Tổng quan các nghề nghiệp phổ biến

So Sánh Kế Toán Tài Chính Và Kế Toán Quản Trị (P1: Những Điểm Tương Đồng)

Kế toán - Kiểm toán là lĩnh vực mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp với lộ trình phát triển rõ ràng cho nhân sự. Trong đó, vị trí quan trọng phải kể đến là Kế toán tài chính và Kế toán quản trị. Cùng hiểu rõ hơn về 2 nghề này trong chuỗi bài này nhé!

so sánh kế toán tài chính và kế toán quản trị

>> Xem thêm: So Sánh Kế Toán Tài Chính Và Kế Toán Quản Trị (P2: Những Điểm Khác Biệt)

1. Bản Chất Của Kế Toán Tài Chính Và Kế Toán Quản Trị

Kế toán tài chính là vị trí kế toán thực hiện các công việc liên quan đến thu thập, phân tích, đánh giá và cung cấp những dữ liệu liên quan đến thông tin kinh tế. Các nghiệp vụ này phục vụ cho việc lập thành báo cáo tài chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng như: ban lãnh đạo công ty và các bên liên quan như nhà đầu tư, chủ nợ, cơ quan thuế,... Có thể thấy, về bản chất, Kế toán tài chính tập trung vào cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp để các bên liên quan có thể đánh giá khả năng tài chính, hiệu quả hoạt động và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp đó.

so sánh kế toán tài chính và kế toán quản trị-1

Trong khi đó, Kế toán quản trị là người giữ vai trò thu thập thông tin về thực trạng trong nội bộ doanh nghiệp, đặc biệt là tình hình tài chính. Thông qua việc xác định, đo lường, Kế toán quản trị sẽ truyền đạt thông tin tới các nhà quản lý cấp cao nhằm giúp họ đưa ra quyết định và chiến lược kinh doanh sao cho mang lại hiệu quả điều hành tối ưu nhất.

2. Kế Toán Tài chính Và Kế Toán Quản Trị Có Vai Trò Gì Trong Doanh Nghiệp?

Kế toán tài chính đóng vai trò CUNG CẤP THÔNG TIN cần thiết cho việc ra quyết định, quản lý rủi ro, giải quyết tranh chấp và xác định khả năng vay vốn. Cụ thể, vai trò của Kế toán tài chính bao gồm:

  • Cung cấp thông tin cho quyết định kinh doanh:

Doanh nghiệp và các bên liên quan bên ngoài có thể sử dụng thông tin từ các báo cáo Kế toán tài chính để đưa ra các quyết định phù hợp với tình hình kinh tế, bao gồm cả quyết định về đầu tư, mở rộng hoặc giảm thiểu quy mô hoạt động.

  • Quản lý rủi ro tài chính:

Thông qua việc phân tích và đánh giá tình hình tài chính, Kế toán tài chính giúp doanh nghiệp nhận biết và quản lý các rủi ro liên quan đến biến động tài chính, từ đó đưa ra các chiến lược phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

  • Giải quyết tranh chấp và kiện tụng:

Các thông tin từ các báo cáo Kế toán tài chính có thể được sử dụng để chứng minh về tình trạng tài chính của doanh nghiệp trong các trường hợp tranh chấp pháp lý, kiện tụng hoặc các vấn đề liên quan đến tài chính.

  • Chứng minh khả năng vay vốn:

Các ngân hàng và tổ chức tài chính thường yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về tình hình tài chính để đánh giá khả năng trả nợ. Kế toán tài chính cung cấp các báo cáo và số liệu cần thiết để doanh nghiệp có thể chứng minh khả năng vay vốn và đáp ứng các yêu cầu về tài chính của các tổ chức tín dụng.

so sánh kế toán tài chính và kế toán quản trị-2

Kế toán quản trị đóng vai trò trong việc ĐỊNH HÌNH và THÚC ĐẨY tầm nhìn dài hạn của tổ chức thông qua việc xây dựng chiến lược kinh doanh. Những vai trò quan trọng của kế toán quản trị có thể kể đến như:

  • Định hướng phương án và kế hoạch hoạt động:

Kế toán quản trị giúp doanh nghiệp xác định và triển khai các mục tiêu tài chính ngắn, trung và dài hạn. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể chuẩn bị và quản lý nguồn lực tài chính một cách hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. 

  • Tổ chức thực hiện kế hoạch:

Kế toán quản trị thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu đã được đề ra, đồng thời đảm bảo sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả và đối phó với các rủi ro có thể phát sinh.

  • Đo lường và đánh giá:

Kế toán quản trị đo lường và đánh giá kết quả so với mục tiêu ban đầu. Nhờ đó, các bộ phận trong tổ chức có thể xác định được mức độ tiến triển theo kế hoạch và tập trung vào việc cải thiện hiệu suất.

  • Ra quyết định:

Kế toán quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định chiến lược để nâng cao hiệu suất và tiết kiệm ngân sách. Thường thì các vai trò này sẽ được đảm nhận bởi giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng của tổ chức.

3. 05 Điểm Giao Thoa Nổi Bật Giữa Kế Toán Tài Chính Và Kế Toán Quản Trị

so sánh kế toán tài chính và kế toán quản trị-3

Dù có sự khác biệt đáng kể về bản chất nhưng 2 vị trí này vẫn có một số điểm chung nhất định như: 

  • Sử dụng cùng bộ dữ liệu kế toán:

Cả hai vị trí đều sử dụng dữ liệu kế toán làm nền tảng cho hoạt động của mình. Dữ liệu này được thu thập từ các chứng từ gốc, sổ sách kế toán và các nguồn dữ liệu khác trong doanh nghiệp.

  • Đều cung cấp thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp:

Mặc dù Kế toán quản trị tập trung vào thông tin chi tiết phục vụ cho mục đích quản trị nội bộ, Kế toán tài chính cung cấp thông tin đồng thời cho nội bộ và cả bên ngoài, nhưng cả hai đều phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định.

  • Phương pháp và kỹ thuật kế toán giống nhau:

Cả hai lĩnh vực đều sử dụng các phương pháp và kỹ thuật kế toán cơ bản như ghi sổ, hạch toán, kế toán,... để xử lý dữ liệu và lập báo cáo.

  • Đều góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp:

Mặc dù Kế toán quản trị hỗ trợ nhà quản trị ra quyết định, trong khi, kế toán tài chính cung cấp thông tin cho các bên liên quan để đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định đầu tư, nhưng cả hai đều góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

  • Đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật:

Cả Kế toán quản trị và Kế toán tài chính đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán và thuế.

4. Mối Tương Quan Giữa Kế Toán Tài Chính Và Kế Toán Quản Trị

Kế toán tài chính và Kế toán quản trị trong doanh nghiệp có mối quan hệ biện chứng và tương tác mật thiết với nhau. Hoạt động của vị trí này sẽ hỗ trợ, bổ sung cho vị trí kia, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

so sánh kế toán tài chính và kế toán quản trị-4

Cụ thể, quá trình tương tác giữa 2 vị trí này biểu hiện ở các khía cạnh:

  • Về dữ liệu và thông tin:

Chuyên viên Kế toán quản trị sẽ phụ trách thu thập dữ liệu chi tiết từ các hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, bao gồm thông tin về chi phí sản xuất, hiệu suất lao động và dòng tiền. Những dữ liệu này tiếp tục được sử dụng để phân tích và đưa ra quyết định quản lý nguồn lực nội bộ. Đồng thời, thông tin này sẽ được chuyên viên Kế toán Tài chính sử dụng để lập báo cáo tài chính như báo cáo lãi lỗ, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bảng cân đối kế toán, cung cấp cái nhìn tổng quan về hiệu suất tài chính của doanh nghiệp.

  • Về quyết định chiến lược:

Chuyên viên kế toán quản trị cung cấp thông tin và phân tích cho các bộ phận quản lý để hỗ trợ việc ra quyết định chiến lược, bao gồm định giá sản phẩm, phân phối nguồn lực và phát triển chiến lược kinh doanh. Bộ phận Kế toán tài chính sẽ từ đó sử dụng thông tin này để đánh giá tác động của các quyết định chiến lược lên hiệu suất tài chính cũng như xác định các rủi ro và cơ hội tài chính của doanh nghiệp.

  • Dự báo và dự đoán:

Chuyên viên Kế toán quản trị thường dự báo và dự đoán về các hoạt động kinh doanh trong tương lai, từ dòng tiền đến hiệu suất tài chính. Những dự báo này là căn cứ để chuyên viên Kế toán Tài chính lập kế hoạch nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính của doanh nghiệp.

  • Quản lý rủi ro:

Kế toán quản trị đánh giá và quản lý các rủi ro liên quan đến chi phí, hiệu suất và nguồn lực. Các đánh giá này được chuyên viên Kế toán Tài chính vận dụng trong quá trình đánh giá tác động của các rủi ro đến bảng cân đối kế toán và lưu chuyển tiền tệ, từ đó đưa ra các biện pháp kiểm soát tài chính phù hợp.

Lời kết

Có thể thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa Kế toán tài chính và Kế toán quản trị là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đảm bảo có được thông tin chính xác và kịp thời, từ việc phân tích chi phí đến việc dự báo tài chính và quản lý nguồn lực tài chính. Qua đó giúp tăng cường sự hiệu quả và hiệu suất của doanh nghiệp.

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn “bỏ túi” những thông tin hữu ích xung quanh hai nghề này. Trong phần tới, SAPP sẽ đi sâu vào bóc tách những điểm khác biệt giữa 2 vị trí này. Cùng đón chờ nhé!

>> Xem thêm:

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

  • Hotline: 19002225 (Phân nhánh 2)