[Level 1] Corporate Issuers

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 5: Capital investment and capital allocation

Các vấn đề cơ bản cần chú ý khi học Module 5 trong chương trình CFA level 1

I. Mô tả các dạng đầu tư vốn

Đầu tư vốn mô tả tốt nhất về triển vọng phát triển của công ty, cung cấp cái nhìn sâu sắc cả về chất lượng của các quyết định quản lý cũng như cách công ty tạo ra giá trị.

Mục tiêu của đầu tư vốn:

Duy trì hoạt động kinh doanh:

1. Dự án hoạt động liên tục

2. Dự án của Chính phủ

Tăng trưởng và phát triển hoạt động kinh doanh:

3. Dự án mở rộng

4. Dự án khác

Chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích từng dự án sau đây:

1. Dự án hoạt động liên tục (Going concern projects)

Dự án hoạt động liên tục (Going concern projects) là những khoản đầu tư cần thiết để tiếp tục các hoạt động kinh doanh hiện tại và duy trì quy mô hiện có của doanh nghiệp:

  • Thay thế tài sản sắp hết khấu hao 

  • Bảo trì phần cứng và phần mềm công nghệ thông tin

  • Cải tiến

Ví dụ: Thay thế các thiết bị máy móc hiện tại bằng công nghệ mới hơn và hiệu quả hơn nhằm tiết kiệm chi phí.

Dự án hoạt động liên tục thường không giúp gia tăng doanh thu nhưng có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thông qua việc cải thiện hiệu quả và tiết kiệm chi phí qua thời gian → Những dự án này có rủi ro thấp.

Nguồn vốn tài trợ cho dự án: Các nhà quản lý thường cân đối giữa thời gian thực hiện nghĩa vụ của các nguồn huy động vốn với vòng đời của tài sản (ví dụ: một doanh nghiệp phát hành trái phiếu kỳ hạn 20 năm để tài trợ cho việc thay thế máy móc với thời gian sử dụng 20 năm). Bằng việc cân đối dòng tiền và kỳ hạn của tài sản và nợ, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro. Sai lệch giữa tài sản và nợ phải trả sẽ làm tăng rủi ro vỡ nợ và chi phí vốn cho doanh nghiệp:

  • Nếu doanh nghiệp tài trợ tài sản dài hạn bằng nghĩa vụ nợ ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ gặp phải rủi ro tái cấp vốn, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận nếu chi phí tài trợ ngắn hạn tăng cao trong kỳ.

  • Ngược lại, nếu doanh nghiệp tài trợ tài sản ngắn hạn bằng nghĩa vụ nợ dài hạn hơn kỳ hạn cần thiết, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro phải trả quá mức cho chi phí huy động vốn.

2. Dự án của Chính phủ (Regulatory compliance projects)

Dự án của Chính phủ (Regulatory and compliance projects) là các dự án được yêu cầu bởi các cơ quan quản lý của chính phủ để đáp ứng các tiêu chuẩn về quy định và an toàn.

Các dự án này thường được thực hiện để tuân thủ các yêu cầu, luật lệ nhằm phục vụ lợi ích của cộng đồng, ví dụ như yêu cầu mới ban hành của cơ quan chính phủ để áp dụng công nghệ kiểm soát ô nhiễm, hoặc yêu cầu các định chế tài chính phải đáp ứng được tiêu chí về an toàn vốn và thực hiện các thực hiện kiểm tra áp lực (stress test) để đánh giá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp trong tình huống khủng hoảng kinh tế.

Dự án về quy định và tuân thủ có thể không tạo ra doanh thu và có thể không được thực hiện bởi một doanh nghiệp nhưng được yêu cầu thực hiện nếu muốn tiếp tục hoạt động của một dự án nào đó.

Khi doanh nghiệp đối mặt với việc phải thực hiện dự án để tuân thủ luật lệ, ban quản trị sẽ cân nhắc các lợi ích kinh tế của dự án có còn phù hợp hay không, sau khi đã tích hợp các yếu tố về chi phí. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ chấp thuận việc thực hiện dự án và tiếp tục hoạt động, với chi phí phát sinh thêm sẽ được đẩy qua cho khách hàng thông qua giá bán. Nếu chi phí cho các dự án này quá cao, doanh nghiệp sẽ lựa chọn phương án loại bỏ dự án.

Lợi ích tiềm năng của Dự án về quy định và tuân thủ: 

  • Chi phí tuân thủ/quy định có thể đóng vai trò là rào cản đối với việc gia nhập ngành → Bảo vệ khả năng sinh lời của các doanh nghiệp hiện tại trong ngành.

  • Trong một vài trường hợp, doanh nghiệp có thể tạo ra lợi thế cho mình bằng cách làm việc với các cơ quan quản lý để đưa ra các tiêu chuẩn có thể được điều chỉnh để phù hợp với khả năng tuân thủ của doanh nghiệp, từ đó giảm gánh nặng tuân thủ.

3. Dự án mở rộng (Expansion projects)

Dự án mở rộng (Expansion projects) là những dự án làm tăng quy mô kinh doanh, thường bằng cách đầu tư vào việc phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ mới và mua lại các doanh nghiệp khác.

Dự án mở rộng có tính không chắc chắn, tiêu tốn thời gian và lượng vốn lớn hơn so với dự án hoạt động liên tục. Ví dụ như đối với ngành dược phẩm hay dầu khí, những ngành này thường chi tiêu nhiều hơn cho các dự án mở rộng. Các doanh nghiệp này dành khoảng 10% doanh thu mỗi năm vào việc nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới hoặc các phương pháp tiết kiệm năm lượng. Tương tự đối với ngành công nghệ, các doanh nghiệp trong ngành đầu tư rất mạnh mẽ cho các dự án mở rộng để đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm, nhằm giữ vững mức độ cạnh tranh và đi trước các đối thủ cùng ngành.

Các dự án mở rộng thường thể hiện sự không chắc chắn, thời gian và số vốn lớn hơn so với các dự án hoạt động liên tục hoặc dự án của chính phủ → Những dự án này có mức độ rủi ro thấp đến trung bình.

4. Dự án khác

Những dự án khác là những tình huống đặc biệt mang lại cơ hội đầu tư, tăng trưởng điển hình hoặc cơ hội đổi mới mô hình kinh doanh, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó đây là dự án rủi ro nhất trong số các dự án kể trên.

Dự án khác có thể bao gồm các đặc điểm sau:

  • Mang đặc điểm giống như một công ty khởi nghiệp, chẳng hạn như đầu tư vốn để khám phá công nghệ mới hoặc ý tưởng/mô hình kinh doanh để tìm nguồn tăng trưởng kinh doanh mới.

  • Có thể mua lại một công ty hiện có trong một ngành mới, do đó sẽ có rủi ro thanh toán thừa (trả giá quá cao so với giá trị nội tại).

  • Là một hoạt động hoàn toàn nằm ngoài hoàn toàn hoặc chỉ liên quan ít đến hoạt động kinh doanh chính của công ty.

 

II. Mô tả quá trình phân bổ vốn; đo lường giá trị hiện tại ròng (NPV), tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR), và lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) trong việc phân bổ vốn và mô tả những ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp

1. Quá trình phân bổ vốn

Quá trình phân bổ vốn (Capital allocation process) là xác định và đánh giá các dự án vốn, tức là các dự án có dòng tiền vào kéo dài hơn 1 năm.

Các bước trong quá trình phân bổ  vốn:

Bước 1: Đề xuất ý tưởng (Idea Generation)

Là việc đưa ra các ý tưởng đầu tư, nó có thể bắt nguồn từ bên trong hoặc bên ngoài doanh nghiệp. Mặc dù các ý tưởng có thể bắt nguồn từ bất cứ đâu, nhưng điều quan trọng là ban quản lý phải hiểu rõ về môi trường cạnh tranh mà khoản đầu tư tiềm năng nằm trong đó, cũng như các hoạt động, năng lực và vị thế cạnh tranh hiện tại của công ty.

Bước 2: Phân tích đầu tư (Investment Analysis)

Là việc thu thập thông tin cần thiết để dự báo thời điểm, thời hạn và sự biến động trong từng dòng tiền dự kiến của khoản đầu tư và để đánh giá khả năng sinh lời.

Bước 3: Xây dựng kế hoạch phân bổ vốn (Capital Allocation Planning)

Là việc kết hợp các dự án sao cho có lợi nhuận và rủi ro phù hợp nhất với chiến lược của doanh nghiệp. Doanh nghiệp luôn có các hạn chế về tài chính và nguồn lực thực tế, do đó, việc lập kế hoạch và ưu tiên đầu tư vốn là những cân nhắc chính.

Tương tự các hoạt động kinh doanh khác, hoạt động phân bổ vốn là một bài toán chi phí-lợi nhuận của doanh nghiệp. Lợi nhuận từ các dự án được chọn phải lớn hơn chi phí bỏ ra cho quá trình phân bổ vốn.

Bước 4: Giám sát và hậu kiểm (Monitoring and Post-Audit)

Theo dõi các quyết định phân bổ vốn là rất quan trọng.

Giám sát (Monitoring): Nhà phân tích nên so sánh kết quả thực tế với kết quả dự kiến để giải thích tại sao các dự đoán phù hợp hoặc không phù hợp với thực tế.

Hậu kiểm (Post-audit): Bởi vì quá trình phân bổ vốn chỉ tốt khi ước tính các yếu tố đầu vào trong mô hình được sử dụng để dự báo dòng tiền. Do đó, hậu kiểm nên được áp dụng để xác định các lỗi hệ thống trong quá trình thẩm định và cải thiện hoạt động của doanh nghiệp.

Tổng kết:

Lập kế hoạch đầu tư vốn có thể rất phức tạp, thường liên quan đến nhiều bên trong và ngoài doanh nghiệp. Thông tin trên nhiều lĩnh vực như tiếp thị, công nghệ, kỹ thuật, quy định, thuế, tài chính, sản xuất và các vấn đề về hành vi phải được doanh nghiệp thu thập và đánh giá một cách có hệ thống.

Quyền quyết định về vốn của ban quản lý phụ thuộc vào quy mô và mức độ phức tạp của khoản đầu tư được đề cập.

  • Quản lý cấp cao: Đưa ra các quyết định lớn và phức tạp hơn. Một số quyết định quan trọng đến mức hội đồng quản trị của doanh nghiệp có quyền ra quyết định cuối cùng.

  • Các nhà quản lý cấp thấp hơn: Đưa ra quyết định liên quan đến ít hơn một số tiền nhất định hoặc không vượt quá mức phân bổ vốn nhất định.

 

2. Một số khái niệm hoạch định ngân sách vốn quan trọng

a. Chi phí chìm:

Chi phí chìm (Sunk cost) là chi phí đã phát sinh và không thể thay đổi hay thu hồi, tức là chi phí không thể tránh khỏi ngay cả khi dự án không được thực hiện. Các quyết định được đưa ra hiện tại nên dựa trên dòng tiền hiện tại và tương lai và không nên bị ảnh hưởng bởi các chi phí trước đó hoặc chi phí chìm.

b. Chi phí cơ hội:

Chi phí cơ hội (Opportunity cost) là giá trị của phương án thay thế tốt nhất bị bỏ qua khi đưa ra quyết định theo đuổi một dự án cụ thể.

c. Dòng tiền tăng thêm:

Dòng tiền tăng thêm (Incremental cash flow) là dòng tiền được hiện thực hóa do quyết định đầu tư, được tính bằng Dòng tiền nếu thực hiện dự án trừ đi Dòng tiền nếu không thực hiện dự án.

d. Ngoại ứng:

Ngoại ứng (Externality) là tác động của một khoản đầu tư lên những thứ khác ngoài chính khoản đầu tư đó.

Một khoản đầu tư ảnh hưởng đến dòng tiền của bộ phận khác của công ty và những tác động ngoại ứng này có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực.

  • Ảnh hưởng tích cực: Ngoại ứng tích cực (positive externality) xảy ra thể hiện sự phối hợp giữa các dự án mới và dự án hiện tại.

  • Ảnh hưởng tiêu cực: Ngoại ứng tiêu cực (negative externality) phổ biến nhất được gọi là Tự tước đoạt doanh thu (Cannibalization), xảy ra khi doanh số của một trong những dự án hiện tại bị mất khi công ty cho ra mắt dự án mới.

Chính vì vậy, công ty nên cân nhắc cả những ngoại ứng trong các quyết định đầu tư. Đôi khi các ngoại ứng đến từ các yếu tố bên ngoài công ty.

e. Dòng tiền thông thường và Dòng tiền không theo quy ước:

Mô hình dòng tiền thông thường (Conventional cash flows) là mô hình có 1 dòng tiền ra ban đầu và sau đó là một loạt các dòng tiền vào.

Dự án có mô hình dòng tiền thông thường nếu dấu của dòng tiền chỉ thay đổi 1 lần duy nhất, theo sau dòng tiền ra ban đầu chỉ có dòng tiền vào.

Trong mô hình dòng tiền không theo quy ước (Nonconventional cash flows), theo sau dòng tiền ra ban đầu không chỉ có dòng tiền vào, mà dòng tiền có thể chuyển từ dương (dòng tiền vào) sang âm (dòng tiền ra) một hoặc nhiều lần.

Mô hình dòng tiền không theo quy ước có dấu của dòng tiền thay đổi nhiều lần.

f. Dự án độc lập và dự án loại trừ:

Dự án độc lập (Independent projects) là các dự án đầu tư vốn có dòng tiền độc lập với nhau.

Dự án loại trừ (Mutually exclusive projects) là các dự án cạnh tranh trực tiếp với nhau. Các dự án được xem là dự án loại trừ với nhau nếu chỉ 1 trong các dự án được chấp nhận và do vậy, phải đánh giá khả năng sinh lời của các dự án.

 

3. Giá trị hiện tại ròng (NPV)

Giá trị hiện tại ròng (Net present value – NPV) là tổng giá trị hiện tại của tất cả các dòng tiền gia tăng dự kiến nếu một dự án được thực hiện.

Trong đó:

  • CF0 = chi phí đầu tư ban đầu (Dòng tiền âm)

  • CFt = dòng tiền sau thuế phát sinh tại thời điểm t (có thể dương hoặc âm)

  • k = tỷ suất lợi nhuận yêu cầu của dự án

Quy tắc quyết định:

Bởi vì NPV chính là lượng tài sản tăng thêm của doanh nghiệp nhờ đầu tư, do đó quy tắc quyết định cho NPV như sau:

  • Nếu NPV > 0 → Chấp nhận đầu tư dự án. Trong những hiếm gặp NPV = 0, dự án có thể được chấp nhận đầu tư nếu đáp ứng được tỷ suất lợi nhuận yêu cầu.

  • Nếu NPV < 0 → Từ chối đầu tư dự án

Lưu ý: Có thể có các dự án cạnh tranh, những yếu tố vô hình,… là các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, do đó NPV ≥ 0 có thể được xem là điều kiện cần nhưng chưa đủ để thực hiện đầu tư.

 

4. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR)

Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (Internal rate of return – IRR) là tỷ lệ chiết khấu làm cho giá trị hiện tại của dòng tiền vào dự kiến sau thuế bằng với giá trị hiện tại của dòng tiền ra ước tính của dự án.

PV (dòng tiền vào) = PV (dòng tiền ra)

Ngoài ra, IRR cũng là tỷ lệ chiết khấu mà tại đó NPV của một dự án bằng 0:

Quy tắc quyết định:

  • Nếu IRR > tỷ suất lợi nhuận yêu cầu → Chấp nhận

  • Nếu IRR < tỷ suất lợi nhuận yêu cầu → Từ chối

  • Nếu IRR = tỷ suất lợi nhuận yêu cầu → Dự án có thể chấp nhận được

(Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu của dự án thường là chi phí vốn của doanh nghiệp)

Tỷ lệ hoàn vốn yêu cầu thường được gọi là tỷ suất ngưỡng (Hurdle rate), là tỷ lệ mà IRR của dự án phải vượt qua để dự án được doanh nghiệp chấp nhận.

Lưu ý: Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu có thể cao hơn hoặc thấp hơn chi phí vốn của doanh nghiệp để điều chỉnh sự khác biệt giữa rủi ro của dự án và rủi ro trung bình của tất cả các dự án của doanh nghiệp (được phản ánh trong chi phí vốn hiện tại của doanh nghiệp).

 

Ý nghĩa: Sử dụng NPV và IRR để xếp hạng dự án

a. NPV và IRR áp dụng cho các dự án độc lập

Với các dự án độc lập, các chỉ tiêu NPV và IRR thường sẽ chỉ ra cùng một quyết định đầu tư cho một khoản đầu tư nhất định (Chấp nhận hoặc từ chối khoản đầu tư).

Ví dụ: 

NPV của các dự án này ≥ 0, hoặc

IRR của các dự án này ≥ Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu

→ Nếu các dự án này độc lập → Chấp nhận đầu tư tất cả dự án này.

b. NPV và IRR áp dụng cho các dự án loại trừ

Nếu các dự án loại trừ lẫn nhau, chỉ tiêu NPV được ưu tiên hơn, bởi vì:

  • NPV cho thấy số tiền lãi, hoặc sự gia tăng tài sản trong giá trị doanh nghiệp, dưới dạng một lượng tiền tệ.

  • NPV giả định tái đầu tư dòng tiền với tỷ suất lợi nhuận yêu cầu, trong khi IRR giả định tái đầu tư tại IRR. Giả định tái đầu tư của NPV là thước đo thực tế hơn về mặt kinh tế.

  • Một vấn đề khác là khi các dòng tiền không theo quy ước (nghĩa là dòng tiền đổi dấu nhiều lần), thì có nhiều IRR (chi tiết bên dưới).

c. Một số vấn đề với IRR

Dự án có mô hình dòng tiền không theo quy ước thì có thể có nhiều IRR hoặc không có IRR.

[ĐỌC THÊM] d. Ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp 

 

NPV

IRR

Ưu điểm

  • Xem xét giá trị của tiền theo thời gian.

  • Một thước đo lợi nhuận tuyệt đối.

  • Được tính toán dựa trên dòng tiền chứ không phải lợi nhuận.

  • Xem xét toàn bộ vòng đời của dự án.

  • Nên hướng đến việc tối đa hóa tài sản của cổ đông.

  • Xem xét giá trị của tiền theo thời gian.

  • Được thể hiện dưới dạng % và do đó dễ dàng hơn trong việc đánh giá và phân tích.

  • Được tính toán dựa trên dòng tiền chứ không phải dựa trên lợi nhuận.

  • Xem xét toàn bộ vòng đời của dự án.

Nhược điểm

  • Khó để diễn giải với các nhà quản lý (các con số thể hiện dưới dạng tuyệt đối thường khó đánh giá hơn).

  • Đòi hỏi hiểu biết về chi phí vốn.

  • Tương đối phức tạp.

  • Không quan tâm đến quy mô của dự án.

  • Không phải là thước đo lợi nhuận tuyệt đối.

  • Phép nội suy chỉ cung cấp con số ước tính.


5. Lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC)

a. Công thức ROIC

Lợi nhuận trên vốn đầu tư (Return on invested capital – ROIC) là thước đo khả năng sinh lời của một doanh nghiệp trên vốn đầu tư của chủ sở hữu và chủ nợ. ROIC phản ánh mức độ hiệu quả của ban quản trị doanh nghiệp trong việc chuyển đổi vốn thành lợi nhuận.

Hoặc

Trong đó:

  • Lợi nhuận sau thuế để đo lường lợi nhuận của tất cả các nguồn vốn (cả nợ và vốn chủ sở hữu) = thu nhập ròng + chi phí lãi vay sau thuế.

  • Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau thuế = thu nhập ròng + chi phí lãi vay sau thuế - thu nhập ngoài hoạt động kinh doanh sau thuế

  • Giá trị sổ sách bình quân của vốn đầu tư là tổng giá trị sổ sách trung bình của nợ, cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi.

b. So sánh ROIC và Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu

ROIC thường được so sánh với tỷ suất lợi nhuận yêu cầu (Required rate of return – RRR), lợi nhuận yêu cầu được sử dụng trong tính toán NPV và chi phí vốn liên quan của doanh nghiệp.

  • ROIC > RRR → Doanh nghiệp đang tạo ra lợi nhuận cao hơn so với lợi nhuận yêu cầu cho các nhà đầu tư, do đó làm tăng giá trị của doanh nghiệp cho các cổ đông.

  • ROIC < RRR → Doanh nghiệp đang tạo ra lợi nhuận thấp hơn so với lợi nhuận yêu cầu cho các nhà đầu tư, do đó làm giảm giá trị của doanh nghiệp cho các cổ đông.

Lưu ý: Vì ROIC đo lường đợi nhuận mà tổ chức phát hành kiếm được khi đầu tư cả vốn nợ và vốn cổ phần nên nó phỉa được so sánh đồng nhất với tỷ lệ lợi nhuận yêu cầu đối với cả trái chủ và cổ đông.

c. Lợi ích thiết thực của ROIC

  • Không giống như NPV và IRR, ROIC có thể được tính dựa trên dữ liệu có sẵn (các dữ liệu kế toán).

  • Trong khi NPV và IRR mang tính đặc thù của dự án, ROIC dành cho toàn bộ công ty (một thước đo tổng hợp để đánh giá khả năng tạo ra giá trị của công ty trên tất cả các khoản đầu tư) → ROIC phù hợp hơn với các nhà đầu tư bên ngoài vì họ không thể đầu tư vào các dự án riêng lẻ của công ty.

  • ROIC tính đến tất cả các loại vốn sử dụng để tạo ra lợi nhuận. Như vậy, mối quan hệ giữa tỷ suất lợi nhuận hoạt động và ROIC có thể được minh họa bằng cách phân tách công thức ROIC như sau:

d. Hạn chế của ROIC

  • Bởi vì các phương pháp kế toán khác nhau nên ROIC sẽ gặp khó khăn trong việc so sánh giữa các công ty.

  • Do dựa trên các dữ liệu lịch sử nên ROIC có xu hướng lạc hậu và có thể biến động từ năm này sang năm khác dựa trên hoạt động đầu tư và điều kiện kinh doanh, vì vậy việc kiểm tra xu hướng và tốc độ thay đổi là điều cần thiết.

  • Bởi vì ROIC tính trên toàn bộ công ty nên nó có thể để cho những dự án sinh lời và những quyết định tạo ra lợi nhuận che giấu những dự án không sinh lời và những quyết định đầu tư gây lỗ.

 

III. Các nguyên tắc cơ bản của phân bổ vốn và những cạm bẫy trong phân bổ vốn thường gặp 

1. Nguyên tắc cơ bản của phân bổ vốn

Các nguyên tắc chính của phân bổ vốn:

a. Quyết định dựa trên dòng tiền, không dựa trên lợi nhuận kế toán:

  • Thu nhập kế toán dựa trên các khoản dồn tích và không tính đến thời điểm của dòng tiền.

  • Giá trị của doanh nghiệp dựa trên dòng tiền mà doanh nghiệp nắm giữ chứ không phải dòng tiền mà họ trả cho chính phủ → Bất kỳ khoản tiết kiệm thuế nào từ các khoản khấu trừ thuế không dùng tiền mặt, chẳng hạn như khấu hao, cũng cần được đưa vào phân tích.

b. Chỉ tính đến các dòng tiền tăng thêm (incremental cash flow) nhưng đánh giá trên diện rộng:

Phân tích phân bổ vốn nên:

  • Bỏ qua các chi phí chìm (sunk costs) hoặc những chi phí đã phát sinh (hoặc đã được loại bỏ).

  • Chỉ bao gồm các dòng tiền tăng thêm (incremental cash flows) liên quan đến một khoản đầu tư mới so với khi không đầu tư vào dự án đó.

Lưu ý: Đầu tư vốn thường có tác động đến các dự án đang chạy của doanh nghiệp, có thể là ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực:

  • Ảnh hưởng tích cực (Ngoại ứng tích cực) có thể giúp tiết kiệm chi phí với các hoạt động kinh doanh có được trực tiếp từ việc đầu tư.

  • Ảnh hưởng tiêu cực (Ngoại ứng tiêu cực/Tự tước đoạt doanh thu (Cannibalization)), có thể làm mất doanh thu của dự án hiện có của doanh nghiệp.

→ Cả hai đều là dòng tiền gia tăng nên cần được đưa vào phân tích. 

c. Thời điểm phát sinh dòng tiền là rất quan trọng:

  • Các quyết định phân bổ vốn tính đến giá trị của tiền theo thời gian, có nghĩa là dòng tiền nhận được sớm hơn có giá trị hơn dòng tiền nhận được sau đó.

  • Thời điểm, khoảng thời gian, sự biến động và sự thay đổi theo hướng có thể có của dòng tiền dự kiến phải được xem xét khi đầu tư vốn.

2. Những cạm bẫy trong phân bổ vốn thường gặp

Những sai lầm phổ biến mà các nhà quản lý mắc phải khi đánh giá các dự án vốn có hai loại: lỗi nhận thức (lỗi tính toán) và sai lệch hành vi (lỗi phán đoán).

2.1. Lỗi nhận thức (Cognitive errors)

Lỗi dự báo nội bộ 

Những lỗi này bao gồm dữ liệu đầu vào như chi phí hoặc tỷ lệ chiết khấu không chính xác. Nếu đủ quan trọng, phân tích không chính xác hoặc thiếu sót sẽ thể hiện ở kết quả đầu tư thất bại hoặc kém hiệu quả.

Thiên lệch trong sử dụng vốn 

Nguồn vốn chính cho các khoản đầu tư của doanh nghiệp là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Nhiều nhà quản trị xem nguồn vốn này là “miễn phí” và sử dụng cho các hoạt động mang tính thường xuyên của doanh nghiệp. Ngược lại, họ cho rằng nguồn vốn huy động từ bên ngoài (từ vay nợ hoặc phát hành trái phiếu) là “đắt đỏ” và sử dụng nó cho các hoạt động đầu tư có quy mô lớn. 

Tính toán lạm phát chưa chính xác 

Phụ thuộc vào việc phân tích đầu tư được thực hiện theo khía cạnh danh nghĩa hay thực tế: Dòng tiền danh nghĩa bao gồm các hiệu ứng lạm phát, trong khi dòng tiền thực tế được điều chỉnh giảm xuống để loại bỏ ảnh hưởng của lạm phát (hoặc điều chỉnh tăng lên để loại bỏ ảnh hưởng của giảm phát).

2.2. Sai lệch hành vi (Behavioral Biases)

Quán tính (Inertia)

  • Quán tính là kết quả của việc quản lý cố định ngân sách đầu tư vào số tiền của năm trước.

  • Các nhà phân tích có thể xác định sự hiện diện của quán tính bằng cách kiểm tra mức tổng vốn đầu tư, theo phân khúc hoặc theo lĩnh vực kinh doanh và so sánh nó với mức năm trước và lợi nhuận đầu tư.

Quyết định đầu tư dựa trên các kết quả kế toán 

Chú ý quá nhiều đến các con số kế toán trong ngắn hạn (ví dụ như EPS, doanh thu thuần hoặc ROE) có thể dẫn đến việc doanh nghiệp lựa chọn các khoản đầu tư không tuân theo lợi ích kinh tế dài hạn của các cổ đông.

Thúc đẩy Pet projects (Pet project bias)

  • Pet projects là dự án mang tính cá nhân đến từ những người có ảnh hưởng trong hội đồng quản lý hoặc ban quản lý. Các dự án này thường không được thẩm định và tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Pet projects thường được lựa chọn tại các doanh nghiệp mà không trải qua phân tích phân bổ vốn thông thường. Hoặc Pet projects nhận được phân tích, nhưng các dự báo quá lạc quan được sử dụng để thổi phồng khả năng sinh lời của khoản đầu tư.

  • Chính vì vậy, pet projects nên được xem xét một cách kỹ lưỡng về cấu trúc quản trị doanh nghiệp để phát hiện ra những dấu hiệu đáng báo động về sự phân bổ vốn không hợp lý.

Không xem xét các phương án đầu tư hoặc các trạng thái thay thế

Tạo ra các ý tưởng đầu tư là một bước quan trọng trong quá trình phân bổ vốn. Tuy nhiên, một khi người quản lý nảy ra một ý tưởng “hay”, họ có thể sẽ thực hiện nó thay vì tìm kiếm một ý tưởng “tốt hơn”. Các công ty thường bỏ qua việc xem xét các trạng thái khác của nền kinh tế, đây là những yếu tố nên được tổng hợp trong các phân tích hòa vốn, tình huống, hoặc mô phỏng.

 

IV. Mô tả các loại quyền chọn thực tế liên quan đến đầu tư vốn

1. Khái niệm quyền chọn thực tế

Quyền chọn thực tế (Real option) là quyền chọn cho phép các doanh nghiệp đưa ra các quyết định trong tương lai làm thay đổi giá trị của các quyết định đầu tư vốn được đưa ra ở thời điểm hiện tại.

Ví dụ:

Tại thời điểm hiện tại: Không đưa ra các quyết định đầu tư vốn ngay lập tức.

Tại thời điểm trong tương lai: Doanh nghiệp có thể chờ đợi và đưa ra quyết định bổ sung tại các thời điểm trong tương lai khi những quyết định trong tương lai này phụ thuộc vào các sự kiện kinh tế trong tương lai.

→ Thay vì đưa ra quyết định một lần, sẽ hợp lý hơn nếu giả định rằng doanh nghiệp đưa ra các quyết định một cách tuần tự, một số quyết định được đưa ra ở hiện tại và một số quyết định đưa ra trong tương lai. Sự kết hợp giữa các quyết định tối ưu tại thời điểm hiện tại và trong tương lai sẽ giúp tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.

2. Các loại quyền chọn thực tế

Quyền chọn thực tế mang lại sự linh hoạt cho các doanh nghiệp nhằm tối đa NPV của khoản đầu tư vốn, theo một hoặc nhiều hình thức sau:

a. Quyền chọn thời gian (Timing Options)

Quyền chọn thời gian cho phép một doanh nghiệp trì hoãn việc đầu tư vì họ mong đợi có thông tin tốt hơn trong tương lai.

Các quyền chọn trình tự dự án (Project sequencing options) cho phép doanh nghiệp trì hoãn quyết định đầu tư vào một khoản đầu tư trong tương lai cho đến khi biết được kết quả của một số hoặc toàn bộ khoản đầu tư hiện tại.

Ví dụ: Một công ty cho thuê ô tô đang xem xét việc mua một chiếc ô tô sử dụng công nghệ hybrid mới cho đội xe cho thuê của mình. 

  • Tại thời điểm hiện tại: Ban quản lý ước tính dự luật năng lượng mới có 40% cơ hội được thông qua. Do đó họ hoãn việc mua thêm ô tô mới trong một năm.

  • Sau một năm: Tại thời điểm này họ biết chắc chắn dự luật mới có được thông qua hay không. Nếu mang lại lợi nhuận công ty sẽ mua ô tô. Nếu không mang lại lợi nhuận, công ty sẽ không mua.

b. Quyền chọn quy mô (Sizing Options)

Quyền chọn quy mô được chia thành 2 loại như sau:

  • Quyền chọn từ bỏ (Abandonment options) cho phép ban quản trị từ bỏ dự án nếu giá trị hiện tại của dòng tiền tăng thêm từ việc rời khỏi dự án lớn hơn giá trị hiện tại của dòng tiền tăng thêm từ việc tiếp tục dự án. Ví dụ: Thay vì tuyển thêm các nhà khoa học cho nội bộ do tốn kém hơn về mặt chi phí đào tạo, công ty có thể thuê dịch vụ bên ngoài thực hiện chức năng nghiên cứu và phát triển.

  • Quyền chọn mở rộng (Expansion options/Growth option) cho phép một doanh nghiệp đầu tư thêm vào các dự án trong tương lai nếu doanh nghiệp cho rằng chúng sẽ tạo ra giá trị. Ví dụ: Công ty dự kiến sản xuất 1,000 sản phẩm trong vòng 5 năm, việc thực hiện quyền chọn mở rộng sẽ giúp họ mua thêm thiết bị để tăng công suất với mức giá thấp hơn thị trường. Do đó nếu điều kiện kinh tế tốt và công ty có mong muốn mở rộng dự án thì họ sẽ thực hiện quyền chọn.

c. Quyền chọn linh hoạt (Flexibility options)

Quyền chọn linh hoạt cung cấp cho các nhà quản trị các lựa chọn liên quan đến các khía cạnh hoạt động của một dự án.

  • Quyền chọn thiết lập giá (Price-setting options) cho phép doanh nghiệp thay đổi giá sản phẩm.

  • Quyền chọn linh hoạt sản xuất (Production-flexibility options) cung cấp sự linh hoạt trong hoạt động để thay đổi quy mô sản xuất khi cầu thay đổi so với những gì được dự báo.

Ví dụ: Một công ty nhận thấy rằng nhu cầu của sản phẩm đang bán lớn hơn so với năng suất sản xuất.

  • Quyền chọn thiết lập giá: Công ty có thể hưởng lợi từ việc dư thừa nguồn cầu thông qua việc tăng giá bán.

  • Quyền chọn linh hoạt sản xuất: Công ty có thể tăng giờ làm hoặc tăng ca làm để tăng sản lượng dựa trên năng suất đặt ra.

d. Quyền chọn cơ bản (Fundamental options)

Quyền chọn cơ bản là những dự án mà bản thân chúng cũng là quyền chọn bởi vì số tiền chi trả phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở.

Ví dụ: Lợi nhuận thu được từ một mỏ đồng phụ thuộc vào giá thị trường của đồng: Nếu giá đồng thấp, việc mở mỏ đồng có thể không hợp lý. Nhưng nếu giá đồng cao, việc mở mỏ đồng có thể mang lại lợi nhuận rất cao → Nhà điều hành có quyền chọn đóng mở khi giá thấp và mở mỏ khi giá cao.

3. Đánh giá các khoản đầu tư vốn tính đến ảnh hưởng của các quyền chọn thực tế

Có một số cách tiếp cận trong việc đánh giá khoản đầu tư vốn:

1. Khoản đầu tư không xem xét đến các quyền chọn: Nếu khoản đầu tư không tính đến các quyền chọn có NPV dương và dự án bao gồm các quyền chọn thực tế làm cho tăng NPV thì khi này NPV mà không xem xét đến các quyền chọn sẽ thể hiện lợi nhuận tối thiểu và công ty nên thực hiện đầu tư.

2. Khoản đầu tư xem xét đến các quyền chọn: Theo cách tiếp cận này, công ty tính toán NPV của dự án dựa trên dòng tiền dự kiến và sau đó trừ đi chi phí tăng thêm (incremental cost) của quyền chọn thực tế và cộng vào giá trị quyền chọn mang lại, theo như công thức dưới đây:

NPV của dự án = NPV (không tính đến quyền chọn) – Chi phí của quyền chọn + Giá trị quyền chọn

3. Sử dụng cây ra quyết định và mô hình định giá quyền chọn: Những mô hình này thường tính đến xác suất và thời gian dự kiến cho các kết quả trong tương lai, được sử dụng để tính NPV của dự án.