[Level 1] Corporate Issuers

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 2: Investor and other stakeholders

Các vấn đề cơ bản cần chú ý khi học Module 2 trong chương trình CFA level 1

I. So sánh huy động vốn dưới góc nhìn của nhà đầu tư và doanh nghiệp

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư

Cổ đông

  • Có thể có lợi nhuận không giới hạn khi giá cổ phiếu tăng.

  • Lỗ tối đa bằng với số tiều đầu tư.

→ Các cổ đông thường yêu thích doanh nghiệp thực hiện các dự án rủi ro nhằm có lợi nhuận cao. Ngoài ra họ muốn công ty tăng chi trả cổ tức và tăng hoạt động mua lại cổ phiếu (share repurchase) nhằm giúp họ thu hồi vốn nhanh chóng.

Chủ nợ

  • Lợi nhuận cố định bằng mức lãi suất.

  • Lỗ tối đa bằng với số tiều cho vay.

→ Chủ nợ không thích doanh nghiệp thực hiện các hoạt động rủi ro vì có thể ảnh hưởng đến sự ổn định về dòng tiền và sức khỏe tài chính. Các chủ nợ thường dựa vào các khế ước (hợp đồng pháp lý mô tả nghĩa vụ của người đi vay và quyền của người cho vay) để bảo vệ họ khỏi các hành động làm tổn hại đến khoản cho vay.

 

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp

Phát hành cổ phiếu

Phát hành cổ phiếu thường là lựa chọn ít rủi ro hơn do:

  • Doanh nghiệp không có cam kết thanh toán hay hoàn trả khoản đầu tư cho cổ đông.

→ Phù hợp hơn cho các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu với dòng tiền chưa ổn định hoặc đang ở giai đoạn đầu của vòng đời.

Phát hành nợ

Phát hành nợ thường là lựa chọn rủi ro hơn do:

  • Doanh nghiệp có cam kết phải thanh toán lãi và gốc cho chủ nợ, dẫn đến rủi ro phá sản tăng.

  • Công cụ nợ làm tăng rủi ro thông qua tăng đòn bẩy.

→ Phù hợp hơn cho các doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn ổn định.


Như vậy, công cụ nợ và công cụ vốn chủ sở hữu được tổng quát dựa trên 2 góc nhìn của doanh nghiệp và nhà đầu tư như sau:

 

Công cụ nợ (Debt)

Công cụ vốn (Equity)

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư

Tiềm năng lợi nhuận

Hạn chế

Không hạn chế

Lỗ tối đa

Số tiền đầu tư

Số tiền đầu tư

Rủi ro đầu tư

Thấp hơn

Cao hơn

Lợi ích đầu tư

Các khoản tiền lãi trả đều đặn

Tối đa hóa giá trị của công ty

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp

Chi phí vốn

Thấp hơn

Cao hơn

Sức hấp dẫn

Được ưu tiên khi dòng tiền ổn định, có thể dự đoán được

Tạo ra sự pha loãng, cần cân nhắc do dòng tiền khó để dự đoán

Rủi ro đầu tư

Cao hơn do tăng rủi ro đòn bẩy

Thấp hơn do doanh nghiệp không có nghĩa vụ hoàn trả khoản đầu tư

 

II. Mô tả các chủ thể thuộc nhóm các bên liên quan của doanh nghiệp và so sánh lợi ích của họ

1.  Các bên liên quan chính của một doanh nghiệp

Các bên liên quan là bất kỳ một cá nhân hoặc nhóm có quyền lợi nhất định trong một doanh nghiệp.

Theo Lý thuyết cổ đông

Theo Lý thuyết các bên liên quan

  • Mối quan tâm chính của quản trị doanh nghiệp là quyền lợi của các cổ đông.

→ Tối đa hóa giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp.

  • Quản lý xung đột lợi ích giữa các nhà quản lý và cổ đông của doanh nghiệp.

  • Trọng tâm của việc quản trị doanh nghiệp rộng hơn, bao gồm cả các bên liên quan (stakeholders).

  • Quản lý xung đột lợi ích giữa các nhóm có quyền lợi nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: cổ đông, nhân viên, nhà cung cấp, nhà điều hành.

Các bên liên quan bao gồm:

  • Bên trong (nội bộ) doanh nghiệp: Hội đồng quản trị, ban quản lý, nhân viên.

  • Các bên liên quan khác: Cổ đông, chủ nợ, nhà cung cấp, khách hàng.

  • Bên ngoài doanh nghiệp: Cơ quan quản lý.

2. Các lợi ích và sức ảnh hưởng của các bên liên quan

 

Mối quan tâm

Lợi ích/Ảnh hưởng

Hội đồng quản trị

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp

  • Lợi ích nằm ở thù lao, các khoản thưởng dựa trên kết quả vận hành doanh nghiệp.

  • Có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cổ đông và định hướng chiến lược kinh doanh.

  • Có quyền quyết định tuyển dụng, sa thải và mức thù lao của các giám đốc điều hành.

  • Giám sát kết quả tài chính và quản lý doanh nghiệp.

Các giám đốc điều hành

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp

Quan tâm đến việc duy trì công việc tại doanh nghiệp và tối đa hóa lương thưởng dựa trên kết quả kinh doanh.

Nhân viên

Thu nhập và an toàn lao động

  • Quan tâm đến mức thù lao, cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, được đào tạo và điều kiện làm việc.

→ Quan tâm đến sự phát triển bền vững và thành công của doanh nghiệp.

  • Có thể đầu tư cổ phiếu thông qua các chính sách phúc lợi bằng cổ phiếu (chia sẻ lợi nhuận, mua cổ phần, quyền chọn cổ phiếu…).

→ Phạm vi lợi ích rộng hơn chức vụ nhân viên.

Cổ đông

Lợi nhuận tài chính

  • Có lợi ích trong phần còn lại của tài sản doanh nghiệp sau khi các khoản nợ đã được thanh toán hết → quan tâm đến khả năng sinh lời và tăng trưởng liên tục của doanh nghiệp.

  • Có quyền biểu quyết → kiểm soát và quản lý doanh nghiệp hiệu quả.

Chủ nợ

Sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ

  • Nhận về lãi vay và gốc vay, với mối quan tâm là khả năng trả nợ của doanh nghiệp từ dòng tiền sản xuất kinh doanh → quan tâm đến sự ổn định của doanh nghiệp, ngược lại với cổ đông.

  • Có sức ảnh hưởng hạn chế lên doanh nghiệp ngoài các khế ước và quy định hạn chế mà họ có thể đưa ra với tư cách là ngân hàng hoặc trái chủ của doanh nghiệp.

Nhà cung cấp

Sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ

  • Nhận về các khoản thanh toán hàng hóa và dịch vụ đã cung cấp cho doanh nghiệp (đóng vai trò là chủ nợ ngắn hạn).

  • Có lợi ích từ việc duy trì mối quan hệ lâu dài với doanh nghiệp, khả năng tạo ra lợi nhuận và từ sự tăng trưởng và ổn định của doanh nghiệp.

Khách hàng

Hàng hóa và dịch vụ

Quan tâm đến mức giá đã chi cho hàng hóa dịch vụ và các tiêu chuẩn về an toàn → mong muốn được hỗ trợ một cách liên tục, đảm bảo chất lượng sản phẩm và các dịch vụ hậu mãi → quan tâm đến sự ổn định.

Cơ quan quản lý

Nguồn thu thuế và GDP tạo ra

Quan tâm đến việc doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và các quy định → bảo vệ nền kinh tế và quyền lợi chung của cộng đồng.

 

III. Mô tả các yếu tố ESG bao gồm môi trường, xã hội và quản trị được các nhà đầu tư xem xét

Các nhà đầu tư vốn nợ và vốn chủ đang ngày càng coi trọng quan điểm của các bên liên quan hơn là quan điểm của cổ đông thuần túy bằng cách ưu tiên các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) khi đưa ra quyết định đầu tư.

Ví dụ các yếu tố ESG:

Yếu tố môi trường

Yếu tố xã hội

Yếu tố quản trị

  • Biến đổi khí hậu và lượng khí thải carbon

  • Ô nhiễm không khí và nước

  • Đa dạng sinh học

  • Nạn phá rừng

  • Hiệu suất năng lượng

  • Quản lý chất thải

  • Sự khan hiếm nước

  • Quyền con người

  • Tiêu chuẩn lao động

  • Bảo mật dữ liệu và riêng tư

  • Sức khỏe & an toàn nghề nghiệp

  • Sự hài lòng của khách hàng và trách nhiệm sản phẩm

  • Cách đối xử với người lao động

  • Giới tính và sự đa dạng

  • Quan hệ cộng đồng và các hoạt động từ thiện

  • Hối lộ và tham nhũng

  • Quyền lợi cổ đông

  • Thành phần ban quản trị (tính độc lập và đa dạng)

  • Cấu trúc ủy ban kiểm toán

  • Thù lao ban giám đốc

  • Vận động hành lang & đóng góp chính trị

  • Chính sách bảo vệ người lên tiếng (whistle-blower)

1. Lý do cần cân nhắc đến các yếu tố ESG

  • Tác động tài chính trọng yếu của các yếu tố ESG đối với các doanh nghiệp tăng lên. Cả cổ đông và chủ nợ đều phải chịu tổn thất đáng kể do thảm họa môi trường, tranh cãi xã hội và thiếu sót trong quản trị.

  • Sự quan tâm đến tác động môi trường và xã hội của các khoản đầu tư ngày càng tăng, đặc biệt là những khách hàng trẻ tuổi.

  • Chính phủ tiếp tục ưu tiên các chính sách xã hội và biến đổi khí hậu → buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh các hoạt động kinh doanh của họ để đáp ứng các tiêu chí ESG nghiêm ngặt hơn.

2. Diễn giải chi tiết về các yếu tố ESG

Yếu tố môi trường

  • Bao gồm những đóng góp của doanh nghiệp cho các vấn đề như biến đổi khí hận, ô nhiễm không khí và nước, quản lý chất thải,…

  • Liên quan đến biến đổi khí hậu, công ty có thể phải đối mặt với cả rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi (đại diện là tài sản “bị mắc kẹt” – hay còn gọi là tài sản “mục rữa” do giá trị suy giảm vì tác động của biến đổi khí hậu và vì các chính phủ triển khai các quy định khắt khe để hạn chế khí thải nhà kính).

  • Doanh nghiệp cần có các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường một cách hiệu quả và mô hình kinh doanh bền vững để giảm các chi phí như phạt tiền do làm ảnh hưởng đến môi trường, dọn dẹp, kiện tụng và mất danh tiếng.

Yếu tố xã hội

  • Bao gồm việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin của khách hàng, sự hài lòng của khách hàng, sự cam kết của nhân viên, các mối quan hệ với người lao động và quan hệ với cộng đồng…

  • Khi có các biện pháp giảm rủi ro xã hội, năng suất của nhân viên sẽ cao hơn, giảm tỷ lệ nghỉ việc, tăng mức độ trung thành của khách hàng, ít rủi ro kiện tụng → giảm các chi phí cho doanh nghiệp, làm đẹp hình ảnh của doanh nghiệp.

Yếu tố quản trị

  • Bao gồm hội đồng quản trị và ủy ban kiểm toán nội bộ, xác định thù lao cho các giám đốc điều hành, kiểm soát hối lộ và tham nhũng, có những đóng góp chính trị và vận động hành lang.

  • Hệ thống quản trị doanh nghiệp cần có các biện pháp kiểm tra đầy đủ để đảm bảo rằng các giám đốc điều hành hành động có đạo đức, hợp pháp và vì lợi ích của cổ đông.