[Level 1] Equity Investments

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 5: Introduction to industry and company analysis

Các vấn đề cơ bản cần chú ý khi học Module 5 trong chương trình CFA level 1

1. Các phương pháp phân loại công ty cùng ngành và các hệ thống phân loại ngành

1.1. Giải thích chức năng của phân tích ngành và mối quan hệ của phân tích ngành với phân tích công ty

Phân tích ngành rất quan trọng đối với phân tích công ty vì nó cung cấp khuôn khổ để nhà phân tích hiểu hơn về công ty. Kỹ thuật này cũng được sử dụng rộng rãi trong phân tích cơ bản với các mục đích sau:

(1) Hiểu môi trường kinh doanh và hoạt động kinh doanh của công ty:

  • Đối với phân tích cổ phiếu: Cung cấp thông tin chi tiết về cơ hội tăng trưởng, động lực cạnh tranh và rủi ro kinh doanh của công ty phát hành.

  • Đối với phân tích tín dụng: Cung cấp thông tin chi tiết về sự phù hợp của việc sử dụng nợ của một công ty và khả năng đáp ứng các khoản thanh toán đã cần trả của công ty đó.

(2) Xác định các cơ hội đầu tư cổ phiếu chủ động:

  • Xác định các ngành có triển vọng tích cực, trung tính hoặc tiêu cực về lợi nhuận và tăng trưởng khi sử dụng phương pháp đầu tư từ trên xuống (​​top-down investing approach).

  • Xác định các ngành được định giá thấp hoặc định giá quá cao để cân đối các ngành đó một cách hợp lý.

  • Vòng quay của ngành (industry rotation): tăng hoặc giảm tỷ trọng của một số ngành có tỷ trọng quá cao hoặc quá thấp dựa trên giai đoạn hiện tại của chu kỳ kinh doanh.

(3) Phân bổ danh mục đầu tư:

  • Xác định và hiểu các nguồn lợi nhuận của danh mục đầu tư. Từ đó, cho thấy bất kỳ đóng góp tích cực hoặc tiêu cực nào vào lợi nhuận từ việc nhà quản lý quỹ lựa chọn ngành và / hoặc lĩnh vực trong danh mục đầu tư.

1.2. So sánh các phương pháp phân nhóm các công ty

Trong LOS này chúng ta sẽ tìm hiểu về các phương pháp phân loại ngành.

1.2.1. Phân loại theo sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp (products and/or services supplied)

Các doanh nghiệp được phân loại theo sản phẩm hoặc dịch vụ chính mà chúng cung cấp.

1.2.2. Phân loại theo mức độ nhạy cảm đối với chu kỳ kinh doanh

Các doanh nghiệp được phân loại theo độ nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh. Hệ thống này có hai cách phân loại chính: các công ty theo chu kỳ và không theo chu kỳ.

  • Doanh nghiệp theo chu kỳ (cyclical firms): Các doanh nghiệp có lợi nhuận tương quan cao với sức mạnh của nền kinh tế. Trong thời kỳ phát triển, nhu cầu cho sản phẩm từ các doanh nghiệp đó sẽ ở mức cao hơn bình thường và ngược lại.

  • Doanh nghiệp không theo chu kỳ (non-cyclical firms): Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh độc lập với chu kỳ kinh doanh. Nhu cầu cho các loại sản phẩm từ các doanh nghiệp này thường ở mức ổn định trong suốt chu kỳ kinh doanh.

1.2.3. Phân loại theo phương pháp thống kê (statistical similarities)

Phân loại theo phương pháp thống kê sử dụng các phương pháp thống kê để phân nhóm các công ty, thường dựa trên mối tương quan của lợi nhuận của chứng khoán trong quá khứ.

 

1.3. Giải thích các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm của một công ty đối với chu kỳ kinh doanh; cách sử dụng và hạn chế của các bộ mô tả ngành và công ty như “growth”, “defensive” và “cyclical”

1.3.1. Các ngành theo chu kỳ (cyclical industries)

Định nghĩa: Đây là những ngành nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh.

Đặc điểm: Doanh thu và lợi nhuận của những ngành ngày biến động mạnh; các doanh nghiệp trong ngành thường có đòn bẩy hoạt động cao; sản phẩm thường là các mặt hàng đắt đỏ, không thiết yếu. 

Ví dụ: các mặt hàng tiêu dùng tùy ý, nguyên liệu thô, công nghiệp nặng.

1.3.2. Các ngành không theo chu kỳ (non-cyclical industries)

Định nghĩa: Là những ngành có đặc trưng là không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh doanh. 

Đặc điểm: Nhu cầu cho hàng hoá của các ngành này thường khá ổn định trong suốt chu kỳ kinh doanh.

Ví dụ: các công ty trong lĩnh vực y tế, viễn thông, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. 

Các ngành không theo chu kỳ có thể được tiếp tục phân chia thành:

  • Các ngành mang tính chất phòng thủ (defensive industries): các ngành cung cấp cản sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như y tế, thực phẩm

    Ví dụ: hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, viễn thông và tiện ích.

  • Các ngành tăng trưởng (growth industries): các ngành có nhu cầu quá lớn, cung lớn hơn cầu, vì thế các ngành này vẫn tiếp tục phát triển ngay cả trong giai đoạn kinh tế suy thoái. 

    Ví dụ: công nghệ thông tin (trong trường hợp của Covid-19).

 

1.4. Mô tả các hệ thống phân loại ngành hiện tại và xác định cách phân loại công ty

Việc phân loại doanh nghiệp theo ngành cung cấp một phương pháp nghiên cứu các xu hướng và định giá doanh nghiệp chính xác hơn. Nó cũng cho phép các nhà phân tích so sánh các chỉ số ở các quốc gia khác nhau trên cơ sở tương tự. Sau đây là các hệ thống phân loại ngành hiện có sẵn cho các nhà đầu tư:

1.4.1. Hệ thống phân loại ngành do các công ty tư nhân phát hành (Commercial Industry Classification Systems)

Các nhà cung cấp chỉ số chính, bao gồm Standard & Poor’s, MSCI, Russell Investments, Dow Jones và FTSE Russell, sẽ phân loại các công ty trong chỉ số chứng khoán của họ thành các nhóm ngành.

Chứa nhiều cấp độ phân loại: cấp độ rộng nhất (Nhóm ngành chung - Sector grouping)
→ các nhóm ngành phụ (Sub-industry groups).

 

Công ty cung cấp

Phân loại dựa trên

Chi tiết

Global Industry Classification Standard (GICS)

Standard & Poor’s and MSCI Barra

Các hoạt động kinh doanh chính

Cấu trúc bốn cấp để phân loại các công ty trên toàn cầu: 11 lĩnh vực, 24 nhóm ngành, 69 ngành và 158 phân ngành.

Russell Global Sectors (RGS)

Russell Investments

Bản chất của hàng hóa và / hoặc các dịch vụ được sản xuất

Cấu trúc ba cấp để phân loại các công ty trên toàn cầu: 9 lĩnh vực, 33 phân ngành, 157 ngành.

Industry Classification Benchmark (ICB)

Dow Jones and FTSE

Nguồn doanh thu chính

Cấu trúc bốn cấp để phân loại các công ty trên toàn cầu: 11 ngành, 20 lĩnh vực lớn, 45 lĩnh vực và 173 lĩnh vực nhỏ.

 

1.4.2. Hệ thống phân loại do chính phủ phát hành (Government Industry Classification Systems)

Tên hệ thống phân loại

Đặc điểm

International Standard Industrial Classification of All Economic Activities (ISIC)

  • Do Liên hợp quốc đưa ra năm 1948

  • Được phân loại theo hoạt động kinh doanh chính

  • Bao gồm 11 danh mục (Categories), 21 phần (Sections), 88 bộ phận (​​Divisions), 233 nhóm (Groups) và hơn 400 lớp (Classes).

Statistical Classification of Economic Activities in the European Community (NACE)

  • Phiên bản châu Âu của ISIC

  • Được phân loại theo các nền kinh tế

  • 4 cấp độ - cụ thể là phần (Sections) , bộ phận (​​Divisions), nhóm (Groups) , and lớp (Classes).

Australian and New Zealand Standard Industrial Classification

(ANZSIC)

  • Được phát triển bởi Cục Thống kê Úc và Thống kê New Zealand.

  • Tương đồng với ISIC

  • 5 cấp độ - cụ thể là bộ phận (​​Divisions) (cấp độ rộng nhất), phân khu (Subdivisions), nhóm (groups), lớp (Classes), phân lớp (Subclasses) (chỉ ở New Zealand).

North American Industry Classification System (NAICS)

  • Được phát triển bởi Hoa Kỳ, Canada và Mexico.

  • Phân loại theo hoạt động kinh doanh chính của mỗi ngành.

  • 5 cấp độ: ngành - Sector (được ký hiệu bằng hai chữ số đầu tiên của mã), phân ngành - Subsector (chữ số thứ ba), nhóm ngành - Industry group (chữ số thứ tư), ngành NAICS - NAICS industry (chữ số thứ năm) và ngành quốc gia - National industry (chữ số thứ sáu).

 

Lưu ý: Khi so sánh với các hệ thống phân loại thương mại, hầu hết các hệ thống chính phủ:

  • Không tiết lộ thông tin về một doanh nghiệp hoặc công ty cụ thể.

  • Đánh giá và cập nhật ít thường xuyên hơn (chỉ 5 năm một lần hoặc lâu hơn).

  • Không phân biệt công ty nhỏ và lớn, lợi nhuận hay phi lợi nhuận.

 

1.5. Sử dụng phân loại ngành của công ty để xác định "peer group" tiềm năng và định giá vốn chủ sở hữu

Định nghĩa: Nhóm đồng đẳng (peer group) là một nhóm ngành hàng đồng đẳng bao gồm các công ty có hoạt động kinh doanh, yếu tố thúc đẩy cung cầu, cấu trúc chi phí và khả năng cung cấp vốn giống nhau.

So sánh một công ty với một nhóm peer group hợp lý sẽ rất hữu ích trong việc đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty cũng như định giá tương đối công ty đó. 

Các bước để xác định peer group như sau:

  • Bước 1: Sử dụng hệ thống phân loại ngành do các công ty tư nhân phát hành để xác định những công ty thuộc cùng một ngành.

  • Bước 2: Xem xét báo cáo hàng năm của các công ty để xem liệu họ có xác định được các đối thủ cạnh tranh chính hay không.

  • Bước 3: Kiểm tra các báo cáo hàng năm của đối thủ cạnh tranh để xác định các đối thủ cạnh tranh khác.

  • Bước 4: Sử dụng các ấn phẩm thương mại trong ngành để xác định đối thủ cạnh tranh.

  • Bước 5: ​​Xác nhận rằng các công ty có thể so sánh có các đặc điểm tương tự.

  • Bước 6: Điều chỉnh báo cáo tài chính của các công ty phi tài chính đối với bất kỳ dữ liệu tài chính nào của công ty con.

 

2. Cách mô tả và phân tích ngành và nguyên lý phân tích chiến lược

2.1. Mô tả các yếu tố cần được đề cập trong phân tích ngành

Để thực hiện phân tích ngành, các nhà phân tích có thể nghiên cứu nhiều yếu tố, bao gồm nhưng không giới hạn ở những yếu tố sau:

2.1.1. Kiểm tra hoạt động của ngành:

  • So sánh với các ngành khác để xác định ngành nào có lợi nhuận vượt trội/kém hơn.

  • So sánh một ngành theo mốc thời gian để xác định mức độ nhất quán, ổn định và rủi ro trong lợi nhuận trong ngành theo thời gian.

=> Xác định các ngành mang lại tiềm năng lợi nhuận đầu tư cao nhất trên cơ sở điều chỉnh theo rủi ro.

2.1.2. Xem xét mối quan hệ thống kê giữa các xu hướng trong ngành để giúp hiểu và dự báo xu hướng.

Cần so sánh các giả định và dự đoán của họ với các giả định và dự đoán của các nhà phân tích khác. Sự so sánh này nhằm xác định và hiểu rõ bất kỳ sự khác biệt nào về phương pháp và sự khác biệt trong dự đoán của hai bên đưa ra.

2.1.3. Các biến số kinh tế và kinh doanh 

2.1.4. Thông tin từ môi trường ngành

Nghiên cứu về các công ty chủ thể riêng lẻ mà họ đang phân tích, và về các đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp và khách hàng của các công ty này.

 

2.2. Mô tả các nguyên tắc phân tích chiến lược của một ngành

Phân tích chiến lược (Strategic analysis) là phân tích ngành nhằm xem xét tác động của môi trường ngành (độ cạnh tranh trong ngành) lên chiến lược doanh nghiệp. Porter’s Five Forces Framework đưa ra 5 áp lực cạnh tranh như sau:

  • Mối đe dọa từ đối thủ mới (Threat of entry): các ngành có rào cản gia nhập ngành thấp thông thường sẽ có mức độ cạnh tranh cao hơn các ngành có rào cản gia nhập ngành cao.

  • Vị thế của nhà cung cấp (Power of suppliers): sản phẩm của nhà cung cấp càng có ít lựa chọn thay thế, nhà cung cấp càng có nhiều ưu thế trong việc đàm phán chính sách giá.

  • Vị thế của người mua (Power of buyer): người mua/ khách hàng càng có nhiều lựa chọn thì vị thế của họ càng lớn. Do đó càng có nhiều lợi thế trong việc đàm phán chính sách giá.

  • Nguy cơ bị thay thế (Threat of substitutes): Nếu sản phẩm hoặc dịch vụ của ngành có nhiều sự thay thế, cầu của ngành sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng tiêu cực.

  • Mức độ cạnh tranh giữa các công ty trong ngành (Rivalry among existing competitors): các ngành có mức độ tập trung càng nhỏ thì sự cạnh tranh giữa các công ty trong ngành càng lớn. 

 

2.3. Giải thích tác động của các rào cản gia nhập, mức độ tập trung của ngành, năng lực của ngành và sự ổn định của thị phần đối với sức mạnh định giá và cạnh tranh về giá

Trong 5 nhân tố của mô hình 5 áp lực cạnh tranh bên trên, Threat of entry và Rivalry among existing competitors là hai nhân tố thường được quan tâm nhiều nhất bởi các nhà phân tích sẽ được tiếp tục phân tích dưới các khía cạnh dưới đây:

2.3.1. Rào cản gia nhập ngành (Barriers to entry)

Các ngành có rào cản gia nhập ngành lớn (Ví dụ: các ngành có chi phí cố định lớn như sản xuất máy bay, ô tô…) sẽ tạo nên rất nhiều áp lực cho các công ty mới ra nhập. Do đó sẽ làm giảm mức độ cạnh tranh trong ngành.

Ngược lại, nếu các đối thủ cạnh tranh mới có thể dễ dàng gia nhập ngành, mức độ cạnh tranh trong ngành sẽ tăng lên. Do đó, các ngành có rào cản gia nhập ngành thấp sẽ có rất ít ưu thế trong việc đàm phán chính sách giá dành cho nhà cung cấp bởi khi có ưu thế về giá, lợi nhuận tăng lên thì ngay lập tức sẽ xuất hiện các đối thủ cạnh tranh mới bước chân vào ngành và từ đó làm cho lợi nhuận giảm xuống. 

2.3.2. Độ tập trung của ngành (Industry concentration) 

Một ngành tương đối tập trung (Concentrated) là ngành có một vài công ty lớn thống trị ngành và có khả năng đàm phán giá mạnh. Nguyên nhân là do:

  • Tương đối dễ dàng cho một số công ty điều phối các hoạt động kinh doanh của họ.

  • Các công ty lớn hơn sẽ mất nhiều hơn từ hành vi phá giá.

  • Vận mệnh của các công ty lớn gắn liền hơn với vận mệnh của toàn ngành, vì vậy họ có nhiều khả năng cảnh giác với tác động lâu dài của cuộc chiến giá cả đối với kinh tế ngành.

Một ngành tương đối phân mảnh (Fragmented) là ngành có số lượng lớn các công ty nhỏ và có khả năng đàm phán giá yếu. Nguyên nhân là do:

  • Các công ty không thể giám sát hành động của đối thủ cạnh tranh của họ, điều này gây khó khăn cho việc điều phối hoạt động kinh doanh.

  • Mỗi công ty chỉ có một thị phần nhỏ trên thị trường, do đó, một mức tăng thị phần nhỏ (thông qua việc định giá mạnh) có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho mỗi công ty.

  • Mỗi công ty là nhỏ so với thị trường tổng thể, do đó họ có xu hướng nghĩ về công ty mình theo chủ nghĩa cá nhân, thay vì như một thành viên của một tổng thể lớn hơn.

Tuy nhiên, có những ngoại lệ quan trọng đối với các quy tắc vừa được xác định. Mức độ tập trung cao trong ngành KHÔNG đảm bảo khả năng đàm phán giá.

  • Các doanh nghiệp trong các ngành tập trung có thể có sức mạnh định giá yếu.

Ví dụ: Một công ty có 50% thị phần nhưng nếu một đối thủ cạnh tranh duy nhất có 50% còn lại thì 50% thị phần của họ sẽ không dẫn đến độ sức mạnh định giá mạnh hơn.

  • Các công ty trong các ngành phân mảnh có thể có sức mạnh định giá mạnh do có sự khác biệt trong sản phẩm hoặc nguồn vốn lớn.

Ví dụ: Một công ty có 10% thị phần khi không có đối thủ cạnh tranh nào có hơn 2% có thể có mức định giá tốt và khả năng thu hồi vốn cao.

2.3.3. Công suất của ngành (Industry capacity) 

Công suất của ngành là số lượng hàng hóa, dịch vụ tối đa mà ngành đó có thể cung cấp trong một khoảng thời gian xác định. Công suất của ngành có tính chất không đổi trong ngắn hạn, thay đổi trong dài hạn.

Công suất sản xuất của một ngành càng nhỏ (Undercapacity) sẽ dẫn đến cung không đáp ứng đủ cầu. Do vậy ngành đó càng có nhiều ưu thế trong khả năng đàm phán giá và ngược lại.

 2.3.4. Sự ổn định thị phần (Market share stability)

Thị phần biến động cao cho thấy một ngành có tính cạnh tranh cao. Thị phần ổn định cho thấy sự cạnh tranh ít gay gắt hơn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định thị phần của ngành bao gồm: rào cản gia nhập ngành, sự xuất hiện các sản phẩm mới, các cải tiến trong sản xuất và chi phí chuyển đổi (Switching cost).

Chi phí chuyển đổi là hao tổn mà khách hàng phải chịu khi thay đổi từ sản phẩm của công ty này sang sản phẩm của công ty khác. Chi phí chuyển đổi, chẳng hạn như thời gian và chi phí học cách sử dụng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, có xu hướng cao hơn đối với các sản phẩm chuyên biệt hoặc khác biệt. Chi phí chuyển đổi cao góp phần vào sự ổn định thị phần và tăng khả năng đàm phán chính sách giá của doanh nghiệp.

 

2.4. Mô tả các mô hình vòng đời của ngành, phân loại ngành theo giai đoạn vòng đời và mô tả các hạn chế của khái niệm vòng đời trong dự báo hiệu suất của ngành

2.4.1. Vòng đời của một ngành 

Các giai đoạn trong vòng đời của một ngành (Industry life cycle) bao gồm 5 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn nảy mầm (Embryonic stage): Tốc độ tăng trưởng chậm, giá cao, cần đầu tư lớn, nguy cơ thất bại cao. 

  • Giai đoạn tăng trưởng (Growth stage): Tốc độ tăng trưởng nhanh, cạnh tranh ít, giá giảm, lợi nhuận tăng. 

  • Giai đoạn xáo động (Shakeout stage): Tốc độ tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh khốc liệt, năng suất dư thừa, tỷ suất lợi nhuận giảm, cắt giảm chi phí. 

  • Giai đoạn chín muồi (Mature stage): Tốc độ tăng trưởng rất ít hoặc gần như không tăng trưởng, các công ty tìm cách thâu tóm và sáp nhập đối thủ, rào cản gia nhập cao, giá cả ổn định, công ty vượt trội giành được thị phần. 

  • Giai đoạn suy thoái (Decline stage): Tốc độ tăng trưởng âm, giá giảm, các công ty tiến hành thâu tóm và sáp nhập mạnh.

2.4.2. Hạn chế của phân tích vòng đời của ngành 

(1) Các giai đoạn của vòng đời có thể không kéo dài như dự đoán hoặc có thể bị bỏ qua hoàn toàn do thay đổi về công nghệ, quy định của chính phủ, thay đổi về xã hội hoặc nhân khẩu học.

(2) Chỉ hữu ích nhất trong việc phân tích các ngành trong thời kỳ tương đối ổn định và không hữu ích trong việc phân tích các ngành trải qua sự thay đổi nhanh chóng.

(3) Không phải doanh nghiệp nào trong một ngành cũng có kết quả kinh doanh tương tự nhau.

 

3. Các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến ngành và phân tích công ty

3.1. Mô tả các ảnh hưởng về kinh tế vĩ mô, công nghệ, nhân khẩu học, chính phủ, xã hội và môi trường đối với tăng trưởng, lợi nhuận và rủi ro của ngành

Các ảnh hưởng bên ngoài tác động đến tăng trưởng, lợi nhuận và rủi ro của ngành là một thành phần quan trọng trong phân tích chiến lược của nhà phân tích. Các yếu tố bên ngoài này bao gồm:

3.1.1. Ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô

Triển vọng của một ngành bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh tế tổng thể: tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lãi suất, khả năng cung cấp tín dụng và lạm phát.

3.1.2. Ảnh hưởng của công nghệ

Những tiến bộ trong công nghệ dẫn đến các sản phẩm mới được phát triển, có thể thay thế các sản phẩm cũ. Hơn nữa, những phát triển này đôi khi có thể thay đổi cách các ngành khác sử dụng các sản phẩm này để tiến hành hoạt động của họ.

Ví dụ: Internet ảnh hưởng đến hoạt động của một số ngành như Thương mại điện tử.

3.1.3. Ảnh hưởng của nhân khẩu học

Nhân khẩu học (quy mô dân số, sự phân bố độ tuổi, sự phân bố giới tính) có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế và các loại hàng hoá và dịch vụ được tiêu dùng.

Ví dụ: Dân số già có tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi quy mô của lực lượng lao động giảm xuống. Tuy nhiên, ngành chăm sóc sức khỏe được hưởng lợi dưới dạng cơ sở khách hàng lớn hơn.

3.1.4. Ảnh hưởng của Chính phủ

Các quy định của chính phủ có tác động đến tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế. Các ảnh hưởng này có thể là trực tiếp (thông qua thuế, trợ cấp) hoặc gián tiếp (thông qua việc thành lập các cơ quan quản lý để quản lý các hoạt động của một ngành).

Ví dụ: Các cơ quan quản lý của Trung Quốc hạn chế ngành sản xuất thép do ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

3.1.5. Ảnh hưởng của văn hóa xã hội

Những ảnh hưởng này đề cập đến những thay đổi trong cách con người làm việc, tiêu dùng, tận hưởng thời gian giải trí và tiến hành các khía cạnh khác trong cuộc sống của họ.

Ví dụ: Người tiêu dùng ngày nay ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường → Ảnh hưởng đến các ngành sản phẩm có thể tái chế.

 

3.2. So sánh đặc điểm của các ngành đại diện

Minh họa các yếu tố được xem xét trong phân tích chiến lược

 

Ngành dầu khí

Ngành bánh kẹo

Các công ty lớn

(Major firms)

Schlumberger, Baker Hughes, Halliburton

Cadbury, Hershey, Mars, Nestle

Rào cản gia nhập

(Barriers to entry)

Trung bình.

Cần phải có kiến ​​thức chuyên môn về công nghệ, nhưng mức độ đổi mới cao cho phép các công ty thích hợp tham gia vào ngành và cạnh tranh trong các lĩnh vực cụ thể.

Rất cao.

Rào cản về vốn và công nghệ thấp, nhưng người tiêu dùng có lòng trung thành với thương hiệu mạnh mẽ.

Mức độ tập trung trong ngành

(Industry concentration)

Phân tán.

Chỉ một số nhỏ các công ty cung cấp đầy đủ các dịch vụ, nhưng nhiều công ty nhỏ hơn cạnh tranh hiệu quả trong các lĩnh vực cụ thể.

Rất tập trung.

Bốn công ty lớn nhất thống trị thị phần toàn cầu.

 

Ảnh hưởng của công suất ngành lên giá 

(Influence of industry capacity on pricing)

Trung bình/cao

Nhu cầu có thể biến động nhanh chóng tùy thuộc vào giá cả hàng hóa

Không.

Giá cả được xác định bởi sức mạnh của thương hiệu, không phải công suất sản xuất.

Sự ổn định thị phần 

(Market share stability)

Không ổn định.

Thị phần có thể thay đổi thường xuyên tùy thuộc vào công nghệ và mức độ nhu cầu.

Rất ổn định.

Thị phần thay đổi chậm.

Vòng đời

(Life cycle)

Chín muồi.

Nhu cầu dao động theo giá năng lượng, nhưng tăng trưởng doanh thu bình thường chỉ ở mức trung bình một con số.

Chín muồi.

Tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự thay đổi dân số.

Độ cạnh tranh

(Competition)

Cao.

Giá cả là một yếu tố chính trong quyết định của người mua.

 

Thấp.

Thiếu các nhà sản xuất kẹo không có thương hiệu trên thị trường làm giảm sự cạnh tranh. Quyết định của người tiêu dùng dựa trên nhận thức về thương hiệu, không phải giá cả

Ảnh hưởng công nghệ (Technological Influences)

Trung bình/Cao

Có thể có lợi thế cạnh tranh tạm thời thông qua thương mại hóa các quy trình mới hoặc khai thác kiến ​​thức chuyên môn đã tích lũy được.

Rất thấp

Đổi mới không đóng một vai trò quan trọng trong ngành.

 

Ảnh hưởng của
chính phủ

(Government influences)

Trung bình.

Các khuôn khổ pháp lý có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng ở mức biên. Ngoài ra, các chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc phân bổ các cơ hội thăm dò cho các công ty E&P.

Thấp.

Ngành này phần lớn không được kiểm soát.

 

Độ nhạy với
chu kỳ kinh doanh

(Business cycle sensitivity)

Theo chu kỳ.

Nhu cầu rất hay thay đổi và phụ thuộc vào giá dầu, ngân sách thăm dò và chu kỳ kinh tế.

Không theo chu kỳ  và  mang tính chất phòng thủ.

Nhu cầu về kẹo rất ổn định.

 

 

3.3. Mô tả các yếu tố cần được đề cập trong phân tích công ty

3.3.1. Phân tích chiến lược (strategy analysis)

Phân tích công ty (company analysis) là việc phân tích tình trạng tài chính, sản phẩm và dịch vụ của công ty những như chiến lược cạnh tranh.

Chiến lược cạnh tranh (competitive strategy) là cách thức một công ty phản ứng với các cơ hội và mối đe dọa của môi trường bên ngoài, bao gồm hai chiến lược cạnh tranh chính mà các công ty trong một ngành thường sử dụng như sau:

  • Chiến lược dẫn đầu về giá (cost leadership strategy): Doanh nghiệp tìm cách hạ giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất có thể để giành thị phần; cung cấp cùng một loại sản phẩm với các công ty khác trong ngành nhưng với giá thấp hơn.

  • Chiến lược khác biệt hóa sản phẩm (product differentiation strategy): Doanh nghiệp đầu tư nhiều nguồn lực cho bộ phận nghiên cứu và phát triển để tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới hoặc có chất lượng cao hơn hẳn so với các công ty còn lại trong ngành.

3.3.2. Các yếu tố cần xem xét trong phân tích doanh nghiệp

Khi phân tích doanh nghiệp cần xem xét (nhưng không giới hạn) các yếu tố sau:

  • Tổng quan về công ty

  • Đặc điểm ngành

  • Cầu về sản phẩm

  • Chi phí sản phẩm

  • Môi trường định giá

  • Chỉ số tài chính

  • Báo cáo tài chính dự kiến ​​và định giá doanh nghiệp

Mô hình hóa bảng tính (spreadsheet modeling) được sử dụng để phân tích và dự báo các yếu tố cơ bản của công ty
→ Lượng hóa tác động của những thay đổi trong các yếu tố nhất định ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty. Tuy nhiên các mô hình này có thể khá phức tạp và phụ thuộc nhiều vào các giả định của mô hình.