[Level 1] Financial Statement Analysis

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 1: Introduction to financial statement analysis

Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về Module 1 môn FSA của chương trình CFA level I

[LOS 1.a] Tìm hiểu về vai trò của báo cáo tài chính và phân tích báo cáo tài chính

1. Vai trò của báo cáo tài chính

Vai trò của báo cáo tài chính là cung cấp thông tin hữu ích về hoạt động của công ty, tình hình tài chính và những thay đổi trong tình hình tài chính cho các đối tượng sử dụng thông tin như nhà đầu tư, nhà cung cấp, người cho vay và các bên liên quan khác nhằm đưa ra các quyết định đầu tư.

2. Vai trò của phân tích báo cáo tài chính

Vai trò của phân tích báo cáo tài chính là sử dụng các báo cáo tài chính do công ty cung cấp, kết hợp với các thông tin khác, để đánh giá hiệu quả hoạt động trong quá khứ, hiện tại và tiềm năng phát triển của công ty trong tương lai nhằm mục đích đưa ra các quyết định đầu tư và các quyết định kinh tế khác.

Các nhà quản lý trong công ty thực hiện phân tích báo cáo tài chính để đưa ra các quyết định điều hành, đầu tư và huy động nguồn vốn tài trợ cho doanh nghiệp. 

 

[LOS 1.b] Tìm hiểu về vai trò của báo cáo tài chính trong việc đánh giá tình hình tài chính và năng lực tài chính của công ty
Có 4 loại báo cáo tài chính sau đây:

1. Bảng cân đối kế toán

Định nghĩa: Là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tất cả tài sản và nợ của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định (thời điểm lập báo cáo).

Các thành phần chính:

  • Tài sản: Các nguồn lực mà doanh nghiệp đang kiểm soát và có tiềm năng tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai.

  • Nợ phải trả: Các nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp, phát sinh từ các giao dịch trong quá khứ, doanh nghiệp phải thanh toán bằng các nguồn lực của mình.

  • Vốn chủ sở hữu: Phần còn lại trong tài sản của doanh nghiệp sau khi trừ đi tất cả các khoản nợ phải trả.

Phương trình kế toán: Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

 

2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Định nghĩa: Là báo cáo về tình hình doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ kinh doanh.

Các thành phần chính:

  • Doanh thu (Revenues): Khoản thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ, hoặc từ các hoạt động khác liên quan đến hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Doanh thu được tính bằng cách lấy giá bán nhân với lượng hàng bán ra.

  • Giá vốn hàng bán (Cost of goods sold): Chi phí trực tiếp phát sinh từ việc sản xuất và cung cấp hàng hóa của công ty, bao gồm chi phí các vật liệu được sử dụng để tạo ra hàng hóa cùng với chi phí lao động trực tiếp được sử dụng để sản xuất hàng hóa. Giá vốn hàng bán không bao gồm các chi phí gián tiếp, chẳng hạn như chi phí phân phối và chi phí lực lượng bán hàng.

  • Lợi nhuận gộp (Gross profit): Phần lợi nhuận thu được sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến việc sản xuất và bán sản phẩm, hoặc các chi phí liên quan đến việc cung cấp dịch vụ của công ty.

  • Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (Selling, general and administrative expenses – SG&A): Bao gồm tiền lương của nhân viên, chi phí của hoạt động quảng cáo, phí hoa hồng... Ngoài ra, chi phí thuê, tiện ích và vật tư nào không phải là một phần của sản xuất thì sẽ được bao gồm trong chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

  • Lợi nhuận ròng (Net income): Số tiền còn lại sau khi trừ đi tất cả các chi phí hoạt động, lãi vay và thuế vào tổng doanh thu của một công ty.

Phương trình kế toán: Doanh thu – Chi phí = Lợi nhuận ròng

 

3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Định nghĩa: Là báo cáo tổng hợp các nguồn tiền ra, nguồn tiền vào của doanh nghiệp. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp các thông tin về dòng tiền và các khoản tương đương tiền, từ đó phản ánh tình hình thanh khoản và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Các thành phần chính:

  • Dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh (Operating cash flows): Các dòng tiền liên quan đến những hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp.

  • Dòng tiền từ hoạt động đầu tư (Investing cash flows): Các dòng tiền do mua hoặc bán tài sản, nhà máy thiết bị; mua hoặc bán một công ty con, chứng khoán; và đầu tư vào các công ty khác.

  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính (Financing cash flows): Các dòng tiền liên quan đến huy động vốn nợ và vốn chủ sở hữu, bao gồm cả những khoản cổ tức trả cho cổ đông.

Phương trình kế toán: 

Tổng dòng tiền thuần

= Dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh

+ Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư

+ Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính

 

4. Báo cáo tình hình thay đổi vốn chủ sở hữu

Định nghĩa: Báo cáo sự biến động và tình hình hiện có về vốn chủ sở hữu của đơn vị trong một kỳ. Sự biến động của vốn chủ sở hữu trong kỳ kế toán bao gồm sự tăng/giảm của lợi nhuận giữ lại, phần vốn cổ phần dự trữ, nguồn vốn công ty, …

Phương trình kế toán:

Vốn chủ sở hữu đầu kỳ + Sự biến động của VCSH (tăng/giảm) = Vốn chủ sở hữu cuối kỳ

 

[LOS 1.c] Tìm hiểu về tầm quan trọng của thuyết minh báo cáo tài chính, các thông tin bổ sung và thảo luận của ban lãnh đạo

1. Hồ sơ pháp lý

Cơ quan quản lý yêu cầu các tổ chức phát hành giao dịch đại chúng phải lập báo cáo tài chính theo các chuẩn mực kế toán cụ thể cũng như theo các luật và quy định chứng khoán khác.

Các cơ quan quản lý

a. IOSCO

Tổ chức Quốc tế của các Uỷ ban Chứng khoán (International Organization of Securities Commissions (IOSCO)) được công nhận là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho lĩnh vực chứng khoán.

Mục tiêu cốt lõi:

  • Bảo vệ nhà đầu tư

  • Đảm bảo thị trường công bằng, hiệu quả và minh bạch

  • Giảm rủi ro hệ thống

b. US SEC

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (US Securities and Exchange Commission (US SEC)) chịu trách nhiệm chính về quản lý thị trường chứng khoán và thị trường vốn tại Hoa Kỳ và là thành viên chính thức của IOSCO.

Bất kỳ công ty nào phát hành chứng khoán tại Hoa Kỳ (ví dụ: trên Sở giao dịch chứng khoán New York hoặc NASDAQ), hoặc tham gia vào thị trường vốn Hoa Kỳ, đều phải tuân theo các quy tắc và quy định của SEC.

 

2. Thuyết minh báo cáo tài chính (Financial statements notes)

Định nghĩa: Thuyết minh báo cáo tài chính cung cấp các thông tin căn bản của báo cáo tài chính, đồng thời bổ sung các thông tin tài chính và phi tài chính cần thiết cho việc đọc, hiểu BCTC. 

Thông tin trên thuyết minh báo cáo tài chính bao gồm: niên độ kế toán; các chính sách, phương pháp và ước tính kế toán được sử dụng để lập báo cáo tài chính; các thông tin mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và các hoạt động pháp lý khác.

 

3. Thảo luận của ban lãnh đạo (Management’s commentary)

Bản thảo luận của ban lãnh đạo nêu bật các xu hướng và sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến tính thanh khoản, nguồn vốn và hoạt động của công ty. Thông thường, các thông tin được đề cập trong bản thảo luận của BLĐ bao gồm:

  • Các mục tiêu và triển vọng trong tương lai có xem xét đến các yếu tố lạm phát hay sự kiện quan trọng.

  • Các chính sách kế toán trọng yếu đòi hỏi BLĐ phải đưa ra các phán xét chủ quan và có ảnh hưởng trọng yếu tới BCTC. 

Lưu ý rằng mặc dù bản thảo luận của BLĐ chứa các thông tin quan trọng nhưng phần này không được kiểm toán.

 

Báo cáo lĩnh vực kinh doanh và khu vực địa lý

Bộ phận kinh doanh

  • Tham gia vào các hoạt động có thể tạo ra doanh thu và tạo ra chi phí, bao gồm cả phân khúc khởi nghiệp chưa tạo ra doanh thu

  • Kết quả được xem xét thường xuyên bởi các quản lý cấp cao của công ty

  • Có sẵn thông tin tài chính riêng biệt

Các công ty được yêu cầu cung cấp một số thông tin tách biệt theo cả IFRS và US GAAP trong thuyết minh báo cáo tài chính.

 

4. Mục đích của kiểm toán báo cáo tài chính, các loại báo cáo kiểm toán và tầm quan trọng của hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả

4.1. Báo cáo kiểm toán (Audit reports): 

Định nghĩa: Báo cáo kiểm toán chứa ý kiến của kiểm toán viên về việc liệu báo cáo tài chính của công ty có tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực kế toán hay không. 

Có 4 loại báo cáo kiểm toán bao gồm:

  • Báo cáo kiểm toán chấp nhận toàn phần (Unqualified audit report): Báo cáo được lập khi kiểm toán viên kết luận rằng BCTC đã được lập dựa trên khuôn khổ lập và trình bày theo các chuẩn mực được áp dụng, không tồn tại sai sót và gian lận trọng yếu.

  • Báo cáo kiểm toán ngoại trừ (Qualified audit report): Báo cáo được lập khi kiểm toán viên kết luận rằng các sai sót có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với BCTC dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được. Trong trường hợp không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với BCTC.

  • Báo cáo kiểm toán trái ngược (Adverse audit report): Báo cáo được lập khi dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với BCTC.

  • Báo cáo từ chối đưa ra ý kiến (Disclaimer audit report): Báo cáo được lập khi kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán bởi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán và kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu và lan tỏa đối với BCTC.

4.2. Hệ thống kiểm soát nội bộ và tầm quan trọng (Internal control system)

a. Định nghĩa và vai trò:

Hệ thống kiểm soát nội bộ là hệ thống nội bộ của công ty được thiết lập kết hợp cùng các phòng ban khác nhằm mục đích đảm bảo quy trình lập báo cáo tài chính của công ty là hợp lý (tốt).

b. Yêu cầu về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với các công ty ở Mỹ hiện tại:

  • Công ty phải cung cấp báo cáo về kiểm soát nội bộ.

  • Chịu trách nhiệm rõ ràng về tính hiệu quả của kiểm soát nội bộ. 

  • Đánh giá hiệu quả của kiểm soát nội bộ bằng cách sử dụng các tiêu chí kiểm soát phù hợp.

 

[LOS 1.e] Các nguồn thông tin nhà phân tích sử dụng trong việc phân tích BCTC bên cạnh BCTC năm và các thông tin bổ sung

1. Báo cáo giữa kỳ (Interim report)

  • Báo cáo giữa kỳ được công ty cung cấp định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng.

  • Báo cáo giữa kỳ không được kiểm toán.

 

2. Bản tuyên bố ủy quyền (Proxy statements)

Bản tuyên bố ủy quyền là một tài liệu chứa thông tin mà SEC yêu cầu các công ty cung cấp cho các cổ đông để họ có thể đưa ra quyết định về các vấn đề sẽ được đưa ra tại cuộc họp cổ đông thường niên hoặc bất thường.

Thông thường, bản tuyên bố ủy quyền trình bày các thông tin sau:

  • Thành viên hội đồng quản trị và quản lý 

  • Lương thưởng của ban giám đốc

  • Các cổ đông lớn

  • Quyền chọn mua cổ phiếu

  • Các xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa ban lãnh đạo, hội đồng quản trị và cổ đông

 

3. Các nguồn thông tin khác 

Bao gồm: tình hình nền kinh tế vĩ mô, vi mô; thông tin về ngành và các công ty đối thủ cạnh tranh,… 

Nguồn từ tổ chức phát hành:

  • Hội nghị công bố kết quả kinh doanh trực tuyến là các bài thuyết trình trên web hoặc hội thảo và các phiên hỏi đáp do ban quản lý của tổ chức phát hành tổ chức để thảo luận về kết quả tài chính.

  • Các bài thuyết trình và sự kiện đặc biệt có định dạng tương tự như hội nghị công bố kết quả kinh doanh trực tuyến

  • Thông cáo báo chí tập trung vào các sự kiện lớn có liên quan đến công ty

  • Giao tiếp với ban quản lý, quan hệ nhà đầu tư và nhân viên công ty

Các nhà phân tích cần lưu ý rằng những nguồn thông tin bổ sung do các tổ chức phát hành cung cấp này có thể chưa được kiểm toán.

Các nguồn công khai của bên thứ ba:

  • Báo cáo ngành, whitepapers và tạp chí thương mại miễn phí

  • Thống kê kinh tế và ngành do cơ quan chính phủ sản xuất

  • Các phương tiện truyền thông cụ thể và tổng hợp theo ngành

  • Phương tiện truyền thông xã hội

Nguồn độc quyền của bên thứ ba:

  • Báo cáo phân tích

  • Báo cáo từ các nền tảng dữ liệu như Bloomberg, Wind và FactSet

  • Báo cáo từ các cơ quan, tổ chức tư vấn chuyên ngành

Nghiên cứu sơ cấp độc quyền:

  • Nghiên cứu do nhà phân tích ủy quyền

  • Trải nghiệm thực tế về sản phẩm, dịch vụ của công ty

  • Dữ liệu và lời khuyên của các chuyên gia kỹ thuật được nhà phân tích tuyển dụng

Nhà phân tích cũng nên xem xét thông tin thích hợp về điều kiện kinh tế và ngành của công ty, đồng thời so sánh công ty với các đối thủ cạnh tranh. Thông tin cần thiết có thể được lấy từ các tạp chí thương mại, dịch vụ báo cáo thống kê và các cơ quan chính phủ.

 

[LOS 1.d] Mô tả ý nghĩa của việc phân tích các hệ thống báo cáo tài chính thay thế và tầm quan trọng của việc giám sát sự phát triển trong các chuẩn mực báo cáo tài chính

Sự khác biệt chính giữa IFRS và US GAAP

Đặc điểm

US GAAP

IFRS

Tổ chức phát triển

Financial Accounting Standards Board (FASB)

International Accounting Standards Board (IASB)

Cơ sở

Luật lệ

Nguyên tắc

Lãi vay phải trả

CFO

CFF hoặc CFO

Định giá hàng tồn kho 

FIFO, LIFO và Phương pháp bình quân gia quyền

FIFO  và Phương pháp bình quân gia quyền

Chi phí phát triển

Được coi là một khoản chi phí

Vốn hóa, chỉ khi một số điều kiện nhất định được thỏa mãn

Ghi nhận tăng lại giá trị hàng tồn kho

Không cho phép ghi nhận tăng lại

Được phép ghi nhận nếu thỏa mãn các điều kiện quy định

Trên thị trường vốn toàn cầu vẫn còn những khác biệt trong báo cáo tài chính, điều quan trọng nhất là sự khác biệt tồn tại giữa IFRS và US GAAP

Ý nghĩa của việc so sánh hiệu suất và định giá

Vì các công bố về sự đối chiếu giữa IFRS và US GAAP không được yêu cầu nên khi so sánh hai công ty sử dụng các chuẩn mực báo cáo khác nhau, nhà phân tích phải nhận thức được các chuẩn mực kế toán chưa hội tụ.

→ Nhà phân tích phải thận trọng trong việc giải thích các thước đo tài chính so sánh được đưa ra dưới các chuẩn mực kế toán khác nhau và giám sát những thay đổi đáng kể trong các chuẩn mực báo cáo tài chính.

Giám sát sự phát triển trong các chuẩn mực báo cáo tài chính

Từ góc độ người dùng → biết những diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến báo cáo tài chính như thế nào

Sản phẩm hoặc loại giao dịch mới

  • Thường phát sinh từ: các sự kiện kinh tế, chẳng hạn như các hoạt động kinh doanh mới (ví dụ: fintech).

  • Một công cụ tài chính hoặc cấu trúc tài chính mới được phát triển (ví dụ: tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số khác).

  • Mục đích (ví dụ: các công cụ tài chính được sử dụng để “làm đẹp báo cáo tài chính” thay vì giảm thiểu rủi ro tiềm tàng).

Các tiêu chuẩn đang phát triển và vai trò của Viện CFA

Những thay đổi trong quy định có thể ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của công ty và do đó ảnh hưởng đến việc định giá.

Khi một tiêu chuẩn mới được đề xuất, một bản dự thảo rủi ro sẽ được cung cấp và người sử dụng báo cáo tài chính (ví dụ: Viện CFA) có thể soạn thảo các thư nhận xét và các văn bản nêu quan điểm để trình lên IASB và FASB để đánh giá đề xuất.