Tiếp nối phần 1, trong phạm vi bài viết này, hãy cùng SAPP khám phá các phương thức tìm việc chủ động mà ứng viên có thể khai thác nhé!
Mục lục:
1. LinkedIn
2. Facebook
3. Phương pháp tìm việc theo vòng tròn xoắn ốc (Spiral Model)
4. Tìm việc qua các trang việc làm (Job Portal)
5. Tìm việc qua các kênh giới thiệu cá nhân (refer)
6. Tìm việc qua các cuộc thi học thuật
Lời kết
>> Xem thêm: Tìm Kiếm Việc Làm Chủ Động: Chìa Khóa Giúp Nhân Sự Kế - Kiểm Ứng Tuyển Thành Công (P1)
1. LinkedIn
LinkedIn - mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới, được thiết kế với mục tiêu là “cầu nối” giữa ứng viên và bộ phận tuyển dụng. Với nền tảng này, người dùng có thể chủ động tạo hồ sơ cá nhân, kết nối với bộ phận tuyển dụng hoặc các chuyên gia trong ngành để tìm kiếm cơ hội việc làm.
1.1. Nhóm đối tượng sử dụng LinkedIn - họ là ai?
Xét theo tiêu chí cấp bậc, có thể chia người dùng LinkedIn thành 05 nhóm như sau:
- Sinh viên, người mới tốt nghiệp (Entry-level): Nhóm đối tượng vừa mới bước chân vào thị trường lao động và muốn tận dụng LinkedIn để xây dựng mạng lưới quan hệ, tìm kiếm cơ hội thực tập hoặc công việc đầu tiên.
- Chuyên viên, lãnh đạo cấp trung (Mid-level): Nhóm người đã có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành và sử dụng LinkedIn với mục đích tìm kiếm cơ hội thăng tiến hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
- Chuyên gia trong ngành (Senior-level): Nhóm đối tượng đã có nhiều năm kinh nghiệm, thường giữ các vị trí quản lý cao cấp hoặc chuyên gia trong lĩnh vực. Các chuyên gia trong ngành sử dụng LinkedIn là nơi để chia sẻ các kiến thức chuyên môn và tham gia vào các cuộc thảo luận để xây dựng thương hiệu cá nhân và ảnh hưởng trong ngành.
- Lãnh đạo cấp cao (Executive-level): Các lãnh đạo cấp cao như giám đốc, phó giám đốc, CEO, CFO và các vị trí tương đương.
- Ban giám đốc (C-Level): Những người nắm giữ các chức danh điều hành cao nhất trong một công ty, bao gồm: CEO (Chief Executive Officer), CFO (Chief Financial Officer), COO (Chief Operating Officer) và các vị trí tương tự. Mục tiêu của nhóm người dùng này chủ yếu là xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc cho cho công ty. Thường các manager sẽ cập nhật nội dung về công ty, xu hướng thị trường, chi sẻ thông tin và insight về ngành, giới thiệu về sản phẩm dịch vụ của công ty.
Xét theo hành vi và mục đích sử dụng, có thể phân thành 05 nhóm người dùng LinkedIn:
- Người tìm việc (Job Seekers) gồm những người đang tích cực tìm kiếm công việc mới, thường xuyên cập nhật hồ sơ và ứng tuyển vào các vị trí (Active Job Seekers) và nhóm người không chủ động tìm kiếm việc làm nhưng sẵn sàng xem xét các cơ hội mới nếu có (Passive Job Seekers). Thường nhóm đối tượng này sẽ đặt trạng thái Open for work/Tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mới hoặc đăng bài mô tả một chút về kinh nghiệm bản thân cũng như mong muốn về cơ hội nghề nghiệp họ đang tìm kiếm;
- Nhà tuyển dụng (Recruiter, Headhunter) là cá nhân hoặc tổ chức phụ trách tìm kiếm, lựa chọn và tuyển dụng nhân viên cho các vị trí công việc cụ thể trong công ty hoặc tổ chức của họ. Họ có thể làm việc trực tiếp cho một công ty (chuyên viên tuyển dụng nội bộ) hoặc làm việc cho các công ty dịch vụ tuyển dụng hoặc headhunter (nhà tuyển dụng bên ngoài). Đây là nhóm đối tượng hoạt động thường xuyên và tích cực nhất trên LinkedIn.
- Chuyên gia trong ngành (Professionals for Networking) là nhóm đối tượng sử dụng LinkedIn để kết nối với đồng nghiệp, chuyên gia trong cùng ngành và tham gia vào các nhóm thảo luận chuyên môn để xây dựng thương hiệu cá nhân và sức ảnh hưởng trong ngành;
- Nhà phát triển kinh doanh (Business Developers, Sales) sử dụng LinkedIn như một kênh marketing cho sản phẩm, dịch vụ của công ty để tìm kiếm đối tác và khách hàng tiềm năng B2B, hoặc xây dựng mối quan hệ kinh doanh và bán hàng.
- Người làm việc tự do (Freelancer) là nhóm người dùng không bị ràng buộc bởi một tổ chức hay công ty cố định và sử dụng LinkedIn với mục tiêu tìm kiếm dự án và các khách hàng tiềm năng.
Xét theo cơ cấu tuổi:
Theo dữ liệu thống kê từ LinkedIn năm 2024, độ tuổi người dùng LinkedIn chủ yếu là 3 nhóm: Nhóm tuổi trẻ (từ 18 - 34 tuổi), nhóm tuổi trưởng thành (từ 34 - 54 tuổi) và nhóm tuổi trung niên (từ 55 tuổi trở lên).
- Nhóm tuổi trẻ: Nhóm người dùng LinkedIn trẻ tuổi (từ 18 - 34 tuổi) chiếm hơn 51,8%, cho thấy sự phổ biến của nền tảng này đối với thế hệ trẻ.
- Nhóm tuổi trưởng thành: Nhóm người dùng trưởng thành (từ 35 - 54 tuổi) cũng chiếm tỷ lệ đáng kể (30.7%), cho thấy LinkedIn được sử dụng bởi nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau.
- Nhóm người dùng trung niên (từ 55 tuổi trở lên) có tỷ lệ sử dụng LinkedIn khá thấp (4.8%).
1.2 Làm như thế nào để tìm việc qua LinkedIn?
Bước 1: Tạo và tối ưu hóa hồ sơ LinkedIn
- Tạo tài khoản và hoàn thiện các thông tin cá nhân: Điền đầy đủ thông tin cá nhân, kinh nghiệm làm việc, học vấn, kỹ năng, và thêm ảnh đại diện chuyên nghiệp.
- Tóm tắt học vấn và các kinh nghiệm làm việc: Viết một phần tóm tắt ngắn gọn nhưng ấn tượng về bản thân, nêu bật những kỹ năng, thành tích nổi bật ứng với mỗi kinh nghiệm làm việc.
- Tận dụng các từ khóa: Sử dụng từ khóa liên quan đến lĩnh vực bạn muốn ứng tuyển để tăng khả năng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của nhà tuyển dụng.
- Cập nhật các thông tin về kinh nghiệm làm việc, chứng chỉ thường xuyên: Bổ sung các kinh nghiệm, dự án, chứng chỉ mới và những thành tựu sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được sự phát triển về năng lực chuyên môn, kỹ năng của ứng viên, từ đó khuyến khích tăng tỉ lệ vượt qua vòng hồ sơ.
>> Đọc thêm: Cách xây dựng Profile LinkedIn chuyên nghiệp cho ứng viên ngành Kế Kiểm
Bước 2: Tìm kiếm việc làm
Theo Forbes, LinkedIn đang là một trong những nền tảng mạng xã hội về việc làm phổ biến nhất hiện nay với 95% nhà tuyển dụng và chuyên gia sử dụng để tìm kiếm ứng viên. Vì vậy, bạn có thể chủ động kết nối với bộ phận nhân sự hoặc các chuyên gia, manager trong ngành để chủ động tìm kiếm và tạo ra cơ hội ứng tuyển.
Trong quá trình tìm kiếm các cơ hội việc làm mới, ứng viên nên theo dõi thêm kênh LinkedIn chính thức của công ty mục tiêu để nắm bắt kịp thời các thông báo tuyển dụng mới nhất, đồng thời hiểu hơn về các hoạt động, sự kiện nội bộ và văn hóa tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, bạn nên chủ động giới thiệu về bản thân hoặc đăng tải các bài viết chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của mình. Bạn cũng có thể tham gia thảo luận, tương tác và chia sẻ quan điểm với bài viết của các người dùng khác nhằm xây dựng thương hiệu các nhân và tạo sự hiện diện trên LinkedIn. Chuỗi hoạt động này sẽ giúp bộ phận tuyển dụng hiểu hơn về background, các kinh nghiệm, khả năng hoặc thành tích mà bạn đang sở hữu, từ đó tạo ấn tượng tích cực. Hơn nữa, sự hiện diện thường xuyên và tích cực trên LinkedIn là minh chứng cho sự chủ động và nhiệt huyết của ứng viên, từ đó gia tăng khả năng tìm kiếm được công việc phù hợp và phát triển sự nghiệp của bạn.
1.3 Ưu, nhược điểm khi tìm kiếm việc làm qua LinkedIn
Ưu điểm:
- Ứng viên có thể tiếp cận nhiều cơ hội việc làm: LinkedIn là nền tảng kết nối với ứng viên với hàng triệu nhà tuyển dụng, chuyên gia trên toàn thế giới, vì vậy, người dùng sử dụng mạng xã hội này có thể tiếp cận nguồn cơ sở dữ liệu lớn về việc làm từ các công ty và tổ chức nghề nghiệp khác nhau. Điều này giúp bạn có thể tìm kiếm công việc theo lĩnh vực, vị trí, địa điểm,... phù hợp với kỹ năng và mong muốn của bản thân. Hơn nữa, khi tạo hồ sơ trên LinkedIn, ứng viên có thể kết nối với đồng nghiệp cũ, bạn học, chuyên gia trong ngàn…. Mở rộng mạng lưới quan hệ giúp ứng viên có thể nhận được lời giới thiệu hoặc các thông tin tuyển dụng nội bộ từ những người đã kết nối với mình.
- Tính chuyên nghiệp và độ tin cậy của các cơ hội việc làm ở LinkedIn cao: Là nền tảng dành riêng cho việc kết nối và tìm kiếm việc làm, LinkedIn tập trung vào đối tượng người dùng là bộ phận nhân sự, chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức uy tín. Vì vậy, chất lượng việc làm của các vị trí tuyển dụng trên nền tảng này được đánh giá khá cap.
- Là nơi lí tưởng để xây dựng thương hiệu cá nhân: Mạng xã hội LinkedIn cho phép ứng viên xây dựng thương hiệu cá nhân qua các chia sẻ về các chủ đề chuyên môn liên quan đến ngành nghề, những nhận định về xu hướng ngành nghề, hoặc đơn thuần là các bài đăng về trạng thái và cập nhật về bản thân (thành tích mình đạt được, vị trí công việc…). Những hoạt động này sẽ giúp bạn định vị thương hiệu cá nhân, trở thành “top voice” và thu hút hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
- Hồ sơ cá nhân trên LinkedIn có tỷ lệ hiển thị cao hơn các nền tảng khác: Trang cá nhân của mỗi ứng viên sẽ đóng vai trò như một CV trực tuyến, nơi ứng viên có thể mô tả các kinh nghiệm, kỹ năng và thành tựu của mình. Với tính năng tìm kiếm của LinkedIn, hồ sơ của ứng viên sẽ có thể dễ dàng được tìm thấy thông qua các từ khóa (keywords).
- LinkedIn cho phép ứng viên chứng thực kỹ năng, nhận xét từ quản lý và đồng nghiệp: Điểm nổi bật của LinkedIn nằm ở tính năng chứng thực kỹ năng và nhận xét, giúp ứng viên khẳng định năng lực bản thân một cách tin cậy và khách quan. Và việc nhận được nhiều chứng thực từ những người có uy tín trong ngành sẽ giúp tăng uy tín và giá trị hồ sơ của mình, từ đó giúp bạn trở nên nổi bật và thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.
Nhược điểm:
- Tỷ lệ cạnh tranh trên LinkedIn thường khá cao: Theo số liệu tính đến thời điểm đầu năm 2024 từ RenTracks, LinkedIn là một nền tảng tìm việc tiềm năng với 830 triệu người dùng trên toàn thế giới nói chung và 7,5 triệu người dùng tại Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, với số lượng người dùng đồ sộ như vậy, nhà tuyển dụng có thể tiếp cận với một lượng lớn các ứng viên chất lượng, từ đó đòi hỏi hồ sơ cá nhân của bạn phải thực sự nổi bật để cạnh tranh với các ứng viên khác.
- Cần đầu tư thời gian và công sức để tạo và duy trì hồ sơ LinkedIn chuyên nghiệp và hoàn chính: Ứng viên sẽ cần phải dành một lượng thời gian đủ lớn để cập nhật thông tin, viết bài chia sẻ và xây dựng mạng lưới mối quan hệ của mình. Và việc duy trì nội dung bài viết chất lượng và thường xuyên cũng là một thách thức lớn.
2. Facebook
Tương tự với LinkedIn, Facebook cũng là một trang mạng xã hội cho phép ứng viên chủ động tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp thông qua các công cụ, nhóm và kết nối trên nền tảng mạng xã hội phổ biến này.
2.1 Nhóm đối tượng sử dụng Facebook để tìm kiếm việc làm - họ là ai?
Về cơ bản, các nhóm đối tượng sử dụng Facebook và LinkedIn để tìm kiếm việc làm đều giống nhau (sinh viên, nhà tuyển dụng, người đã đi làm,...), tuy nhiên, theo báo cáo, Facebook là nền tảng tìm việc phổ biến hướng đến đa dạng đối tượng hơn, đặc biệt là với nhóm người dùng trẻ.
2.2 Làm như thế nào để tìm việc qua Facebook?
Bước 1: Tối ưu hóa hồ sơ Facebook
- Cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân, học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng và sở thích;
- Sử dụng ảnh đại diện và ảnh bìa chuyên nghiệp nhằm tạo ấn tượng tích cực ban đầu trong mắt nhà tuyển dụng;
- Kết nối với bạn bè, đồng nghiệp và chuyên gia trong ngành: Mở rộng mạng lưới quan hệ để tiếp cận nhiều cơ hội việc làm tiềm năng.
Bước 2: Tham gia vào các nhóm nghề nghiệp hoặc việc làm phù hợp
- Sử dụng thanh công cụ tìm kiếm các nhóm việc làm liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp hoặc địa phương mà bạn đang quan tâm. Ví dụ: "Cộng đồng Kế toán", "Diễn đàn Thuế".
- Tham gia, thảo luận trong nhóm hoặc chia sẻ bài viết để tạo sự hiện diện và xây dựng mối quan hệ với các thành viên khác trong nhóm. Các bài đăng có thể là bài đăng giới thiệu bản thân hoặc các bài nhận định, góc nhìn về một hiện tượng, thị trường hoặc chính sách nào đó.
>> Xem thêm: Các hội nhóm nghề nghiệp với người hoạt động trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán
- Cộng Đồng Kế Toán Việt Nam - Kế Toán, Kiểm Toán Thời Đại 4.0: https://www.facebook.com/groups/ketoandoanhnghiep.vn/
- Ex-BIG4er - Chia sẻ cơ hội việc làm Kiểm toán Tài chính Tư Vấn:
https://www.facebook.com/groups/545210935845657/
- Hội Kế toán - Kiểm toán - Thuế Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/hoiketoankiemtoanthuevietnam/
- DIỄN ĐÀN THUẾ:
https://www.facebook.com/groups/taichinhketoanedu/ - CỘNG ĐỒNG KẾ TOÁN:
https://www.facebook.com/groups/congdongketoan/
Ngoài ra, ứng viên có thể gia nhập hội nhóm việc làm và theo dõi các cơ hội được đăng tải. Đây là phương pháp tìm kiếm việc làm thụ động và dễ thực hiện, tuy nhiên cần xác thực tính tin cậy của thông tin.
Các nhóm việc làm điển hình mà người trong ngành Kế - Kiểm nên tham gia:
- Everyday with SAPP (dành riêng cho học viên đang theo học tại SAPP Academy): https://www.facebook.com/groups/939059237504843
- Ex-BIG4er - Chia sẻ cơ hội việc làm Kiểm toán Tài chính Tư Vấn
https://www.facebook.com/groups/545210935845657/
- Tuyển Dụng Kế Toán: https://www.facebook.com/groups/tuyendungketoan/
2.3 Ưu, nhược điểm khi tìm kiếm việc làm qua Facebook
Mặc dù LinkedIn là mạng xã hội về việc làm chuyên nghiệp, Facebook vẫn được nhiều ứng viên ưa chuộng vì giao diện thân thiện, tiện lợi và khả năng kết nối việc làm trong nhiều ngành nghề khác nhau. Điểm mạnh của Facebook là các nhóm cộng đồng với mức độ kết nối chuyên môn cao, sự tương tác giữa thành viên cũng nhanh chóng, đơn giản và mang tính cá nhân hơn so với LinkedIn.
Tuy nhiên, cần cảnh giác với các tin giả mạo, lừa đảo và cẩn thận trong khâu sàng lọc các nguồn tin tuyển dụng và công ty.
3. Phương pháp tìm việc theo vòng tròn xoắn ốc (Spiral Model)
Phương pháp vòng tròn xoắn ốc là một chiến lược tìm kiếm việc làm hiệu quả giúp ứng viên tiếp cận cơ hội việc làm một cách có hệ thống và tự tin hơn. Bằng cách lập danh sách từ 20 đến 30 công ty theo mức độ ưu tiên từ ngoài vào trong, phương pháp này khuyến khích người tìm việc bắt đầu nộp đơn theo thứ tự từ các công ty thuộc vòng ngoài (mức độ quan tâm thấp) của vòng tròn xoắn ốc để tích lũy kinh nghiệm, sau đó dần dần tiến vào vòng trong (các công ty có mức độ quan tâm trung bình) để cuối cùng đối diện với công ty mục tiêu (mức độ quan tâm cao).
3.1 Ứng viên nào nên áp dụng phương pháp tìm việc theo mô hình xoắn ốc?
- Sinh viên vừa mới tốt nghiệp thường thiếu hụt kinh nghiệm và các kỹ năng cần có trong quá trình phỏng vấn;
- Người vừa chuyển đổi nghề nghiệp và cần thời gian để thích nghi, hiểu rõ yêu cầu của lĩnh vực mới;
- Người đã nghỉ việc một thời gian dài cần làm quen lại với quy trình tuyển dụng;
- Người ứng tuyển trong các ngành và công ty có tỷ lệ cạnh tranh cao.
3.2 Ưu, nhược điểm khi tìm kiếm việc làm với phương pháp tìm việc theo vòng tròn xoắn ốc (Spiral Model)
Về ưu điểm, chiến lược này không chỉ mang lại cơ hội tích lũy kinh nghiệm, cải thiện kỹ năng phỏng vấn mà còn giúp bạn giảm áp lực và căng thẳng khi đối diện với công ty mục tiêu. Với cách tiếp cận lần lượt từng bước, bạn sẽ có cơ hội hoàn thiện bản thân từ các nhận xét sao cho phù hợp, từ đó tăng tỷ lệ thành công khi ứng tuyển vào công ty quan trọng nhất.
Ngược lại, quá trình ứng tuyển nhiều lần khiến bạn tiêu tốn thời gian hơn vì bạn cần nộp hồ sơ và tham gia phỏng vấn tại nhiều công ty trước khi đến được công ty mục tiêu. Ngoài ra, người tìm việc còn có thể gặp rủi ro chờ đợi khi các công ty ít quan trọng hơn phản hồi chậm hoặc quá trình tuyển dụng bị kéo dài so với ước tính, từ đó kéo theo ứng viên sẽ mất nhiều thời gian để đến được công ty mục tiêu.
>> Xem thêm
- [Tips] - Ứng viên ngành Kế Kiểm nên tìm hiểu gì trước tham gia phỏng vấn? (P1: Thông tin doanh nghiệp)
- [Tips] - Ứng viên ngành Kế Kiểm nên tìm hiểu gì trước tham gia phỏng vấn? (P2: Key member và vị trí ứng tuyển)
4. Tìm việc qua các trang việc làm (Job Portal)
Với phương pháp này, ứng viên sẽ sử dụng các website tìm việc làm (Job Portal) chuyên nghiệp như TopCV, Vietnamworks, Ybox, JobsGo.… để tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp được đăng tải.
Về cơ bản, tìm kiếm việc làm qua các trang Job Portal là lựa chọn phù hợp cho nhiều nhóm ứng viên khác nhau, bất kể kinh nghiệm và ngành nghề. Bên cạnh các thành phần cơ bản như sinh viên mới tốt nghiệp, người đang tìm kiếm công việc mới hoặc muốn chuyển đổi ngành nghề, trang web này còn phù hợp với những người lao động tự do (freelancer) có thể sử dụng Job Portal để tìm kiếm dự án và khách hàng mới, mở rộng mạng lưới công việc.
4.1 Làm thế nào để tìm kiếm việc làm qua các trang việc làm (Job Portal)?
Cách 1: Chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm qua các trang website
- Bước 1: Đăng ký tài khoản và tạo hồ sơ cá nhân trên các trang Job Portal. Trong quá trình lập hồ sơ, cần hoàn thành một cách chi tiết nhất các thông tin được yêu cầu. (VD: Trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng và các chứng chỉ liên quan,...)
- Bước 2: Sử dụng các công cụ tìm kiếm của trang Job Portal để tìm các công việc phù hợp với kỹ năng, kinh nghiệm và sở thích của mình. Bạn có thể lọc kết quả theo ngành nghề, địa điểm, mức lương và một số tiêu chí khác…
- Bước 3: Khi tìm thấy công việc phù hợp, ứng viên có thể nộp đơn trực tiếp qua trang Job Portal để gửi hồ sơ của mình đến với nhà tuyển dụng. Sau bước này, bạn có thể theo dõi tình trạng ứng tuyển cho các vị trí bạn đã nộp đơn.
>> Cùng nâng cấp tài khoản Education VIP của Top CV với đặc quyền dành riêng cho học viên SAPP tại đây.
Cách 2: Đăng tải CV ứng tuyển và chờ nhà tuyển dụng liên hệ
Ứng viên có thể tìm việc trên các Job Portal bằng cách đăng tải CV và chờ nhà tuyển dụng liên hệ. Đây là một phương pháp thụ động nhưng có thể mang lại hiệu quả cao nếu hồ sơ cá nhân của người tìm việc đủ ấn tượng:
- Bước 1: Đăng ký tài khoản trên một hoặc nhiều Job Portal uy tín và hoàn thiện hồ sơ cá nhân của mình một cách chi tiết và chuyên nghiệp.
- Bước 2: Sau khi hồ sơ đã được hoàn thiện, bạn tải lên CV, Portfolio hoặc bất kỳ tài liệu nào khác có thể hỗ trợ cho quá trình ứng tuyển. Trong quá trình thiết kế, hãy đảm bảo CV thu hút về cả hình thức và nội dung, đồng thời nhấn mạnh các kinh nghiệm làm việc và thành tựu chuyên môn nổi bật của bạn.
- Bước 3: Thường xuyên cập nhật hồ sơ và theo dõi các kênh liên lạc hoặc thông báo từ các Job Portal để đảm bảo không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội việc làm nào từ nhà tuyển dụng.
4.2 Ưu, nhược điểm khi sử dụng trang website tìm kiếm việc làm (Job Portal)
Về ưu điểm, các website này thường có đến hàng nghìn tin tuyển dụng từ nhiều ngành nghề và công ty khác nhau, từ đó ứng viên có nhiều sự lựa chọn. Ứng viên có thể tìm kiếm nộp hồ sơ cho nhiều vị trí công việc và công ty cùng lúc, từ đó tăng tỷ lệ được lựa chọn, tiết kiệm thời gian và công sức.
Ngược lại, việc tìm kiếm việc làm thông qua các nền tảng này cũng tồn tại một số điểm hạn chế. Theo Similarweb, với lượng truy cập hàng tháng lớn (dao động từ 3 - 5 triệu lượt/tháng), ứng viên có thể phải đối diện với tỷ lệ cạnh tranh cao khi ứng tuyển vào các vị trí mong muốn. Hơn nữa, một số tin tuyển dụng được đăng tải trên các kênh Job Portal có thể thiếu thông tin, không chính xác hoặc tiềm ẩn các nguy cơ lừa đảo. Vì vậy, cần cẩn thận kiểm tra và lựa chọn các công ty, website uy tín trước khi nộp hồ sơ. Ngoài ra, bạn có thể nhận được nhiều email quảng cáo từ website tuyển dụng hoặc các công ty môi giới việc làm.
5. Tìm việc qua các kênh giới thiệu cá nhân (refer)
Tìm kiếm việc làm qua kênh refer cá nhân là phương pháp mà bạn sử dụng mạng lưới quan hệ cá nhân, bạn bè, người quen hoặc các chuyên gia trong ngành để tìm kiếm và tiếp cận cơ hội việc làm tiềm năng không được công khai đăng tuyển. Đây là một hình thức networking rất hiệu quả, vì nhiều công ty ưu tiên tuyển dụng nguồn ứng viên thông qua sự giới thiệu từ nhân sự nội bộ hoặc các chuyên gia trong ngành.
5.1 Ứng viên nào nên áp dụng phương pháp tìm việc qua kênh giới thiệu cá nhân?
- Sinh viên mới tốt nghiệp sử dụng mối quan hệ từ giảng viên, bạn bè, hoặc nhân sự và các chuyên gia đã kết nối trong quá trình học tập để tìm kiếm việc làm.
- Những người muốn chuyển đổi ngành nghề hoặc lực làm việc sử dụng các mối quan hệ để tìm hiểu các cơ hội việc làm phù hợp.
- Những người đã làm việc lâu năm có mạng lưới mối quan hệ trong nghề rộng lớn.
5.2 Ưu, nhược điểm khi tìm việc qua kênh giới thiệu cá nhân (refer)
Về ưu điểm, nhà tuyển dụng thường sẽ tin tưởng vào các ứng viên được giới thiệu bởi nguồn nhân lực nội bộ trong doanh nghiệp hoặc qua người quen, vì vậy cơ hội để vượt qua giai đoạn sàng lọc hồ sơ và mời phỏng vấn sẽ cao hơn thông thường. Bên cạnh đó, ứng viên có thể nắm được những thông tin chi tiết về công việc, công ty từ người giới thiệu, từ đó giúp hiểu và chuẩn bị tốt hơn trong quá trình tìm việc.
Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này sẽ phụ thuộc vào mạng lưới mối quan hệ cá nhân của ứng viên. Đồng thời, người được giới thiệu có thể phải đối diện với áp lực về sự kỳ vọng từ người giới thiệu và nhà tuyển dụng
6. Tìm việc qua các cuộc thi học thuật
Tìm kiếm việc làm qua các cuộc thi học thuật đang dần thu hút sự chú ý của sinh viên, người mới tốt nghiệp bởi tính hiệu quả của chúng trong thị trường lao động hiện nay. Bản chất của phương pháp này là quá trình ứng viên sử dụng cuộc thi chuyên môn, hoặc các chương trình cạnh tranh liên quan đến lĩnh vực học thuật và nghề nghiệp để thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng. Tham gia và đạt thành tích tốt trong cuộc thi chuyên ngành giúp bạn tạo ấn tượng với các công ty tiềm năng, mở rộng mạng lưới quan hệ và thậm chí nhận được các lời mời làm việc trực tiếp từ các công ty tài trợ hoặc tổ chức cuộc thi.
6.1 Ưu, nhược điểm khi tìm việc qua các cuộc thi học thuật
Các cuộc thi học thuật hiện nay đều được tài trợ hoặc tổ chức bởi các công ty lớn và tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy, việc tham gia các cuộc thi này là cơ hội để bạn thể hiện kiến thức, kỹ năng và tư duy sáng tạo của mình. Thành tích trong cuộc thi học thuật đồng thời cũng là một minh chứng rõ ràng cho năng lực của ứng viên. Hơn nữa, quá trình chuẩn bị và tham gia các cuộc thi giúp bạn nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm – những yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc.
Tuy nhiên, các cuộc thi học thuật thường rất cạnh tranh, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng, việc này có thể ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Ngoài ra, ứng viên không thể chắc chắn được việc tuyển dụng nếu thành tích trong kỳ thi không thật sự ấn tượng.
Ứng viên ngành Kế toán, Kiểm toán có thể tham khảo một số cuộc thi học thuật như:
- Kiểm toán viên Tài năng - Talented Auditor Cup;
- The Audit Race;
- The Audit Proud;
- WAPA Challenging;
- Business Transformer Challenge;
- Cuộc thi ACCENTURY được tổ chức bởi CLB Kế toán - Kiểm toán A²C.
>> Xem thêm: Theo học ACCA, sinh viên Kế - Kiểm nên tham gia các cuộc thi học thuật nào?
Lời kết
SAPP tin rằng với chuỗi bài viết này, các bạn đã nắm được các kênh tìm kiếm việc làm và phương thức để gia tăng lợi thế cạnh tranh thông qua hồ sơ của mình. Chúc bạn thành công trên hành trình chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp mơ ước và đừng quên theo dõi chuỗi bài viết sắp tới của SAPP nhé!
>> Xem thêm:
- [Tips] - Ứng viên ngành Kế Kiểm nên tìm hiểu gì trước tham gia phỏng vấn? (P1: Thông tin doanh nghiệp)
- [Tips] - Ứng viên ngành Kế Kiểm nên tìm hiểu gì trước tham gia phỏng vấn? (P2: Key member và vị trí ứng tuyển)
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:
- Fanpage: SAPP - Customer Support
- Gửi phiếu yêu cầu hỗ trợ: tại đây
- Hotline: 19002225 (Phân nhánh 2)
- Email: support@sapp.edu.vn
- Group cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/everydaywithsapp
- Chương trình Tái đăng ký khóa học: https://sapp.edu.vn/chuong-trinh-tai-dang-ky-khoa-hoc