Có một số định nghĩa cần nắm được:

  • Tổn thất tín dụng (Credit loss): Chênh lệch giữa toàn bộ dòng tiền mà doanh nghiệp sẽ nhận được theo hợp đồng và toàn bộ dòng tiền mà doanh nghiệp dự kiến sẽ nhận về trên thực tế, và đã có chiết khấu.
  • Tổn thất tín dụng dự kiến (Expected credit loss): Bình quân gia quyền của tổn thất tín dụng đối với rủi ro mất khả năng thanh toán phát sinh theo tỷ trọng.
  • Tổn thất tín dụng dự kiến trong suốt thời hạn (Lifetime expected credit losses): Các khoản tổn thất tín dụng dự kiến phát sinh từ tất cả các sự kiện mất khả năng thanh toán có thể xảy ra trong suốt thời hạn dự kiến của một CCTC.
  • Quá hạn (Past due): một tài sản tài chính quá hạn nếu đối tác không thể thanh toán khi đến hạn theo hợp đồng.
  • Tổn thất tín dụng dự kiến trong vòng 12 tháng (12-month expected credit losses): một phần của khoản tổn thất tín dụng dự kiến trong suốt thời hạn của CCTC có thể phát sinh do mất khả năng thanh toán trong vòng 12 tháng sau ngày báo cáo.

3. Mô hình tiếp cận

Mô hình tổn thất tín dụng (credit losses) theo 3 giai đoạn sau:

4. Hạch toán

Tổn thất tín dụng được hạch toán như sau:

Loại tài sản

Phương pháp hạch toán

Các khoản đầu tư vào công cụ nợ trừ các công cụ được đo lường theo FVTOCI

  • Ghi nhận vào P/L
  • Tổn thất tín dụng được giữ trong một tài khoản dự phòng riêng để bù trừ với giá trị ghi sổ của tài sản:

        Tài sản tài chính                           X

        Dự phòng tổn thất tín dụng         (X)

        Giá trị ghi sổ                                 X

Các khoản đầu tư vào công cụ nợ được đo lường theo FVTOCI

  • Phần giảm giá trị do tổn tổn thất tín dụng được ghi nhận vào P/L
  • Những phần còn lại được ghi nhận vào OCI
  • Không lập dự phòng do giá trị của công cụ đã được đo lường bằng giá trị hợp lý

Ví dụ: Doanh nghiệp A có danh mục đầu tư gồm nhiều tài sản nợ với lãi suất thực đều là 7.5%. Danh mục này được ghi nhận ban đầu là $840,000 và một khoản dự phòng riêng biệt $5,000 cho tổn thất tín dụng dự kiến trong vòng 12 tháng (giá trị hiện tại của tổn thất tín dụng dự kiến trong suốt thời hạn là $100,000 nhân với khả năng xảy ra vi phạm là 5%). Không có khoản thanh toán nào đến hạn trong năm đầu tiên.

Tại thời điểm cuối năm đầu tiên, rủi ro tín dụng xấu đi đáng kể. Kỳ vọng về tổn thất tín dụng dự kiến suốt đời vẫn không đổi.

Doanh nghiệp hạch toán và trình bày BCTC như sau:

a. Giai đoạn 1

Các tài sản nợ được ghi nhận ban đầu như sau

 

    $

Tài sản nợ

840,000

Dự phòng tổn thất tín dụng

(5,000)

Giá trị ghi sổ (đã trừ dự phòng)

835,000

  • Thu nhập tiền lãi = $840,000 x 7.5% = $63,000 được ghi nhận dựa trên giá trị của tài sản nợ (không làm tăng giá trị của tài sản nợ mà sẽ được ghi nhận dưới hình thức tài sản khác như khoản tiền lãi phải thu).
  • Chi phí lãi = $5,000 x 7.5% = $375 được ghi nhận vào dự phòng tổn thất tín dụng và làm khoản dự phòng này tăng lên $5,375.

b. Giai đoạn 2

Bởi vì thời điểm cuối năm đầu tiên, rủi ro tín dụng xấu đi đáng kể nên khoản dự phòng rủi ro tín dụng sẽ được điều chỉnh về toàn bộ tổn thất tín dụng dự kiến trong suốt thời hạn là: 

                                            $100,000 x 7.5% = $107,500

Khoản chi phí tăng thêm sẽ được ghi nhận trên P/L = $107,500 - $5,375 = $102,125

Tại thời điểm cuối năm, tài sản nợ được trình bày trên SoFP/BS như sau:

 

    $

Tài sản nợ

840,000

Dự phòng tổn thất tín dụng

(107,500)

Giá trị ghi sổ (đã trừ dự phòng)

732,500

c. Giai đoạn 3

Qua năm tiếp theo, nếu có bằng chứng khách quan của việc suy giảm giá trị thực sự, thu nhập tiền lãi và chi phí lãi sẽ được tính trên tính trên giá trị ròng $732,500.

5. Đo lường

Phương pháp đo lường tổn thất tín dụng dự kiến nên phản ánh được các điều sau:

  • Một giá trị khách quan và có trọng số xác suất (unbiased and probability-weighted), được xác định bằng cách đánh giá một loạt các kết quả có thể xảy ra
  • Giá trị của dòng tiền theo thời gian
  • Thông tin hợp lý và mang tính hỗ trợ sẵn có mà không tốn kém chi phí và nỗ lực vào ngày báo cáo về các sự kiện trong quá khứ, điều kiện hiện tại và dự báo về điều kiện kinh tế trong tương lai.

Chú ý:

Doanh nghiệp đã đo lường dự phòng tổn thất ở mức bằng với mức tổn thất tín dụng dự kiến trong suốt thời hạn trong kỳ báo cáo trước đó nhưng nếu các điều kiện đó không còn được đáp ứng thì doanh nghiệp nên hoàn nhập và quay lại đo lường tổn thất tín dụng dự kiến trong vòng 12 tháng.

Khoản lãi do việc hoàn nhập này sẽ được ghi nhận trên P/L.

6. Khoản phải thu, tài sản phát sinh từ hợp đồng và khoản phải thu cho thuê

Việc ghi nhận dự phòng tổn thất được xác định như sau:

  • Đối với các khoản phải thu hoặc tài sản phát sinh từ hợp đồng không có yếu tố tài chính trọng yếu theo IFRS 15: dự phòng tổn thất được đo lường theo tổn thất tín dụng dự kiến trong suốt thời hạn khi ghi nhận ban đầu.
    Ví dụ: Khách hàng đã thanh toán trước cho hàng hóa hoặc dịch vụ và thời gian chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ đó là do khách hàng quyết định, số tiền mà doanh nghiệp thực nhận trước so với hợp đồng giống nhau nên không có bất kì yếu tố tài chính nào trong giao dịch này.
  • Đối với các khoản phải thu, tài sản phát sinh từ hợp đồng khác và các khoản phải thu cho thuê, doanh nghiệp có thể lựa chọn:
    • Áp dụng mô hình tổn thất tín dụng 3 giai đoạn
    • Ghi nhận khoản dự phòng cho tổn thất tín dụng dự kiến trong suốt thời hạn khi ghi nhận ban đầu.

VII. Phòng ngừa rủi ro (Hedging)

2 loại phòng ngừa rủi ro sau:

1. Phòng ngừa rủi ro theo giá trị hợp lý 

Các công cụ phòng ngừa rủi ro theo giá trị hợp lý bảo vệ sự thay đổi giá trị được ghi nhận của tài sản hoặc nợ phải trả mà có thể ảnh hưởng đến P/L.

Ví dụ: Hợp đồng giúp bảo vệ giá trị hợp lý của các khoản vay lãi suất cố định do thay đổi lãi suất.

Lãi lỗ trên các công cụ phòng ngừa rủi ro này sẽ được ghi nhận:

  • Vào OCI: nếu công cụ phòng ngừa rủi ro cho các khoản đầu tư vào công cụ vốn được ghi nhận theo FVTOCI
  • Vào P/L: trường hợp còn lại

Trong cả 2 trường hợp, lãi lỗ của các khoản mục phòng ngừa rủi ro đều sẽ điều chỉnh giá trị ghi sổ của khoản mục này.

Ví dụ: Ngày 1.7.2020, doanh nghiệp A mua 10,000 kg nguyên liệu được ghi nhận dưới khoản mục hàng tồn kho với giá $220 mỗi kg, tương ứng với tổng giá trị $2.2m. A lo lắng rằng giá của nguyên liệu này trong tương lai sẽ giảm nên vào cùng ngày mua này, A đã tham gia vào một hợp đồng tương lai mà  A có quyền và nghĩa vụ phải bán 10,000 kg nguyên liệu này với giá $215 mỗi kg vào ngày 30.6.2021.

Tất cả các điều kiện của IFRS 9 đối với kế toán cho phòng ngừa rủi ro đã được đáp ứng và những điều kiện này tiếp tục được đáp ứng trong suốt thời gian phòng ngừa rủi ro.

Ngày 31.12.2020, giá trị hợp lý của hàng tồn kho này là $200 mỗi kg trong khi giá tương lai  ngày 30.6.2021 là $198 mỗi kg.

Ngày 30.6.2021, nhà giao dịch đã bán hàng tồn kho và đóng vị thế ở mức giá tại thời điểm đó là $190 mỗi kg.

Yêu cầu giải thích hạch toán kế toán cho từng giao dịch trên.

Lời giải

Đây là một biện pháp phòng ngừa giá trị hợp lý vì  A đang tự bảo hiểm giá trị hợp lý của hàng tồn kho.

  • Ngày 31.12.2020
    • Giá trị hợp lý của hàng tồn kho giảm đi một khoản: 10,000 x ($200 - $220) = $200,000 

      Debit      P/L                                                   $200,000

      Credit     Hàng tồn kho                                                         $200,000

    • Giá trị của tài sản hợp đồng tương lai tăng một khoản:
                                                                                        10,000 x ($215 - $198) =  $170,000

      Debit      Tài sản hợp đồng tương lai             $170,000

      Credit     P/L                                                                         $170,000

  • Ngày 30.06.2021

    • Giá trị hợp lý của hàng tồn kho giảm đi một khoản: 10,000 x ($190 - $200) = $100,000 

      Debit        P/L                                                  $100,000

      Credit       Hàng tồn kho                                                        $100,000

    • Giá trị của tài sản hợp đồng tương lai tăng một khoản:
                                                                                          10,000 x ($198 - $190) = $80,000

      Debit        Tài sản hợp đồng tương lai             $80,000

      Credit       P/L                                                                         $80,000

    • Hàng tồn kho được bán tại giá trị ghi sổ lúc này là $2.2 - $0.2 – $0.1 = $1.9m, thấp hơn $300,000 so với giá gốc ban đầu.

      Debit        P/L (Cost of sales)                            $1,900,000

      Credit       Hàng tồn kho                                                          $1,900,000

    • Doanh thu cũng được ghi nhận giá trị tương tự do nguyên liệu này được ghi nhận tại giá trị hợp lý hiện tại là $190 và cũng là giá bán.
      Debit         Cash                                                $1,900,000
      Credit        Doanh thu                                                               $1,900,000
    • Tuy nhiên, sự giảm giá trị này đã được giảm nhẹ bằng cách bán tài sản hợp đồng tương lai với giá $215 thay vì tại giá thị trường là $190 mỗi kg. Hợp đồng tương lai là một hợp đồng trao đổi mua bán nên hợp đồng này được thanh toán bằng tiền mặt trên thị trường: 10,000 x ($215 - $190) = $250,000
      Debit         Cash                                                 $250,000
      Credit        Tài sản hợp đồng tương lai                                    $250,000

Do đó, A chỉ lỗ tổng thể là $300,000 - $250,000 = $50,000.

Mục đích của biện pháp phòng ngừa là để loại bỏ rủi ro, nhưng vì giá tương lai biến động khác với giá giao ngay nên không phải lúc nào cũng loại bỏ hết được rủi ro. Vì vậy, khoản lỗ nhỏ $50,000 vẫn phát sinh.

2. Phòng ngừa rủi ro theo dòng tiền 

Các công cụ phòng ngừa rủi ro theo dòng tiền giúp phòng ngừa rủi ro thay đổi giá trị của các dòng tiền trong tương lai từ một tài sản hoặc nợ phải trả được ghi nhận (hoặc giao dịch dự đoán có khả năng xảy ra cao) có thể ảnh hưởng đến P/L.

Ví dụ: Phòng ngừa rủi ro cho dòng thu nhập lãi suất biến đổi.

Các công cụ này được hạch toán như sau:

  • Phần lãi lỗ của công cụ phòng ngừa rủi ro có hiệu lực: ghi nhận vào OCI và vào khoản mục dự trữ cho rủi ro dòng tiền (cash flow hedge reserve) trên SoFP/BS.
  • Bất kỳ khoản nào vượt quá: được ghi nhận ngay vào P/L.

Số dư khoản mục dự trữ cho rủi ro dòng tiền được hạch toán như sau:

  • Nếu một giao dịch dự báo phòng ngừa rủi ro sau đó dẫn đến việc ghi nhận tài sản phi tài chính hoặc nợ phải trả phi tài chính: giá trị này sẽ được loại bỏ khỏi khoản mục dự trữ cho rủi ro dòng tiền và được tính trực tiếp vào giá gốc hoặc vào giá trị ghi sổ của tài sản hoặc nợ phải trả.
  • Đối với tất cả các loại phòng ngừa rủi ro dòng tiền còn lại: giá trị này sẽ được phân loại lại từ OCI vào P/L trong cùng kì với các dòng tiền được bảo vệ trong tương lai có ảnh hưởng lên P/L.

VIII. Thuyết minh (IFRS 7)

Đối với CCTC, một số thuyết minh quan trọng cần lưu ý gồm:

  • Chi tiết giá trị ghi sổ theo loại công cụ tài chính
  • Chi tiết về bất kỳ tài sản tài chính nào được phân loại lại
  • Chi tiết về bất kỳ tài sản tài chính và nợ phải trả nào được cấn trừ
  • Tài sản tài chính được cầm cố
  • Tài khoản dự phòng cho các khoản đầu tư vào công cụ nợ được đo lường theo FVTOCI (không được cấn trừ với giá trị ghi sổ trong SoFP)
  • Chi tiết về bất kỳ sự kiện vi phạm nào trong việc thanh toán lãi gốc của các khoản vay phải trả trong kỳ hoặc vi phạm các điều khoản
  • Ảnh hưởng của các công cụ tài chính đến P/L
  • Tóm tắt các chính sách kế toán trọng yếu liên quan đến các công cụ tài chính
  • Phòng ngừa rủi ro - chiến lược quản lý rủi ro và bảng số thể hiện ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hoạt động tài chính
  • Các phương pháp được sử dụng để đo lường giá trị hợp lý.

Author: Ân Nguyễn