Tóm tắt các kiến thức quan trọng liên quan đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp số III - Trách nhiệm với Khách hàng, đây cũng là một chuẩn mực xuất hiện tương đối nhiều trong các bài thi CFA level 1
1. Nội dung chuẩn mực
1.1. Standard III(A) - Loyalty, Prudence, and Care (Trung thành, Thận trọng và Quan tâm)
Các Thành viên và Ứng viên có bổn phận trung thành với khách hàng và phải hành động với sự quan tâm hợp lý và xét đoán thận trọng. Các Hội viên và Ứng viên phải hành động vì lợi ích của khách hàng và đặt lợi ích khách hàng trên lợi ích của công ty và lợi ích riêng của các Hội viên và Ứng viên.
1.2. Standard III(B) - Fair Dealing (Đối xử công bằng)
Các Thành viên và Ứng viên phải đối xử công bằng và khách quan với mọi khách hàng khi cung cấp phân tích đầu tư, đề xuất kiến nghị đầu tư, thực hiện đầu tư, hoặc tham gia vào các hoạt động chuyên môn khác.
1.3. Standard III(C) – Suitability (Phù hợp)
Khi tham gia vào mối quan hệ tư vấn với khách hàng, các Hội viên viên và Ứng viêncó trách nhiệm:
-
- Tiến hành điều tra hợp lý kinh nghiệm đầu tư, mục tiêu rủi ro và lợi nhuận, và
khó khăn tài chính của khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng trước khi đưa ra
các khuyến nghị đầu tư hoặc thực hiện đầu tư và phải đánh giá lại và cập nhật
các thông tin này một cách thường xuyên. - Xác định xem tài sản đầu tư có phù hợp với tình hình tài chính của khách
hàng và theo đúng các mục tiêu, ủy nhiệm đầu tư và hạn chế đã xác định của
khách hàng hay không khi đưa ra khuyến nghị đầu tư hoặc thực hiện đầu tư - Đánh giá sự phù hợp của các tài sản đầu tư trên phương diện tổng danh mục
đầu tư của khách hàng.
- Tiến hành điều tra hợp lý kinh nghiệm đầu tư, mục tiêu rủi ro và lợi nhuận, và
Khi chịu trách nhiệm quản lý một danh mục đầu tư theo ủy nhiệm đầu tư, chiến lược hoặc phong cách cụ thể, các Hội viên viên và Ứng viên chỉ được đưa ra các khuyến nghị đầu tư hoặc thực hiện các hoạt động đầu tư phù hợp với các mục tiêu và hạn chế đã được xác định của danh mục đầu tư.
1.4. Standard III(D) - Performance Presentation (Trình bày hiệu quả đầu tư)
Khi công bố các thông tin về hiệu quả đầu tư, các Hội viên và Ứng viên phải nỗ lực hợp lý để đảm bảo rằng các thông tin này công bằng, chính xác và đầy đủ.
1.5. Standard III(E) - Preservation of Confidentiality (Duy trì tính Bảo mật thông tin)
Các Hội viên viên và Ứng viên phải bảo mật thông tin về các khách hàng hiện tại, khách hàng cũ và các khách hàng tiềm năng, trừ khi:
- Các thông tin này liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp của khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng.
- Pháp luật yêu cầu các Thành viên và Ứng viên công bố các thông tin này
- Khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng cho phép công bố các thông tin này
2. Phân tích chuẩn mực
2.1. Standard III(A) - Loyalty, Prudence, and Care (Trung thành, Thận trọng và Quan tâm)
- “Vì lợi ích của khách hàng và đặt lợi ích khách hàng trên lợi ích của công ty và lợi ích riêng”: chuẩn mực III(A) quy định rằng đối với một nhà tư vấn đầu tư, thứ tự về mặt lợi ích cần được ưu tiên, trừ khi xảy ra các hành vi trái pháp luật, làm mất đi tính trong sạch của thị trường tài chính. Như vậy, thứ tự ưu tiên về lợi ích là:
- Sự liêm chính của thị trường > Khách hàng > Công ty > Lợi ích riêng
- “Trung thành với khách hàng”: việc xác định được khách hàng mà bạn có nghĩa vụ tương đối quan trọng. Khách hàng, trong đa phần các trường hợp, được hiểu là người hưởng lợi cuối cùng từ những phương án tư vấn đầu tư của bạn.
- Trong trường hợp bạn là một nhà tư vấn cho cá nhân (individual advisor), khách hàng là cá nhân nhận lời tư vấn đầu tư, thường là những người có ít hiểu biết và kinh nghiệm hơn bạn về thị trường tài chính, sẽ ủy thác cho bạn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư. Trách nhiệm của bạn là hiểu rõ về khẩu vị rủi ro, kinh nghiệm đầu tư, mục tiêu cũng như các hạn chế về mặt tài chính của khách hàng, để từ đó đưa ra một danh mục đầu tư phù hợp nhất, đảm bảo sự đa dạng trong danh mục để giảm thiểu rủi ro và thường xuyên cập nhật cho khách hàng về các quyết định đầu tư, các xung đột về mặt lợi ích có thể có.
- Trong trường hợp bạn là nhà quản lý danh mục đầu tư cho quỹ lương hưu (pension fund), khách hàng ở đây không phải là cấp trên của bạn, mà là những người sẽ hưởng lợi ích từ quỹ hưu đó.
- Tuy nhiên, sẽ có các trường hợp mà khách hàng của bạn không phải là một cá nhân hay một nhóm xác định. Chẳng hạn, trong trường hợp bạn là nhà quản lý danh mục cho quỹ chỉ số (index fund) hoặc quỹ tương hỗ (mutual fund), người được hưởng lợi cuối cùng sẽ là những người góp tiền vào quỹ. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của một nhà tư vấn đầu tư, bạn không thể chịu trách nhiệm đối với số lượng khách hàng quá lớn như vậy. Trách nhiệm của bạn, trong trường hợp này, là đảm bảo các quyết định đầu tư tuân theo chủ trương đầu tư của quỹ. Còn việc nhà đầu tư có nên tiếp tục góp vốn vào quỹ hay không, hay đường lối đầu tư của quỹ có còn phù hợp với cá nhân nhà đầu tư hay không, là trách nhiệm của nhà tư vấn cá nhân (individual advisor).
- Soft commission/soft dollars: Thông thường, bạn sẽ thực hiện việc tư vấn đầu tư và nhận thù lao từ khách hàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bạn còn nhận được một số các lợi ích từ người môi giới (broker) nếu bạn giao dịch với họ. Những lợi ích này gọi là soft dollar. Soft dollar sẽ vi phạm chuẩn mực đạo đức nếu như việc bạn nhận những lợi ích này để giao dịch theo hướng không có lợi cho khách hàng.
- Proxy voting – bỏ phiếu ủy nhiệm: nhà tư vấn đầu tư có thể thay mặt cho khách hàng để biểu quyết về một cổ phiếu nằm trong danh mục của bạn. Xét về mặt lợi ích-chi phí, nhà tư vấn đầu tư không nhất thiết phải tham gia trong tất cả các cuộc bỏ phiếu. Nhà tư vấn đầu tư nên thông báo cho khách hàng về chính sách bỏ phiếu ủy nhiệm của công ty, trước khi thông qua các quyết định quan trọng.
2.2. Standard III(B) - Fair Dealing (Đối xử công bằng)
- “Công bằng và khách quan”: không có sự phân biệt về đối xử đối với tất cả các khách hàng. Các khách hàng phải được đối xử một cách “công bằng”. Công bằng (fair) ở đây không đồng nghĩa với bình đẳng (equal).
- Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư có thể sẽ có các gói dịch vụ khác nhau. Điều này hoàn toàn được cho phép, miễn là các gói dịch vụ này được công bố một cách công khai, và những người trả ít tiền hơn sẽ không gặp bất lợi so với người sử dụng gọi dịch vụ cao cấp hơn. Ví dụ, một người sử dụng premium service sẽ được phép có những đặc quyền như các thủ tục, giấy tờ sẽ được mang đến tận nhà, có nhân viên tư vấn riêng … nhưng sẽ không được ưu tiên được mua nhiều cổ phiếu hơn.
- “Đề xuất kiến nghị đầu tư”: sự công bằng và khách quan trọng việc đưa ra kiến nghị đầu tư là việc đảm bảo tất cả các khách hàng đều có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các kiến nghị đầu tư, các thay đổi trong kiến nghị đầu tư đã công bố trước đó. Các thông tin này đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư đã mua và nắm giữ từ trước đó, hoặc đối với các nhà đầu tư đang quan tâm và chuẩn bị mua/bán.
- “Thực hiện đầu tư”: sự công bằng và khách quan trong việc thực hiện đầu tư được thể hiện ở việc đối xử với tất cả các khách hàng, bất kể là nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức, một cách công bằng khi xét tới mục tiêu và tình hình tài chính (investment objectives and circumstances) của họ.
- Ví dụ: trong trường hợp một cổ phiếu mới IPO bị đăng kí vượt mức (oversubscribed IPO), bạn cần phân bổ số lượng cổ phiếu được chào bán một cách hợp lý và công bằng giữa các nhà đầu tư muốn mua vào. Chẳng hạn, tài khoản của A có số dư lớn gấp đôi B, và cả hai đều muốn mua vào, xét tới tình hình tài chính của họ, A nên được phân phối số lượng cổ phiếu lớn gấp đôi B.
- Nhà tư vấn đầu tư cũng không được phép sử chức năng phân phối quyền mua các chứng khoán “nóng” để tư lợi cá nhân, mà phải ưu tiên và đối xử một cách công bằng với khách hàng.
2.3. Standard III(C) – Suitability (Phù hợp)
- “kinh nghiệm đầu tư, mục tiêu rủi ro và lợi nhuận, và khó khăn tài chính”: để có thể đưa ra kiến nghị đầu tư hợp lý dành cho khách hàng, nhà tư vấn tài chính cần hiểu rõ các kinh nghiệm đầu tư, mục tiêu đầu tư (return objectives) và khả năng chấp nhận rủi ro (risk tolerance), cũng như các hạn chế (constraints). Các hạn chế của khách hàng có thể bao gồm các yếu tố sau: thời gian (time horizon), nghĩa vụ thuế (tax exposure), nhu câu thanh khoản (liquidity needs), các hạn chế pháp lý (legal constraints) và các tình huống đặc biệt khác (unique circumstances).
- Các yếu tố trên cầu thành Chính sách Đầu tư (Investment Policy Statement - IPS) của Công ty. IPS có thể coi là kim chỉ nam trong việc đưa ra quyết định của nhà tư vấn tài chính, cũng như giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cơ sở đưa ra các kiến nghị đầu tư. Nhà tư vấn cần thường xuyên cập nhật các thay đổi trong Chính sách Đầu tư cho nhà đầu tư.
- “Trên phương diện tổng danh mục đầu tư”: một danh mục tối ưu ngoài việc phù hợp với các tiêu chí có sẵn của khách hàng theo IPS, còn cần đạt được sự đa dạng trong danh mục các chứng khoán đầu tư nhằm phân tán rủi ro cho nhà đầu tư.
- Unsolicited trade request – yêu cầu giao dịch không mong muốn: Sẽ có trường hợp khách hàng yêu cầu nhà tư vấn giao dịch một loại chứng khoán nhất định, và với tư cách là một nhà tư vấn đầu tư, bạn cần xem xét sự tương thích của yêu cầu đầu tư đó đối với cả danh mục đầu tư, thông qua quá trình sau được mô tả ở sơ đồ sau:
- “Mục tiêu và hạn chế đã được xác định của danh mục đầu tư”: trên phương diện là nhà quản lý quỹ, bạn sẽ và chỉ được phép thực hiện các quyết định đầu tư dựa trên mục tiêu, hạn chế đã được xác định sẵn, bất kể việc làm đó có tạo ra kết quả tích cực hay tiêu cực.
- Ví dụ: bạn là một nhà quản lý quỹ đi theo chính sách chỉ đầu tư vào các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn (large caps stock), tuy nhiên để tối đa hóa lợi nhuận, bạn quyết định đầu tư vào các cổ phiếu có mức vốn hóa nhỏ (small cap stock). Mặc dù dựa trên mục đích tích cực, tuy nhiên đây lại vi phạm chuẩn mực III(C) do bạn đã không thực hiện theo chiến lược đầu tư đã vạch sẵn của quỹ từ ban đầu.
2.4. Standard III(D) - Performance Presentation (Trình bày về hiệu quả đầu tư)
- Về cơ bản, chuẩn mực III(D) yêu cầu nhà tư vấn đầu tư phải cung cấp các thông tin về hiệu suất đầu tư một cách đáng tin cậy, không được diễn giải sai hoặc cố tình gây hiểu nhầm cho khách hàng.
- Chuẩn mực III(D) khuyến khích việc thông báo đầy đủ các dữ liệu về hiệu suất đầu tư cho khách hàng và các khách hàng tiềm năng.
- “Công bằng, chính xác và đầy đủ”: Do không phải khách hàng nào sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư cũng ý thức được đầy đủ về các thông tin liên quan đến hiệu suất đầu tư, nhà tư vấn tài chính cần cung cấp thông tin đảm bảo cả ba tiêu chí: công bằng, chính xác và đầy đủ để nhà đầu tư có thể đánh giá một cách chính xác. Việc thiếu sót một trong ba tiêu chí trên có thể dẫn đến việc thông tin bị trình bày một cách sai lệch.
- Ví dụ: nhà tư vấn tài chính có thể thông báo rằng quỹ của họ luôn đạt hiệu suất đầu tư trên mỗi tài khoản ở mức ít nhất 8%. Điều này có thể thực sự chính xác, nhưng sự thật rằng nhà tư vấn tài chính đã giấu đi các tài khoản đã thua lỗ và đã ngưng giao dịch, cố tình “bỏ quên” và vi phạm tiêu chí đầy đủ khi trình bày thông tin cho khách hàng.
- Chuẩn mực III(D) cũng ngăn cấm việc đưa ra các khẳng định, hoặc ẩn ý rằng các khoản đầu tư trong tương lai có thể đạt được hiệu suất đầu tư như trong quá khứ. Đây được coi là hành vi gây hiểu nhầm cho khách hàng.
- Trong chương trình môn Ethics, các bạn cũng sẽ được học thêm về Tiêu chuẩn Toàn cầu về hiệu suất đầu tư (Global Investment Performance Standards – GIPS). Các công ty có thể lựa chọn trình bày thông tin dựa theo GIPS, hoặc không, điều này không bắt buộc nhưng được Viện CFA khuyến khích thực hiện theo.
Standard III(E) - Preservation of Confidentiality (Bảo mật thông tin)
- “Thông tin về các khách hàng hiện tại, khách hàng cũ và các khách hàng tiềm năng”: Chuẩn mực III không chỉ nhắm đến các khách hàng hiện tại, mà bạn, với tư cách nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp, còn cần phải bảo vệ thông tin của các khách hàng cũ và các khách hàng tiềm năng. Chuẩn mực III(E) cũng nhấn mạnh rằng các công ty tư vấn tài chính cần xây dựng hệ thống bảo mật dữ liệu và chính sách sử dụng thông tin một cách cẩn trọng để tránh gặp sự cố không đáng có.
- Như đã đề cập trong các nội dung trước, với tư cách là một nhà tư vấn tài chính, bạn luôn cần phải đặt sự minh bạch của thị trường lên hàng đầu, thậm chí trên cả quyền lợi của khách hàng. Do vậy, nếu có dấu hiệu khách hàng đang có hành vi phạm pháp, hoặc nếu pháp luật yêu cầu, nhà tư vấn tài chính sẽ buộc phải cung cấp các thông tin để hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc phát hiện các sai phạm.
- Các công ty tư vấn tài chính cũng nên xây dựng các chính sách liên quan đến việc khai báo, công bố thông tin khách hàng để nhà tư vấn tài chính có thể dựa vào khi đưa ra quyết định có nên khai báo với cơ quan chức năng hay không.
Reviewed: Cam Tu Vu