[Level II] Ethical and Professional Standards

[Tổng hợp các kiến thức cơ bản] Module 1&2: Quy tắc đạo đức và chuẩn mực hành nghề của viện CFA (Phần 1)

Tổng hợp các kiến thức quan trọng, cần lưu ý khi học Module 1&2 (Phần 1) trong chương trình CFA level 2

1. Bộ quy tắc đạo đức (Code of Ethics)

2.   Tính chuyên nghiệp ((I) Professionalism)

2.1. Có kiến thức về pháp luật (I(A) Knowledge of the law)

Về cơ bản, hội viên và ứng viên phải:

  • Hiểu và tuân theo các luật, quy định của chính phủ, cơ quan pháp luật hoặc tổ chức chuyên nghiệp kiểm soát hoạt động chuyên môn của họ.
  • Tuân theo luật, quy định nghiêm ngặt hơn (*), trong trường hợp có sự sai khác giữa Luật áp dụng và Quy tắc đạo đức.
  • Chủ động không tham gia các hành vi vi phạm những điều luật, quy định trên.

(*) Luật, quy định nghiêm ngặt hơn: Luật hoặc quy định áp đặt các hạn chế lớn hơn đối với hành
động của hội viên hoặc ứng viên/ kêu gọi hội viên hoặc ứng viên thực hiện một mức độ hành động cao hơn để bảo vệ lợi ích của Nhà đầu tư trên Thị trường

Từ đó, các cá nhân (nhà quản lý) và tổ chức được khuyến khích:

Cá nhân

Chủ động theo dõi sự thay đổi của luật lệ, nguyên tắc được áp dụng

Thường xuyên kiểm tra các chính sách tuân thủ, đảm bảo cập nhật những thay đổi mới nhất về luật lệ, nguyên tắc được áp dụng

Cập nhật nguồn tham khảo về những thay đổi mới nhất

Tham khảo lời khuyên, tư vấn từ ban cố vấn về tuân thủ khi có nghi ngờ có sai phạm

Mỗi cá nhân tự động tách khỏi các hoạt động vi phạm và lưu chứng cứ đầy đủ, đồng thời khuyến khích tổ chức/ người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động đó

Trong một số trường hợp hoặc khi được quy định theo luật, vi phạm có thể cần được báo cáo tới cơ quan chính quyền

Tố giác, báo cáo khi phát hiện dấu hiệu vi phạm Quy tắc và chuẩn mực đạo đức.

Tổ chức

Phát triển/ Áp dụng Bộ quy tắc đạo đức

Tuyên truyền nội bộ thông tin về các luật lệ, nguyên tắc được áp dụng

Phát hành văn bản quy trình trình báo vi phạm luật lệ, nguyên tắc hoặc quy chế công ty.

Ví dụ: Tuân thủ theo luật/quy định nghiêm ngặt hơn

James Collins làm phân tích đầu tư tại công ty chứng khoán ở một đất nước đang phát triển. Hệ thống luật pháp đất nước sở tại rất sơ sài và không bao gồm những điều khoản xử lý hành vi giao dịch nội gián (insider trading).

Hướng dẫn: Các khía cạnh sau cần được xem xét:

  1. James cần tuân theo luật, quy định của nước sở tại hay tiêu chuẩn của CFA?
  2. Khi đã xác định được những điều cần tuân thủ, James cần áp dụng vào công việc của mình như thế nào?

Đáp án:

  1. James cần tuân theo luật lệ, nguyên tắc theo tiêu chuẩn của CFA vì nước sở tại là nước đang phát triển, hệ thống luật chưa được xây dựng đầy đủ và hơn nữa, “không bao gồm những điều khoản xử lý hành vi giao dịch nội gián”.
  2. James cần ý thức rõ những hạn chế/ rủi ro của những thị trường nhỏ (ở những nước đang phát triển), còn thiếu những quy định rõ ràng về nguồn thông tin có thể tiếp cận, từ đó đưa ra những nhận định, tư vấn kịp thời cho khách hàng.

      Ngoài ra, việc xử lý những thông tin trọng yếu chưa công bố (material nonpublic information) mà James tiếp cận được một cách ngoài ý muốn thì cần tuân theo Tiêu chuẩn CFA II(A) – Materal nonpblic information.

    Ví dụ: Theo dõi sự thay đổi của luật, quy định được áp dụng

    Colleen White làm việc trong ngành tài chính và thường xuyên chia sẻ những thông tin đầu tư, bao gồm báo cáo kết quả hoạt động, ý kiến tham vấn đầu tư, … thông qua Facebook hoặc Twitter cá nhân. Trước đó, luật pháp đất nước nơi cô làm việc đã đưa ra những yêu cầu và hướng dẫn mới về việc sử dụng mạng xã hội. Việc làm của Colleen xung đột với với những thay đổi gần nhất của hệ thống pháp luật.

    Hướng dẫn:

    1. Việc không tuân thủ luật lệ, nguyên tắc của đất nước sở tại đã chỉ ra Colleen vi phạm Tiêu chuẩn nào của CFA?
    2. Colleen cần làm gì để tránh khỏi sai lầm tương tự?

    Đáp án:

    1. Colleen vi phạm tiêu chuẩn I(A) Tuân thủ pháp luật vì không tuân theo quy định của nước sở tại trong việc sử dụng kênh giao tiếp trực tuyến. Cô ấy cần phải nắm được những thay đổi trong các quy định liên quan đến ngành dịch vụ tài chính có thể áp dụng.
    2. Colleen cần tham vấn những nguồn tin đúng đắn, có thể tin tưởng như phòng ban tuân thủ của công ty hoặc các bên cung cấp dịch vụ tư vấn luật.

    2.2. Độc lập và khách quan (I(B) Independence and Objectivity)

      Về cơ bản, hội viên và ứng viên phải:

      • sử dụng sự cẩn thận và phán đoán hợp lý (reasonable care and judgement) để đạt được và duy trì tính độc lập và khách quan trong các hoạt động chuyên môn của họ
      • không được đề nghị hoặc nhận bất kỳ món quà, quyền lợi, khoản bồi thường làm tổn hại đến tính độc lập và khách quan của họ hoặc của người khác

      Một số hướng dẫn cho các trường hợp phổ biến:

      Đối tượng

      Hướng dẫn

      Ngân hàng đầu tư

      (investment banking)

      Không được phép vì sức ép từ bên bán mà phát hành báo cáo thiên vị về tình hình hiện tại hoặc triển vọng phát triển của họ

      Công ty đại chúng (public companies)

      Tìm kiếm đa dạng nguồn thông tin, tài liệu từ nhà cung cấp, khách hàng, đối thủ của doanh nghiệp mục tiêu thay vì thu hẹp nguồn tin chỉ từ ban quản lý của doanh nghiệp khách hàng mà phát hành báo cáo thiên vị cho họ

      Khách hàng bên mua

      (buy-side client)

      Khách hàng là các nhà quản lý danh mục có thể gây sức ép lên các nhà phân tích, vì nếu nhà phân tích hạ xếp hạng hoặc đánh giá thấp một cổ phiếu mà nhà quản lý danh mục nắm giữ, điều này sẽ khiến cho lợi suất của danh mục bị ảnh hưởng (vì giá cổ phiếu giảm). Trong trường hợp này, hội viên và ứng viên phải giữ thái độ khách quan và trung thực để đưa ra đánh giá xác đáng nhất.

      Người quản lý quỹ và Giám sát

      (Fund Manager and Custodial Relationships)

      Hội viên chịu trách nhiệm tìm kiếm nhà quản lý thuê ngoài không nên nhận quà, lợi ích khác ảnh hưởng tới tính khách quan của mình dưới bất kể dưới hình thức nào.

      Phân tích tình hình hoạt động

      (Performance Measurement and Attribution)

      Hội viên và ứng viên không được phép để những áp lực bên ngoài ảnh hưởng đến kết quả phân tích tình hình hoạt động của doanh nghiệp

      Tổ chức xếp hạng tín dụng

      (Credit rating agencies)

      Nhân viên thuộc tổ chức xếp hạng tín dụng cần giữ thái độ trung lập, không chịu ảnh hưởng từ sức ép của các doanh nghiệp.

      Hội viên sử dụng kết quả xếp hạng tín dụng này cần nhận thức xung đột lợi ích tiềm tàng và xem xét kỹ tính trung thực của kết quả.

      Nghiên cứu được trả phí

      (Issuer-Paid Research)

      Khoản chi trả cho các nghiên cứu nên được giới hạn và cố định, không thay đổi dựa trên kết luận của báo cáo.

      Đi công tác

      Hội viên nên chủ động chi trả cho những hoạt động cá nhân khi tham gia các sự kiện hoặc chuyến đi tài trợ bởi doanh nghiệp

      Cá nhân/ Tổ chức được khuyến khích:

      • Đưa ý kiến trung thực, đảm bảo không thiên vị
      • Tạo danh sách hạn chế và chỉ cung cấp thông tin chính xác về các công ty
      • Hạn chế thoả thuận lợi ích đặc biệt, vd: chi trả chi phí đi lại, ăn ở cho riêng một cá nhân
      • Hạn chế quà tặng, trừ những món quà không gây ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của hội viên. Giá trị quà tặng cần được giới hạn và công khai minh bạch
      • Các giao dịch mua cổ phần thông qua IPO (Initial Public Offerring – phát hành công khai lần đầu) hoặc Private placement (phát hành riêng lẻ) cần hạn chế và được phê duyệt từ trước
      • Thủ tục rà soát hiệu quả
      • Các công ty nên có các chính sách chính thức bằng văn bản về tính độc lập và khách quan khi thực hiện nghiên cứu và truyền đạt rõ ràng tới nhân viên thông qua cán bộ/ phòng ban tuân thủ.

      2.3. Làm sai lệch thông tin (I(C) Misrepresentation)

        Báo cáo/ nghiên cứu dưới mọi hình thức: giao tiếp, điện tử, qua phương tiện truyền thông không được phép đưa thông tin sai lệch hoặc sao chép sản phẩm của người/ đơn vị khác (plagiarisms – đạo văn). Việc loại bỏ thông tin có chủ ý và gây ảnh hưởng đến quá trình đánh giá quyết định đầu tư cũng được coi là làm sai lệch thông tin.

        Ví dụ: Làm sai lệch thông tin

        Tài liệu của phòng Marketing trong một công ty chứng khoán đưa thông tin một nhà phân tích của công ty đã có bằng MBA, nhưng thực tế người này chưa có tấm bằng này. Bản thân người này và các nhân viên khác trong công ty đã sử dụng và phân phát tài liệu marketing này trong suốt nhiều năm.

        Đáp án:

        Nhà phân tích này đã vi phạm I(C) Tiêu chuẩn đạo đức khi phân phát và cho phép người khác sử dụng, phân phát tài liệu chứa thông tin sai lệch trong nhiều năm.

        2.4. Hành vi sai trái (I(D) Misconduct)

        Hội viên không được phép tham gia vào các hoạt động chuyên môn có dấu hiệu thiếu trung thực, gian lận hoặc có hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín nghề nghiệptính liêm chính hoặc năng lực bản thân.

        Các tổ chức được khuyến khích áp dụng những chính sách sau:

        • Xây dựng và áp dụng khung Tiêu chuẩn đạo đức, làm rõ những hành vi thiếu đạo đức không thể chấp nhận
        • Cung cấp danh sách vi phạm và biện pháp xử lý, vd: sa thải
        • Rà soát kĩ nguồn tham khảo khi tìm kiếm ứng viên tiềm năng

        2.5. Năng lực (I(E) Competence)

        Các Thành viên và Ứng viên phải duy trì và thể hiện năng lực cần thiết để hoàn thành trách nhiệm nghề nghiệp của mình.

        Về cơ bản, để có năng lực trong vai trò của mình và đáp ứng các nghĩa vụ theo tiêu chuẩn này, Thành viên và Ứng viên cần có đủ:

        • Kiến thức: Thông tin được áp dụng trực tiếp để thực hiện một chức năng một cách hiệu quả
        • Kĩ năng: Năng lực thực hiện một hành động hoặc chức năng cụ thể theo vai trò để hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể và đạt được các mục tiêu nghề nghiệp
        • Khả năng: Năng lực và thái độ hỗ trợ các hành vi dẫn đến những kết quả có thể quan sát được

        Các cá nhân được khuyến khích áp dụng những chính sách sau:

          • Thường xuyên tham gia các chương trình phát triển chuyên môn hoặc giáo dục thường xuyên
          • Học tập hoặc đạt được các chứng chỉ hoặc danh hiệu chuyên môn
          • Tham dự hội nghị, hội thảo, hoặc các buổi hội thảo trực tuyến
          • Thường xuyên tham gia các khóa đào tạo do nơi làm việc tổ chức
          • Cẩn thận tham gia vào việc tự học hoặc giáo dục không chính thức, chẳng hạn như đọc thêm các bài viết, chuyên luận và ấn phẩm về chuyên môn
          • Tham gia các nhóm hoặc tổ chức chuyên gia
          • Thành thạo bất kỳ kỹ năng hoặc kiến thức mới nào, nếu cần thiết, khi trách nhiệm nghề nghiệp của họ thay đổi

        Ví dụ: Cải thiện năng lực

        Chris Choe là giám đốc nghiên cứu tại một công ty lớn. Một số khách hàng của Choe đã yêu cầu cô tích hợp các xếp hạng ESG vào các báo cáo nghiên cứu mà công ty thực hiện. Cho đến nay, các báo cáo nghiên cứu của công ty chỉ dựa trên các chỉ số định lượng truyền thống. Choe thuê một nhà phân tích ESG có kinh nghiệm cho đội ngũ của mình và yêu cầu tất cả các nhà phân tích, bao gồm cả bản thân cô, tham dự các hội thảo tập trung vào ESG và đạt được chứng chỉ chuyên gia đầu tư ESG. Theo thời gian, Choe và đội ngũ của cô bắt đầu tích hợp các yếu tố ESG vào các báo cáo nghiên cứu của họ.

        Nhận định: 

        Choe đã mở rộng năng lực của mình trong lĩnh vực bằng cách tự nâng cao kiến thức về những yếu tố mới liên quan đến ngành nghề và thuê một chuyên gia ESG để lấp đầy khoảng trống về kiến thức và kỹ năng trước khi cô và đội ngũ tích hợp các yếu tố ESG vào các báo cáo nghiên cứu của công ty. Do đó, Choe đã đáp ứng yêu cầu của Tiêu chuẩn I(E)

        3. Sự liêm chính của thị trường vốn ((II) Integrity of capital markets)

        3.1. Thông tin trọng yếu chưa công bố (II(A) Material nonpublic information)

        Thông tin trong thị trường bao gồm 2 loại: Trọng yếu và không trọng yếu.

        Thông tin được coi là trọng yếu khi:

        • sự xuất hiện của nó có thể gây ảnh hưởng đến giá của cổ phiếu hoặc
        • những nhà đầu tư muốn có được thông tin này trước khi ra quyết định.

        Tính trọng yếu của thông tin phụ thuộc vào:

        • Đặc trưng thông tin
        • Bản chất thông tin (sự khác biệt với những thông tin khác trên thị trường)
        • Tính độc nhất của thông tin
        • Nguồn thông tin
        • Khả năng ảnh hưởng của thông tin tới giá cổ phiếu

        Hội viên liên quan đến giao dịch có thông tin trọng yếu chưa công bố rộng rãi cần có sự đồng ý cho phép sử dụng từ phía doanh nghiệp liên quan và phải sử dụng thông tin này đúng mục đích.

        Một số trường hợp thường gặp:

        Lý thuyết Mosaic

        Việc áp dụng lý thuyết Mosaic (phương pháp thu thập thông tin công khai và chưa công khai nhưng không trọng yếu về một công ty để đưa ra quyết định đầu tư) không bị coi là hành vi vi phạm tiêu chuẩn đạo đức

        Phương tiện truyền thông

        Không phải bất kỳ thông tin nào xuất hiện trên Internet cũng là thông tin được phép công bố. Hội viên và ứng viên cần xác thực thông tin trọng yếu mà họ có được lấy từ nguồn công khai, ví dụ như ấn phẩm công ty

        Chuyên gia trong ngành

        Hội viên và ứng viên có thể tham khảo các chuyên gia trong ngành để tìm kiếm những thông tin trọng yếu, nhưng không được hành động dựa trên những thông tin đó cho đến khi thông tin được công bố

        Ví dụ về những thông tin trọng yếu: Thu nhập, dữ liệu doanh thu, mua bán & sáp nhật, thay đổi ban quản trị,…

        Một số đề xuất tuân thủ cho doanh nghiệp:

        • Kiểm soát chặt chẽ luồng trao đổi thông tin liên phòng ban
        • Kiểm soát và hạn chế hoạt động tự doanh (proprietary trading - công ty chứng khoán tự giao dịch và kiếm lời) khi công ty đang sở hữu thông tin trọng yếu chưa được công bố

        Ví dụ: Thông tin trọng yếu hoặc không trọng yếu

        Một nhà đầu tư cá nhân dựa trên tìm hiểu của mình và tin rằng Acme, Inc., sẽ được mua lại trong tương lai bởi một công ty lớn trong ngành. Người này có chia sẻ tìm hiểu cho bạn của mình và họ cùng mua cổ phần của Acme.

        Đáp án:

        Không có vi phạm nào ở đây vì nhà đầu tư cá nhân này không có thông tin nội bộ mà tự nghiên cứu và đưa ra kết luận của riêng mình.

        Kết luận của người này không trọng yếu vì đây là nhà đầu tư cá nhân thông thường trên thị trường, kết luận hoàn toàn là ý kiến cá nhân và ít khả năng khiến các nhà đầu tư khác quyết định mua cổ phần của Acme dựa trên thông tin đó.

        Ví dụ: Thông tin trọng yếu chưa công bố

        Một hội viên đã biết trước nội dung trong mục khuyến nghị mua cổ phiếu trên báo quốc gia chưa phát hành và dựa theo nội dung này để mua trước cổ phiếu.

        Đáp án:

        Nội dung khuyến nghị trên tờ báo được đón đọc rộng rãi có thể sẽ khiến giá cổ phiếu tăng, vì vậy đây là thông tin quan trọng chưa công bố. Hội viên đã vi phạm Tiêu chuẩn đạo đức.

        3.2. Thao túng thị trường (II(B) Market manipulation)


        Các hội viên và ứng viên không được tham gia các hành vi thao túng/ lũng đoạn thị trường – hành vi làm sai lệch giá hoặc thổi phồng khối lượng giao dịch một cách giả tạo nhằm đánh lừa người tham gia thị trường.
        Làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư về thị trường tài chính, dẫn tới gia tăng mức bù đắp rủi ro và suy yếu niềm tin của những nhà đầu tư dự định tham gia thị trường

        Ví dụ: Thao túng/ lũng đoạn thị trường

        Một hội viên đang tìm cách bán một lượng lớn cổ phiếu có tính thanh khoản thấp từ một quỹ mà anh ta quản lý. Anh ta mua và bán cổ phiếu giữa quỹ đó và một quỹ khác mà anh ta cũng quản lý nhằm làm tăng giá cổ phiếu, do đó việc bán lượng lớn cổ phiếu trên sẽ có ít tác động đến thị trường hơn và kiếm được lợi nhuận tốt hơn cho cổ đông ở các quỹ.

        Đáp án:

        Việc người này mua bán cổ phiếu giữa các quỹ chính bản thân quản lý với mục đích làm tăng giá cổ phiếu là hành động làm lũng đoạn thị trường.

        4. Trách nhiệm với khách hàng (III Duties to clients)

        4.1. Trung thành, thận trọng và quan tâm (III(A) Loyalty, Prudence and Care)

        Các khái niệm cơ bản:

        • Trung thành - Luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của Khách hàng trong bất cứ hoàn cảnh
          nào.
        • Thận trọng - Hành động với sự quan tâm, sử dụng các kỹ năng và sự chăm chỉ một cách có căn cứ. Đối với lĩnh vực ủy thác quản lý đầu tư, nguyên tắc Thận trọng yêu cầu những hoạt động ủy thác phù hợp với khách hàng và giúp Khách hàng cân bằng được lợi suất và rủi ro của khoản đầu tư
        • Quan tâm - Hành động một cách thận trọng và sáng suốt để tránh làm tổn hại đến khách
          hàng. Nguyên tắc Quan tâm yêu cầu các hội viên và ứng viên định kỳ xem xét lại tình trạng của khách hàng để đảm bảo những hoạt động ủy thác luôn phù hợp với điều kiện của từng khách hàng.

        Điều này có thể đạt được bằng cách:

        • Tuân thủ nguyên tắc, luật lệ được áp dụng
        • Xây dựng mục tiêu đầu tư của khách hàng. Xem xét tính phù hợp của danh mục đầu tư với nhu cầu và tình hình của khách hàng.
        • Đa dạng hoá danh mục đầu tư
        • Làm việc, đối xử công bằng với toàn bộ khách hàng
        • Công khai, làm rõ những xung đột lợi ích
        • Công khai thoả thuận lợi ích
        • Duy trì tính bảo mật
        • Tìm kiếm cách thức triển khai tốt nhất (best execution)
        • Luôn đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu.

        Ví dụ: Trách nhiệm với khách hàng

        Một hội viên thực hiện nhiều giao dịch trong tài khoản khách hàng nhiều hơn mức cần thiết vì cô ấy muốn kiếm thêm thu nhập từ tiền hoa hồng của khách hàng.

        Đáp án:

        Hội viên đang sử dụng tài sản của khách hàng để thu lợi cho bản thân chứ không vì quyền lợi của khách hàng và đã vi phạm Tiêu chuẩn.

        4.2. Đối xử công bằng (III(B) Fair dealing)

        Hội viên và ứng viên phải làm việc với mọi khách hàng trên cơ sở công bằng, khách quan khi hành nghề chuyên nghiệp.

        Tuy nhiên, nhà tư vấn có thể cung cấp những dịch vụ cá nhân hơn, chuyên sâu hơn, đặc biệt hơn cho những khách hàng sẵn sàng chi trả cho khoản lợi ích tăng thêm này.

        ⇒  Có thể phân loại dịch vụ cung cấp cho các khách hàng khác nhau, nhưng cần đảm bảo sự phân loại này không ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm khách hàng khác.

        02 loại hành vi thường gặp:

        Khuyến nghị đầu tư

        (Investment recommendation)

        Toàn bộ khách hàng cần được nhận cùng một khuyến nghị trước khi thực hiện đầu tư

        Thực hiện đầu tư

        (Investment actions)

        Không phân biệt khách hàng cá nhân và tổ chức, bám sát mục tiêu đầu tư và hoàn cảnh của họ.

        Một số đề xuất tuân thủ:

        • Không công khai cho bất kỳ một khách hàng nào khi khuyến nghị đang được xem xét thay đổi
        • Rút ngắn khoảng thời gian từ khi ra quyết định tới khi công bố
        • Lưu trữ danh sách khách hàng và cổ phiếu họ nắm giữ để đảm bảo cùng một khuyến nghị đầu tư được thông báo đồng thời tới tất cả các khách hàng có khả năng hưởng lợi từ khuyến nghị này.
        • Phát triển và thông báo cho mọi khách hàng về thủ tục phân bổ - đảm bảo tính công bằng, xử lý yêu cầu nhanh và hiệu quả
        • Công bố thủ tục phân bổ
        • Rà soát tài khoản — đảm bảo rằng không có khách hàng nào được đối xử đặc biệt và các hành động đầu tư phù hợp với mục tiêu của khách hàng.
        • Công bố đầy đủ thông tin về các cấp dịch vụ được cung cấp với giá tương ứng.

        Ví dụ: Đối xử công bằng

        Khi một hội viên thực hiện phân phối giao dịch, cô ấy đặt một số lệnh có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn và tài khoản của khách hàng lâu năm và đặt các lệnh có triển vọng lợi nhuận kém hơn vào tài khoản khách hàng khác.

        Đáp án:

        Điều này là vi phạm Tiêu chuẩn. Hội viên này lẽ ra phải phân bổ các giao dịch theo tỷ lệ phù hợp với các tài khoản

        4.3. Phù hợp (III(C) Suitability)

        Khi cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng, hội viên và ứng viên cần:

        • Tìm hiểu kỹ khách hàng (bao gồm khách hàng tiềm năng) về cách khía cạnh: kinh nghiệm đầu tư, mục tiêu, giới hạn nguồn lực tài chính (ghi rõ trong Tuyên bố chính sách đầu tư – investment policy statement (IPS)) trước khi đưa ra khuyến nghị đầu tư
        • Thường xuyên đánh giá, cập nhật Tuyên bố chính sách đầu tư ít nhất một năm một lần và trước sự thay đổi trọng yếu trong khuyến nghị và quyết định đầu tư
        • Cân nhắc lựa chọn đầu tư phù hợp với tình hình tài chính của khách hàng và thống nhất với mục tiêu của họ trước khi đưa ra khuyến nghị hay quyết định đầu tư
        • Xem xét tính phù hợp của khoản đầu tư trên tổng thể danh mục đầu tư của khách hàng để đảm bảo mức độ rủi ro của cả danh mục ở mức hợp lý

        Thiết lập Tuyên bố chính sách đầu tư đảm bảo các yếu tố:

        • Nhận diện khách hàng: (i) bản chất khách hàng; (ii) bên thụ hưởng riêng biệt (separate beneficiaries); (iii) ước lượng tổng tài sản của khách hàng được uỷ quyền quản lý
        • Mục tiêu đầu tư: (i) mục tiêu lợi nhuận (return objectives) (thu nhập, tăng trưởng phần vốn gốc, duy trì sức mua) và (ii) khả năng chấp nhận rủi ro
        • Giới hạn của nhà đầu tư: (i) nhu cầu thanh khoản; (ii) dòng tiền mong đợi; (iii) phần vốn có thể đầu tư; (iv) luật, qui định cần tuân thủ, …
        • Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả đầu tư

        Ví dụ 9: Thấu hiểu khách hàng

        Vấn đề

        Câu hỏi đề xuất

        Thời gian nắm giữ

        Anh/ chị có thể đầu tư trong khoảng thời gian bao lâu? 5 năm, 10 năm hay 30 năm

        Mức độ thanh khoản

        Có trường hợp nào anh/chị muốn thu hồi lại khoản đầu tư
        của mình tức thì hay không?

         

        Yêu cầu về khả năng sinh lời

        Anh chị có yêu cầu gì về khả năng sinh lời của khoản đầu tư? Khoản đầu tư sinh lời định kỳ hay sinh lời cố định sau một khoảng thời gian?
        Anh chị còn những khoản đầu tư nào khác không? Việc đầu tư này có làm ảnh hưởng gì đến danh mục đầu tư của anh/chị không?

        4.4. Trình bày hiệu quả đầu tư (III(D) Performance presentation)

        Khi trình bày hiệu quả đầu tư, hội viên và ứng viên cần đảm bảo thông tin là chính xác, đầy đủ.

        Một số đề xuất:

        • Trình bày kết quả theo nhóm hạng mục tương đồng
        • Nêu rõ những tài khoản đã đóng trong quá khứ kèm giải thích lý do đóng tài khoản
        • Giải thích kết quả rõ ràng
        • Lưu trữ dữ liệu dùng để tính toán kết quả

        Ví dụ: Trình bày hiệu quả đầu tư

        Kyle Inc. thông báo kết quả hoạt động của quỹ tín thác (trust fund) của công ty trong hai năm gần nhất trong tập tài liệu quảng cáo gửi cho các khách hàng tiềm năng rằng: “Bạn luôn có thể kì vọng mức lợi nhuận hàng năm đạt 25%.”

        Tuy nhiên, trên thực tế, con số 25% chỉ phản ánh lợi nhuận trong năm vừa qua. Ngoài ra, lợi nhuận các năm trước là khá thấp và chỉ đạt trung bình 5% trong 05 năm.

        Đáp án:

        Tài liệu quảng cáo của Kyle vi phạm Tiêu chuẩn III (D). Kyle đáng lẽ nên nêu rõ rằng lợi nhuận 25% chỉ là mức lợi nhuận trong một năm gần nhất.

        →  Quảng cáo rằng khách hàng có thể mong đợi mức lợi nhuận ổn định đạt 25% là vi phạm Tiêu chuẩn I(C) Làm sai lệch thông tin.

        4.5. Duy trì tính bảo mật thông tin (III(E) Preservation of confidentiality)

        Hội viên và ứng viên bắt buộc phải bảo mật thông tin khách hàng trong quá khứ, hiện tại và khách hàng tiềm năng trừ khi:

        • Thông tin khách hàng có liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật
        • Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng
        • Khách hàng cho phép cung cấp thông tin

        Ví dụ 11: Duy trì tính bảo mật thông tin

        Một hội viên biết được khách hàng của mình mong muốn đóng góp từ thiện một phần khoản thu nhập từ đầu tư. Hội viên này nói với một người bạn trong ban điều hành của một tổ chức từ thiện và gợi ý rằng anh ta nên liên hệ với khách hàng này.

        Đáp án:

        Đây là một hành động vi phạm khi tiết lộ thông tin từ phía khách hàng cho một bên thứ ba khi chưa có sự cho phép.

         

        Nếu bạn cần thêm thông tin, đừng quên liên hệ với chúng tôi:

        Bộ phận trải nghiệm học viên tại SAPP
        Hotline: (+84) 971 354 969
        Email: support@sapp.edu.vn