[Level 1] Ethical & Professional Standards

[Tóm tắt các kiến thức quan trọng] của Module 4: Introduction to the Global Investment Performance Standards (GIPS)

I. Lý do ra đời các chuẩn mực GIPS

Vai trò của chuẩn mực GIPS

Các tổ chức và cá nhân liên tục quan sát và theo dõi các dữ liệu ghi lại hiệu suất đầu tư trong quá khứ để tìm kiếm người quản lý danh mục tốt nhất để đạt được mục tiêu đầu tư của họ.

→ Xảy ra các vấn đề:

  • HIệu suất đầu tư giữa các doanh nghiệp là không tương đồng để so sánh với nhau.

  • Không đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của báo cáo hiệu suất đầu tư tổng thể.

Các hành vi sai trái

  • Lựa chọn tài khoản đại điện: Là hành vi lựa chọn một danh mục đầu tư hoạt động tốt nhất và tuyên bố rằng danh mục đầu tư đó thể hiện kết quả tổng thể của doanh nghiệp đối với tất cả các tài sản được quản lý.

  • Thiên lệch sống sót (Survivorship bias): Không bao gồm các tài khoản đã chấm dứt, có thể là những tài khoản đã bị nhà đầu tư đóng do có hiệu suất đầu tư dưới mệnh giá.

  • Thay đổi khoảng thời gian: Lựa chọn các khoảng thời gian để báo cáo thể hiện hiệu suất đầu tư của doanh nghiệp ở mức tốt nhất có thể.

Ý nghĩa của GIPS:

GIPS trình bày một phương pháp chuẩn hóa để báo cáo hiệu suất giúp việc so sánh hiệu suất giữa các doanh nghiệp có ý nghĩa hơn, cung cấp thông tin cụ thể hữu ích cho cả khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng, đồng thời tránh các hành vi trình bày sai lệch về hiệu suất.

Mục tiêu của chuẩn mực GIPS

  • Thúc đẩy lợi ích của nhà đầu tư và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư.

  • Đảm bảo dữ liệu chính xác và hiệu quả.

  • Được chấp nhận trên toàn thế giới về một tiêu chuẩn duy nhất để tính toán và trình bày hiệu suất.

  • Thúc đẩy cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đầu tư toàn cầu.

  • Thúc đẩy tính kỷ luật trên toàn cầu của ngành đầu tư.


II. Đối tượng tuân thủ chuẩn mực GIPS
  • Việc tuân thủ chuẩn mực GIPS là tự nguyện.

  • Chỉ những doanh nghiệp quản lý đầu tư thực sự quản lý tài sản mới có thể tuyên bố tuân thủ GIPS.

  • Tuân thủ là một quy trình áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp và không thể tuyên bố tuân thủ riêng lẻ cho bất kỳ một sản phẩm hay một tổ hợp sản phẩm nào.

  • Doanh nghiệp cần tuân thủ tất cả các yêu cầu của chuẩn mực GIPS; không tồn tại khái niệm nào là “tuân thủ một phần GIPS” - hay “partial compliance”.


III. Đối tượng được hưởng lợi từ chuẩn mực GIPS

Các chuẩn mực GIPS mang lại lợi ích cho các nhà quản lý tài sản, khách hàng tiềm năng và chủ sở hữu tài sản cũng như các cơ quan giám sát của họ.

  • Các doanh nghiệp đảm bảo với khách hàng và nhà đầu tư tiềm năng rằng hồ sơ theo dõi lịch sử hiệu suất đầu tư mà họ báo cáo là đầy đủ và được trình bày công bằng.

  • Các nhà đầu tư có mức độ tin tưởng cao hơn về tính minh bạch của hoạt động của họ và có thể dễ dàng so sánh với các doanh nghiệp khác nhau hơn.

  • Chủ sở hữu tài sản cung cấp thông tin hiệu suất cho các cơ quan giám sát của họ để cho phép các cơ quan này đưa ra quyết định đầu tư và đánh giá hiệu suất của các quỹ dưới sự giám sát của họ.

IV. Các khái niệm chính của chuẩn mực GIPS

Chuẩn mực GIPS bao gồm 8 phần:

  1. Nguyên tắc tuân thủ cơ bản (Fundamentals of Compliance)

  2. Dữ liệu đầu vào và phương pháp tính toán (Input Data and Calculation Methodology)

  3. Duy trì các tổ hợp tài khoản và quỹ chung (Composite and Pooled Fund Maintenance)

  4. Báo cáo hiệu suất đầu tư theo trọng số thời gian của các tổ hợp tài khoản (Composite Time-weighted return report)

  5. Báo cáo hiệu suất đầu tư theo trọng số giá trị của các tổ hợp tài tài khoản (Composite Money-weighted return report)

  6. Báo cáo hiệu suất đầu tư theo trọng số thời gian của các quỹ chung (Pooled Fund Time-weighted return report)

  7. Báo cáo hiệu suất đầu tư theo trọng số giá trị của các quỹ chung (Pooled Fund Money-weighted return report)

  8. Nguyên tắc quảng cáo theo chuẩn mực GIPS (GIPS Advertising guidelines)

V. Mục đích của tổ hợp tài khoản trong việc báo cáo hiệu suất đầu tư.

  • Tổ hợp tài khoản (composite) là một nhóm các danh mục đầu tư riêng lẻ đại diện cho một chiến lược, mục tiêu hoặc nhiệm vụ đầu tư tương tự nhau được toàn quyết quyết định bởi nhà quản lý tài sản.

  • Báo cáo về hiệu suất đầu tư của doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng và khách hàng tiềm năng thông tin về sự thành công của doanh nghiệp trong việc quản lý các loại chứng khoán khác nhau và phong cách đầu tư khác nhau.

  • Một tổ hợp tài khoản phải bao gồm tất cả các danh mục đầu tư trả phí, toàn quyền quyết định bởi nhà quản lý (trong hiện tại và quá khứ) mà doanh nghiệp đã quản lý theo một chiến lược cụ thể.

  • doanh nghiệp nên xác định danh mục đầu tư nào được sẽ được đưa vào tổ hợp tài khoản trước khi biết đến hiệu suất đầu tư của danh mục đó để ngăn chặn việc cố tình tạo ra tổ hợp tài khoản có lợi nhuận vượt trội.

  • Tất cả các tài khoản mà nhà quản lý tài sản toàn quyết quyết định và được tính phí do doanh nghiệp quản lý phải được bao gồm trong ít nhất một tổ hợp tài khoản.

Ví dụ về các tổ hợp tài khoản: Các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, các trái phiếu nội địa có xếp hạng tín dụng cao, các tài khoản được quản lý để neo theo hiệu suất của một chỉ số chứng khoán cụ thể.

VI. Các nguyên tắc cơ bản của việc tuân thủ, bao gồm các khuyến nghị của Chuẩn mực GIPS liên quan đến định nghĩa của doanh nghiệp và định nghĩa về quyền tự quyết của doanh nghiệp.

1. Định nghĩa doanh nghiệp.

  • Định nghĩa về doanh nghiệp, cho mục đích tuân thủ GIPS, phải là tập đoàn, doanh nghiệp con hoặc bộ phận cung cấp dịch vụ cho khách hàng với tư cách là một thực thể kinh doanh.

  • Nếu một doanh nghiệp có các vị trí địa lý khác nhau (ví dụ: tất cả đều hoạt động kinh doanh dưới tên Bluestone Advisors), thì định nghĩa về doanh nghiệp phải bao gồm tất cả các vị trí địa lý khác nhau và khách hàng của họ.

2. Định nghĩa quyền tự quyết của doanh nghiệp

  • Định nghĩa về quyền tự quyết đề cập đến cách một doanh nghiệp xác định danh mục đầu tư nào mà họ quản lý nên được đưa vào tổ hợp tài khoản.

  • Một doanh nghiệp có thể xác định rằng một danh mục đầu tư là không được tự quyết - và do đó không đưa nó vào danh mục tổ hợp tài khoản - nếu khách hàng đặt ra những hạn chế đối với danh mục để ngăn cản người quản lý thực hiện chiến lược đã xác định từ trước.

3. Mô tả các nguyên tắc cơ bản của việc tuân thủ

Các nguyên tắc cơ bản bao gồm cả những khuyến nghị và yêu cầu.

3.1. Những yêu cầu.

  • Các doanh nghiệp phải tuân thủ tất cả các yêu cầu của chuẩn mực GIPS, bao gồm mọi bản cập nhật, các tuyên bố hướng dẫn, diễn giải, phần Câu hỏi & Trả lời và giải thích do Viện CFA và Ủy ban Điều hành GIPS công bố, có sẵn trên trang web của GIPS cũng như trong Sổ tay GIPS.

  • Các doanh nghiệp phải tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành liên quan đến việc tính toán và trình bày kết quả hiệu suất đầu tư.

  • Các doanh nghiệp không được trình bày thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về hiệu suất hoặc thông tin có liên quan đến hiệu suất.

  • Các chuẩn mực GIPS phải được áp dụng trên cơ sở toàn doanh nghiệp.

  • Doanh nghiệp phải ghi chép lại các chính sách và thủ tục đang được sử dụng để thiết lập và duy trì việc tuân thủ các chuẩn mực GIPS, bao gồm đảm bảo sự tồn tại và quyền sở hữu tài sản của khách hàng, đồng thời phải áp dụng chúng một cách nhất quán.

  • Nếu doanh nghiệp không đáp ứng tất cả các yêu cầu của chuẩn mức GIPS, thì doanh nghiệp đó không được tuyên bố rằng mình “tuân thủ Chuẩn mực về Hiệu suất Đầu tư Toàn cầu ngoại trừ…” hoặc đưa ra bất kỳ tuyên bố nào khác có thể cho thấy việc tuân thủ một phần tiêu chuẩn của Chuẩn mực GIPS.

  • Các tuyên bố đề cập đến phương pháp tính toán (calculation method) là "phù hợp", "tuân thủ" hoặc "phù hợp với" chuẩn mức GIPS hoặc các tuyên bố tương tự đều bị cấm.

  • Các tuyên bố đề cập đến hiệu suất của một danh mục khách hàng hiện tại, đơn lẻ là "được tính toán theo chuẩn mực GIPS" đều bị cấm, trừ khi một doanh nghiệp tuân thủ GIPS báo cáo hiệu suất danh mục khách hàng cá nhân cho chính khách hàng cụ thể đó.

  • Các doanh nghiệp phải thực hiện mọi nỗ lực hợp lý để cung cấp báo cáo tuân thủ cho tất cả các khách hàng tiềm năng. Doanh nghiệp không được lựa chọn đối tượng trình bày báo cáo tuân thủ. Doanh nghiệp được xem là đã đáp ứng yêu cầu này miễn là khách hàng tiềm năng đã nhận được bản báo cáo tuân thủ trong vòng 12 tháng.

  • Các doanh nghiệp phải cung cấp một danh sách đầy đủ các mô tả tổ hợp tài khoản theo yêu cầu của bất kỳ khách hàng tiềm năng nào. Họ phải bao gồm tất cả các tài khoản đã được chấm dứt ít nhất năm năm sau ngày chấm dứt trong danh sách đó.

  • Các doanh nghiệp phải cung cấp bản báo cáo tuân thủ cho bất kỳ tổ hợp tài khoản nào được liệt kê trong danh sách mô tả tổ hợp của họ cho bất kỳ khách hàng tiềm năng nào đưa ra yêu cầu như vậy.

  • Các doanh nghiệp phải được định nghĩa là một doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp con hoặc bộ phận được tổ chức cung cấp dịch vụ cho khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng với tư cách là một thực thể kinh doanh riêng biệt.

  • Đối với các giai đoạn bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2011, tổng tài sản của doanh nghiệp phải là tổng giá trị hợp lý của tất cả các tài sản có quyền tự quyết và không có quyền tự quyết do doanh nghiệp quản lý. Tổng tài sản cũng bao gồm cả danh mục trả phí và không trả phí.

  • Tổng tài sản của doanh nghiệp phải bao gồm tài sản được giao cho một cố vấn phụ (sub-advisor), với điều kiện là doanh nghiệp có toàn quyền quyết định trong việc lựa chọn cố vấn phụ.

  • Những thay đổi trong cấu trúc của một doanh nghiệp không được phép là lý do để thay đổi hiệu suất đầu tư của tổ hợp tài khoản trong quá khứ.

  • Khi doanh nghiệp cùng tiếp thị với các doanh nghiệp khác và muốn tuyên bố tuân thủ các tiêu chuẩn GIPS, họ cần phải đảm bảo rằng chính họ được xác định rõ ràng và tách biệt với các doanh nghiệp khác đang được tiếp thị chung, và phải tách bạch rằng doanh nghiệp nào đang có tuyên bố tuân thủ.

3.2. Khuyến nghị

  • Các doanh nghiệp nên tuân thủ các khuyến nghị của chuẩn mực GIPS, bao gồm các khuyến nghị trong mọi bản cập nhật, Tuyên bố hướng dẫn, diễn giải, Hỏi & Đáp và giải thích rõ ràng do Viện CFA và Ủy ban điều hành GIPS công bố, sẽ được cung cấp trên trang web của GIPS cũng như trong Sổ tay GIPS.

  • Các doanh nghiệp nên được xác minh.

  • Các doanh nghiệp nên áp dụng định nghĩa rộng nhất, có ý nghĩa nhất về doanh nghiệp, bao gồm tất cả các văn phòng địa lý hoạt động dưới cùng một tên thương mại bất kể tên thật của doanh nghiệp quản lý đầu tư riêng lẻ là gì.

  • Các doanh nghiệp nên cung cấp cho mỗi khách hàng hiện tại, trên cơ sở hàng năm, một bản trình bày tuân thủ về tổ hợp tài khoản trong đó có danh mục đầu tư của khách hàng.

VII. Khái niệm xác minh độc lập (independent verification)

Các doanh nghiệp được khuyến khích theo đuổi việc xác minh độc lập về việc họ tuân thủ GIPS.

1. Định nghĩa xác minh (verification)

Xác minh là một quy trình trong đó một doanh nghiệp xác minh độc lập (người xác minh) tiến hành rà soát một doanh nghiệp trên cơ sở toàn doanh nghiệp theo các quy trình xác minh bắt buộc của chuẩn mực GIPS.

Việc xác minh đảm bảo rằng:

  • doanh nghiệp đã tuân thủ tất cả các yêu cầu của GIPS đối với kết cấu tổ hợp tài khoản trên cơ sở toàn doanh nghiệp và;

  • Các quy trình và thủ tục của doanh nghiệp được thiết lập để trình bày hiệu suất đầu tư theo phương pháp tính toán theo yêu cầu của GIPS, các yêu cầu về dữ liệu của GIPS và theo định dạng mà GIPS yêu cầu.

2. Phương pháp xác minh

  • Việc xác minh phải được thực hiện bởi bên thứ ba để tăng độ tin cậy cho tuyên bố tuân thủ của doanh nghiệp.

  • Việc xác minh áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp về phương pháp đo lường hiệu suất đầu tư của doanh nghiệp, không phải chỉ là của một tổ hợp tài khoản đã chọn.