[Level 1] Economics

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 5: Introduction to geopolitics

Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về Module 5 môn ECON của chương trình CFA level I

[LOS 5.a] Mô tả địa chính trị từ quan điểm hợp tác và quan điểm đối đầu

1. Xu hướng hợp tác chính trị (Political Cooperation)

1.1. Đặc điểm của xu hướng hợp tác

Hợp tác (Cooperation) là quá trình các quốc gia hợp tác với nhau trên cơ sở cùng chung mục tiêu hoặc mục đích.

Hợp tác chính trị (Political cooperation) là mức độ mà các quốc gia hướng tới các thỏa thuận về các quy tắc và tiêu chuẩn hóa các hoạt động và tương tác lẫn nhau.

1.2. Mục đích của việc hợp tác

Các động cơ thúc đẩy hợp tác thường được xác định bởi lợi ích quốc gia của một quốc gia, là các mục tiêu và tham vọng về quân sự, kinh tế hoặc văn hóa.

An ninh quốc gia (National security) hoặc Lợi ích quân sự (Military interest)

An ninh quốc gia hoặc quốc phòng liên quan đến việc bảo vệ một quốc gia khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài (các cuộc tấn công quân sự, khủng bố, tội phạm, an ninh mạng, thiên tai). Việc định hình cách tiếp cận của một quốc gia với vấn đề an ninh chịu ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố địa lý.

Lợi ích kinh tế (Economic interest)

Các yếu tố kinh tế, bao gồm khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên như năng lượng, thực phẩm hoặc nước, có thể ảnh hưởng đến phương thức hợp tác của một quốc gia vì chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh quốc gia và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ở phương diện nội địa, một quốc gia hợp tác để gia tăng tài sản quốc gia và hạn chế bất bình đẳng thu nhập, góp phần vào sự bình ổn xã hội. Trên bình diện quốc tế, các quốc gia hợp tác để tăng khả năng hoạt động của các công ty quốc gia trên quy mô toàn cầu.

Để phục vụ lợi ích kinh tế, các quốc gia thường tập trung đảm bảo các nguồn lực và tài nguyên thiết yếu thông qua giao thương (trade), hoặc đảm bảo sự công bằng cho các công ty hoặc ngành của quốc gia đó thông qua tiêu chuẩn hóa (standardization).

1.3. Nguồn tài nguyên thiên nhiên (Geophysical resource endowment)

Tài nguyên địa vật lý bao gồm các yếu tố địa lý và khí hậu nói chung, cũng như các yếu tố cần thiết cho tăng trưởng bền vững như nguồn nước và nguồn thực phẩm. Sự bất bình đẳng về tài nguyên địa vật lý giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến điều khoản giao kết giữa các quốc gia.

Đối với các quốc gia giàu tài nguyên

Đối với các quốc gia thiếu hụt tài nguyên

Có nhiều tầm ảnh hưởng về chính trị hơn khi giao thương với nước khác.

Nội bộ chính trị bất ổn do các nhóm lợi ích gây ra.

Trong trường hợp quốc gia chỉ giàu một loại tài nguyên, quốc gia đó sẽ bị phụ thuộc vào nước ngoài về các nhu cầu cơ bản khác.

Phụ thuộc vào sự hợp tác với các quốc gia khác để đảm bảo các yếu tố đầu vào sản xuất và đổi mới để phát triển lâu dài.

1.4. Tiêu chuẩn hóa (Standardization)

Các chính phủ có nhiều động lực hơn để hợp tác với các nước khác trong việc tiêu chuẩn hóa các quy tắc hợp tác nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế và tài chính xuyên biên giới, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và mức sống cao hơn.

Tiêu chuẩn hóa là quá trình tạo ra các nguyên tắc cho việc sản xuất, bán, vận chuyển hoặc sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ. Tiêu chuẩn hóa xảy ra khi các bên liên quan đồng thuận tuân theo các nguyên tắc này.

1.5. Yếu tố văn hóa (Cultural consideration) và “Quyền lực mềm” (Soft Power)

Các lý do văn hóa có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác chính trị do các mối quan hệ trong quá khứ giữa các quốc gia như quan hệ chính trị lâu đời, dòng nhập cư, kinh nghiệm được chia sẻ hoặc sự tương đồng về văn hóa.

Quyền lực mềm (Soft power) là một phương tiện tác động đến các quyết định của quốc gia khác mà không cần vũ lực. Soft Power có thể được xây dựng theo thời gian thông qua các hành động như các chương trình văn hóa, quảng bá, tài trợ du lịch và trao đổi đại học.

1.6. Các yếu tố ảnh hưởng đến hợp tác chính trị

Vai trò của các định chế (institutions)

Một định chế là một tổ chức được thành lập hoặc hoạt động trong một xã hội hoặc nền văn hóa. Các định chế có thể, nhưng không nhất thiết phải được hình thành bởi chính phủ của một quốc gia.

Một định chế lớn mạnh sẽ góp phần:

  • Tạo ra các lực lượng chính trị bên trong và bên ngoài ổn định hơn, mang đến cho một quốc gia nhiều cơ hội hơn để phát triển các mối quan hệ hợp tác.

  • Thúc đẩy trách nhiệm của chính phủ, pháp quyền và quyền sở hữu tài sản - cho phép định chế đó hành động độc lập với nhiều thẩm quyền hơn hơn trên thị trường quốc tế.

  • Làm cho các mối quan hệ hợp tác bền chặt hơn.

Thứ bậc quyền lợi (Hierarchy of Interests) và Chi phí hợp tác (Cost of cooperation)

Lợi ích của một quốc gia có thể được coi là một hệ thống phân cấp các lợi ích (Hierarchy of Interests), với các nhu cầu lợi ích được sắp xếp từ dưới lên theo chiều tăng dần của mức độ thiết yếu. Các chính phủ sử dụng hệ thống phân cấp lợi ích để làm kim chỉ nam cho hành vi của họ: khi hai nhu cầu dẫn đến chiến thuật hợp tác trái ngược nhau, những nhu cầu cao hơn trong hệ thống phân cấp được ưu tiên.

Trong trường hợp hai quốc gia có mâu thuẫn về vấn đề nào đó, chi phí hợp tác (Cost of cooperation) giữa hai quốc gia này sẽ tăng lên và ảnh hưởng đến quyết định và phương thức hợp tác giữa hai bên.

Quyền lực của người ra quyết định

Thứ bậc về lợi ích quốc gia có thể là một vấn đề mang tính chất chủ quan. Các yếu tố được ưu tiên hàng đầu có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào chính phủ đương nhiệm. Mức độ quan trọng của từng yếu tố lợi ích từ đó sẽ quyết định chiều sâu và bản chất của hợp tác chính trị.

Độ dài của chu kỳ chính trị của một quốc gia có tác động quan trọng đến cách họ xác định thức bậc về lợi ích. Nếu chu kỳ ngắn hơn, chính phủ sẽ ưu tiên các dự án và mục tiêu ngắn hạn hơn các mục tiêu dài hạn, vì vậy sẽ khó chống lại các rủi ro dài hạn (biến đổi khí hậu, bất bình đẳng thu nhập). Động lực của những người ra quyết định có thể tác động đến các lựa chọn hợp tác và bất hợp tác của một quốc gia.

 

2. Bất hợp tác chính trị (Political Non-cooperation)

Bất hợp tác chính trị xảy ra khi các quốc gia coi quyền tự quyết về chính trị (political self-determination) quan trọng hơn lợi ích của bất kỳ hành động hợp tác nào. Tầm quan trọng của sự hợp tác đối với các tổ chức nhà nước nhất định có thể dẫn đến việc họ nỗ lực buộc các tổ chức nhà nước không hợp tác tham gia.

 

[LOS 5.b] Mô tả địa chính trị và mối quan hệ với toàn cầu hóa

1. Các đặc điểm của toàn cầu hóa (globalization)

Toàn cầu hóa (Globalization) là quá trình tương tác và hội nhập giữa con người, các doanh nghiệp và các chính phủ trên toàn thế giới. Toàn cầu hóa được thể hiện qua sự hợp tác kinh tế và tài chính, bao gồm hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ, dòng vốn, trao đổi tiền tệ, trao đổi văn hóa và thông tin.

Ngược lại, chống toàn cầu hóa (anti-globalization) hay chủ nghĩa dân tộc (nationalism) là việc thúc đẩy lợi ích kinh tế của chính một quốc gia để loại trừ hoặc làm phương hại đến lợi ích của các quốc gia khác. Chủ nghĩa dân tộc được thể hiện qua sự hạn chế trong hợp tác kinh tế và tài chính.

Toàn cầu hóa và hợp tác có xu hướng tương quan với nhau, cụ thể, hợp tác chính trị có thể tạo điều kiện hoặc thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa nhanh hơn, nhưng toàn cầu hóa cũng là một quá trình độc lập.

 

2. Mục đích của toàn cầu hóa

2.1. Tăng lợi nhuận

Tăng doanh thu

Giảm chi phí

Tiếp cận được khách hàng mới, nhưng đồng thời cũng yêu cầu việc đầu tư mạnh về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tại các thị trường mới. Điều này cũng mang lại lợi ích cho các quốc gia tham gia vào quá trình này.

Toàn cầu hóa cho phép doanh nghiệp được hoạt động trong các môi trường thuế thấp hơn, chi phí nhân công thấp, chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, v.v.

2.2. Tiếp cận tài nguyên và thị trường

Toàn cầu hóa cho phép doanh nghiệp tiếp cận với các tài nguyên khan hiếm tại các quốc gia khác, tiếp cận với thị trường mới hoặc các cơ hội đầu tư tại nước ngoài.

Đối với việc đầu tư, có hai phương thức quan trọng: Đầu tư thông qua các danh mục tài sản (Portfolio investment flows) là các khoản đầu tư ngắn hạn vào các tài sản nước ngoài, chẳng hạn như cổ phiếu hoặc trái phiếu. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign direct investment - FDI) là các khoản đầu tư dài hạn làm tăng năng lực sản xuất của một quốc gia nước ngoài.

2.3. Lợi ích nội tại (Intrinsic gain)

Khi một chủ thể thực hiện hành động nào đó, lợi ích nhận được bên cạnh những lợi ích về lợi nhuận ban đầu gọi là lợi ích nội tại (intrinsic gain). Lợi ích nội tại tuy rất khó để đo lường nhưng lại góp phần tạo nên động lực toàn cầu hóa. Nó cũng có thể là yếu tố giữ ổn định, tăng sự đồng cảm giữa các bên và giảm khả năng xảy ra mối đe dọa địa chính trị.

2.4. Các yếu tố khác

Toàn cầu hóa có thể làm tăng khả năng lựa chọn của khách hàng, cũng như tính cạnh tranh giữa các hãng; tạo động lực để các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa chất lượng tốt hơn, nâng cao năng suất lao động và điều hướng dịch chuyển lao động hiệu quả hơn.

 

3. Chi phí trong toàn cầu hóa (Cost of globalization) và Nguy cơ ngừng hợp tác (Threats of rollback)

3.1. Lợi ích kinh tế và tài chính không đồng đều (Unequal economic and financial gains)

Một số bên được hưởng lợi từ việc toàn cầu hóa trong khi những bên khác có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Ví dụ: Nếu một công ty chuyển nhà máy sang một quốc gia khác, nó sẽ tạo ra việc làm ở quốc gia mới nhưng lại giảm cơ hội việc làm ở trong nước, trong khi các công ty ở quốc gia mới có thể phải cạnh tranh với công ty nước ngoài về nguồn lao động.

3.2. Các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị bị giảm sút (Lower environmental, social, and governance standards)

Khi hoạt động tại các quốc gia có chi phí thấp hơn, doanh nghiệp sẽ tuân theo các tiêu chuẩn thấp của quốc gia đó, từ đó hạ thấp tiêu chuẩn của dây chuyền sản phẩm. Điều này có thể tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp nhưng lại có tác động tiêu cực đến con người, quản trị và tài nguyên môi trường.

3.3. Các hệ quả về chính trị (Political consequences)

Trong khi một số quốc gia hưởng lợi từ việc toàn cầu hóa, cụ thể như việc cải thiện nguồn lao động, người dân ở các quốc gia khác phải chịu cảnh mất việc làm. Từ đó ta có thể thấy toàn cầu hóa đóng góp vào sự bất đồng đều về thu nhập và của cải, cũng như cơ hội phát triển giữa các quốc gia. Đây là nguyên nhân khiến một số chính trị gia gây sức ép lên việc giới hạn sự hợp tác chính trị và kinh tế, hay nghiêm trọng hơn là ngừng hẳn quá trình hợp tác chính trị.

3.4. Sự phụ thuộc lẫn nhau (Interdependence)

Khi toàn cầu hóa xảy ra và các quốc gia tăng cường hợp tác với nhau về kinh tế và chính trị, các doanh nghiệp thường phụ thuộc vào tài nguyên từ nước ngoài để phục vụ cho chuỗi cung ứng của họ. Trong trường hợp chuỗi cung ứng bị đứt gãy, quá trình sản xuất ở các doanh nghiệp đó cũng sẽ bị ngắt quãng.

 

[LOS 5.d] Các hình thức quan hệ quốc tế và sự rủi ro

Các nhà phân tích đầu tư có thể đánh giá các tác nhân địa chính trị và khả năng đe dọa đến kết quả đầu tư dựa trên các mô hình sau: hợp tác chính trị (political cooperation) so với bất hợp tác (political non-cooperation) và toàn cầu hóa (globalization) so với chủ nghĩa dân tộc (nationalism).

Dựa vào đây, có thể chia ra 4 loại hành vi quốc gia: tự cung tự cấp (1), bá quyền (2), chủ nghĩa đa phương (3) và chủ nghĩa song phương (4) và mỗi kiểu đều có chi phí, lợi ích và sự đánh đổi riêng đối với rủi ro địa chính trị.

 

1. Mô hình tự cung tự cấp (Autarky)

Định nghĩa: là các quốc gia lựa chọn xây dựng sự tự cường và độc lập về chính trị trong khi giảm thiểu hoặc hoàn toàn loại bỏ việc giao dịch thương mại và tài chính với nước ngoài.

Đặc điểm:

  • Doanh nghiệp nhà nước kiểm soát các ngành chiến lược trong nước.

  • Mạnh mẽ hơn về mặt chính trị, bao gồm khả năng kiểm soát hoàn toàn hoạt động cung ứng về công nghệ, hàng hóa và dịch vụ, phương tiện truyền thông và thông điệp chính trị.

  • Đem lại cho một quốc gia sự phát triển kinh tế và chính trị nhanh hơn, giảm đói nghèo (ví dụ: Trung Quốc vào thế kỷ 20), nhưng ngược lại cũng có thể gây ra hậu quả là suy yếu về kinh tế và chính trị (ví dụ: Hàn Quốc và Venezuela).

 

2. Bá quyền (Hegemony)

Định nghĩa: mô tả các quốc gia có xu hướng trở thành những nước đứng đầu khu vực hoặc thậm chí là toàn cầu và sử dụng sức ảnh hưởng về chính trị hoặc kinh tế của họ đối với những quốc gia khác để kiểm soát các nguồn lực.

Ví dụ: Trung Quốc, Nga, …

Đặc điểm:

Lợi ích

Chi phí

Đối với bản thân đất nước: tạo ảnh hưởng quan trọng đến các vấn đề toàn cầu nhờ vị thế lấn át so với các quốc gia còn lại.

Trên toàn cầu: các quốc gia phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn của bá quyền có thể nhận được ưu ái của nước đứng đầu.

Rủi ro chính trị có thể xảy ra khi những quốc gia bá quyền tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau.

 

3. Chủ nghĩa đa phương (Multilateralism)

Định nghĩa: mô tả các quốc gia tham gia vào các mối quan hệ thương mại cùng có lợi và thống nhất về các quy tắc giữa các bên.

Ví dụ: Singapore.

Đặc điểm: Các công ty tư nhân hoàn toàn tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều đối tác thương mại.

Lợi ích

Chi phí

Tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn do hợp tác toàn cầu nhiều hơn.

Dễ bị rủi ro địa chính trị hơn những nước ít phụ thuộc hơn vào hợp tác và thương mại.

 

4. Chủ nghĩa song phương (Bilateralism)

Định nghĩa: đề cập đến việc tiến hành hợp tác chính trị, kinh tế, tài chính hoặc văn hóa giữa hai quốc gia.

Đặc điểm:

  • Các quốc gia có thể có quan hệ với nhiều quốc gia khác nhau, nhưng đó là những thỏa thuận thực hiện một lần và không có nhiều đối tác cùng một lúc.

  • Nằm giữa chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa đa phương là chủ nghĩa khu vực (regionalism), trong đó một nhóm các quốc gia hợp tác với nhau.

  • Cả chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa khu vực đều có thể được tiến hành với sự loại trừ của các nhóm khác.

  • Tương đối ít quốc gia hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ song phương do sự tăng trưởng tự thân của toàn cầu hóa và đổi mới (internet, chuyển giao kỹ thuật số).

 

[LOS 5.e] Mô tả công cụ địa chính trị và tác động của chúng lên các khu vực và nền kinh tế

1. Công cụ an ninh quốc gia (National security tools)

Các công cụ an ninh quốc gia (National security tools) là những công cụ được sử dụng để tác động hoặc ép buộc một chủ thể nhà nước thông qua tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tài nguyên, con người hoặc biên giới của quốc gia đó.

Công cụ an ninh quốc gia có thể mang tính chất:

  • Đang hiệu lực (Active): đang được sử dụng tại thời điểm phân tích

  • Đe dọa (Threatened): hiện đang không được sử dụng nhưng vẫn gây nên mối quan ngại đối với quốc gia có thể bị áp dụng

Ví dụ: Xung đột vũ trang trong Khủng hoảng người tị nạn Syria (2011) là công cụ an ninh quốc gia trực tiếp và đang hiệu lực; Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là công cụ an ninh quốc gia hợp tác, giảm xung đột tiềm tàng giữa các thành viên và giữa các thành viên với các quốc gia bên ngoài.

 

2. Công cụ kinh tế (Economic tools)

Công cụ kinh tế (Economic tools) là các hành động nhằm mục tiêu củng cố lập trường hợp tác hoặc không hợp tác thông qua các phương tiện kinh tế.

Các công cụ kinh tế mang tính thúc đẩy hợp tác có thể bao gồm các hiệp định thương mại đa phương (ví dụ: MERCOSUR), đồng nhất các quy tắc thuế quan (ví dụ: WTO), các thị trường chung (ví dụ: Liên minh Châu Âu), hoặc một đồng tiền chung (ví dụ: đồng euro).

Ngược lại với các công cụ mang tính hợp tác, quốc hữu hóa (nationalization) là quá trình chuyển một hoạt động hoặc ngành từ tư nhân sang kiểm soát của nhà nước, là một cách tiếp cận bất hợp tác để khẳng định quyền kiểm soát kinh tế của quốc gia đó (ví dụ: ngành năng lượng).

 

3. Công cụ tài chính (Financial tools)

Công cụ tài chính (Financial tools) là các hành động được sử dụng để củng cố lập trường hợp tác hoặc không hợp tác thông qua cơ chế tài chính.

Các công cụ hợp tác bao gồm trao đổi tiền tệ tự do xuyên biên giới, trợ cấp đầu tư nước ngoài, v.v. Việc này có thể giảm rủi ro địa chính trị nếu có thể khuyến khích các nước hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế hoặc tài chính. Nhưng ngược lại, các công cụ này cũng có thể tạo ra lỗ hổng trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Các công cụ bất hợp tác bao gồm việc hạn chế tiếp cận thị trường nội tệ và hạn chế đầu tư nước ngoài.

 

4. Phương pháp tiếp cận đa công cụ (Multi-tool approaches)

Các hệ thống hợp tác chính trị, kinh tế và tài chính có thể thường xuyên gắn bó với nhau. Khi các bên kết hợp nhiều công cụ cộng tác hơn, họ ít có khả năng gây ra xung đột hoặc sử dụng một công cụ bất hợp tác để chống lại các bên liên quan.

 

5. Rủi ro địa chính trị (geopolitical risk) và lợi thế tương đối (comparative advantage)

Rủi ro địa chính trị và các công cụ của địa chính trị có thể làm nghiêng lợi thế so sánh theo hướng này hay hướng khác và tạo ra cả rủi ro và cơ hội cho các nhà đầu tư.

  • Các quốc gia hoặc khu vực có ít rủi ro địa chính trị có thể thu hút nhiều lao động và nguồn vốn hơn.

  • Một mối đe dọa xung đột có thể khiến giá tài sản biến động thường xuyên hơn, khiến các nhà đầu tư yêu cầu mức phần bù rủi ro cao hơn.

 

[LOS 5.f] Mô tả rủi ro của địa chính trị và tác động của chúng đến việc đầu tư

1. Các loại rủi ro địa chính trị

1.1. Rủi ro sự kiện (Event risk)

Rủi ro sự kiện là một sự kiện được biết trước, nhưng khi nó thực sự xảy ra lại dẫn đến tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính. Các sự kiện chính trị thường dẫn đến những thay đổi trong kỳ vọng của nhà đầu tư đến lập trường hợp tác của một quốc gia. Do đó, các nhà phân tích rủi ro thường sử dụng lịch chính trị làm nơi bắt đầu để đánh giá rủi ro sự kiện.

1.2. Rủi ro ngoại sinh (Exogenous risk)

Rủi ro ngoại sinh là những rủi ro xảy ra đột ngột hoặc không lường trước được tác động đến lập trường hợp tác của một quốc gia, khả năng toàn cầu hóa của các tổ chức phi nhà nước hoặc cả hai yếu tố trên.

1.3. Rủi ro thematic

Rủi ro thematic là những rủi ro đã xảy ra và ngày càng lan rộng theo thời gian, gây tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư. Rủi ro thematic có thể bao gồm biến đổi khí hậu, mối đe dọa khủng bố đang diễn ra, v.v.

 

2. Đánh giá rủi ro địa chính trị

Khi đánh giá rủi ro địa chính trị để quản lý danh mục đầu tư, nhà đầu tư nên xem xét đồng thời cả ba yếu tố rủi ro địa chính trị - khả năng xảy ra, tốc độ, quy mô và bản chất của tác động.

2.1. Khả năng xảy ra (Likelihood)

Để đánh giá rủi ro địa chính trị, đầu tiên ta phải đánh giá xác suất xảy ra của nguy cơ đó. Việc đo lường khả năng xảy ra không hề dễ dàng vì tính không chắc chắn của sự kiện, bao gồm khoảng thời gian hình thành rủi ro, các động lực và xung đột giữa các tác nhân tham gia.

Đặc điểm:

  • Các quốc gia có mức độ hợp tác và toàn cầu hóa cao sẽ ít có khả năng gặp rủi ro địa chính trị, vì các nước có hành vi vi phạm hiệp định hợp tác có thể phải chịu những bất lợi lớn hơn.

  • Sự ổn định chính trị nội bộ, nhu cầu kinh tế và động cơ của các tác nhân chính phủ cũng phải được xem xét kỹ lưỡng khi đánh giá khả năng xảy ra rủi ro địa chính trị.

2.2. Tốc độ (Velocity)

Tốc độ của rủi ro địa chính trị là tốc độ mà nó tác động đến danh mục nhà đầu tư.

Đặc điểm:

  • Rủi ro xảy ra với tốc độ cao (high-velocity risks) có thể ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp hoặc thậm chí toàn bộ thị trường, nhưng tác động này không kéo dài.

  • Rủi ro xảy ra với tốc độ trung bình (medium-velocity risks) tác động đến một số lĩnh vực (hoặc công ty) nhiều hơn những lĩnh vực khác. Những rủi ro đó bắt đầu làm suy yếu quy trình, chi phí và cơ hội đầu tư của công ty, dẫn đến việc định giá thấp hơn.

  • Rủi ro xảy ra với vận tốc thấp (low-velocity risks) không ảnh hưởng ngay lập tức đến các khoản đầu tư hoặc danh mục đầu tư, tuy nhiên, rủi ro này có những tác động mang tính dài hạn, điều này làm ảnh hưởng tới việc lựa chọn tài sản đầu tư và phong cách đầu tư.

2.3. Ảnh hưởng (Impact)

Ảnh hưởng từ rủi ro là ước tính về tổn thất tiềm ẩn liên quan đến một rủi ro đã xác định trước.

Ảnh hưởng từ rủi ro có thể được đánh giá theo các khía cạnh sau:

  • Ảnh hưởng nhiều hoặc ảnh hưởng ít: mức độ ảnh hưởng nhiều có nghĩa là tổn thất dự kiến nhiều hơn, dẫn đến độ rủi ro cao hơn.

  • Phạm vi tác động nhỏ (discrete impact) hoặc phạm vi tác động lớn (broad impact): Phạm vi tác động nhỏ là những rủi ro chỉ tác động đến một công ty hoặc lĩnh vực tại một thời điểm. Phạm vi tác động lớn là những rủi ro tác động toàn diện đến một lĩnh vực, một quốc gia hoặc nền kinh tế toàn cầu.

2.4. Scenario analysis

Scenario analysis là quá trình đánh giá kết quả của danh mục đầu tư qua các kịch bản rủi ro - với xác suất, tốc độ xảy ra và tác động khác nhau.

Các kịch bản giúp các nhóm đầu tư hiểu được vị thế của họ đối với rủi ro và từ đó có thể khiến họ thay đổi hành vi của mình. Scenario analysis có thể củng cố những nhận định và phán đoán của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định để nắm bắt thời cơ. Các kịch bản có thể ở dạng định tính, định lượng hoặc cả hai.

 

3. Theo dõi rủi ro theo dấu hiệu chỉ dẫn (signpost)

Theo dõi các rủi ro cần được ưu tiên và lập kế hoạch giải quyết các rủi ro đó khi chúng xảy ra có thể giúp giảm tác động của các sự kiện lên kết quả đầu tư. Dấu hiệu chỉ dẫn là một công cụ hiệu quả để theo dõi rủi ro.

Dấu hiệu (signpost) là một chỉ báo, một con số, một phần dữ liệu hoặc sự kiện báo hiệu một rủi ro đang tăng hoặc giảm khả năng xảy ra.

 

4. Biểu hiện của rủi ro địa chính trị (Manifestations of Geopolitical risk)

Nếu rủi ro địa chính trị có nhiều hình thức, thì tác động của nó đối với danh mục đầu tư của nhà đầu tư cũng xảy ra trên nhiều khía cạnh. Rủi ro xảy ra với tốc độ cao thể hiện rõ nhất qua sự biến động ngay lập tức của thị trường và cụ thể là giá tài sản. Trong khi đó, rủi ro xảy ra với tốc độ thấp có thể được thể hiện qua các tác động mang tính dài hạn như doanh thu thấp, chi phí sản xuất cao, định giá tài sản thấp hơn.

Đối với các quốc gia, khu vực địa lý hoặc lĩnh vực có rủi ro địa chính trị cao, nhà đầu tư thường yêu cầu phần bù rủi ro cao hơn, từ đó làm tăng tỷ lệ lợi nhuận yêu cầu và đồng thời giảm giá trị tài sản.

 

5. Hành động đối với rủi ro địa chính trị

Các rủi ro địa chính trị ảnh hưởng tới điều kiện và đặc điểm của thị trường, từ đó ảnh hưởng tới chiến lược và quyết định phân bổ tài sản của nhà đầu tư, cũng như ảnh hưởng đến sự phù hợp của chiến lược hoặc tài sản đầu tư đối với mục tiêu, khả năng chấp nhận rủi ro và thời hạn đầu tư của nhà đầu tư.

Vì vậy có thể nói rủi ro địa chính trị có tác động đến kết quả đầu tư, các nhà đầu tư nên xem xét rủi ro địa chính trị để có những hành động phù hợp và kịp thời.