Big 4 - Kinh nghiệm cho vòng test năng lực phần kiến thức chuyên môn
  1. SAPP Knowledge Base
  2. Kinh nghiệm thi tuyển Big4 và Non Big
  3. Big 4 - Kinh nghiệm cho vòng test năng lực phần kiến thức chuyên môn

[Test - Accounting - Kiến thức] SO SÁNH VAS 02 VÀ IAS 2 VỀ HÀNG TỒN KHO

Việt Nam đã ban hành Chuẩn mực kế toán số 02 – Hàng tồn kho (VAS 02) tương ứng với Chuẩn mực kế toán về hàng tồn kho (IAS 02)

Mục đích của chuẩn mực kế toán quốc tế số 2 (IAS 2) và chuẩn mực kế toán Việt Nam số 2 (VAS 02) – Hàng tồn kho là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán hàng tồn kho, gồm xác định giá trị và kế toán hàng tồn kho vào chi phí, ghi giảm giá hàng tồn kho cho phù hợp với giá trị thuần có thể thực hiện được và phương pháp tính giá trị hàng tồn kho làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

Sau đây, Ad sẽ đi chi tiết về sự giống nhau và khác nhau giữa 2 chuẩn mực này:

1. Định nghĩa về hàng tồn kho

1.1 Giống nhau: cả IAS 2 và VAS 02 đều định nghĩa về hàng tồn kho như sau:

  • Hàng hóa mua về để bán như: Các hàng hóa do một đại lý mua về để bán hoặc đất đai và các tài sản khác được giữ để bán
  • Thành phẩm tồn kho hoặc sản phẩm dở dang
  • Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ
  • Chi phí dịch vụ dở dang

1.2 Khác nhau: Tương tự nội dung của IFRS, tuy nhiên VAS không đề cập đến trường hợp hàng tồn kho bao gồm cả đất và các tài sản khác được giữ lại để bán (theo IAS 02 – khoản 10 và VAS – khoản 3)

2. Xác định giá gốc hàng tồn kho

2.1 Giống nhau:

Giá gốc hàng tồn kho bao gồm: chi phí thu mua, chi phí chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiệu quả (IAS 2 – mục 10 và VAS 02 – mục 03)

Trong đó các chi phí xác định như sau:

  • Chi phí thu mua của hàng tồn kho bao gồm: giá mua, các loại thuế không được hoàn lại, chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản trong quá trình mua hàng và các chi phí có liên quan trực tiếp đến việc mua hàng tồn kho. Các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá hàng mua không đúng quy cách, phẩm chất được trừ khỏi chi phí đi mua (IAS 2 – khoản 11, VAS 02 – khoản 06)
  • Chi phí chế biến: chi phí chế biến hàng tồn kho bao gồm những chi phí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm sản xuất, như chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung cố định và chi phí sản xuất chung biến đổi phát sinh trong quá trình chuyển hóa nguyên liệu, vật liệu thành thành phẩm.

Chi phí sản xuất chung cố định là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường khồn thay đổi theo số lượng sản phẩm sản xuất, như chi phí khấu hao, chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị nhà xưởng,... và chi phí quản lý hành chính ở các phân xưởng sản xuất.

Chi phí sản xuất chung biến đổi là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường thay đổi trực tiếp hoặc gần như trực tiếp theo số lượng sản phẩm sản xuất, như chi phí nguyên liệu, vật liệu gián tiếp, chi phí nhân công gián tiếp.

  • Không bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái

2.2 Khác nhau:

  • Chi phí khác: Theo IAS 2, trong một số trường hợp chi phí đi vay được hạch toán vào giá trị hàng tồn kho theo quy định của IAS 23 – chi phí đi vay. Khi mua hàng tồn kho theo phương thức trả chậm, số tiền chênh lệch cao hơn so với giá trị khi mua theo điều khoản nợ thông thường sẽ được hạch toán vào chi phí tài chính trong kỳ trả chậm. Trong khi đó, VAS 02 không đề cập đến.
  • Phân bổ chi phí biến đổi cho giá thành phẩm: Theo IAS 2, phân bổ khấu hao máy móc theo giá trị có thể thực hiện được (mang tính ước lượng tương đối). Theo VAS 02, phân bổ khấu hao máy móc theo thực tế sản phẩm phát sinh

3. Đối tượng hàng tồn kho

    3.1 Giống nhau:

    Cả IAS 2 và VAS 02 đều quy định đối tượng của hàng tồn kho bao gồm:

    • Hàng hóa mua về để bán
    • Thành phẩm tồn kho hoặc sản phẩm dở dang
    • Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho phục vụ quá trình sản xuất
    • Chi phí dịch vụ dở dang

    3.2 Khác nhau:

    Đối với hàng tồn kho là sản phẩm nông nghiệp, khai khoáng: Theo IAS 2, không áp dụng đối với hàng tồn kho kho thuộc sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản, và môi giới thương mại (tham khảo IAS 41). Theo VAS 02, không có quy định cụ thể là không được áp dụng

    4. Giá trị thuần có thể thực hiện được và trường hợp giảm giá trị hàng tồn kho

    4.1 Giống nhau:

    IAS và VAS đều quy định giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho được xác định theo giá gốc: Giá trị thuần có thể thực hiện được là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh trừ đi chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng. Việc ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho phải dựa trên bằng chứng tin cậy thu thập được tại thời điểm ước tính.

    4.2 Khác nhau:

    Trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn (hoặc cao hơn) giá trị gốc:

    • IAS 2: Khi giá trị hàng tồn kho được tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Trong đó giá trị thuần có thể thực hiện được là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh trừ đi chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng.
    • VAS: Khi giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho nhỏ hơn giá gốc thì phải lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Số dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập là số chênh lệch giữa giá gốc của hàng tồn kho lớn hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của chúng

    5. Đối tượng lập dự phòng

      Khác nhau:

      • Theo IAS: Chủ yếu là các loại hàng tồn kho dùng để bán. Các loại hàng tồn kho dùng để sản xuất chỉ lập dự phòng khi bán các thành phẩm sản xuất ra từ các loại vật tư đó giảm sút trên thị trường. Đối với hàng hóa thành phẩm: là chênh lệch giữa giá trị có thể thực hiện được với giá sổ sách. Đối với các loại hàng tồn kho dự trữ cho sản xuất: là chênh lệch giữa giá phí thay thế với giá sổ sách.
      • Theo VAS: Toàn bộ các loại vật tư, sản phẩm hàng hóa tồn kho. Là chênh lệch giữa giá ghi trên sổ sách với giá mua hoặc giá bán. Điều kiện: Đảm bảo cho doanh nghiệp không bị lỗ.

      6. Phương pháp tính giá hàng tồn kho

        6.1 Giống nhau:

        Theo IAS 2 và VAS 02 đều quy định các phương pháp tính giá trị hàng tồn kho như sau: Nhập trước, xuất trước (FIFO), Bình quân gia quyền, Tính giá theo đích danh.

        6.2 Khác nhau:

        Phương pháp nhập sau, xuất trước (LIFO) hiện nay không còn sử dụng nữa theo IAS 02. Nhưng vẫn sự dụng theo quy định VAS – khoản 13.

        7. Phương pháp hạch toán

        Giống nhau: Hạch toán mức dự phòng và hoàn nhập dự phòng vào giá vốn hàng bán

        8. Cách tính toán và trình bày

        8.1 Giống nhau:

        IAS 2 khoản 36 và VAS 02 khoản 27 đều quy định báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải trình bày:

        • Các chính sách kế toán áp dụng trong việc đánh giá hàng tồn kho, gồm cả phương pháp tính giá trị hàng tồn kho
        • Giá gốc của tổng số hàng tồn kho và giá gốc của từng loại hàng tồn kho được phân loại phù hợp với doanh nghiệp
        • Giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho
        • Giá trị hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
        • Những trường hợp hay sự kiện dẫn đến việc trích lập thêm hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
        • Giá trị ghi sổ của hàng tồn kho (Giá gốc – dự phòng giảm giá hàng tồn kho) đã dùng để thế chấp, cầm cố đảm bảo cho các khoản nợ phải trả

        8.2 Khác nhau:

        Quy định đối với trường hợp doanh nghiệp áp dụng phương pháp LIFO (nhập sau xuất trước):

        • Theo IAS: không còn áp dụng
        • Theo VAS: BCTC phải phản ánh chênh lệch giữa giá trị HTK trình bày trong BCĐKT với giá trị HTK cuối kỳ được tính theo các PP FIFO, BQGQ, LIFO hoặc giá hiện hành của HTK cuối kỳ tại ngày lập BCĐKT... Trình bày chi phí về HTK trên BCĐKt được phân loại chi phí theo chức năng.

        Từ khi được ban hành cho đến nay chuẩn mực kế toán số 02 đã được áp dụng 17 năm vào thực tế, các doanh nghiệp đã vận dụng linh hoạt vào quá trình hạch toán Hàng Tồn Kho. Điều đó cho thấy rằng, có thể còn tồn tại một số mặt hạn chế, nhưng chuẩn mực về cơ bản là thuận tiện, phù hợp trong việc áp dụng vào điều kiện đặc thù của Việt Nam.

        Author: Minh Thuy Tran