[Level 1] Equity Investments

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 1: Market organization and structure

Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về Module 1 môn EQUITY của chương trình CFA level I

1. Thị trường, tài sản và các trung gian tài chính

1.1. Giải thích chức năng chính của hệ thống tài chính

Hệ thống tài chính (financial system) đóng một vai trò quan trọng trong việc phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế và giúp nền kinh tế vận hành một cách hiệu quả hơn. Hệ thống tài chính có các chức năng cụ thể như sau: 

(1) Giúp người tham gia đạt được mục đích:

  • Người có tiền: Tiết kiệm cho tương lai; Đầu tư - giao dịch dựa trên thông tin; Quản lý rủi ro

  • Người cần tiền: Vay để sử dụng ở thời điểm hiện tại; Gọi vốn; Quản lý rủi ro; Trao đổi tài sản cho mục đích chuyển giao thức thời

(2) Xác định mức lãi suất cân bằng (equilibrium interest rate): lãi suất tại điểm mà tổng cung tiền từ việc tiết kiệm bằng tổng cầu tiền.

(3) Phân bổ nguồn vốn hữu hạn một cách hiệu quả.

 

1.2. Mô tả phân loại các loại tài sản và thị trường

Thị trường tài chính được phân loại theo nhiều cách như sau:

1.2.1. Thị trường giao ngay, thị trường kỳ hạn/giao sau và thị trường quyền chọn

  • Thị trường giao ngay (spot market): Tài sản được mua, thanh toán và nhận ngay tại thời điểm bán.

  • Thị trường kỳ hạn và thị trường tương lai (forward and futures market): Tài sản được thanh toán và chuyển giao tại một thời điểm xác định trước trong tương lai với mức giá được xác định ở thời điểm hiện tại. 

  • Thị trường quyền chọn (options market): Người mua có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) mua hoặc bán tài sản tại một thời điểm ở tương lai với mức giá xác định.

1.2.2. Thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp

  • Thị trường sơ cấp (primary market): Thị trường cho các chứng khoán được phát hành lần đầu.

  • Thị trường thứ cấp (secondary market): Thị trường nơi các nhà đầu tư mua bán và trao đổi chứng khoán đã được phát hành ở thị trường thứ cấp.

1.2.3. Thị trường tiền tệ và thị trường vốn

  • Thị trường tiền tệ (money market): Thị trường cho các chứng khoán nợ ngắn hạn (đáo hạn trong vòng 1 năm).

  • Thị trường vốn (capital market): Thị trường cho các chứng khoán nợ có thời hạn dài hơn một năm hoặc chứng khoán vốn vô thời hạn.

1.2.4. Thị trường đầu tư truyền thống và thị trường đầu tư thay thế

  • Thị trường đầu tư truyền thống (traditional investment market): Thị trường cho chứng khoán nợ và chứng khoán vốn.

  • Thị trường đầu tư thay thế (alternative investment market): Thị trường cho các hình thức đầu tư phi truyền thống như quỹ phòng hộ, hàng hóa, bất động sản, v.v.

1.3. Mô tả các loại chứng khoán, tiền tệ, hợp đồng, hàng hóa và tài sản thật được giao dịch trên thị trường có tổ chức, bao gồm đặc điểm quan trọng và các phân nhánh chính

Thị trường tài chính còn có thể được phân loại theo tài sản như sau:

1.3.1. Chứng khoán

1.3.1.1. Chứng khoán thu nhập cố định

Định nghĩa: Chứng khoán thu nhập cố định (fixed-income securities) là các chứng khoán nợ (debt securities) cam kết sẽ trả lại khoản vay trong tương lai. 

Kỳ hạn:

  • Ngắn hạn (short-term): Đáo hạn trong vòng 1 năm

  • Trung hạn (intermediate term): Đáo hạn từ 2 – 10 năm

  • Dài hạn (long-term): Đáo hạn trên 10 năm

Phân loại: Trái phiếu dài hạn (bonds), trái phiếu trung hạn (notes), trái phiếu ngắn hạn phát hành bởi chính phủ (bills), thương phiếu phát hành bởi doanh nghiệp (commercial paper), chứng chỉ tiền gửi phát hành bởi ngân hàng thương mại (certificates of deposit), hợp đồng mua lại (repurchase agreement), v.v.

1.3.1.2. Chứng khoán vốn

Định nghĩa: Chứng khoán vốn (equity securities) đại diện cho quyền sở hữu trong một công ty cổ phần.

Phân loại: 

  • Cổ phiếu phổ thông (common stock): Người sở hữu có quyền ưu tiên cuối cùng trong các số tất cả các bên liên quan (stakeholders); chỉ có quyền nhận cổ tức khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ với chủ nợ và người nắm cổ phiếu ưu đãi.

  • Cổ phiếu ưu đãi (preferred stock): Người sở hữu thường có quyền nhận một khoản cổ tức cố định định kỳ, được trả trước người nắm cổ phiếu phổ thông.

  • Chứng quyền (warrants): Người sở hữu có quyền mua cổ phiếu của công ty với mức giá thực hiện (exercise price) cố định trong thời gian hiệu lực của chứng quyền.

1.3.1.3. Chứng khoán quỹ đầu tư chung

Định nghĩa: Chứng khoán quỹ đầu tư chung (pooled investment securities) là công cụ đầu tư với cơ chế tập hợp tất cả các khoản tiền của các nhà đầu tư để đầu tư vào một danh mục lớn với nhiều tài sản đa dạng. Các nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ sẽ có quyền sở hữu một phần của quỹ, được đại diện bởi các chứng chỉ quỹ, chứng chỉ lưu ký, v.v.

Phân loại:

  • Quỹ tương hỗ (mutual funds): Hình thức quỹ đầu tư cho phép nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trực tiếp từ quỹ đó đối với quỹ mở (open-end funds) hoặc giao dịch trên thị trường thứ cấp nếu đó là quỹ đóng (closed-end funds).

  • Exchange-Traded Funds (ETFs) và Exchange-Traded Notes (ETNs): Được giao dịch như quỹ đóng, nhưng có thêm những điều khoản đặc biệt cho phép chuyển đổi giữa danh mục cổ phiếu thành chứng chỉ quỹ, hoặc ngược lại. Điều này sẽ khiến cho giá trị thị trường của chứng chỉ luôn được giữ ở mức gần với giá trị của các tài sản trong danh mục của quỹ. 

  • Chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (Asset-Backed Securities – ABS): đại diện cho quyền thừa hưởng lợi tức từ một tập hợp các tài sản tài chính như khoản vay thế chấp mua nhà, mua xe, v.v. Lợi suất từ các tài sản này sẽ được chuyển qua cho các nhà đầu tư tùy theo mức độ ưu tiên và mức độ rủi ro đầu tư của mỗi nhà đầu tư. 

  • Quỹ phòng hộ (hedge funds): Các quỹ đầu tư được tổ chức dưới dạng liên doanh trách nhiệm hữu hạn, bao gồm các thành viên hợp danh (general partner) là người quản lý quỹ (fund manager) và các thành viên góp vốn (limited partners) là các nhà đầu tư.

1.3.2. Tiền tệ

Tiền tệ (currencies) được phát hành bởi ngân hàng trung ương. Một số tiền tệ được coi là đồng tiền dự trữ (reserve currency). Đây là các đồng tiền được các ngân hàng trung ương hoặc các chính phủ của các quốc gia trên thế giới nắm giữ với số lượng đáng kể, bao gồm đô la Mỹ, euro (dự trữ sơ cấp) và bảng Anh, yên Nhật, franc Thụy Sĩ (dự trữ thứ cấp).

1.3.3. Hợp đồng

Định nghĩa: Hợp đồng (contracts) là thỏa thuận giữa hai bên yêu cầu về một số hành động trong tương lai, chẳng hạn như đổi một tài sản lấy tiền mặt.

Phân loại: 

  • Hợp đồng kỳ hạn (forward contracts): Thỏa thuận mua hoặc bán một tài sản trong tương lai ở một mức giá xác định tại thời điểm ký hợp đồng, không được giao dịch trên sàn giao dịch hoặc thị trường đại lý (dealer market).

  • Hợp đồng tương lai (futures contracts): Hợp đồng tương lai giống với hợp đồng kỳ hạn nhưng được chuẩn hóa và được giao dịch trên sàn giao dịch, trong đó một trung tâm thanh toán bù trừ đứng ra thanh toán và bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của các bên liên quan.

  • Hợp đồng hoán đổi (swap contracts): Thỏa thuận trao đổi các khoản thanh toán định kỳ cho nhau, phụ thuộc vào mức lãi suất trên thị trường hoặc lợi suất của tài sản trong tương lai.

  • Hợp đồng quyền chọn (option contracts): Người sở hữu có quyền (nhưng không bắt buộc) mua hoặc bán tài sản ở một mức giá thực hiện nhất định tại một thời điểm xác định trong tương lai, bao gồm quyền chọn mua (call option) và quyền chọn bán (put option).

1.3.4. Hàng hóa

Hàng hóa (commodities) được giao dịch trên thị trường giao ngay, thị trường kỳ hạn và thị trường tương lai. Hàng hóa bao gồm kim loại quý hiếm, kim loại công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm năng lượng, v.v.

1.3.5. Tài sản thực

Tài sản thực (real assets) bao gồm bất động sản (real estate), máy móc, thiết bị, v.v. và có hai phương thức đầu tư:

  • Đầu tư trực tiếp (mua tài sản trực tiếp)

  • Đầu tư gián tiếp (REIT, MLP) thông qua việc mua cổ phiếu của các công ty sở hữu tài sản thực lớn 

 

1.4. Mô tả các kiểu trung gian và dịch vụ tài chính hoạt động trong thị trường

Các trung gian tài chính (financial intermediaries) đứng giữa người mua và người bán, tạo điều kiện cho việc trao đổi tài sản, vốn và rủi ro. Các dịch vụ của của trung gian tài chính giúp nền kinh tế hoạt động một cách hiệu quả và trơn tru.

1.4.1. Nhà môi giới, nhà tạo lập thị trường, nhà đầu tư chênh lệch giá, ngân hàng đầu tư

Nhà môi giới (brokers): Giúp khách hàng mua/ bán chứng khoán bằng cách tìm kiếm đối tác để giao dịch một cách hiệu quả về mặt chi phí; kiếm lợi nhuận đến từ phí hoa hồng (commission fee)

Nhà tạo lập thị trường (dealers): Thúc đẩy quá trình giao dịch và cung cấp tính thanh khoản cho thị trường bằng cách mua bán chứng khoán ra thị trường; có lợi nhuận đến từ khoản chênh lệch giữa giá mua (bid price) và giá bán (ask price).

Nhà đầu tư chênh lệch giá (arbitrageurs): Kiếm lợi nhuận bằng cách mua tài sản ở một thị trường ở mức giá thấp và bán tài sản đó ở thị trường khác với mức giá cao hơn.

Ngân hàng đầu tư (investment banks): Giúp các doanh nghiệp bán cổ phiếu và chứng khoán nợ cho nhà đầu tư; tư vấn cho doanh nghiệp về mua bán, sáp nhập và gọi vốn.

1.4.2. Hệ thống giao dịch thay thế (ATS) và sàn giao dịch

Sàn giao dịch (exchanges): Cung cấp địa điểm giao dịch, hỗ trợ môi giới bằng hệ thống khớp lệnh tự động, quản lý các thành viên trên sàn, giám sát việc công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn .

Hệ thống giao dịch thay thế (Alternative Trading Systems - ATS)/ Mạng lưới truyền thông điện tử (Electronic Communication Networks – ECNs)/ Cơ sở giao dịch đa phương (Multilateral Trading Facility – MTFs): Có chức năng tương tự như sàn giao dịch nhưng không có chức năng quản lý. Nếu lệnh của khách hàng không được hiển thị trên hệ thống thì hệ thống đó gọi là sàn giao dịch ngầm (dark pools).

1.4.3. Tổ chức chứng khoán hóa

Định nghĩa: Tổ chức chứng khoán hóa (securitizers) các tổ chức thực hiện mua một lượng lớn chứng khoán hoặc tài sản tài chính để tập hợp thành một danh mục lớn, sau đó chia lại thành các phần nhỏ để bán lại cho nhà đầu tư. Lợi nhuận của nhà đầu tư là lợi nhuận của danh mục đó sau khi đã trừ chi phí cho bên chứng khoán hóa.

Mục đích: Bằng cách chứng khoán hóa các tài sản, các tổ chức chứng khoán hóa tạo ra một nhóm tài sản đa dạng với các dòng tiền dễ dự đoán hơn các tài sản riêng lẻ trong nhóm và tăng tính thanh khoản cho các tài sản đó.

1.4.4. Công ty bảo hiểm

Định nghĩa: Công ty bảo hiểm (insurance companies) giảm rủi ro cho bên mua bảo hiểm, đổi lại sẽ thu phí bảo hiểm và chi trả cho người mua bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra. Công ty bảo hiểm phải quản lý một số rủi ro sau:

  • Rủi ro đạo đức (moral hazard): Xảy ra khi người được bảo hiểm có thể sẵn sàng chịu nhiều rủi ro hơn khi biết rằng mình đã được bảo vệ khỏi tổn thất.

  • Lựa chọn bất lợi (adverse selection): Xảy ra khi những người có khả năng gặp tổn thất cao nhất lại chính là đối tượng chủ yếu mua bảo hiểm .

  • Gian lận (fraud): Người được bảo hiểm cố tình gây ra thiệt hại hoặc yêu cầu bồi thường cho những tổn thất hư cấu để anh ta có thể nhận tiền trên hợp đồng bảo hiểm của mình.

1.4.5. Tổ chức nhận tiền gửi

Tổ chức nhận tiền gửi (depository institutions) bao gồm ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các tổ chức tương tự khác huy động vốn từ người gửi tiền và cấp vốn (cho vay) cho các chủ thể có nhu cầu.

1.4.6. Trung tâm thanh toán bù trừ và trung tâm lưu ký

Trung tâm thanh toán bù trừ (clearinghouses) thực hiện các vai trò như đảm bảo giao dịch được thực hiện một cách hiệu quả nhất, đảm bảo các nhà đầu tư duy trì đủ vốn trong tài khoản ký quỹ, đảm bảo các bên thực hiện nghĩa vụ và qua đó giảm rủi ro đối tác (counterparty risk).

Trung tâm lưu ký (custodians) đại diện khách hàng nắm giữ chứng khoán để tránh mất mát do lừa đảo, hoặc các sự kiện khác ảnh hưởng đến nhà môi giới hoặc người quản lý khoản đầu tư.

 

2. Vị thế, đặt lệnh, và các hướng dẫn bổ sung

2.1. So sánh các vị thế của nhà đầu tư khi nắm giữ tài sản

2.1.1. ​Vị thế mua

Định nghĩa: Vị thế mua (long position) liên quan đến việc sở hữu tài sản hoặc có quyền hoặc nghĩa vụ theo hợp đồng để mua tài sản. Người nắm vị thế mua sẽ hưởng lợi từ sự tăng giá của tài sản.

2.1.2. Vị thế bán

Định nghĩa: Vị thế bán (short position) liên quan đến việc vay một tài sản và bán nó, sau đó trả lại tài sản này trong tương lai (short sale). Ngoài ra, người có quyền hoặc nghĩa vụ bán các tài sản cũng được coi là người nắm vị thế bán (short position). Người nắm vị thế bán hưởng lợi khi giá của tài sản giảm.

Bán khống (short sale) là một cách kiếm lời dựa vào việc bán một tài sản mà người bán tin rằng giá của tài sản đó sẽ giảm trong tương lai gần. Người bán khống sẽ:

(1) Vay và bán chứng khoán thông qua một người môi giới.

(2) Phải đặt cọc một phần tiền thu được từ việc bán khống cho người môi giới để làm tài sản đảm bảo (collateral).

(3) Phải trả lại chứng khoán khi được người cho vay yêu cầu hoặc khi kết thúc thời hạn bán khống. Họ kỳ vọng hưởng lợi khi giá mua lại thấp hơn giá trị lúc vay.

Khoản thanh toán thay cho cổ tức hay lợi nhuận (payments-in-lieu of dividends or interest) là khoản thanh toán mà người bán khống phải trả cho người cho vay, bao gồm tất cả khoản cổ tức hay lợi nhuận phát sinh từ tài sản mà họ vay (vì người cho vay lẽ ra phải nhận được các khoản này nếu họ không cho vay tài sản).

2.1.3. Vị thế đòn bẩy

Định nghĩa: Vị thế đòn bẩy (leveraged position) đồng nghĩa với việc người giao dịch sử dụng vốn vay để mua tài sản. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy để mua chứng khoán bằng cách vay từ người môi giới được gọi là mua theo bảo chứng (buying on margin) và khoản vay được gọi là khoản vay ký quỹ (margin loan). Lãi suất cho vay gọi là lãi suất bảo chứng (call money rate). Lãi suất bảo chứng thường cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ và mức lãi suất này sẽ thấp hơn khi người vay là nhà đầu tư lớn và có tài sản đảm bảo tốt hơn.

Mức ký quỹ ban đầu (initial margin requirement) là mức vốn sở hữu tối thiểu mà nhà đầu tư cần phải nộp vào tài khoản trước khi thực hiện mua theo bảo chứng. Mức này có thể được đặt ra bởi chính phù, sàn giao dịch, trung tâm thanh toán bù trừ hoặc người môi giới.

Mức ký quỹ duy trì yêu cầu (maintenance margin requirement) là mức vốn sở hữu tối thiểu cần duy trì trong tài khoản ký quỹ. Nhà đầu tư sẽ bị yêu cầu đóng khoản ký quỹ bổ sung (margin call) khi tài khoản ký quỹ giảm xuống dưới mức ký quỹ duy trì yêu cầu.

Sử dụng đòn bẩy sẽ làm tăng cả lợi nhuận và rủi ro khi giá trị của tài sản thay đổi. Rủi ro tăng thêm từ việc sử dụng đòn bẩy được gọi là rủi ro từ đòn bẩy tài chính (financial/ called leverage risk).

Lệnh gọi ký quỹ (margin call) xảy ra khi giá trị tài khoản giảm xuống dưới mức ký quỹ duy trì yêu cầu.

Tỷ lệ đòn bẩy (leverage ratio) cho biết vị thế có đòn bẩy rủi ro hơn bao nhiêu so với vị thế không có đòn bẩy.

 

2.2. Tính toán và diễn giải tỷ lệ đòn bẩy, lợi suất khi đầu tư margin và giá chứng khoán để phát sinh margin call

Các chỉ số đòn bẩy có thể được tính như sau:

Trong đó:

  • Value of the asset: Giá trị tài sản

  • Value of equity in the position: Giá trị vốn sở hữu

  • Initial margin requirement: Mức ký quỹ ban đầu yêu cầu

  • Margin call price: Giá cần yêu cầu bổ sung ký quỹ 

  • Initial purchase price (P0): Giá mua ban đầu

  • Initial margin: Mức ký quỹ ban đầu yêu cầu

  • Maintenance margin: Mức ký quỹ duy trì yêu cầu 

 

2.3. So sánh các hình thức khớp lệnh khác nhau; so sánh lệnh thị trường và lệnh giới hạn

2.3.1. Một số khái niệm cơ bản

Lệnh (orders): Công cụ giao dịch giữa người mua và người bán với người môi giới, sàn giao dịch, và người kinh doanh chứng khoán, chỉ rõ công cụ tài chính được giao dịch, lượng giao dịch và yêu cầu mua hay bán. Lệnh thường đi kèm các chỉ dẫn.

Giá chào mua (bid prices): Mức giá mà người mua sẵn sàng mua

Giá chào bán (ask prices/offer prices): Mức giá mà người bán sẵn sàng bán

Giá chào mua tốt nhất (best bid): Giá mua cao nhất trên thị trường

Giá chào bán tốt nhất (best ask): Giá bán thấp nhất trên thị trường

Khối lượng chào mua (bid sizes): Khối lượng chứng khoán được yết giá tại mức giá chào mua

Khối lượng chào bán (ask sizes): Khối lượng chứng khoán được yết giá tại mức giá chào bán

Chênh lệch giá mua và giá bán trên thị trường (market bid-ask spread): Chênh lệch giữa giá chào mua tốt nhất và giá chào bán tốt nhất

2.3.2. Phân loại lệnh theo hướng dẫn thực thi (execution instructions)

2.3.2.1.  Lệnh thị trường và lệnh giới hạn

Hai loại lệnh được sử dụng phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán là lệnh thị trường (market orders) và lệnh giới hạn (limit orders).

 

Lệnh thị trường 

(market orders)

Lệnh giới hạn 

(limit orders)

Đặc điểm

Thực hiện ở mức giá tốt nhất có thể

Thực hiện ở mức giá tốt nhất có thể, với điều kiện không thấp hơn mức giá xác định (với lệnh bán) và không cao hơn mức giá xác định (với lệnh mua)

Ưu điểm

Thực hiện ngay sau khi nhập

Không phải nhượng bộ giá

Nhược điểm

Nhượng bộ giá

Lệnh có thể không được thực hiện

2.3.2.2. Một số các lệnh khác

Lệnh AON (all-or-nothing orders) là lệnh chỉ được thực hiện khi toàn khối lượng chứng khoán đặt lệnh được khớp.

Lệnh ẩn (hidden orders) là lệnh chỉ người môi giới và sàn giao dịch biết khối lượng giao dịch. Lệnh ẩn có lợi cho nhà đầu tư với khối lượng giao dịch lớn và không muốn tiết lộ ý định giao dịch cho thị trường.

Lệnh tảng băng (iceberg orders) là lệnh chỉ hiển thị một khối lượng giao dịch nhất định (display size) và ẩn phần còn lại.

2.3.3. Phân loại lệnh theo phương thức khớp lệnh (validity instructions)

Lệnh trong ngày (day orders) có giá trị trong ngày nhập lệnh và sẽ hết hạn vào cuối ngày nếu lệnh không được khớp.

Lệnh GTC (good-till-cancelled orders) có giá trị đến khi được khớp hoặc bị hủy.

Lệnh IOC/FOK (immediate-or-cancel orders/fill-or-kill orders) bị hủy nếu không được khớp một phần hoặc toàn bộ ngay sau khi nhập lệnh.

Lệnh đóng cửa (good-on-close/market-on-close orders) chỉ được khớp trong phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa.

Lệnh mở cửa (good-on-open/market-on-open orders) chỉ được khớp trong phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa.

Lệnh dừng/lệnh chốt lãi – cắt lỗ (stop-loss orders) chỉ được khớp khi giá thị trường thỏa mãn điều kiện giá dừng (stop price); có tác dụng bảo vệ lợi nhuận hoặc hạn chế thua lỗ.

Ví dụ: Một nhà đầu tư mua một cổ phiếu với giá $50 và muốn bán nếu giá cổ phiếu giảm xuống $45 (để hạn chế thua lỗ thêm khi giá giảm sâu hơn), nhà đầu tư đó sẽ đặt “lệnh dừng – bán (stop – sell orders) ở mức giá $45”. Nếu giá giảm xuống bằng hoặc dưới $45, lệnh này sẽ có hiệu lực và được thực thi ngay lập tức ở mức giá tốt nhất có thể trên thị trường .

Ngược lại, lệnh dừng – mua (stop – buy orders) được thực thi khi giá thị trường bằng hoặc vượt qua mức giá dừng.

2.3.4. Phương thức thanh toán và xử lý giao dịch (clearing instructions)

Phương thức thanh toán và xử lý giao dịch hướng dẫn cách thanh toán và xử lý giao dịch. Đây thường là một hướng dẫn riêng lẻ và không đi cùng các lệnh giao dịch bên trên.

3. Thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp

3.1. Định nghĩa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp; giải thích cách thị trường thứ cấp hỗ trợ thị trường sơ cấp; mô tả cách thức giao dịch của chứng khoán, hợp đồng và tiền tệ trong các loại hình thị trường khác nhau

3.1.1. Thị trường chứng khoán sơ cấp (primary markets)

3.1.1.1. Phát hành đại chúng

Phát hành đại chúng (public offerings) là khi các công ty cổ phần chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua một ngân hàng đầu tư (investment bank). Đợt phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng được gọi là IPO (Initial Public Offering). Hai phương thức phát hành đại chúng phổ biến:

Phát hành có bảo lãnh (underwritten offerings): Ngân hàng đầu tư đảm bảo bán chứng khoán ở mức giá chào bán đã được thỏa thuận với công ty phát hành; nếu khối lượng chứng khoán được nhận mua ít hơn khối lượng đã phát hành thì ngân hàng đầu tư phải mua lượng chứng khoán còn lại ở mức giá đã chào bán.

Phát hành không bảo lãnh (best effort offerings): Ngân hàng chỉ đóng vai trò môi giới; nếu khối lượng chứng khoán được nhận mua ít hơn khối lượng đã phát hành thì ngân hàng không có nghĩa vụ phải mua số còn lại.

3.1.1.2. Phát hành riêng lẻ

Phát hành riêng lẻ (private placement) là việc chứng khoán được bán trực tiếp cho một nhóm nhỏ nhà đầu tư với sự hỗ trợ của ngân hàng đầu tư. Khi thực hiện phát hành riêng lẻ, công ty phát hành không phải cung cấp bản cáo bạch chi tiết cho nhà đầu tư như khi phát hành đại chúng. Chi phí phát hành và mức giá chào bán trong các đợt phát hành riêng lẻ thường thấp hơn so với phát hành đại chúng.

3.1.1.3. Các giao dịch khác trên thị trường sơ cấp

Đăng ký phát hành từng phần (shelf registration): Công ty công bố cáo bạch như thường lệ khi chào bán, nhưng không phát hành toàn bộ khối lượng chứng khoán đã đăng ký ngay mà phát hành từng phần theo thời gian, khi cần huy động vốn hoặc khi có ưu thế trên thị trường.

Phát hành cổ phiếu kèm theo quyền mua (rights offering): Cổ đông hiện tại có đặc quyền mua trước cổ phiếu mới phát hành với mức giá ưu đãi so với mức giá trên thị trường.

Kế hoạch tái đầu tư cổ tức (Dividend Reinvestment Plan – DRP/DRIP): Cổ đông hiện tại được cho phép sử dụng cổ tức để mua thêm cổ phiếu mới phát hành với mức giá ưu đãi.

3.1.2. Thị trường chứng khoán thứ cấp (secondary markets)

3.1.2.1. Phân loại theo phiên giao dịch

Cơ chế giao dịch chứng khoán thứ cấp có thể được chia thành thị trường giao dịch khớp lệnh định kỳ và thị trường khớp lệnh liên tục.

  • Thị trường giao dịch khớp lệnh định kỳ (call market): Chứng khoán được giao dịch tại một thời điểm cụ thể. Vì vậy, thị trường giao dịch khớp lệnh định kỳ có tính thanh khoản rất cao khi trong thời gian giao dịch và có tính thanh khoản thấp giữa các khoảng thời gian giao dịch.

  • Thị trường giao dịch liên tục (continuous trading market): Chứng khoán được giao dịch bất kỳ khi nào thị trường mở cửa.

3.1.2.2. Phân loại theo cơ chế thực hiện

3.1.2.2.1. Thị trường giao dịch khớp giá (quote-driven markets)

Khách hàng giao dịch với người tạo lập thị trường (dealers), đồng thời là người đưa ra giá mua và giá bán. Hầu hết trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa giao ngay được giao dịch theo cơ chế này.

3.1.2.2.2. Thị trường giao dịch khớp lệnh (order-driven markets)

Nguyên tắc khớp lệnh (order matching rules):

  • Ưu tiên giá mua cao nhất và giá bán thấp nhất.

  • Ưu tiên lệnh không ẩn và lệnh được nhập trước.

Nguyên tắc định giá (trade pricing rules):

  • Thị trường giao dịch định kỳ: Sử dụng nguyên tắc định giá thống nhất (uniform pricing rule) – tất cả lệnh được thực hiện ở cùng mức giá mà ở đó khối lượng giao dịch lớn nhất.

  • Thị trường giao dịch liên tục: Sử dụng nguyên tắc định giá phân biệt (discriminatory pricing rule) – lấy giá giới hạn của lệnh đến trước làm giá giao dịch.

  • Giao dịch dựa trên mạng lưới chéo (crossing networks): Giá giao dịch được xác định từ một thị trường khác (derivative pricing rule).

3.1.2.2.3. Thị trường môi giới (brokered markets)

Người môi giới là người dàn xếp giao dịch cho những công cụ tài chính đặc trưng và không thường xuyên được giao dịch, như bất động sản, đồ cổ, sở hữu trí tuệ, các lô chứng khoán với khối lượng rất lớn, v.v.

 

3.2. Mô tả đặc điểm của một hệ thống tài chính hoạt động tốt

Thị trường hoàn chỉnh (complete markets) là một hệ thống tài chính hoạt động tốt và cho phép các bên tham gia vào thị trường đạt được các mục đích sau:

  • Nhà đầu tư có thể tiết kiệm cho tương lai tại mức lãi suất hợp lý.

  • Người đi vay uy tín có thể tiếp cận nguồn vốn.

  • Người phòng hộ có thể quản lý được rủi ro.

  • Người giao dịch có thể tiếp cận các loại tiền tệ, hàng hóa và tài sản khác mà họ cần.

Một thị trường hoàn chỉnh phải có những đặc điểm sau:

  • Hiệu quả về mặt vận hành (operationally efficient): Chi phí giao dịch thấp.

  • Hiệu quả về mặt thông tin (informationally efficient): Thông tin luôn có sẵn; giá của tài sản thay đổi nhanh để phản ánh đầy đủ các thông tin mới liên quan đến giá trị nội tại của tài sản.

  • Hiệu quả về mặt phân bổ nguồn vốn (allocationally efficient): Khi thị trường đạt được hiệu quả về mặt thông tin, các nguồn vốn trên thị trường tài chính sẽ được phân phối một cách hiệu quả.

3.3. Mô tả mục tiêu của việc quản lý thị trường

Khi không có quản lý thị trường

Khi có quản lý thị trường

  • Gian lận và chiếm đoạt tài sản

  • Giao dịch nội gián

  • Chi phí thông tin cao

  • Các bên tham gia không thực hiện nghĩa vụ của mình

  • Kiểm soát gian lận

  • Ngăn chặn việc bóc lột

  • Kiểm soát vấn đề đại diện (agency problems)

  • Thúc đẩy sự công bằng

  • Đặt ra các tiêu chuẩn đôi bên cùng có lợi

  • Đảm bảo các khoản nợ phải trả phải được thực thi