[Level 1] Ethical & Professional Standards

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] của Reading 56: Ethics and trust in the investment profession

Tổng hợp các kiến thức quan trọng, cần lưu ý khi học reading 1 trong chương trình CFA level 1

1. Định nghĩa về đạo đức của nhà tư vấn đầu tư

  • Đạo đức được định nghĩa là niềm tin của số đông về những điều được coi là đúng/ chưa đúng hoặc có thể/ không thể chấp nhận được.
  • Hành vi đạo đức là những hành vi tuân theo các nguyên tắc đạo đức, nhằm cân bằng giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của các bên có lợi ích liên quan (“stakeholders”). Một hành vi đạo đức, đôi lúc có thể đồng nghĩa với việc đặt lợi ích của các bên liên quan lên trên lợi ích cá nhân.
    • Ví dụ: Thông báo cho khách hàng của bạn về các rủi ro tiềm tàng liên quan tới khoản đầu tư có thể coi là một hành vi có đạo đức, bởi điều đó giúp khách hàng đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn, mặc dù điều đó cũng đồng nghĩa với việc lợi ích cá nhân của bạn bị ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định đầu tư đó.

2. Vai trò của các quy tắc đạo đức đối với nghề tư vấn đầu tư

  • Quy tắc đạo đức (codes of ethics) là một bộ nguyên tắc bằng văn bản quy định những hành vi có thể chấp nhận. Việc đưa ra Quy tắc đạo đức là cách để doanh nghiệp tuyên truyền giá trị và kỳ vọng của mình về tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu cần tuân thủ. 
  • Quy tắc đạo đức đối với nghề tư vấn đề tư là một phương tiện để khẳng định mỗi Hội viên trong nghề luôn sử dụng kiến thức và kĩ năng của mình để mang lại lợi ích cho khách hàng theo cách trung thực và có đạo đức.  

3. Khái niệm về nghề nghiệp chuyên môn và cách gây dựng lòng tin từ phía khách hàng

  • Nghề nghiệp chuyên môn (profession) là hình thức công việc đòi hỏi kiến thức, kĩ năng được đào tạo chuyên biệt, có trình độ cao, thường tập trung vào các hoạt động, dịch vụ mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, xã hội.
  • Một nghề nghiệp chuyên môn có thể đem lại sự tin tưởng bằng cách:
    • Yêu cầu Hội viên/ thành viên trong nghề đạt yêu cầu về chuyên môn, kiến thức, kỹ năng
    • Thiếp lập tiêu chuẩn và hành vi có đạo đức
    • Giám sát quá trình hoạt động chuyên nghiệp
    • Khuyến khích Hội viên/ thành viên liên tục học hỏi, trau dồi kiến thức, củng cố năng lực
    • Tập trung giải quyết nhu cầu của khách hàng
    • Truyền cảm hứng cho các Hội viên/ thành viên trong nghề

4. Sự cần thiết của các chuẩn mực đạo đức đối với ngành đầu tư

Tiêu chuẩn đạo đức thực sự quan trọng đối với ngành đầu tư, vì một số lý do như sau:

  • Lợi ích của khách hàng hoàn toàn được uỷ thác/ giao phó cho nhà tư vấn đầu tư, khiến cho trách nhiệm của nhà tư vấn phải sử dụng kiến thức, kĩ năng chuyên môn để bảo vệ tài sản và đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng càng trở nên lớn và quan trọng hơn.
  • Những lời tư vấn chiến lược đầu tư/ quản lý tài sản là vô hình, khiến cho việc đánh giá chất lượng và giá trí mà khách hàng nhận được khó khăn hơn nhiều so với những sản phẩm hữu hình.
  • Một cá nhân thực hiện hành vi thiếu đạo đức sẽ không chỉ ảnh hưởng đến riêng quyền lợi của khách hàng, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của công ty chủ quản và các đồng nghiệp vì cá nhân đó đã khiến khách hàng mất niềm tin vào dịch vụ mà công ty chủ quản cung cấp.

5. Thách thức đối với việc đảm bảo tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực đạo đức

  • Điều đầu tiên, các nhà tư vấn đầu tư thường có xu hướng cho rằng thách thức phần lớn đến từ yếu tố nội tại (phẩm chất cá nhân). Tuy nhiên, họ thường tự tin thái quá về đạo đức của chính mình, cho rằng mức độ đạo đức của bản thân cao hơn so với số đông. 
  • Thực chất, sự thật rằng các yếu tố ngoại cảnh, ảnh hưởng mang yếu tố tình huống (situational influences) mới là tác nhân chính tạo ra các hành vi vi phạm đạo đức. Các yếu tố ngoại cảnh có thể tác động tới việc ra quyết định của một nhà tư vấn, chẳng hạn tiền thưởng, sự thăng tiến, sự trung thành với công ty chủ quản … 
  • Thách thức thứ ba, có thể đến ngay từ việc công ty chủ quản quá đặt nặng tính tuân thủ, dẫn đến việc nhân viên áp dụng máy móc các chuẩn mực, quy chuẩn. Các nhà tư vấn tài chính từ đó sẽ hình thành nên tư duy “làm cho có", mà không cân nhắc thêm những việc "nên làm" dựa trên nguyên tắc đạo đức.

6. Tính chuyên nghiệp trong ngành quản lý đầu tư

Tính chuyên nghiệp trong ngành quản lý đầu tư được thể hiện ở một số đặc tính như sau:

  • Có tiêu chuẩn về hoạt động chuyên nghiệp
  • Có cơ quan quản lý (regulatory body) ban hành các nguyên tắc, giám sát hoạt động chuyên nghiệp của Hội viên/ thành viên
  • Tập trung giải quyết nhu cầu của khách hàng
  • Tập trung phục vụ vì lợi ích chung của xã hội
  • Đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu
  • Yêu cầu Hội viên/ thành viên luôn chủ động học hỏi, cập nhật kiến thức

Ngoài ra, tuỳ vào mỗi quốc gia quy định, một nhà tư vấn đầu tư có thể tuân theo:

  • Tiêu chuẩn phù hợp (Suitability Standard): Đưa ra lời khuyên, tư vấn phù hợp nhất hoàn cảnh và đặc điểm cá nhân của khách hàng. Tiêu chuẩn này không yêu cầu người tư vấn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu (ví dụ: Khuyến nghị đầu tư được đưa ra là phù hợp nhất với khách hàng, nhưng có mức phí cao hơn so với những khuyến nghị đầu tư khác)
  • Tiêu chuẩn uỷ thác (Fiduciary Standard): Tiêu chuyển quy định rằng các Hội viên/ ứng viên phải hành động vì lợi ích của khách hàng, đặt lợi ích của khách hàng lên trước lợi ích của bản thân.

7. Phân biệt giữa các chuẩn mực đạo đức và quy phạm pháp luật

  • Một hành vi được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức chưa chắc đã bị coi là vi phạm pháp luật, và ngược lại.
  • Chuẩn mực đạo đức, thông thường, đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn so với pháp luật. Một số điều luật mới được ban hành xuất phát từ mục đích ngăn chăn những hành vi bị coi thiếu đạo đức.
  • Nói chung, việc quyết định một hành vi là thiếu đạo đức hay không đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng hơn so với việc quyết định một hành vi vi phạm pháp luật, cùng với đó phải cân nhắc tác động ảnh hưởng tới nhiều bên liên quan.

8. Mô hình ra quyết định đạo đức của nhà tư vấn đầu tư

CFA Institute trình bày một khuôn khổ (“framework”) giúp cho nhà tư vấn tài chính có thể đưa ra quyết định nhằm đảm bảo hành vi cá nhân phù hợp với các quy chuẩn đạo đức. Khuôn khổ bao gồm 4 bước lặp đi lặp lại, bao gồm:

Để cụ thể hóa cho việc áp dụng khuôn khổ trên, chúng ta có thể lấy một ví dụ như sau:

Bạn là một nhà tư vấn tài chính và công ty của bạn đang tham gia tư vấn trong một thương vụ IPO. Công ty yêu cầu bạn đưa ra một định giá theo hướng có lợi dành cho công ty đối tác. Sau quá trình nghiên cứu, bạn nhận thấy rằng bạn không nên định giá công ty đó quá cao, do thu nhập tiềm năng trong tương không cao.

Bước 1: Xác định

  • Sự kiện, thông tin trọng yếu liên quan: Nếu thương vụ IPO này thất bại, công ty của bạn có thể sẽ mất thêm nhiều các hợp đồng khác trong tương lai.
  • Các bên liên quan: công ty của bạn, toàn bộ thị trường tài chính nói chung
  • Nghĩa vụ của bạn đối với các bên liên quan: bạn phải giữ sự trung thành đối với công ty của bạn, nhưng đồng thời cũng cần đảm bảo uy tín đối với thị trường tài chính khi đưa ra định giá về công ty đối tác
  • Các nguyên tắc được áp dụng; Chuẩn mực IV (A) – Nghĩa vụ đối với công ty chủ quản; Chuẩn mực III (A) – Luôn ưu tiên lợi ích của khách hàng và Chuẩn mực V (A) – Cơ sở hợp lý khi đưa ra các khuyến nghị

Bước 2: Xem xét và cân nhắc:

  • Những ảnh hưởng mang tính chất tình huống/định kiến: sự chung thành của bạn với công ty chủ quản và các khoản thưởng bạn có thể nhận được nếu thương vụ thành công
  • Các chỉ dẫn khác: sau khi tham vấn với bộ phận pháp chế, bạn được chỉ dẫn rằng cần phải đưa ra các cơ sở hợp lý khi khuyến nghị khách hàng, dựa theo Chuẩn mực V(A). Ngoài ra dựa theo các quy tắc và chuẩn mực, bạn với tư cách là một nhà tư vấn tài chính luôn phải đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.

Bước 3: Quyết định và hành động

Dựa trên những đánh giá và nhận định trên, bạn đánh giá rằng định giá cần được xây dựng dựa trên cơ sở hợp lý, và lợi ích của khách hàng phải được đặt trên hết. Bạn cần phải từ chối yêu cầu của công ty chủ quản về việc đưa ra định giá có lợi hơn cho công ty đối tác.

Bước 4: Đánh giá kết quả

Reviewed: Cam Tu Vu