[Level 1] Derivatives

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 1: Derivative instrument and derivative market features

Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về Module 1 môn DER của chương trình CFA level I

I. Định nghĩa phái sinh và mô tả các đặc điểm cơ bản của công cụ phái sinh

1. Định nghĩa chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh (derivative) là một công cụ tài chính mà giá trị của nó bắt nguồn (derive) từ giá trị hoặc lợi suất của một loại tài sản hoặc chứng khoán khác, gọi là tài sản cơ sở (underlying asset).

Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là:

  • Tài sản. Ví dụ: Cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, hàng hóa, v.v.

  • Chỉ số. Ví dụ: Chỉ số S&P 500

  • Tài sản khác. Ví dụ: Lãi suất

 

2. Các đặc điểm cơ bản của công cụ phái sinh

Trên thị trường phái sinh có hai vị thế bao gồm vị thế mua công cụ phái sinh (long position) và vị thế bán công cụ phái sinh (short position). Các công cụ phái sinh được trình bày theo hình thức hợp đồng, trong đó ghi rõ quyền và trách nhiệm của mỗi bên. 

Một số đặc điểm chính của một hợp đồng phái sinh được trình bày trong bảng dưới đây:

Đặc điểm

Mô tả

Loại hợp đồng (Contract type)

Cam kết kỳ hạn hoặc cam kết tùy chọn (thảo luận chi tiết hơn ở Module 2, LOS 2.c).

Đáo hạn (Maturity)

Ngày diễn ra thanh toán chênh lệch giá trị vị thế hoặc chuyển giao tài sản cơ sở.

Đối tác (Counterparties)

Các pháp nhân tham gia hợp đồng phái sinh.

Tài sản cơ sở (Underlying asset)

Tài sản được sử dụng để xác định giá trị cho hợp đồng phái sinh.

Quy mô hợp đồng (Contract size)

Khối lượng tài sản cơ sở được sử dụng để tính toán giá trị vị thế và giá của hợp đồng phái sinh.

Giá thực hiện (Exercise price)

Giá thỏa thuận trước được sử dụng để thực hiện thanh toán chênh lệch giá trị vị thế hoặc chuyển giao tài sản cơ sở.

 

3. Các cơ hội đầu tư công cụ phái sinh

Thị trường phái sinh mở rộng các cơ hội sẵn có cho cho những người tham gia thị trường để cá nhân hóa mức độ rủi ro đối với tài sản cơ sở theo nhiều cách: 

  • Nhà đầu tư có thể bán khống để hưởng lợi từ sự sụt giảm giá trị dự kiến ​​của tài sản cơ sở.

  • Nhà đầu tư có thể sử dụng chứng khoán phái sinh như một công cụ để đa dạng hóa danh mục đầu tư.

  • Các tổ chức phát hành có thể bù đắp hoặc vô hiệu hóa rủi ro thị trường tài chính liên quan đến giao dịch thương mại (gọi tắt là phòng ngừa rủi ro).

  • Những người tham gia thị trường có thể có quyền sở hữu tài sản cơ sở với số tiền chi ra tương đối nhỏ.

  • Các công cụ phái sinh thường có chi phí giao dịch thấp hơn và thường có tính thanh khoản cao hơn các giao dịch trên thị trường giao ngay.

 

4. Tài sản cơ sở của công cụ phái sinh

Ví dụ về các tài sản cơ bản và các biến thể khác nhau của hợp đồng phái sinh và bản chất của rủi ro mà chúng chuyển giao hoặc điều chỉnh được đưa ra dưới đây:

Tài sản cơ sở

Rủi ro được chuyển giao hoặc điều chỉnh

Ví dụ

Cổ phiếu

Sự không chắc chắn của giá trị cổ phiếu hoặc chỉ số trong tương lai.

Hợp đồng kỳ hạn cho chỉ số S&P 500.

Trái phiếu

Sự không chắc chắn của giá trái phiếu trong tương lai.

Hợp đồng kỳ hạn cho trái phiếu kho bạc US kỳ hạn 30 năm.

Lãi suất

Sự không chắc chắn về thay đổi của lãi suất.

Hợp đồng kỳ hạn lãi suất (FRA).

Tỷ giá tiền tệ

Sự không chắc chắn về giá trị của một đơn vị tiền tệ.

Hợp đồng kỳ hạn lãi suất.

Hàng hóa

Sự không chắc chắn về giá hàng hóa.

Hợp đồng kỳ hạn cho dầu hoặc ngô.

Phái sinh tín dụng

Rủi ro tín dụng.

Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS).

Khác

Rủi ro hoạt động, rủi ro danh mục đầu tư

Thời tiết, tiền điện tử, tuổi thọ của tài sản.

 

[LOS 1.b] Mô tả các đặc điểm cơ bản của thị trường phái sinh và so sánh thị trường phái sinh phi tập trung (OTC market) và thị trường phái sinh tập trung (Exchange-traded market)

1. Thị trường phái sinh tập trung (Exchange-traded market)

Các công cụ phái sinh được giao dịch tập trung (centralized) và có kiểm soát trên sàn giao dịch (exchange). Quy trình giao dịch và hợp đồng phái sinh đều được tiêu chuẩn hóa (standardization) và tất cả các giao dịch đều được thực hiện qua trung tâm thanh toán bù trừ (clearinghouse).

Các đặc điểm của thị trường tập trung:

  • Thanh khoản cao 

  • Các quy định pháp lý chặt chẽ 

  • Chi phí giao dịch thấp 

  • Tính linh hoạt thấp (do các hợp đồng được tiêu chuẩn hóa)

  • Rủi ro đối tác gần như không có (do có trung gian – Central counterparty đứng ra dàn xếp hợp đồng và thanh toán giữa 2 bên)

  • Các nhà môi giới (nhà tạo lập thị trường) và các nhà đầu cơ là các thành phần quan trọng của thị trường, trong đó: Các nhà môi giới mua tại giá thấp và bán với giá cao để kiếm được lợi nhuận ngắn hạn. Các nhà đầu cơ chấp nhận các rủi ro mà họ đã lường trước để kiếm được lợi nhuận (rủi ro cao thì lợi nhuận cao).

  • Tính minh bạch cao (các thông tin giao dịch được công bố trên sàn) → Hạn chế về quyền riêng tư.

 

2. Thị trường phái sinh phi tập trung (OTC market)

2.1. Đặc điểm cơ bản của thị trường phi tập trung

Các công cụ phái sinh được giao dịch phi tập trung và dựa trên thỏa thuận trực tiếp giữa hai bên mà không thông qua sàn giao dịch hay một trung gian nào khác. Vì vậy, mỗi hợp đồng sẽ có mức độ riêng biệt (customization) và linh hoạt (flexibility) hơn so với các hợp đồng giao dịch trên sàn.

Các đặc điểm của thị trường phi tập trung:

  • Thanh khoản thấp 

  • Các quy định pháp lý không chặt chẽ 

  • Chi phí giao dịch cao 

  • Tính linh hoạt cao (do các hợp đồng được riêng biệt hóa)

  • Có phát sinh rủi ro đối tác 

  • Các nhà môi giới (thường là các ngân hàng) là thành phần quan trọng của thị trường, trong đó họ vừa là người mua vừa là người bán những hợp đồng mang tính riêng biệt hóa này cho bên còn lại tham gia hợp đồng, và sau đó tìm cách phòng ngừa (hoặc loại bỏ) rủi ro của họ.

  • Tính minh bạch thấp → Nâng cao quyền riêng tư.

2.2. Sự xuất hiện của trung tâm thanh toán bù trừ

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các cơ quan quản lý toàn cầu đã thiết lập bên thanh toán bù trừ cho hầu hết các công cụ phái sinh OTC. Do đó CCP được ra đời nhằm bảo đảm giảm thiểu rủi ro tín dụng giữa các đối tác trong hợp đồng phái sinh, cụ thể CCP cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ cho hầu hết các hợp đồng phái sinh OTC.

  • Ưu điểm: Duy trì tính linh hoạt và khả năng riêng biệt hóa của thị trường OTC đồng thời có các tính năng minh bạch, tiêu chuẩn hóa và giảm rủi ro của thị trường ETD.

  • Nhược điểm: Rủi ro tập trung ở trung tâm thanh toán bù trừ, do họ đóng vai trò thanh toán bù trừ giữa các bên nên vẫn hiện hữu rủi ro họ không thể đảm bảo giao dịch.

 

3. So sánh giữa hai loại thị trường

Bảng dưới đây tổng kết lại các đặc điểm khác biệt chính giữa hai loại hình thị trường.

 

Giao dịch trên sàn

Giao dịch OTC

Sản phẩm giao dịch

Hợp đồng tương lai

Hợp đồng quyền chọn

Hợp đồng kỳ hạn

Hợp đồng hoán đổi

Thị trường

Tập trung

Phi tập trung

Mức độ chuẩn hóa của hợp đồng

Có tính chất chuẩn hóa cao

Không có tính chuẩn hóa

Linh hoạt hơn

Tính thanh khoản

Cao hơn

Thấp hơn

Quy định pháp luật

Chặt chẽ hơn

Nới lỏng hơn

Rủi ro đối tác

Gần như không có

Tính minh bạch

Khá cao

Thấp

Giờ giao dịch

Giờ giao dịch của sàn

Thời điểm bất kỳ

Các bên tham gia

Nhà tạo lập thị trường (môi giới)

Nhà đầu cơ

Nhà tạo lập thị trường