[Level II] Portfolio management

[Tổng hợp các kiến thức cơ bản] Reading 48: Chi phí giao dịch và thị trường giao dịch điện tử

Tổng hợp các kiến thức quan trọng, cần lưu ý khi học Reading 48 trong chương trình CFA level 2

Reading cuối cùng của môn PM trình bày những kiến thức liên quan đến giao dịch và thị trường, bao gồm chi phí thực hiện giao dịch, những khái niệm liên quan đến chênh lệch giữa giá mua và giá bán, và thị trường giao dịch điện tử.

Ở mức độ nền tảng, cuốn sách này giải thích về các cấu phần của chi phí giao dịch và giới thiệu cách thức yết giá trên thị trường và một số các tiêu chí (benchmark) thường được sử dụng để xác định chi phí ẩn.

1.   Các cấu phần của chi phí giao dịch

Khi đánh giá chi phí giao dịch, ngoài các chi phí hiện như là chi phí môi giới, ta còn cần phải xét đến các chi phí ẩn. Chi phí ẩn bao gồm chi phí ảnh hưởng của mức giá thực hiện bất lợi và chi phí cơ hội của những lệnh giao dịch không được thực hiện thành công. Các chi phí hiện thường rõ ràng và dễ xác định, trong khi đó không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng phát hiện ra các chi phí ẩn.

  • Chi phí giao dịch hiện bao gồm chi phí môi giới, thuế và các khoản phí – các nhà giao dịch trên thị trường nhận được hóa đơn ghi chép rõ ràng các khoản phí này. Đối với chủ thể giao dịch với quy mô lớn, chi phí hiện liên quan đến việc thuê các nhân viên giao dịch và các chi phí liên quan, và vì vậy chi phí hiện của họ trường khá cố định. Còn với những đối tượng giao dịch với quy mô nhỏ, họ sử dụng dịch vụ của các nhà môi giới trên thị trường, vì vậy chi phí hiện của họ mang tính biến động cao hơn.
  • Chi phí giao dịch ẩn là các chi phí khó để đo lường hơn, bao gồm: chênh lệch bid-ask, ảnh hưởng của thị trường/mức giá, chi phí cơ hội, chi phí trì hoãn (trượt giá). Những chi phí này có thể được ước lượng thông qua việc đo lường kết quả của giao dịch và so sánh với một tiêu chí nhất định (benchmark).
    Chênh lệch bid-ask thường là chi phí ẩn mà người giao dịch có khả năng phải chịu nhất cho một giao dịch với quy mô nhỏ. Những lệnh giao dịch tại chính mức giá bid hay ask thường được thực hiện nhanh hơn, nhưng mức giá của người giao dịch sẽ bất lợi hơn. Những nhà đầu tư kiên nhẫn có thể sẽ chọn giao dịch ở mức giá nằm giữa giá bid và giá ask (điều này có lợi hơn cho họ) nhưng họ phải đối mặt với rủi ro lệnh của họ sẽ không được thực hiện. Đối với lệnh giao dịch với khối lượng lớn và yêu cầu tính thanh khoản cao, thì sau khi khớp hết các giá tốt trên sổ (order book), người đặt lệnh sẽ phải chịu những mức giá bất lợi hơn.
    Ảnh hưởng của thị trường (hoặc ảnh hưởng của mức giá trên thị trường) là ảnh hưởng của nhu cầu thanh khoản trên thị trường. Nếu một người giao dịch buộc phải thực hiện một giao dịch có khối lượng lớn, người đó có thể sẽ phải tăng giá mua để thu hút người bán và ngược lại.
    Chi phí trì hoãn (trượt giá) là chi phí do sự biến động ngược lại của giá cả xảy ra trong khi giao dịch đang ở trạng thái chưa được thực hiện (lag). Điều này có thể khiến cho người giao dịch sẽ phải mua ở mức giá cao hơn, hoặc bán ở mức giá thấp hơn so với mức giá mà họ đặt ra ban đầu.
    Chi phí cơ hội phát sinh từ những lệnh không được thực hiện hoặc những cơ hội kinh doanh bị bỏ qua. Ví dụ, một nhà đầu tư giá trị đang mua một cổ phiếu bị định giá thấp để đầu tư. Tuy nhiên, họ chưa mua đủ số lượng thì giá cổ phiếu này đã tăng lên và vì vậy họ phải hủy lệnh mua. Phần lợi nhuận bị mất đi chính là chi phí cơ hội.

Trong khi những cấu phần khác của chi phí ẩn tập trung về khía cạnh chênh lệch giữa giá thực hiện trên thực tế và mức giá kỳ vọng của người giao dịch khi đặt lệnh, thì chi phí cơ hội lại tập trung nói về giá trị của cơ hội bị mất đi khi giao dịch không được thực hiện.

Lưu ý rằng luôn có sự đánh đổi giữa chi phí ảnh hưởng của thị trường và chi phí trì hoãn + chi phí cơ hội: khi ta đang đợi mức giá tốt hơn để đặt lệnh, thì giá cả trên thị trường lại có thể đi ngược lại với kỳ vọng của chúng ta.

2.   Sự yết giá của các nhà tạo lập thị trường

Các nhà tạo lập thị trường (dealers) cung ứng hàng hóa và tạo thanh khoản cho thị trường bằng cách mua và bán chứng khoán với khối lượng lớn.

  • Giá chào mua tốt nhất (best bid): là mức giá chào mua cao nhất được đưa ra, và còn được gọi là inside bid.
  • Giá chào bán tốt nhất (best ask): là mức giá chào bán thấp nhất được đưa ra, và còn được gọi là inside ask.
  • Inside spread là chênh lệch giữa mức giá chào mua tốt nhất và mức giá chào bán tốt nhất.
  • Midquote là giá trị trung bình của mức giá chào bán và chào mua được yết bởi một nhà tạo lập thị trường.
  • Sổ lệnh (limit order book) là bản thống kê tất cả các mức giá chào mua và chào bán mà nhà tạo lập thị trường sẵn sàng mua hoặc bán, đi cùng với khối lượng giao dịch tại mỗi mức giá. Giá chào mua và giá chào bán thường được sắp xếp từ tốt nhất đến kém hấp dẫn nhất.

Ví dụ: Cho sổ lệnh sau:

Bids (chào mua)

Asks (chào bán)

Nhà tạo lập thị trường

Thời gian đặt lệnh

Giá

Khối lượng

Nhà tạo lập thị trường

Thời gian đặt lệnh

Giá

Khối lượng

P

9:31 am

$32.24

3,000

R

9:31 am

$32.29

2,000

Q

9:41 am

$32.24

2,500

P

9:31 am

$32.31

3,000

R

9:45 am

$32.23

3,500

Q

9:41 am

$32.35

3,500

Vào lúc 9:31 am, một người giao dịch (P) đặt lệnh mua 3,000 cổ phiếu sẽ mua được 2,000 cổ phiếu tại mức giá $32.29 và 1,000 cổ phiếu còn lại tại mức giá $32.31.

Lưu ý vì mức giá chào bán tốt nhất (yết bởi R) chỉ bán 2,000 cổ phiếu, nên P buộc phải chia lệnh mua ra hai phần, ở phần còn lại (1,000 cổ phiếu), P phải chấp nhận mức giá kém hấp dẫn hơn ($32.31). Đây cũng là ví dụ minh họa cho chi phí chênh lệch bid-ask, khi khối lượng đặt lệnh quá lớn. (Phần 6.1. Các cấu phần của chi phí giao dịch).

3.   Các tiêu chí (benchmark) thường được sử dụng để xác định chi phí

Chi phí giao dịch ẩn thường được đo lường bằng một mức chênh lệch giá cả được chọn làm tiêu chí.

  • Mức giá giao dịch tốt hơn so với mức tiêu chuẩn, thì giao dịch được đánh giá là hấp dẫn (favourable)
  • Mức giá giao dịch không tốt bằng mức tiêu chuẩn, thì giao dịch được đánh giá là kém hấp dẫn (unfavourable)

Có 3 loại chênh lệch giá cả được chọn làm tiêu chí:

  • Effective spread (mức chênh lệch giá hiệu quả):

Mức chênh lệch giá hiệu quả sử dụng mức giá midquote (mức giá nằm giữa giá bid và giá ask) để làm tiêu chí chuẩn (benchmark). Về mặt nguyên tắc, mức giá midquote được xem là mức giá “chấp nhận được”; khi đặt lệnh mua, nếu mức giá khớp lệnh cao hơn giá midquote thì được xem là “không chấp nhận được”, nếu mức giá khớp lệnh thấp hơn giá midquote thì được xem là “chấp nhận được”; và ngược lại đối với lệnh bán.

  • VWAP (Mức giá trung bình trọng số theo khối lượng giao dịch):

Là mức giá trung bình trọng số theo khối lượng giao dịch của tất cả các giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian từ lúc nhà đầu tư đặt lệnh cho đến khi lệnh của nhà đầu tư được thực hiện.

  • Implementation shortfall (thiếu hụt thực hiện):

Là một phương pháp tiếp cận về mặt lý thuyết, đo lường chi phí giao dịch bằng khoảng chênh lệch giữa giá trị của danh mục thực tế và danh mục lý tưởng (paper portfolio). Trong danh mục lý tưởng, tất cả mọi giao dịch đều được thực hiện toàn bộ tại chính mức giá đặt lệnh mà không mất thêm khoản phí nào.

 

Nếu bạn cần thêm thông tin, đừng quên liên hệ với chúng tôi:

Bộ phận trải nghiệm học viên tại SAPP
Hotline: (+84) 971 354 969
Email: support@sapp.edu.vn
Link yêu cầu về dịch vụ: https://page.sapp.edu.vn/phieu-yeu-cau-dich-vu-cx