[Level 1] Fixed Income Investments

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 1: Fixed-income Instrument Features

Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về Module 1 môn FI của chương trình CFA level I

 

I. Mô tả các đặc điểm của chứng khoán nợ

1. Giới thiệu về chứng khoán nợ (Fixed-income securities)

Chứng khoán nợ là một công cụ tài chính cho phép các tổ chức (chính phủ, doanh nghiệp, v.v.) phát hành chứng khoán nợ để vay mượn từ nhà đầu tư. Các tổ chức này có nghĩa vụ pháp lý phải thanh toán nợ gốc lẫn lãi cho nhà đầu tư trong khoảng kỳ hạn nhất định.

Phần lớn chứng khoán nợ được phát hành dưới dạng trái phiếu (bond) xác nhận bên A (bên phát hành) mang nợ bên B (bên mua trái phiếu) một khoản tiền. Bên phát hành (issuers) có nghĩa vụ trả gốc và lãi cho bên mua trái phiếu (bond holder) trong kỳ hạn nhất định. 

Điểm khác biệt chứng khoán nợ (fixed-income security) và chứng khoán vốn (equity):

 

Công cụ nợ

Công cụ vốn

Quyền biểu quyết

(Ownership rights)

Không

Quyền truy đòi khoản thanh toán

(Priority of claim)

Được ưu tiên

Ít được ưu tiến

Mức độ rủi ro

(Risk)

Thấp hơn

Cao hơn

 

2. Tổng quan về chứng khoán nợ

Trái phiếu là một hợp đồng thỏa thuận giữa người phát hành và người nắm giữ trái phiếu. Ba yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần biết khi cân nhắc đầu tư vào chứng khoán nợ:

  • Đặc điểm của trái phiếu (LOS 1.a)

  • Các điều khoản có thể ảnh hưởng dòng tiền dự kiến của trái phiếu (LOS 1.b)

  • Các quy định pháp lý và thuế ảnh hưởng đến việc phát hành và giao dịch chứng khoán nợ (LOS 2.b)

 

3. Đặc điểm của trái phiếu (Bond’s features) 

3.1. Tổ chức phát hành (Issuers)

Các tổ chức phát hành trái phiếu có thể được phân loại như sau:

Tổ chức chính phủ hoặc liên quan đến chính phủ

Tổ chức đa quốc gia (Supranantional organizations)

Trái phiếu được phát hành bởi các tổ chức hoạt động quốc tế.

VD: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), v.v.

Tổ chức chính phủ (Sovereign governments)

Trái phiếu được phát hành bởi tổ chức chính phủ thường có rủi ro thấp nhất và an toàn nhất trên mỗi thị trường.

VD: Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ Nhật Bản, v.v.

Chính quyền địa phương (non-sovereign governments)

VD: Bang Minnesota của Hoa Kỳ, Thành phố Edmonton ở Alberta của Canada, v.v.

Tổ chức nhà nước (Quasi-government)

Trái phiếu được phát hành bởi các tổ chức do Chính phủ sở hữu hoặc được tài trợ.

VD: Công ty dịch vụ bưu chính, v.v.

Doanh nghiệp

Tập đoàn, doanh nghiệp (Corporations)

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường được chia thành 2 loại hình: tài chính hoặc phi tài chính

Tổ chức tài chính có cấu trúc (cho vay)

Tổ chức đa quốc gia (Supranantional organizations)

Các tổ chức được thành lập để mua lại tài sản tài chính và phát hành chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (asset-backed securities). Các trái phiếu này được bảo đảm bởi dòng tiền đến từ tài sản cơ sở.

 

3.2. Thời gian đáo hạn (Maturity)

Ngày đáo hạn của trái phiếu (maturity date) là ngày mà người phát hành có nghĩa vụ mua lại trái phiếu bằng cách thanh toán khoản vay ban đầu cho nhà đầu tư.

Kỳ hạn còn lại (tenor) là thời gian còn lại cho đến ngày đáo hạn của trái phiếu. Đây là yếu tố quan trọng trong việc phân tích rủi ro và lãi suất của trái phiếu.

Kỳ hạn thanh toán có thể là qua đêm (overnight) hoặc lên đến hơn 30 năm. Dựa trên đặc điểm về kỳ hạn, trái phiếu được phân loại như sau:

  • Kỳ hạn < 1 năm: Công cụ thị trường tiền tệ (money market securities)

  • Kỳ hạn > 1 năm: Công cụ thị trường vốn (capital market securities)

  • Không có ngày đáo hạn: trái phiếu không kỳ hạn (perpetual bond)

 

3.3. Mệnh giá trái phiếu (Par value)   

Mệnh giá trái phiếu (par value) là số tiền bên nhà phát hành đồng ý thanh toán cho bên mua trái phiếu vào ngày đáo hạn. Giá trái phiếu (bond price) được niêm yết dưới dạng phần trăm của mệnh giá trái phiếu.

Bond price > Par value

Trái phiếu được phát hành trên mức mệnh giá (at a premium)

Bond price = Par value

Trái phiếu được phát hành bằng mệnh giá (at par)

Bond price < Par value

Trái phiếu được phát hành ở mức chiết khấu (at a discount)

 

3.4. Lãi suất trái phiếu và kỳ hạn trả lãi (Coupon rate and frequency)

Lãi suất trái phiếu là mức lãi suất mà tổ chức phát hành trái phiếu phải trả cho nhà đầu tư theo định kỳ nhất định.

Lãi định kỳ phải trả (Coupon) = Mệnh giá (Par value) × Lãi suất (Coupon rate)

3.4.1. Kỳ hạn trả lãi (Frequency)

Kỳ hạn trả lãi trái phiếu khá linh động. Trái phiếu có thể được trả lãi hàng năm (annually), nửa năm 1 lần (semi-annually), hàng quý (quarterly) và hàng tháng (monthly).

3.4.2. Lãi suất trái phiếu (Coupon)

Dựa trên mức lãi định kỳ phải trả, trái phiếu có thể chia thành 3 loại:

  • Trái phiếu lãi suất thả nổi (floating-rate notes): Trái phiếu có lãi suất được điều chỉnh thay đổi theo thời gian.

  • Trái phiếu lãi suất cố định (plain vanilla/conventional bond): Trái phiếu với mức lãi suất cố định trong suốt kỳ hạn.

  • Trái phiếu không trả lãi suất (zero-coupon/pure discount bond): Trái phiếu mà người mua không nhận được lãi. Những trái phiếu này được bán với giá chiết khấu so với mệnh giá trái phiếu và tiền lãi được trả vào ngày đáo hạn khi người nắm giữ trái phiếu nhận được mệnh giá → Lãi suất thu được từ trái phiếu không trả lãi suất bằng chênh lệch giữa mệnh giá và giá mua.

 

3.5. Xếp hạng thứ tự thanh toán (Seniority)

Một doanh nghiệp sẽ xếp hạng các khoản vay theo thứ tự để trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp đó vỡ nợ.

 

3.6. Tổng quan các điều khoản về quyền chọn (Contingency provisions)

Điều khoản quyền chọn cho phép nhà phát hành/người mua trái phiếu thực hiện một số hành động nếu xảy ra một sự kiện cụ thể trong tương lai. Các điều khoản dự phòng phổ biến được tìm thấy trong khế ước trái phiếu có tiêu đề là “quyền chọn đính kèm”.

Quyền chọn đính kèm (embedded option) là tính năng của trái phiếu cho phép nhà đầu tư hoặc bên phát hành được thực hiện các hành động cụ thể đối với bên còn lại. Các quyền chọn này tách rời khỏi trái phiếu và không thể được giao dịch riêng lẻ - do đó được gọi bằng thuật ngữ “đính kèm” (embedded).

Một số loại trái phiếu phổ biến với các quyền chọn đính kèm bao gồm:

  • Quyền chọn mua (callable)

  • Quyền chọn bán (putable)

  • Quyền chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu (convertible)

 

3.7. Đo lường lãi suất (Yield measures)

Lãi suất hiện hành (Current yield): Lãi coupon / Giá trái phiểu

Lãi suất đơn giản (Simple yield): (Lãi coupon + Lãi/lỗ) / Giá trái phiếu, trong đó: Lãi/lỗ = Khấu hao hàng năm của khoản discount/premium.

Lãi suất đáo hạn (Yield to maturity)

Lãi suất đáo hạn (YTM) là là mức lãi suất chiết khấu mà tại đó làm cho giá trái phiếu bằng với tổng giá trị hiện tại của các dòng tiền trong tương lai (PMT).

Lãi suất đáo hạn (YTM) là tỷ suất lợi nhuận của trái phiếu mà nhà đầu tư nhận được dựa trên ba giả định quan trọng sau:

  • Nhà đầu tư giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn.

  • Bên phát hành thực hiện đầy đủ tất cả các khoản thanh toán lãi và gốc đúng lịch hẹn.

  • Nhà đầu tư có thể tái đầu tư các khoản thanh toán lãi suất tại cùng mức lợi suất đó. Đây là một đặc điểm của tỷ suất hoàn vốn nội bộ (internal rate of return - IRR).

 

3.8. Đường cong lợi tức (Yield curves)

Đường cong lợi tức là tập hợp lãi suất đáo hạn (YTM) của trái phiếu coupon tại nhiều kỳ hạn khác nhau. Đường cong này cho thấy mối quan hệ giữa lãi suất đáo hạn (yield-to-maturity) và thời gian đáo hạn (terms-to-maturity).

 

II. Giải thích về khế ước trái phiếu và so sánh các điều khoản giao ước trái phiếu

Chứng thư ủy thác (Trust deed) là hợp đồng pháp lý mô tả các điều kiện và điều khoản của trái phiếu bao gồm: nghĩa vụ của người phát hành và quyền của người mua.

Hợp đồng này còn được gọi là khế ước trái phiếu (bond indenture).

Các cấu phần cơ bản của khế ước trái phiếu (tham khảo LOS 1.a)

  • Mệnh giá trái phiếu

  • Lãi suất trái phiếu

  • Ngày thanh toán lãi suất định kỳ

  • Ngày đáo hạn

Ngoài ra, khế ước trái phiếu còn bao gồm một số cấu phần sau:

  • Bên phát hành trái phiếu (Bond issuer)

  • Nguồn tiền tài trợ (Funding sources)

  • Tài sản thế chấp (Collaterals)

  • Giao ước trái phiếu (Covenants)

1. Pháp nhân của tổ chức phát hành trái phiếu và hình thức pháp lý

Khế ước trái phiếu xác định bên phát hành trái phiếu có nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi bằng tên gọi hợp pháp của bên đó.

Trái phiếu chính phủ

(Sovereign bond)

Cơ quan phát hành hợp pháp thường là tổ chức chịu trách nhiệm quản lý ngân sách quốc gia (kho bạc của nước phát hành)

Trái phiếu doanh nghiệp

(Corporate bond)

  • Tổ chức phát hành thường là pháp nhân doanh nghiệp

  • Trái phiếu có thể do công ty mẹ hoặc công ty con phát hành.

Người nắm giữ trái phiếu phải xem xét chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành trái phiếu.

Tổ chức pháp nhân đặc biệt

(Special legal entities)

Special Purpose Entity (SPE) là công ty phục vụ mục đích đặc biệt. Tổ chức này không bị ảnh hưởng bởi rủi ro phá sản của công ty mẹ (bankruptcy remoteness), tức là ngay cả khi doanh nghiệp phá sản thì dòng tiền từ các khoản cho vay vẫn được đảm bảo bởi SPE để thanh toán cho nhà đầu tư.

 

2. Nguồn tiền thanh toán (Source of repayment proceeds)

Khế ước trái phiếu làm rõ cách thức mà bên phát hành trái phiếu thực hiện các khoản thanh toán.

2.1. Trái phiếu đa quốc gia (Supranational bond)

Trái phiếu do các tổ chức đa quốc gia phát hành thường được thanh toán qua 2 nguồn tiền sau:

  • Tiền thu được từ việc hoàn trả các khoản cho vay trước đây của tổ chức (Proceeds from repayments)

  • Tiền vốn góp bởi các quốc gia thành viên (Paid-in-captial)

2.2. Trái phiếu chính phủ (Sovereign bond)

Trái phiếu chính phủ thường được thanh toán bằng khoản thu từ thuế của quốc gia phát hành trái phiếu. Trái phiếu được bảo đảm dựa tên mức độ tín nhiệm (full faith and credit) của chính phủ của quốc gia phát hành.

Chính phủ các nước có quyền hạn duy nhất để đảm bảo khả năng trả nợ

  • Trái phiếu chính phủ niêm yết bằng đồng nội tệ được coi là an toàn nhất trong tất cả các khoản đầu tư.

  • Lợi suất trái phiếu chính phủ thấp hơn so với trái phiếu tương tự được phát hành từ các tổ chức địa phương khác

  • Lợi suất của trái phiếu chính phủ thường được sử dụng làm “lãi suất phi rủi ro” để tính toán giá trị thời gian của tiền cũng như lãi suất tham chiếu để định giá trái phiếu.

2.3. Trái phiếu phát hành bởi chính quyền địa phương (non-sovereign bond)

Trái phiếu được thanh toán qua 3 nguồn chính:

  • Khoản thu từ thuế của chính quyền địa phương

  • Dòng tiền từ dự án mà trái phiếu được phát hành để tài trợ

  • Các loại thuế/phí đặc biệt để dành cho việc thanh toán trái phiếu

2.4. Trái phiếu doanh nghiệp (Corporate bond)

Nguồn thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đến từ các dòng tiền được tạo ra từ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Dòng tiền của trái phiếu doanh nghiệp phụ thuộc vào sức mạnh tài chính và sự minh bạch của tổ chức phát hành.

Trái phiếu doanh nghiệp thường có mức độ rủi ro tín dụng cao hơn trái phiếu chính phủ, vì vậy mang lại lợi suất cao hơn.

 

3. Tài sản đảm bảo (Asset/Collateral Backing)

Tài sản đảm bảo là tài sản được sử dụng để thế chấp và bảo đảm cho việc người đi vay (người phát hành trái phiếu) sẽ thanh toán khoản vay cho người cho vay (người mua trái phiếu).

Tài sản đảm bảo là một cách để giảm thiểu rủi ro tín dụng.

3.1. Xếp hạng thứ tự thanh toán (Seniority ranking)

Xếp hạng thứ tự thanh toán là việc xếp hạng trái phiếu theo mức độ ưu tiên được nhận thanh toán trong trường hợp người đi vay vỡ nợ.

a. Trái phiếu có tài sản đảm bảo và trái phiếu không có tài sản bảo đảm (Secured bonds and unsecured bonds)

Trái phiếu có tài sản đảm bảo là trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản hoặc các cam kết tài chính khác, nhằm cam kết trái phiếu có thể được thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp vỡ nợ.

Trái phiếu không có bảo đảm không được đảm bảo bằng bất kỳ tài sản cụ thể nào cho việc thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp vỡ nợ. Trong trường hợp vỡ nợ, trái phiếu không có bảo đảm được trả sau trái phiếu có tài sản đảm bảo. Trái phiếu không có tài sản chịu nhiều rủi ro hơn và có lợi tức cao hơn.

b. Xếp hạng thứ tự thanh toán (Seniority ranking)

Một doanh nghiệp sẽ xếp hạng các khoản vay theo thứ tự để trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp đó vỡ nợ. Các khoản nợ càng ở trên sẽ được ưu tiên thanh toán trước các khoản nợ phía dưới trong trường hợp bên phát hành vỡ nợ.

c. Trái khoán tín dụng (Debenture)

Trái khoán tín dụng là một loại chứng khoán nợ không được bảo đảm bằng tài sản thế chấp.

3.2. Phân loại tài sản bảo đảm

a. Trái phiếu ủy thác có tài sản bảo đảm (Collateral trust bonds) là các trái phiếu được bảo đảm bằng chứng khoán như cổ phiếu hoặc các tài sản tài chính khác.

b. Giấy chứng nhận tín thác trang thiết bị (Equipment trust certificates) là các trái phiếu được bảo đảm bằng các loại thiết bị hoặc tài sản hữu hình.

c. Chứng khoán được bảo đảm bằng khoản vay thế chấp (Mortgage-backed securities – MBS) là các trái phiếu được bảo đảm bởi một nhóm các khoản vay thế chấp. Dòng tiền tạo ra bởi nhóm tài sản này sẽ được sử dụng để thanh toán cho các nhà đầu tư MBS.

d. Trái phiếu được bảo đảm (Covered bonds) là các trái phiếu được bảo đảm bởi một nhóm tài sản riêng biệt.

 

4. Giao ước trái phiếu (Bond covenants)

Giao ước trái phiếu là các quy định về các hoạt động mà bên phát hành bắt buộc phải thực hiện hoặc không được thực hiện.

4.1. Giao ước bắt buộc (Affimatives/positive covenants)

Giao ước bắt buộc là những yêu cầu nhà đầu tư đặt ra đối với bên phát hành. Các giao ước này thường mang tính quản trị đối với doanh nghiệp của nhà phát hành, do đó không làm phát sinh thêm chi phí và không hạn chế đáng kể khả năng đưa ra quyết định kinh doanh của tổ chức phát hành.

VD: Các điều khoản bắt buộc bao gồm những cam kết sau:

  • Thanh toán kịp thời cho nhà đầu tư

  • Tuân thủ tất cả các luật lệ và quy định

  • Duy trì công việc kinh doanh hiện tại của nhà phát hành

  • Bảo đảm và duy trì tài sản

  • Nộp thuế

4.2. Giao ước không được phép làm (Negative covenants)

Giao ước không được phép là những điều khoản mà bên phát hành không được phép làm. Các giao ước này thường tốn kém và hạn chế đáng kể các quyết định kinh doanh tiềm năng của tổ chức phát hành.

Giao ước không được phép làm đảm bảo rằng tổ chức phát hành sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào làm giảm đáng kể khả năng thanh toán lãi vay và thanh toán nợ gốc. Vì vậy các điều khoản này bảo vệ người nắm giữ trái phiếu khỏi việc giá trị tài sản thu hồi bị pha loãng (thông qua việc rút hoặc thay thế tài sản) và các khoản đầu tư dưới mức tối ưu của tổ chức phát hành.

a. Điều khoản hạn chế đối với phát hành thêm nợ (Restricitions on debt)

Điều khoản hạn chế phát hành thêm nợ quản lý hoạt động phát hành thêm nợ của tổ chức phát hành. Bên phát hành trái phiếu chỉ được phép phát hành thêm để vay khi điều kiện tài chính của bên phát hành được chứng minh là có khả năng chi trả khoản vay mới.

b. Điều khoản cấm thế chấp (Negative pledges)

Điều khoản cấm thế chấp ngăn việc phát hành bổ sung khoản nợ có mức độ ưu tiên thanh toán cao hơn các khoản nợ hiện hành.

c. Điều khoản hạn chế đối với việc sử dụng tài sản bảo đảm (Restrictions on prior claims)

Điều khoản này giúp bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu không tài sản bảo đảm bằng cách không cho phép tổ chức phát hành sử dụng tài sản chưa được thế chấp để mang đi thế chấp nhằm phát hành thêm nợ.

d. Điều khoản hạn chế đối với việc phân phối lợi nhuận cho cổ đông (Restrictions on distributions to shareholders)

Điều khoản này hạn chế việc chia cổ tức và các khoản thanh toán khác cho cổ đông, chẳng hạn như mua lại cổ phần.

e. Điều khoản hạn chế đối với việc thanh lý tài sản (Restrictions on asset disposals)

Điều khoản này đặt ra giới hạn về số tài sản có thể được thanh lý trong thời gian kỳ hạn của trái phiếu.

f. Điều khoản hạn chế về đầu tư (Restrictions on investments)

Điều khoản hạn chế các khoản đầu tư rủi ro bằng việc ngăn chặn các khoản đầu tư mang tính chất đầu cơ và đảm bảo tổ chức phát hành tập trung sử dụng vốn cho hoạt động kinh doanh của mình.

g. Điều khoản hạn chế về hoạt động mua lại và hợp nhất (Restricitons on mergers and acquisitions)

Điều khoản nhằm đảm bảo rằng nếu công ty phát hành bị bán, công ty mua lại sẽ chịu trách nhiệm về các khoản thanh toán nghĩa vụ trả nợ cho nhà đầu tư.