[Level 1] Ethical & Professional Standards

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] của Reading 58: Phần 6- Chuẩn mực số VI và số VII

Tóm tắt các kiến thức quan trọng liên quan đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp số VI và số VII

I. Chuẩn mức số VI: Xung đột lợi ích

1. Nội dung chuẩn mực

1.1. Standard VI(A) - Disclosure of Conflicts (Công bố Xung đột)

Các Hội viên và Ứng viên phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ và hợp lý về tất cả các vấn đề có thể làm giảm mức độ độc lập và khách quan của các Hội viên hoặc Ứng viên hoặc cản trở các Hội viên và Ứng viên thực hiện trách nhiệm với khách hàng, khách hàng tiềm năng và công ty chủ quản. Các Hội viên và ứng viên phải đảm bảo rằng các thông tin công bố là dễ tiếp cận, được trình bày bằng ngôn ngữ đơn giản và truyền đạt các thông tin liên quan một cách hiệu quả.

1.2. Standard VI(B) - Priority of Transactions (Thứ tự ưu tiên của các giao dịch)

Giao dịch đầu tư của khách hàng và công ty chủ quản sẽ được ưu tiên hơn so với các giao dịch đầu tư trong đó Hội viên hoặc Ứng viên là chủ sở hữu hưởng lợi.

1.3. Standard VI(C) - Referral Fees (Phí giới thiệu)

Các Hội viên và Ứng viên phải công bố cho công ty chủ quản, khách hàng và khách hàng tiềm năng, khi thích hợp, về bất kỳ khoản thù lao, tiền công hoặc lợi ích nào nhận được từ hoặc thanh toán cho các đối tượng giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ.

2. Phân tích chuẩn mực

2.1. Standard VI(A) - Disclosure of Conflicts (Công bố Xung đột)

  • Yếu tố tiên quyết để một nhà tư vấn tài chính đưa ra các phân tích, khuyến nghị một cách chính xác đó là phải có sự độc lập và khách quan. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp xảy ra có thể ảnh hưởng đến tính độc lập và khách quan trong việc đưa ra quyết định, và để đảm bảo sự công bằng, nhà tư vấn tài chính cần thông báo một cách đầy đủ và hợp lý về các yếu tố có thể làm ảnh hưởng tới việc đưa ra quyết định với các bên liên quan.
  • Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tính độc lập và khách quan của nhà tư vấn tài chính có thể đến từ động cơ lợi ích hoặc sự rắc rối trong các mối quan hệ giữa các bên có lợi ích liên quan. 
  • Như đã đề cập trong các chuẩn mực trước, thứ tự ưu tiên mà một nhà tư vấn tài chính cần tuân thủ đó là: sự liêm chính của thị trường > khách hàng > công ty chủ quản > lợi ích cá nhân.
  • Xét trên động cơ lợi ích cá nhân, nhà tư vấn tài chính có thể đưa ra một quyết định có phần thiên vị cho một chứng khoán nhất định trong một vài trường hợp, ví dụ: nhà tư vấn tài chính cũng đang sở hữu loại chứng khoán đó và muốn có thêm người mua vào để đẩy giá; mối quan hệ cá nhân; các lợi ích nhận được từ công ty phát hành (issuer); hoặc bản thân nhà tư vấn tài chính cũng nắm giữ vị trí lãnh đạo ở công ty phát hành. 
  • Không có chuẩn mực nào quy định cụ thể việc nhà tư vấn tài chính không được sở hữu chứng khoán mà họ đang khuyến nghị đầu tư hoặc không được nhận các khoản thưởng, lợi ích từ phía công ty phát hành, nhưng nếu trường hợp này xảy ra, nhà tư vấn cần phải thông báo với công ty chủ quản và khách hàng về việc này. Nếu như hành vi này bị cấm theo chính sách của công ty chủ quản, bạn cũng phải tuân theo dựa trên cơ sở Chuẩn mực I(A) – luôn tuân thủ theo quy định khắt khe nhất. 
  • Trong trường hợp nhà tư vấn tài chính nắm giữ vị trí lãnh đạo ở công ty phát hành, nhà tư vấn tài chính vừa có nghĩa vụ với khách hàng, vừa có nghĩa vụ là một cổ đông của công ty phát hành. Điều này có thể dẫn đến sự “ưu ái” khi khuyến nghị khách hàng mua vào chứng khoán của công ty đó. Ngoài ra, với tư cách là một cổ đông, nhà tư vấn tài chính có thể nắm giữ các thông tin trọng yếu không được công bố, vô hình chung khiến cho giao dịch này có thể trở thành giao dịch nội gián. Do vậy, nếu có trường hợp này xảy ra, công ty chủ quản cần tuyệt đối không cho phép nhà tư vấn tài chính tham gia vào việc đưa ra khuyến nghị hoặc phân tích.
  • Xét trên động cơ lợi ích của công ty chủ quản, công ty chủ quản vừa có thể là đơn vị tư vấn cho nhà đầu tư, vừa giữ mối quan hệ là ngân hàng đầu tư (investment banking relationship) hoặc đơn vị bảo lãnh (underwriter) đối với công ty phát hành (issuer). Nếu như có tồn tại các mối quan hệ kể trên, công ty chủ quản cũng cần phải thông báo đối với khách hàng.

2.2. Standard VI(B) - Priority of Transactions (Thứ tự ưu tiên của các giao dịch)

  • Chuẩn mực VI(B) hướng dẫn về thứ tự ưu tiên khi thực hiện các giao dịch trong trường hợp nhà tư vấn tài chính và khách hàng thực hiện giao dịch với cùng một loại chứng khoán. Đây có thể coi là trường hợp xung đột về mặt lợi ích, và đối với những trường hợp như vậy, lợi ích của khách hàng luôn được đặt lên trước lợi ích của công ty chủ quản và lợi ích cá nhân. 
  • Giao dịch của cá nhân nhà tư vấn tài chính không được phép gây bất lợi cho công ty chủ quản, chỉ được thực hiện giao dịch sau khi khách hàng và công ty chủ quản đã hoàn tất thực hiện hoạt động đầu tư.
  • Không trục lợi cá nhân từ các giao dịch thực hiện thay mặt cho khách hàng.
    Ví dụ: khi một khách hàng yêu cầu thực hiện một khối lượng giao dịch lớn có thể làm thay đổi giá cổ phiếu trong ngắn hạn, một nhà tư vấn tài chính có thể dựa vào thông tin đó để cùng mua vào nhằm hưởng lợi hoặc tiết lộ thông tin để người khác cùng mua vào.
  • Tuân thủ các quy định của công ty và pháp luật: trong các trường hợp đăng ký vượt mức (oversubscribed IPO) hoặc phát hành riêng lẻ (private placement), nhà tư vấn không được lợi dụng cơ hội này để thực hiện các giao dịch nhằm làm lợi cho cá nhân.
  • Các công ty cũng nên ban hành quy định về thời gian cấm giao dịch (blackout/restricted period) để ngăn chặn các giao dịch trùng lặp giữa nhà tư vấn tài chính và khách hàng nhằm tránh xung đột lợi ích; các quy định yêu cầu nhà tư vấn tài chính báo cáo đầy đủ về các khoản đầu tư, các giao dịch trùng lặp có thể dẫn đến xung đột lợi ích …

2.2. Standard VI(C) - Referral fees  (Các loại phí giới thiệu)

  • Việc công bố thông tin về các khoản phí giới thiệu này sẽ giúp cho khách hàng, công ty chủ quản có thể đánh giá được có bất kỳ sự thiên vị nào trong việc giới thiệu dịch vụ cũng như chi phí thực sự của dịch vụ

II. Chuẩn mực số VII: Trách nhiệm với tư cách là Hội viên/ứng viên CFA

1. Nội dung chuẩn mực

1.1. Standard VII(A) - Conduct as Participants in CFA Institute Programs (Ứng xử với tư cách là những Người tham gia các Chương trình của CFA Institute).

Các Hội viên và Ứng viên không được tham gia vào các hành vi có thể gây ảnh hưởng đến uy tín hoặc sự liêm chính của CFA Institute hoặc chứng chỉ CFA.

1.2. Standard VII(B) - Reference to CFA Institute, the CFA Designation, and the CFA Program (Dẫn chiếu đến CFA Institute, Chứng chỉ CFA và Chương trình CFA).

Khi dẫn chiếu đến CFA Institute, Thành viên CFA Institute hoặc vị trí ứng viên Chương trình CFA, các Hội viên và Ứng viên không được đưa ra tuyên bố sai hoặc phóng đại ý nghĩa hoặc hàm nghĩa của tư cách thành viên CFA Institute, có chứng chỉ CFA hoặc vị trí ứng viên Chương trình CFA.

2. Phân tích chuẩn mực

2.1. Standard VII(A) - Conduct as Participants in CFA Institute Programs (Ứng xử với tư cách là những Người tham gia các Chương trình của CFA Institute).

  • Tất cả các Hội viên, ứng viên đều có trách nhiệm bảo vệ danh tiếng của Viện CFA, thông qua việc ứng xử, hành động một cách đúng đắn và chuẩn mực.
  • Các quy định liên quan tới việc tham gia các kỳ thi của Viện CFA bao gồm:
    • Tuyệt đối không gian luận
    • Tuân thủ các nội quy trong phòng thi như đã được phổ biến liên quan tới đồ dùng được phép sử dụng
    • Tuyệt đối không được phép tiết lộ nội dung thông tin liên quan tới đề thi cho tới khi Viện CFA công bố chính thức.
    • Trong trường hợp bạn được đề cử tham gia công tác giám sát kì thi, chấm thi, tuyệt đối không thu thập và tiết lộ nội dung thông tin về kỳ thi.
  • Là một ứng viên, bạn hoàn toàn được phép thể hiện, bày tỏ quan điểm cá nhân về các chính sách, thủ tục … về Chương trình CFA, miễn rằng bạn không vô tình tiết lộ các thông tin tuyệt mật liên quan đến kỳ thi. 
    • Ví dụ: Bạn có thể trình bày quan điểm rằng Viện CFA không nên cho môn Ethics trọng số điểm quá cao như vậy. Điều này là được phép, bởi thông tin về trọng số điểm các môn học đã được CFA công bố một cách rộng rãi.
      Tuy nhiên, nếu bạn bày tỏ quan điểm rằng Viện CFA không nên cho quá nhiều câu hỏi rơi vào Chuẩn mực số IV, bạn đã vô tình tiết lộ nội dung đề thi và vô tình vi phạm chuẩn mực VII(A).

2.2. Standard VII(B) - Reference to CFA Institute, the CFA Designation, and the CFA Program (Dẫn chiếu đến CFA Institute, Chứng chỉ CFA và Chương trình CFA)..

  • Chuẩn mực VII(B) quy định về các hình thức dẫn chiếu, tham chiếu đến chương trình CFA.
    • Một người được coi là Ứng viên CFA khi đã thi và đang chờ kết quả, hoặc đã đăng ký thi. Chẳng hạn, khi bạn đã vượt qua kỳ thi CFA level 2 và đã đăng ký thi level 3, bạn có thể tuyên bố rằng bạn là Ứng viên CFA level 3, hoặc đã hoàn thành chương trình CFA level 2. Ngược lại, nếu bạn ghi vào CV của mình với chức danh ví dụ là “Nguyen Van A, CFA (level 2)”, bạn vừa thể hiện sai chức danh của mình, vừa vi phạm chuẩn mực VII(A) về dẫn chiếu.
  • Một người được coi là Thành viên CFA khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
    • Hoàn thành 3 level của kỳ thi CFa
    • Đáp ứng đủ thời gian kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực liên quan
    • Hoàn thành phí hội viên
    • Hoàn thiện cam kết về đạo đức của Thành viên Viện CFA
  • Là Thành viên của Viện CFA đồng nghĩa với việc bạn sở hữu một chứng chỉ nghề nghiệp uy tín, tuy nhiên Thành viên không được lấy danh nghĩa đó ra để phóng đại khả năng hoặc đảm bảo cho một kết quả đầu tư.

Reviewed: Cam Tu Vu